Con Chiên Của Thiên Chúa (19.01.2020 – Chúa Nhật II TN – Năm A)

Nhìn mà không thấy, biết mà không hiểu.

Trong thường nhật cuộc sống có khi chúng ta nhìn mà không thấy, biết mà không hiểu.  Chúa Nhật thứ 2 mùa Thường Niên nêu cho chúng ta chứng cứ nầy, đây là kinh nghiệm của ông Gioan Tẩy Giả khi nói về Đức Giêsu, là người họ hàng của ông.  Chắc hẳn cả hai đã có thời kỳ niên thiếu bên nhau, biết nhau trong sinh hoạt, thế mà ông Gioan đã hai lần phát biểu trong bài Tin mừng, làm chúng ta sửng sốt: “Tôi đã không biết Người” (Bài Tin Mừng Ga 1, 29-34). 


Nhất thiết phải có biến cố nào đó khiến ông Gioan Tẩy Giả thay đổi cái nhìn và sự phỏng đoán của ông về đấng Mêsia.  Lời khẳng định: “Tôi đã không biết Người”, làm chúng ta thắc mắc không ít, vì trước đây ông Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng: “Đây Chiên Thiên Chúa đây đấng xóa bỏ tội trần gian” và ông trình bày Đấng Mêsia như một vị quan tòa nghiêm khắc, Người cầm nia để sàng trấu lép bỏ vào lửa, như rìu đã đặt ở gốc sẵn sàng đốn ngã cây không sinh trái

 

Nhưng khi ngồi tù, ông Gioan lại nghe báo cáo về việc làm và cách hành xử của Đức Mêsia khác xa những gì ông quan niệm.  Đức Giêsu đó đi lại với quân tội lỗi, đồng bàn với người thu thuế và khoan dung với tội nhân.  Thực tế và quan niệm có trong đầu khác xa nhau.  Để cân bằng chênh lệch giữa quan niệm và thực tế về đấng Mêsia, ông đã sai môn đệ tới phỏng vấn Đức Giêsu: “Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng khác?”  Đức Giêsu đã dùng lời sấm của tiên tri Isaia để trả lời cuộc phỏng vấn: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ điếc nghe được, người què đi được, bệnh nhân được chữa lành và người chết sống lại”.  Những việc làm ngoại thường nầy chứng tỏ Người là đấng Mêsia phải đến, như Sách Thánh đã tiên báo, bởi vì việc làm định nghĩa con người, công việc minh chứng nhân cách của tác nhân.

 

Biến cố nơi sông Giođan, khi nhìn thấy Đức Giêsu hoà mình vào dòng người sám hối xin chịu thanh tẩy, phản ứng của Gioan là nhận thấy mình bất xứng để ban phép rửa thống hối cho Đức Giêsu, ngay cả việc cởi quai dép cho Người, ông cũng không xứng đáng.  Chính Đức Giêsu dấn tới, ông Gioan mới nhượng bộ và lấy nước làm phép rửa cho Người.  Cuộc đối thoại ngắn gọn giữa hai nhân vật cho chúng ta thấy ông Gioan biết gốc gác thần linh của Đức Giêsu.

Nhưng sự kiện xảy ra khi Đức Giêsu lên khỏi nước, được ông Gioan xác nhận: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.   Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (câu 32-33).  Nhận thấy sự khiêm hạ nối đuôi xếp hàng như bao nhiêu hối nhân khác, kiên nhẫn chờ đợi đến phiên mình lãnh nhận phép rửa và cách sống bao dung của Đức Giêsu nhất là sự việc xảy ra ở  Giođan “trời mở ra”, “có tiến phán”, “bồ câu đổ xuống”, làm cho Gioan thay đổi quan niệm về tư cách của đấng Mêsia.  Thay vì một Mêsia nghiêm khác như ông quan niệm, ông đón nhận một Mêsia hiền lành và khiêm cung.

 

Từ đó, ông Gioan đã thay đổi quan niệm về đấng Mêsia, ông thoáng thấy Đức Giêsu là con chiên bị đem đi giết, là Người Tôi Tớ của Giavê, là  đấng Mêsia mang thân phận con Chiên của Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian để xoá bỏ tội lỗi.  Những cảm nhận nầy nhắc nhớ con chiên vượt qua bị sát tế trong đêm Xuất Ai cập, máu chiên đổ ra, ghi trên cửa nhà đã cứu người con đầu lòng của mỗi gia đình Do thái.  Ông Gioan Tẩy Giả đã không biết đến Đấng Mêsia nhân từ đó! “Tôi đã không biết Người”.  Ông nhầm lẫn về sứ mệnh của Đấng Mêsia, ông cứ tưởng sẽ có một đấng Mêsia đầy quyền lực, để trừng phạt theo kiểu quan tòa nghiêm khắc bất bao dung, không biết khoan nhượng, luôn có bộ mặt hình sự cáo tội hơn là bào chữa cho bị can. 

 

Cho đến ngày hôm nay, người ta cũng còn nhầm lẫn về Thiên Chúa, người ta muốn biến Thiên Chúa thành thế lực chính trị, kéo lôi Người về phe mình để trị tội kẻ khác.  Thiên Chúa không liên minh quân sự với phe nhóm nào cả, Người liên đới với con người cần được cứu độ khỏi vòng nô lệ tội lỗi.  Thật ra trong cuộc sống, có lần Người đồng bàn với hạng tội lỗi cần được yêu thương và tha thứ, Người mang lấy tội lỗi nhân loại.  Trong nhãn quan đó chúng ta hiểu được lời giới thiệu của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (câu 29). 

 

Gương mặt hiền hậu và nhân từ nầy phản ánh phần nào trong các diễn văn, trong các bài huấn đức, trong cử chỉ cúi xuống ôm hôn người khuyết tật, những hành động đầy cảm thông và yêu thương của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đương nhiệm đối với người bất hạnh như muốn xóa đi một quan niệm Giáo Hội quyền bính, triều đại xa cách dân đen, như muốn xích lại gần với giới nghèo theo truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội từ ban đầu, như muốn mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu trong tư cách cứu thế.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân làm Con Chiên cứu chuộc trần gian.  Nhờ đó chúng con đã được rửa sạch tội lỗi và được làm hoà với Thiên Chúa.  Chúng con xin cảm tạ Chúa và cố gắng bắt chước sống thân phận của Con Chiên Thiên Chúa biết cảm thông và liên đới với tha nhân. Amen

Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, Đức An

WGPKT(19/01/2020) KONTUM