Lương Thực (02.08.2020 – Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm A)

     Lương thực là chủ đề phụng vụ hôm nay, một chủ đề thiết thực cho mọi cuộc sống nhân loại. Cơm bánh gắn liền với sự sống.  Đức Giêsu không phải là thần nông nghiệp cấp phát lương thực vật chất, nhưng Người là đấng ban sự sống.  Để minh chứng điều đó, Đức Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng một cách khá ngoạn mục và phong phú. 

     Trình thuật xảy ra trong khung cảnh sa mạc, vào thời điểm ông Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê trảm quyết, Đức Giêsu sau khi lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện, sau đó Người gặp lại dân chúng, Người chạnh lòng thương chữa lành bệnh tật của họ và nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.

     Vào buổi chiều khi nắng đã tắt Đức Giêsu giải tán dân chúng sau nhiều ngày nghe Người giảng dạy, các môn đệ xin cứ để dân tự túc tìm thức ăn.  Người trả lời: “Anh em hãy cho họ ăn đi”.  Nhưng lấy đâu ra bánh trong hoang địa, khả năng nhân loại chỉ có thể là giải tán dân chúng, vì đang ở trong sa mạc làm gì có cơm hộp, mì tôm, bánh phở.  Tuy nhiên đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được.  Thiên Chúa toàn năng trong sáng tạo cũng toàn năng trong giải quyết mọi bế tắc.

     Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá của một thiếu niên mang theo, : “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.  Ai nấy đều ăn và được no nê… còn thừa mười hai giỏ đầy.” (x. Bài Tin Mừng Mt 14,13-21).  Việc làm hôm đó đã được ngôn sứ Isaia tuyên sấm sáu thế kỷ trước: “Đến cả đi hỡi những người đang khát …  đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào … Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu” (x. Bài Đọc 1. Is 55,1-3). 

     Lời sấm của một tiên tri luôn luôn có điều bí ẩn khó hiểu, nhà tiên tri nói đến  sự “miễn phí”, khỏi trả tiền mua  rượu và sữa.  Điều nầy dễ hiểu, nhưng tại sao ngôn sứ lại nói đến : “sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu”.  Câu này đáng chúng ta tìm hiểu sâu rộng hơn.

     Ngôn sứ Isaia loan báosẽ lập một giao ước vĩnh cửu”, nghĩa là trước đây đã có những giao ước khác tạm thời, lời sấm ám chỉ đến giao ước vĩnh cửu sau này sẽ được Đức Giêsu thiết lập trong bữa tiệc cuối đời của Người, một lần duy nhất có giá trị vĩnh hằng.  Để sáng tỏ hơn, chúng ta so sánh phép lạ hóa bánh ra nhiều và việc lập phép Thánh Thể trong Bữa tiệc ly (Mt 26, 20).  Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra công thức và từ ngữ rất giống nhau trong việc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và lời truyền phép trong Bữa tiệc ly.  Cả hai đều là phép lạ ở hai cấp độ khác nhau, một xảy ra trong sự vật và một trong tâm linh. Trình thuật hóa bánh ra nhiều là hình bóng giúp hiểu về Bánh ban sự sống, tức phép Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ thiết lập. 

     “Chiều đến” Chúa Giêsu vào bàn tiệc với các môn đệ trong bữa ăn sau hết.  “Người cầm lấy bánh”, “đọc lời chúc tụng”, “bẻ ra” và “trao cho các môn đệ (Mt 26, 26).  Những lời nói và cử chỉ trong bàn Tiệc ly không khác mấy với trình thuật làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Đó cũng là những cử chỉ và công thức trong lễ nghi “Bẻ Bánh” của các tín hữu đầu tiên trong các buổi họp phụng vụ cử hành lễ tế tạ ơn, tức cử hành bí tích Thánh Thể. 

     Bí tích Thánh Thể chính là Giao Ước Vĩnh Cửu đã được Đức Giêsu thiết lập cho đến muôn đời; và Giáo Hội mỗi ngày cử hành Giao ước vĩnh cửu đó cách nhiệm mầu không đổ máu trên bàn thờ với hiệu năng như trên Thập giá xưa.  Bí tích Thánh thể là lương thực nuôi sống Giáo Hội, nuôi sống người Kitô hữu một cách phong phú và “miễn phí”. 

     Việc thiết lập “Giao Ước Vĩnh Cửu” cũng đã được ngôn sứ Isaia tiên báo sáu trăm năm trước khi sự kiện xảy ra trong phòng Tiệc Ly.  Giáo hội mỗi lần họp nhau đều cử hành phép Thánh Thể quy tụ cộng đoàn tín hữu, nuôi sống và làm gia tăng tín hữu: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến”.  Đó là việc làm của Giáo Hội, nhưng Đức Giêsu còn đòi hỏi chúng ta hơn thế nữa.

     Thiết thực nhất với lệnh “Anh em hãy cho họ ăn đi”, ngoài của ăn vật chất con người có thể cho anh em mình một lời động viên cổ vũ, một gương lành, một lời nhắc nhủ, một sự cảm thông, một sự cúi xuống trên thân phận yếu hèn nhân loại.

     Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ đội ơn Chúa vì Chúa đã hiến thân làm của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng con, nuôi sống Giáo Hội mỗi ngày, xin cho con biết yêu mến và quý chuộng Bí Tích Tình Yêu này, và bắt chước Chúa bẻ bánh cuộc đời mình và chia sẻ cho tha nhân. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh

Lm Kontum giáo xứ Đức An

WGPKT(31/07/2020) KONTUM