Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu.
Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en.
13Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.
14Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị ;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một ;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
Đ.Chúa là vua hiển trị,
Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào.
1abChúa là Vua hiển trị,
Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào,
Người lấy dũng lực làm cân đai.
Đ.Chúa là vua hiển trị,
Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào.
1cChúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển.2Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa :
Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.
Đ.Chúa là vua hiển trị,
Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào.
5Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững,
nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện
triền miên qua mọi thời.
Đ.Chúa là vua hiển trị,
Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào.
Vị Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian đã làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
5 Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, 6 làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người : kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men ! 7 Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế ! A-men !
8 Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.”
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Ha-lê-lui-a.
Chính ngài nói rằng tôi là vua.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
33b Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng : “Ông có phải là vua dân Do-thái không ?” 34 Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” 35 Ông Phi-la-tô trả lời : “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” 36 Đức Giê-su trả lời : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi : “Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giê-su với tước hiệu “Vua vũ trụ”. Danh xưng này thoạt nghe không mấy thiện cảm đối với chúng ta, vì trong lịch sử, các ông vua thường là gian ác, ăn chơi sa đọa và hèn nhát.
Vị Vua Giê-su không giống như thế. Vị Vua này là bạn hữu của những người nghèo, người thu thuế, những bệnh nhân, những người tù và những người bị loại trừ ra khỏi xã hội. Vị Vua Giê-su đã làm những việc khác thường, thậm chí là ngược đời: Người quỳ gối trước mặt các môn đệ để rửa chân cho họ; Người vất vả đi tìm kiếm con chiên bị lạc; Người đã khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13); và cuối cùng, Người đã hiến thân mình, đổ máu đào để cứu chuộc muôn người. Nhờ sự chết và sự sống lại của Người, Người đã mở một con đường đi đến thế giới mới mà Người gọi là Nước Trời.
Trước đó bảy thế kỷ, vương quyền của Đức Ki-tô đã được ngôn sứ Đa-ni-en tiên báo (Bài đọc I). Vị ngôn sứ gửi một thông điệp vui đến với những người Do Thái đang ngờ vực tình thương của Thiên Chúa, vì họ sống trong lầm than đau khổ của kiếp lưu đày. Đa-ni-en đã đem lại cho họ lòng can đảm và niềm hy vọng. Ông loan báo về một “Con Người” sẽ ngự đến, Đấng sẽ nâng họ lên và phục hồi phẩm giá của họ như xưa. Sau này, các Ki-tô hữu hiểu danh xưng “Con Người” là chính Chúa Giê-su, vì Người đã nhiều lần dùng danh xưng đó.
Bài đọc II trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ giải thích với chúng ta rõ hơn về “Con Người” được nêu trong sách Ngôn sứ Đa-ni-en. Đó là Đức Ki-tô vinh quang, đánh bại mọi quyền lực ác thần. Người đã chiến thắng tội lỗi và thần chết. Người muốn cho chúng ta được dự phần vào chiến thắng của Người. Cùng một bối cảnh như sách ngôn sứ Đa-ni-en, sách Khải Huyền được viết cho các Ki-tô hữu đang chịu bách hại và truy sát ở cuối thế kỷ thứ nhất. Tác giả muốn khích lệ động viên các tín hữu, đồng thời giúp họ nhận ra một điều: tình yêu và lòng trung thành sẽ chiến thắng mọi sự dữ.
Thánh Gio-an trong Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và Phi-la-tô. Những người Do Thái tố cáo Chúa đã từng xưng mình là vua dân tộc họ, để vin vào đó kết án Người là kẻ thù của vua Xê-da. Họ cũng tố cáo Chúa đã xách động dân chúng. Trước những lời vu khống này, Chúa Giê-su không thanh minh, không lập luận, mà chỉ khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…tôi không có và không cần những cận vệ xung quanh tôi”. Trong cuộc đối chất này, Chúa Giê-su và Phi-la-tô không cùng một quan điểm về vương quyền và vương quốc. Đối với Chúa Giê-su, Người là đại diện của Chúa Cha ở giữa Dân Ngài. Chúa Giê-su là một vị Vua, như một mục tử cho toàn nhân loại. Người quan tâm và yêu thương hết mọi người bằng tình yêu dịu dàng trìu mến. Vương quốc của Người sẽ biến đổi những ai thiện chí muốn bước vào.
Trong xã hội của chúng ta hôm nay, còn có rất nhiều người từ chối vương quyền của Đức Ki-tô. Người ta viện nhiều lý do để biện minh cho sự dửng dưng tôn giáo. Khi đức tin vào Thiên Chúa đã mờ nhạt, người ta dễ dàng sống buông thả và không còn tôn trọng những chuẩn mực luân lý đạo đức.
Là Ki-tô hữu, chúng ta tin vào Vương quốc vĩnh cửu của Đức Giê-su. Vương quốc ấy đã khai mở ở trần gian, như lời rao giảng của Người: “Triều đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Ki-tô hữu là người góp phần xây dựng Vương quốc của Chúa, khi chúng ta nhiệt thành sống Tin Mừng, hăng say giới thiệu Chúa cho những người xung quanh. Vũ khí Chúa Giê-su đã dùng để chinh phục lòng người, đó tình yêu thương, thể hiện qua sự chữa lành tâm hồn và thể xác, với cánh tay giang rộng để ôm lấy toàn thể nhân loại, giúp cho các tội nhân được phục hồi, người đau khổ bất hạnh lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Để được Thiên Chúa ngự trị nơi tâm hồn và cuộc đời, chúng ta phải lắng nghe lời mời gọi của Ngài và phải sám hối trở về. Cùng với Ngài, cuộc đời chúng ta đã sang trang và trở nên con người mới.
Như người “trộm lành” trên cây thập giá, chúng ta cùng thân thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến con”, và chắc chắn chúng ta sẽ được nghe lời yêu thương của Chúa nói với chúng ta: “Thầy bảo thật, hôm nay con sẽ được ở với Thầy trên Thiên đàng” (Lc 23,42-43). Đó là niềm hy vọng và ước nguyện sâu xa nhất của Ki-tô hữu chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Hành trình hướng về Nước Trời. Như người tài công điều khiển chiếc tàu thủy luôn phải định hướng để tàu không trệch xa mục đích nhắm đến. Hành trình hướng về Nước Trời cũng vậy, lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ kết thúc chu kỳ phụng vụ hằng năm, Giáo Hội hướng chúng ta nhìn về Đức Giêsu như tận điểm của thời gian, của vũ trụ và của sinh hoạt Giáo hội. Lý tưởng sống của người Kitô hữu là quy hướng mọi hoạt động về Đức Giêsu Kitô Vua.
Vạn vật phải quy phục Đức Giêsu, Người là an-pha và ômêga, là đầu hết và cùng tận, là Chủ tể mọi loài trên trời dưới đất, là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại : “Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (xem Bài Đọc 1. Đn 7, 13-14). Người cứu độ nhân loại bằng tình yêu vô biên của Người, bằng cái chết treo trên thập giá Người mang lại cho nhân loại sự sống đời đời, nơi Người ước vọng trường sinh của con người được thể hiện: “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một” (x. Bài Đọc 1). Con người trần gian dù có thành công bao nhiêu đi chăng nữa về mặt kinh tế, chính trị xã hội, hay giàu sang mấy đi chăng nữa, mà không quy kết vào Đức Giêsu Kitô, không gặp gỡ Đức Giêsu Kitô thì kể bằng không không vậy, vì “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”.
Dân Do thái đã có kinh nghiệp về vua, về chế độ quân chủ, họ đã có những vị vua được Thiên Chúa xức dầu như Saolê, Đavít, Salômon, các quân vương này cho người Do thái thấy sức mạnh hùng hậu và quyền lực chính trị trần thế. Cho nên khi mất chủ quyền, họ ở dưới gót giầy đô hộ của quân đội Rôma, người Do thái ao ước có được một vị vua anh minh lãnh đạo để dân tộc được độc lập tự do, trái lại người Rôma thì lo sợ khi biết vua Do thái mới xuất hiện. Cho nên trong vụ án xét xử Đức Giêsu khi Người bị điệu ra trước tòa tổng trấn Philatô là người Rôma, ông nầy hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Khi tra cứu nguồn gốc lời tố cáo này, Philatô thấy lời tố cáo đó thuộc nội bộ Do thái, chứ không phải là chuyện chính trị, vì Đức Giêsu trả lời phủ định: “Nước tôi không thuộc về thế gian nầy … Nước tôi không thuộc chốn nầy”.
Nhưng Người khẳng định mình là vua khi trả lời câu hỏi của tổng trấn: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (x. Bài Tin Mừng. Ga 18, 33b-37 ). Đức Giêsu có sứ mệnh làm chứng cho sự thật về Thiên Chúa, tức là có sứ mệnh mặc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa là Tình Thương, là lòng thương xót, là Đấng cứu chuộc nhân loại. Đức Giêsu không đến để cạnh tranh ngai vàng, nhưng là vua thực thi tình thương của Thiên Chúa. Người Do thái đã ngộ nhận về tước vị ‘vua’ và đã tròng vào cổ Đức Giêsu tội xúi dân làm loạn chống lại chính quyền Rôma thời bấy giờ. Thật oan nghiệt cho Đức Giêsu !
Đức Giêsu làm vua mà đâu có cạnh tranh hay thù địch gì với hoàng đế Xêdarê, Người không trang bị vũ khí, không xâm lăng hay lấn đất giành dân, không đi vào lãnh vực chính trị, là lãnh vực của thế gian nầy. Nước của Đức Giêsu không như người Do thái mong đợi, không như Philatô quan niệm. Nước của Đức Giêsu đến từ nơi Người sinh ra và từ đó Người đã đến trong thế gian. Nước ấy được thiết lập nhờ lời Người mặc khải về Thiên Chúa. Những ai đón nhận Lời Người thì trở nên công dân Nước Thiên Chúa. “Lời” ở đây được hiểu về chính Đức Giêsu. Như vậy có thể hiểu rằng Nước Thiên Chúa là chính Đức Giêsu. Ai chấp nhận Đức Giêsu thì thuộc về Nước Thiên Chúa, và Người là Vua của họ.
Ý nghĩa mới về Vua Giêsu. ‘Vua’ là ý niệm vay mượn từ chế độ xã hội quân chủ, ý niệm loại suy từ ‘vua’ trần gian, được dùng để chỉ con người trổi vượt cao nhất trong một thể loại, như vua bóng đá, vua quần vợt, vua Xe hơi …. Vua Giêsu được hiểu theo ý đó: Người là vua phục vụ hy sinh chịu chết cho thần dân để cứu độ nhân loại. Người bị kết án và bị đóng đinh thập giá trong ý thức về cái chết của mình, Người đón nhận cái chết trong tự do dâng hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Người đã lên ngôi khi bị treo trên thập giá, vương miện của Người là vòng gai đội đầu, Người hoàn toàn tự do khi chân tay bị đóng chặt vào thập giá. Trong thể loại yêu thương, có ai đã vượt trội hơn Người : “Người đã yêu mến chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (x. Bài Đọc 2. Kh 1, 5-8).
Thánh giá đã trở nên khí cụ và dấu chỉ biểu tượng cho tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với chúng ta, chưa có ai đã làm sự hy sinh cao cả như vậy để thực hiện tình yêu. Người xứng đáng danh hiệu Giêsu Vua Tình Yêu. Giáo Hội suy tôn Đức Giêsu Kitô là vua theo nghĩa đó. Người là vua toàn năng thương xót và tha thứ (ĐGH Phanxicô.Tông sắc Lòng Thương Xót của Chúa. 2015).
Lạy Chúa Giêsu Kitô Vua Tình Yêu xin cho con hiểu tình yêu hiến mạng của Chúa và chọn lựa Chúa hơn vàng bạc châu báu, quyền chức trên thế gian nầy. Amen
Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (Gx Đức An, Pleiku)
—————————-