Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A (CN 05.03.2023)

Bài đọc 1: St 12,1-4a

Thiên Chúa gọi ông Áp-ram, tổ phụ dân Người.

Bài trích sách Sáng thế.

1 Hồi ấy, Đức Chúa phán với ông Áp-ram : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.

3“Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi ;
Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”
4aÔng Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông.

Đáp ca: Tv 32,4-5.18-19.20 và 22 (Đ. c.22)

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Bài đọc 2: 2 Tm 1,8b-10

Thiên Chúa kêu gọi và soi sáng chúng ta.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

8b Anh yêu quý, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. 9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su, 10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.

Tung hô Tin Mừng: Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng : Đây là Con yêu dấu, làm vui thoả lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người.
Tin Mừng: Mt 17,1-9

Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : “Trỗi dậy đi, đừng sợ !” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng : “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

(Nguồn Lời Chúa: ktcgkpv.org/)

Suy Niệm : Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

BÍ MẬT THIÊN SAI

Vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng trên núi. Tuần trước trên một ngọn núi cao Xatan đã cám dỗ Chúa Giêsu và Người đã chiến thắng.  Hôm nay cũng trên một ngọn núi cao khác, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan.  Họ là chứng nhân việc Chúa biến hình để rồi cũng ba nhân vật nầy sẽ chứng kiến sự biến dạng gương mặt của Đức Giêsu trong vườn Dầu, họ sẽ củng cố đức tin của các môn đệ khác khi gặp hoạn nạn.

Trong sa mạc, Đức Giêsu như để mình bị bóc lột hết quyền năng và sự an toàn thần thiêng, Người chỉ dựa cậy vào sức mạnh duy nhất là lời Kinh thánh để đẩy lui cám dỗ.  Trái với hôm đó, hôm nay Đức Giêsu mặc áo vinh quang phục sinh, ánh sáng chói lòa là dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa, như xác nhận lời giới thiệu của Cha: “Nầy là Con Ta yêu dấu.  Hãy lắng nghe lời Người” (Bài Tin Mừng Mt 17,1-9).

Biến cố biến hình trên núi Tabo xảy ra sau khi Đức Giêsu thất bại tại Galilê, đám đông tính khí thất thường trở mặt và kiếm chuyện không tin vào lời của Người, Người rút lui về Xêdarê Philípphê, phía đầu nguồn sông Giođan để chuyên tâm huấn luyện các môn đệ của mình.  Một cuộc phỏng vấn nhỏ xảy ra để hiểu biết thêm tin tức và lòng dạ các môn đệ: “Người ta bảo con Người là ai?” –  “Còn anh em bảo Thầy là ai?”.  Thay mặt cho nhóm Mười Hai, ông Phêrô nói: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.  Lời tuyên xưng nầy được Đức Giêsu ca ngợi là do “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” thúc đẩy.

Đức Giêsu thiết lập Hội thánh trên Phêrô khi yên tâm về lòng tin của các môn đệ, và trao cho ông chìa khoá Nước Trời (x. Mt 16,13-20).  Đã đến lúc Đức Giêsu phải nói ra điều đau lòng, Người loan báo việc người sẽ tử nạn, việc nầy làm lung lay và làm chao đảo lòng tin các môn đệ.  Ông Phêrô can gián Thầy đừng đi con đường khổ nạn và bị Thầy quở trách là Xatan, là không am hiểu ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.  Bối cảnh nầy đưa đến cuộc hiển dung lạ lùng trên núi Tabo, biến cố biến hình như là lời khẳng định chiến thắng chung cuộc trong trận thư hùng với đối phương, cho dù Thầy phải ngang qua tù ngục và tử nạn.  Hiển dung là để củng cố đức tin nơi các môn đệ khi cuộc tử nạn xảy đến.

Sự hiện diện của Êlia và Môsê trong lần hiển dung đó, chúng ta biết Êlia đại diện cho hàng Tiên tri và Môsê đại diện cho lề Luật, hai gương mặt đại biểu của Cựu ước.  Hai vị đàm đạo với Đức Giêsu về việc Người chịu chết, đây là sự gặp gỡ giữa Cựu ước và Tân ước có Phêrô, Giacôbê và Gioan đại diện, cả hai giao ước được hoàn tất nơi Đức Giêsu, cho nên “Hãy vâng nghe lời Người”.  Hoạt cảnh nầy cho thấy rõ Đức Giêsu là trung tâm ơn cứu độ, Cựu ước và Tân ước được hoàn tất nơi chính bản thân Người.  Tuy nhiên còn phải giữ bí mật thiên sai nầy, thiên cơ chưa được tiết lộ vì e rằng thiên hạ sẽ hiểu sai lầm về sứ mệnh cứu thế của Đức Giêsu, coi Người là cứu tinh theo nghĩa trần gian mà thôi.  “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (c. 9).

Hãy vâng nghe lời Người”, không chỉ nghe bằng tai mà thôi nhưng còn quan tâm để ý đến cách sống và lời Người nói nữa, để bắt chước sống như Người.  Tổ phụ Apraham là hình ảnh biểu hiện sự dấn thân dứt khoát của Đức Giêsu, ông đã ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa khi tuổi đời đã cao mà chưa có con nối dõi tông đường, ông vâng lời Thiên Chúa lên đường đến nơi bất định, ông ra đi mà không biết mình đi về đâu, hoàn toàn phó thác vâng theo thánh ý Thiên Chúa.  Chính vì vậy mà tổ phụ Apraham đã trở nên cha của các kẻ tin và trở nên mối phúc lành: “Nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (x. Bài đọc 1. St 12,1-4a).

Cũng thế nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà  trần gian được cứu độ, tức là được chúc phúc.  Đức Giêsu là Apraham Mới, là nền tảng đức tin của dân mới, cho nên “Hãy vâng nghe lời Người”.  Lời của Người  đã trở nên cảm hứng cho mọi suy tư thần học, luân lý và bí tích, mọi môn thần học đều khởi đi từ đây, từ nền tảng này, là cơ sở vững chắc cho mọi kiến trúc thần học Kitô giáo.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nâng đỡ con khi con gặp khủng hoảng đức tin, xin cho con dứt khoát dấn thân theo Chúa cho dù gặp gian nan thử thách, gièm pha và bất lợi trên đường đời. Amen

WGPKT(28/02/2023) KONTUM