Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A (CN 26.02.2023)

Bài đọc 1: St 2,7-9 ; 3,1-7

Thiên Chúa dựng nên hai ông bà nguyên tổ. Ông bà phạm tội.

Bài trích sách Sáng thế.

2 7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.

9 Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.

3 1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà : “Có thật Thiên Chúa bảo : ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?’ 2 Người đàn bà nói với con rắn : “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’” 4 Rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu ! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” 6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : họ mới kết lá vả làm khố che thân.

Đáp ca: Tv 50,3-4.5-6a.12-13.14 và 17 (Đ. x. c.3a)

Đ.Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương,
vì chúng con đắc tội với Ngài.

3Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.4Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Đ.Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương,
vì chúng con đắc tội với Ngài.

5Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.6aCon đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Đ.Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương,
vì chúng con đắc tội với Ngài.

12Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.13Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Đ.Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương,
vì chúng con đắc tội với Ngài.

14Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;17Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.

Đ.Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương,
vì chúng con đắc tội với Ngài.

Bài đọc 2: Rm 5,12-19 

Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

12 Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. 14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. 16 Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. 17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.

18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. 19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

Tung hô Tin Mừng:Mt 4,4b

Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

Tin Mừng: Mt 4,1-11

Đức Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Người đáp : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

7 Đức Giê-su đáp : “Nhưng cũng đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

(Nguồn Lời Chúa: ktcgkpv.org/)

Suy Niệm : Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

HÃY NHỚ MÌNH LÀ BỤI TRO

Con người có mối liên hệ với Thiên Chúa.
Sách Sáng Thế nhắc lại cho chúng ta biết chúng ta từ bụi đất mà ra Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên  một sinh vật (Bài đọc 1. St 2, 7-9;3,1-7).  Việc nhắc nhớ nầy không nhằm hạ nhục hay miệt thị chúng ta, nhưng kéo sự chú ý của chúng ta về hơi thở thần linh mà Thiên Chúa dùng làm cho đất sét trở nên con người sinh động và thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa.  Thật vậy khi chết đi con người trở về bụi đất.  Càng dễ ý thức hơn với những lò hỏa thiêu mau chóng đưa con người về với tro bụi.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi đặt tôi trong mối tương quan với Thiên Chúa, mối tương quan giữa thụ tạo hèn mạt và Đấng Sáng Tạo cao vời khôn ví.  Con người đầu tiên trong sách Sáng Thế như quên đi chân lý mình là bụi đất, ông bà nguyên tổ đã có kinh nghiệm về sự tự lập kiêu căng, khi từ chối tin vào lời của Đấng Tạo Hóa, thả mình phiêu lưu theo lời dụ dỗ của Xatan.  Ađam và Evà đã nhận ra mình trần truồng, đó là sự phá sản tinh thần tâm linh đạo đức, rơi vào tình trạng hư vô, cô đơn của kẻ chạy trốn Thiên Chúa.  Sa vòng tội lỗi, lìa xa Thiên Chúa.

Ađam và Evà đã thất bại trước cám dỗ của Xatan, Ađam thứ nhất đã quên thân phận bụi đất của mình và muốn bằng thần minh nên đã bại trận, Đức Giêsu xuất hiện như Ađam thứ hai, khởi đầu sứ mệnh rao giảng, được Thánh Thần hướng dẫn vào sa mạc để chịu Xatan cám dỗ và đã chiến thắng.  Ngược hẳn với Ađam và Evà, mặc cho sự hấp dẫn của những cơn cám dỗ nặng nề, Ađam Mới là Đức Giêsu đã  luôn luôn quy chiếu về Kinh thánh để tìm ý muốn của Cha, hầu thực hiện sứ mệnh cứu độ, Người đã cầu nguyện bằng lời Kinh thánh, và dùng Kinh thánh như thần lực đối lại với mưu ma chước quỹ.  Kinh thánh là khí cụ chống trả Xatan.

Khi đối đầu với các chước cám dỗ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những  hòn đá nầy  hóa bánh đi”.  Từ miệng Đức Giêsu thốt ra: “Đã có lời chép rằng …” (x. Bài Tin Mừng Mt 4,1-11).  Những cám dỗ đầu đời nầy vẫn còn bám sát cuộc đời Đức Giêsu, và cô đọng lại trong cuộc tấn công quyết liệt cuối cùng trên núi Can-vê, khi Người bị đóng đinh vào thập giá.  Vào ngày Thứ Sáu Thánh chúng ta nghe vọng lại lời thách thức của 33 năm về trước : “Nếu mày là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta tin”.  Lời cám dỗ đã gặp từ ban đầu trong sa mạc.  Như vậy từ a đến z, cuộc đời của Đức Giêsu luôn bị thách thức bởi cám dỗ.  Âu đó cũng là thân phận của mỗi chúng ta.

Cám dỗ hay tội lỗi đối với người thời đại không gợi lên một tình trạng nghiêm trọng.  Trái lại có người coi đó là sự đùa giỡn, họ quên đi rằng: “Tội lỗi gây nên sự chết” (Bài Đọc 2. Rm 5,12-19).  Quan niệm trần gian coi ‘tội lỗi là sự đùa giỡn’, ngược hẳn với quan niệm của Kitô giáo, cám dỗ và tội lỗi chiếm chỗ trung tâm trong lịch sử Ơn cứu độ.  Từ sa mạc đến Thập giá, cám dỗ là tâm điểm của đời sống Chúa Kitô.  Cám dỗ tựu trung lại là: tránh né dấn thân, chạy thoát thân phận con người mà vẫn muốn đạt đến thành công không qua đau khổ và thập giá.

 Đó cũng là cám dỗ của mỗi chúng ta, nhất là của Giáo Hội khi rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô.  Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội có khi dựa vào sức mạnh quyền bính, của uy lực tiền bạc, dựa trên những an toàn khác ngoài tình yêu và sự phục vụ người nghèo, lúc đó Giáo hội đã trở nên mờ nhạt thiếu hấp dẫn không đủ khả năng ướp muối thế gian, bởi vì Giáo Hội không theo chân Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo hèn trần trụi, bị tước bỏ tất cả quyền năng thần thiêng của mình.

Mâu thuẫn trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 4,1-11): Đấng nuôi sống cả ngàn người trong sa mạc lại không biến đá thành bánh.  Đấng mở mắt cho người mù, đã từ chối hấp dẫn thiên hạ bằng phép lạ gieo mình xuống từ nóc đền thờ.  Trước vương quốc trần thế, Người từ chối sức mạnh và quyền lực của Xêdarê, Người nhắc lại điều căn bản : “Ngươi phải thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi”.  Trước Thiên Chúa mọi gối phải bái quỳ phục lạy và tôn vinh.

Con đường tự hạ, tự hủy, con đường khiêm nhu, một lần nữa lại mở ra trước tầm nhìn của  chúng ta, như lời kêu mời bước theo, dấn thân chuẩn bị chờ đón Chúa Phục Sinh.  Nghi thức rắc tro lên đầu há chẳng phải nhắc chúng ta nhớ tới thân phận mọn hèn và con đường mình phải đi trong Mùa Chay đó sao?  Hình ảnh một giáo hoàng Phanxicô không chịu ở trong dinh giáo hoàng, mà lại ưu thích lưu trú tại nhà nghỉ Santa Marta, cũng là chút ánh sáng phản chiếu sự tự hủy của Chúa Kitô vào mùa chay thánh đó sao?

Lạy Chúa Giêsu, con đường hẹp lại rộng mở trước mắt con, như lời mời gọi dấn bước cùng Chúa vào sa mạc, nơi có nhiều cám dỗ nặng nề mà chỉ với Lời Chúa, cầu nguyện, ăn chay và bố thí mới có thể vượt thắng được mà thôi. Amen

  

Suy Niệm 2: Lm Thái Nguyên

CÁM DỖ TRONG ĐỜI

Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm A :  Mt 4, 1-11

Suy niệm

Chẳng ai mà không bị ma quỉ cám dỗ, không chỉ bị cám dỗ từ ma quỉ mà còn từ tha nhân; không chỉ bị cám dỗ từ bên ngoài mà còn bị cám dỗ từ bên trong: từ đòi hỏi do bản năng tự nhiên của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, nhưng phận người lại cao cả vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ bằng một lựa chọn đầy tự do. Nhìn lại ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, ta thấy ba phương diện của đời sống: về của ăn vật chất, về danh giá quyền hành, và về sự ỷ lại vào quyền năng Thiên Chúa. Đức Giêsu chiến thắng cả ba loại cám dỗ bằng cách dựa vào Kinh Thánh để vạch trần âm mưu của ma quỉ.

Thứ nhất là cám dỗ về của ăn vật chất. Khi biết Đức Giêsu đã đói vì những ngày chay tịnh, tên cám dỗ nói với Ngài hãy biến hóa những hòn đá thành bánh mà ăn. Đây là thứ cám dỗ sử dụng khả năng Chúa ban chỉ nhằm lợi ích cho bản thân. Như vậy, ơn Chúa ban bị độc chiếm cách ích kỷ. Khi cám dỗ ta ham mê vật chất, giàu có, ma quỉ nhằm triệt hạ đời sống tinh thần, làm cho ta quên đi sức mạnh của Lời Chúa. Với cám dỗ đầu tiên này, ma quỉ đã hạ gục ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng. Dù chẳng đói khát gì nhưng vì ham muốn của ngon vật lạ. Đây là loại cám dỗ hiệu quả nhất, phù hợp với chủ nghĩa thực dụng đang bành trướng. Trước cám dỗ này Đức Giêsu cho thấy:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Những no thỏa vật chất không thể lấp đầy sự đói khát tinh thần.

Thua keo này gầy keo khác. Tên cám dỗ bố trí cuộc tấn công thứ hai, là thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ trên nóc đền thờ. Và nó dùng chính lời Kinh Thánh là: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” (Tv 91,11). Khi cám dỗ chúng ta ham hố danh giá bằng cách làm những việc ngoạn mục để thu hút dân chúng, hoặc lợi dụng quyền lực và uy thế của mình để sống trên người khác, ma quỉ làm cho chúng ta quên mất mình là con cái Thiên Chúa, khiến ta trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Không có Lời Chúa định hướng và làm nguyên tắc cho đời sống, ta dễ chạy theo thế gian, sống theo thế gian. Chỉ có Lời Chúa mới kịp thời cảnh tỉnh ta, để khỏi rơi vào mê hồn trận của ma quỉ. Vì thế trước cám dỗ này, Đức Giêsu cũng dùng chính Kinh Thánh để đối lại: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Dnl 6, 16). Thử Chúa là một thái độ ngông cuồng. Cứ lao mình vào chỗ nguy hiểm, hoặc hành động cách cẩu thả, liều lĩnh, rồi trông chờ Chúa cứu là việc làm dại dột.

Thật ra cám dỗ thứ ba mới là một đòn chí mạng, vì nó nhằm đến sự khoái lạc, một sự kích thích đam mê mạnh mẽ nhất trong con người, thuộc bản năng sinh tồn. Để làm chuyện này, quỷ đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc của nó, Ngài sẽ được tất cả nếu Ngài sấp mình bái lạy nó. Đúng là một chiêu thức độc hại: được ăn cả ngã về không. Thật ra đây là một cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nếu Đức Giêsu đến nhằm thu phục thế gian, thì ở đây chỉ cần Ngài thỏa thuận theo đề nghị của ma quỷ, là Ngài sẽ được sở hữu tất cả một cách dễ dàng, mà không cần phải qua con đường thập giá theo ý định của Chúa Cha. Chiến thuật điều đình của ma quỉ thật hấp dẫn, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì Đức Giêsu quyết một mực tuân hành Ý Cha. Ngài trích Kinh Thánh để đòi tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Dnl 6, 13).

Cả ba cám dỗ đều có một mẫu số chung là nhằm tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa để quy về chính mình. Khi đặt mình là trung tâm, là tất cả, thì người ta trở nên nô lệ cho chính mình, và cuối cùng là đánh mất chính mình. Biểu tượng của ba cám dỗ trên là giàu sang, quyền lực và khoái lạc, vẫn luôn là cái bẫy khó thoát cho đời nhân thế. Vật chất không xấu nhưng còn là điều mà người ta phải làm nên để góp phần cho cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với phẩm giá con người. Nhưng chỉ dừng lại ở đó sẽ đánh mất ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời mình.

Thiên Chúa mới là tất cả chứ mọi sự khác không là gì cả, vì mọi sự cũng chỉ là tạm thời, là phương tiện nhất thời, để làm nên cái đời đời. Điều đó mời gọi chúng ta hãy ra khỏi cái tôi của mình để trao hiến, để làm giàu đời sống tinh thần. Cần đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái, siêng năng thánh lễ. Như Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, nếu ta sống gắn bó với Chúa và thực thi Lời Ngài (x. Mc 14,38).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa chấp nhận thân phận làm người thế,
nên cũng đã chấp nhận mọi cám dỗ,
để cho thấy đường lối ơn cứu độ,
và rồi Chúa đã chiến thắng tất cả,
khi dám lựa chọn hy sinh tất cả,
luôn một lòng theo thánh ý Chúa Cha.

Nếu đời con có đầy những lựa chọn,
thì cũng đầy những cám dỗ không ngơi,
luôn xảy ra trong mọi lúc mọi thời,
bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cạm bẫy,
chỉ cần thiếu thận trọng là sa sẩy,
không khôn ngoan con sẽ nhuốm bùn lầy.

Không chỉ những cám dỗ ở bên ngoài
mà còn là những cám dỗ bên trong:
cám dỗ sống khoái lạc cho thân xác;
cám dỗ vô tình và kiêu hãnh con tim;
cám dỗ quyền hành và độc tôn lý trí,
cám dỗ phân bì và bất chấp lương tri.

Cám dỗ nào cũng khiến con khép kín,
xa dần Chúa và quy hướng về mình,
và mất đi tình nghĩa với anh em.

Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,
nhưng cám dỗ có chỗ trong bản đồ của Chúa,
khi con vượt thắng bằng lựa chọn rất tự do.

Xin cho con bản lãnh Thầy chí thánh,
để vượt qua những cám dỗ trong đời,
bằng cầu nguyện và chay giới không ngơi,
dù sai phạm và bao lần vấp ngã,
vẫn đứng lên tiếp tục cuộc hành trình,
cho tới ngày gặp được Chúa hiển vinh. Amen.

WGPKT(22/02/2023) KONTUM