Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, Năm A (CN 26.11.2023) – Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ – Người Sẽ Ngự Lên Ngai Vinh Hiển

Bài đọc 1: Ed 34,11-12.15-17

Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên.

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

11 Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này : “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. 12 Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày người ấy ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. 15 Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. 16 Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

17 “Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, -Đức Chúa là Chúa Thượng phán-, này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.”

Đáp ca: Tv 22,1-2a.2b-3.5.6 (Đ. c.1)

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

1Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.2aTrong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

2bNgười đưa tôi tới dòng nước trong lành3và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Đ.Chúa là mục tử chăn dắt tôi,
tôi chẳng thiếu thốn gì.

Bài đọc 2: 1 Cr 15,20-26.28

Đức Ki-tô trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha, và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

20 Thưa anh em, Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. 21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. 22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. 23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. 24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. 28 Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người ; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

Tung hô Tin Mừng: Mc 11,9.10

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 25,31-46
 

Con Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?’ 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã không cho uống ; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc ; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?’ 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

 

Bài suy niệm 

Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội quay nhìn về Chúa Kitô, như điểm đến tất yếu của mọi sinh hoạt Kitô giáo.  Có thành công gì chăng nữa mà không quy kết về Chúa Kitô thì coi như “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì“, tất cả sinh hoạt của người tín hữu được định hướng quy về Chúa Kitô, Thủ lãnh.  Sách tiên tri Êdêkien mở đầu phụng vụ hôm nay nói về thủ lãnh chăn chiên: “Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ.  Con nào mất Ta sẽ đi tìm, con nào đi lạc Ta sẽ đưa về, con nào bị thương Ta sẽ băng bó” (x. Bài Đọc 1. Ed 34,11-12.15-17), hợp với lời Đức Giêsu khẳng định : “Ta là người chăn chiên tốt lành”.  Hình ảnh này xem ra tương phản với hình ảnh ngày phán xét mà bài Tin Mừng Mát-thêu nói đến, Con Người ngự đến trong vinh quang, “Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”(x. Mt 25,31-46). 

Nhưng thực tế, thế giới chúng ta sống có tách biệt làm đôi hay không?  Qua thông tin báo đài biết được, nơi đây mưa nhiều, bão lụt, sụt lở đất đai, mất mùa đói khát, nơi kia hạn hán thiếu nước trầm trọng, cháy rừng, nơi nọ khiếu kiện, dân oan ca thán, tranh chấp biển Đông, Kitô hữu Iran và Syria bị sát hại vì khủng bố Hồi giáo quá khích IS, bệnh dịch Ebola hoành hành ở Tây Phi, còn chúng ta vẫn sống bình an như không có gì phải quan tâm.  Bài Tin Mừng hôm nay mang tính tiên tri lên tiếng cảnh giác thời đại chúng ta, sứ điệp Tin Mừng cuối năm phụng vụ nói đến việc Đức Giêsu sẽ đến vào ngày quang lâm, ngày thế mạt để phán xét kẻ sống và kẻ chết, theo một tiêu chí duy nhất: thực thi bác ái đối với tha nhân. 

Điều gây ngạc nhiên trong Tin Mừng hôm nay là Đức Giêsu đồng nhất mình với những kẻ bé mọn, nghèo hèn, đói khát, tù rạc, Chúa đến qua sự liên đới với tha nhân , qua cư xử với người hèn mọn và Người tiếp tục đến trong thế giới chúng ta, như thể Thiên Chúa có “bàn tay” nhờ bàn tay của chúng ta.  Phụng vụ không mời gọi chúng ta đi vào một giấc mơ buồn tẻ của ngày tận thế, nhưng mời gọi chúng ta có cái nhìn trong sáng và mới mẽ về thế giới chúng ta sống.  Chúng ta cần phải sống tình liên đới, xây dựng công lý và tình yêu dựa trên những tiêu chí khác hơn là chỉ quy về chính mình.

Tin mừng nói đến sự tách biệt, Thiên Chúa tách biệt là để sáng tạo, chủ đề này có ngay trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa phân ánh sáng ra khỏi bóng tối, phân nước dưới bầu trời và trên bầu trời, phân đất liền ra khỏi biển, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ như thế đó. 

Bài Tin mừng nói: Thiên Chúa tách biệt chiên khỏi dê, làm chúng ta liên tưởng đến việc Thiên Chúa tạo dựng một dân mới, dân sống bằng tình yêu đối với tha nhân, và đặt họ vào trong  trời mới đất mới,  một thế giới mới xây dựng trên cở bản tình yêu và tình huynh đệ.   Lòng thương xót và sự chia sẻ miếng cơm manh áo đóng vai then chốt trong công trình cứu độ.  Điểm then chốt trong việc cứu độ không phải là thuộc về một tôn giáo, một sắc dân hay một văn hóa nào đó, nhưng là tương quan tốt đối với anh em, nhất là đối với những kẻ nghèo nàn nhất, nhỏ mọn nhất.  Phép Rửa tội và Thêm sức dĩ nhiên là cần tiết cho ơn cứu độ, tuy nhiên thực thi bác ái là chóp đỉnh hoàn tất đời sống Kitô hữu giúp Kitô hữu cùng làm vua với Chúa Kitô, Vua Tình thương.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập chú vào những con người chưa biết đến Thiên Chúa mà vẫn thuộc về Đức Kitô, được Đức Chúa tuyên dương vì đã làm việc thiện, thực thi bác ái, đó là các Kitô hữu vô danh.  Như thế Chúa Kitô đề xuất một quan niệm mới về phán xét: kẻ nào làm anh em với tha nhân, cho dù có ý thức hay không ý thức, kẻ đó đều thuộc về Thiên Chúa.  Trong tương quan với tha nhân, người Kitô hữu trở nên dấu chỉ và bộc lộ sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đức tin làm cho người Kitô hữu sống mạnh mẽ, ý thức và xác tín hơn cường độ thần thiêng tương quan huynh đệ hằng ngày, vì Chúa đến và hiện diện trong những tiếp xúc liên vị hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết trân trọng tha nhân, biết đón tiếp và mau mắn giúp đỡ, vì tha nhân đó chính là Chúa Giêsu Kitô đang thiếu thốn và cần được con tỏ tình huynh đệ. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

PHÁN XÉT

Suy niệm
Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng tới lúc mẹ nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã “tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.
Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tối của những cuộc đời không còn nước mắt nữa để khóc thương cho sự khốn cùng của mình.
Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.
Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát và mù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựa và đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê; những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác và bị đẩy ra bên lề xã hội.
Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.
Martin Luther King, là Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964, ông đã nói lên sự thật như sau: “Thế giới đang chìm đắm trong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ, khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân; khi không dám lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân,v.v… Chúng ta có dám rửa tay nói mình là người sạch tội không?
Mọi người chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác ngoài tình yêu, nghĩa là những gì đã làm hay không làm cho anh chị em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp Ngài, đó là nẻo đường của lòng thương xót”. Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta:“Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để biết được ai là con cái thật của Ngài. Lòng thương xót“chính là nền tảng của đời sống Hội Thánh”, “là sự tròn đầy của đức công chính và là biểu lộ rực rỡ nhất sự thật về Thiên Chúa”. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” (GE 105).
Thánh Tôma cho biết, việc làm thương xót đối với tha nhân thậm chí còn hơn cả hành vi thờ phượng: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa …không phải đem lại ích lợi gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân… Lòng thương xót khiến ta đáp ứng cho những nhu cầu của người khác, là sự hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp đến hạnh phúc của tha nhân” (Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4).
Bài học Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với mọi người, ta hãy làm mọi việc cho họ như làm cho chính
Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hoạt động của mình để làm nổi bật lòng thương xót, hay nói sâu sát hơn là trở nên lòng thương xót của Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu.

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân gắn liền với bản thân con,
trong mọi mối liên hệ của đời sống,
đều được Chúa yêu thương và cứu chuộc,
nên tất cả cũng đều thuộc về Ngài.
Đời con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong mối tình liên đới với tha nhân,
trong hân hoan hay khổ sở buồn rầu,
trong bình an hay lo âu của họ,
Số mệnh của đời con đều tùy thuộc,
vào những gì đã sống cho người khác,
vào những gì mà con đã hiến dâng,
để đem lại tươi tốt cho nhân trần.
Rồi đây tới ngày Chúa phán xét,
cũng sẽ dựa vào những điều ấy thôi,
để phân biệt người lành hay kẻ dữ,
để thưởng công hay xử phạt muôn đời.
Chúa nhân từ đã cúi xuống đời con,
đời tăm tối và hư vô tội lỗi,
để cho con thoát khỏi kiếp đơn côi,
làm sáng lên một cuộc đời tươi mới.
Nên con cần phải cúi xuống thật sâu,
đỡ nâng dậy bao người đang khốn khổ,

giúp họ thoát được nỗi sầu vạn cổ,
để buồn thương không còn chỗ trong đời.
Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
dám cho đi và chia sẻ thật nhiều,
biết giúp đỡ ai lầm than túng thiếu,
cho cuộc sống hôm nay bớt tiêu điều,
để Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen.

WGPKT(22/11/2023) KONTUM