Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A (CN 02.04.2023)

KIỆU

BÀI PHÚC ÂM NĂM A: Mt 21, 1-11.

Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Mấy ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu. Bấy giờ, Đức Giê-su sai hai môn đệ và 2 bảo : “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. 3 Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay.” 4 Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ : 5 Hãy bảo thiếu nữ Xi-on : Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.

6 Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. 7 Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên. 8 Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9 Dân chúng, người đi trước kẻ theo sau, reo hò vang dậy : Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời.

10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : “Ông này là ai vậy ?” 11 Dân chúng trả lời : “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.”

THÁNH LỄ

BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

BÀI THƯƠNG KHÓ

Tin Mừng: Mt 26,14 – 27,66 

Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

2614nk Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : m “Tôi nộp ông Giê-su cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” nk Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

17nk Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : m “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18nk Người bảo :  “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” 19nk Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

20nk Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói :  “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22nk Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : m “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” 23nk Người đáp :  “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !” 25nk Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : m “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?” nk Người trả lời :  “Chính anh nói đó !”

26nk Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói :  “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” 27nk Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói :  “Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. 29 Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.”

30nk Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu. 31 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông :  “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép : Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. 32 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em.” 33nk Ông Phê-rô liền thưa : m “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” 34nk Đức Giê-su bảo ông :  “Thầy bảo thật anh : nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” 35nk Ông Phê-rô lại nói : m “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” nk Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.

36nk Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ :  “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” 37nk Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. 38 Bấy giờ Người nói với các ông :  “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” 39nk Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng :  “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” 40nk Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô :  “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao ? 41 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” 42nk Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói :  “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” 43nk Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. 44 Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. 45 Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông :  “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. 46 Đứng dậy, ta đi nào ! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới !”

47nk Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. 48 Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng : m “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy !” 49nk Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói : m “Ráp-bi, xin chào Thầy !”, nk rồi hôn Người. 50 Đức Giê-su bảo hắn :  “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi !” nk Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su. 51 Một trong những kẻ theo Đức Giê-su liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. 52 Đức Giê-su bảo người ấy :  “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. 53 Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần ! 54 Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy.” 55nk Vào giờ ấy Đức Giê-su nói với đám đông :  “Tôi là một tên cướp hay sao, mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt ? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các ông không bắt. 56 Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ.” nk Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.

57nk Họ bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó. 58 Ông Phê-rô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.

59nk Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình. 60 Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra, 61 khai rằng : m “Tên này đã nói : tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại.” 62nk Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giê-su : m “Ông không nói lại được một lời sao ? Mấy người này tố cáo ông gì đó ?” 63nk Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người : m “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết : ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không ?” 64nk Đức Giê-su trả lời :  “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay : từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” 65nk Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói : m “Hắn nói phạm thượng ! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, 66 quý vị nghĩ sao ?” nk Họ liền đáp : dc “Hắn đáng chết !”

67nk Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người 68 và nói : m “Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi : ai đánh ông đó ?”

69nk Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói : m “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì ?” 70nk Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói : m “Tôi không biết cô nói gì !” 71nk Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó : m “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” 72nk Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối : m “Tôi không biết người ấy.” 73nk Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói : m “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” 74nk Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng : m “Tôi thề là không biết người ấy.” nk Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. 75 Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói : “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

271nk Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân cùng nhau bàn kế hại Đức Giê-su, để xử tử Người. 2 Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô.

3nk Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục 4 mà nói : m “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” nk Nhưng họ đáp : m “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh !” 5nk Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ. 6 Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói : m “Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.” 7nk Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm” để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. 8 Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là “Ruộng Máu” cho đến ngày nay. 9 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người. 10 Và họ lấy số bạc đó mà mua “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi.”

11nk Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn ; tổng trấn hỏi Người : m “Ông là vua dân Do-thái sao ?” nk Đức Giê-su trả lời :  “Chính ngài nói đó.” 12nk Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. 13 Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người : m “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao ?” 14nk Nhưng Đức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

15nk Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. 16 Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba. 17 Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ : m “Các người muốn ta phóng thích ai cho các người đây ? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô ?” 18nk Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

19nk Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông : m “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.”

20nk Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Đức Giê-su. 21 Tổng trấn hỏi họ : m “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người ?” nk Họ thưa : dc “Ba-ra-ba !” 22nk Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp : m “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây ?” nk Mọi người đồng thanh : dc “Đóng đinh nó vào thập giá !” 23nk Tổng trấn lại nói : m “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ?” nk Họ càng la to : dc “Đóng đinh nó vào thập giá !” 24nk Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói : m “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy !” 25nk Toàn dân đáp lại : dc “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi !” 26nk Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.

27nk Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. 28 Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, 29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng : dc “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái !” 30nk Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. 31 Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

32nk Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn ; chúng bắt ông vác thập giá của Người. 33 Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, 34 chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. 35 Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. 36 Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

37nk Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng : “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.” 38 Cùng bị đóng đinh với Người có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

39nk Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu 40 vừa nói : m “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !” 41nk Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói : 42m “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en ! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền ! 43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn ! Vì hắn đã nói : “Ta là Con Thiên Chúa !” 44nk Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.

45nk Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng :  “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nk nghĩa là  “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” 47nk Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói : m “Hắn ta gọi ông Ê-li-a !” 48nk Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. 49 Còn những người khác lại bảo : m “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không !” 50nk Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

(quỳ gối thinh lặng trong giây lát)

51nk Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung, đá vỡ. 52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. 53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. 54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói : m “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”

55nk Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. 56 Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.

57nk Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. 58 Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. 59 Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, 60 và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. 61 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.

62nk Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô, 63 và nói : m “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói : “Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy.” 64 Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước.” 65nk Ông Phi-la-tô bảo họ : m “Thì có sẵn lính đó, các người hãy đi mà canh giữ theo cách các người biết !” 66nk Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.

Suy Niệm 1: Lm Thái Nguyên

SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU

Suy niệm

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong năm Phụng vụ. Trong tuần thánh, chúng ta chứng kiến những giây phút cuối đời trần thế của Chúa Giêsu, và cử hành cuộc thương khó của Ngài là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta. Cũng như dân Do Thái xưa, chúng ta cầm cành lá trên tay để đón mừng Chúa như vị Vua hòa bình của thế giới. Nhưng qua bài Thương Khó, chúng ta lại thấy bao nhiêu tội lỗi nhân loại của chúng ta trút lên mình Chúa. Ngài tự gánh hết những tội tình của thế nhân, và muốn rửa sạch hết những tội ác của con người trong cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Vì thế, khi nghe kể lại cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giêsu, ta không thể nghe như nghe những câu chuyện lịch sử khác, nhưng nghe như một thiên tình sử muôn đời của Thiên Chúa gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại thiên tình sử đó trong chính cuộc đời mình, cảm nhận từ chính tâm hồn mình, nói một cách khác là nội tâm hóa biến cố đau thương và tử nạn của Chúa Giêsu.

Qua bài Thương Khó, ta cần khám phá ra con người mình qua cách hành xử của Philatô, Hêrôđê, Phêrô, Giuđa, các thượng tế, khách qua đường… nghĩa là thấy mình cũng không tránh khỏi những tội phạm tương tự như họ: gian dối, phản bội, ích kỷ, cao ngạo, làm chứng gian, hiềm thù, ghen ghét, độc ác…Vì những tội lỗi đó mà dung nhan của Chúa Giêsu nơi chúng ta bị bầm dập, tồi tàn, đến nỗi người ta không còn nhận ra hình dạng của Chúa trong đời sống của mình.

Phải thấy được tất cả những điều đó qua mọi hành vi và thái độ sống của chúng ta đối với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, gợi lên trong ta tâm tình sám hối sâu xa để làm một bước chuyển hóa, bằng cách dám chết đi cho tội lỗi để khơi sáng lại dung nhan Chúa Giêsu trong trái tim và trên khuôn mặt của mình. Không có sự thao thức và niềm khao khát này, tâm hồn ta vẫn trơ trọi, chai lì, dù có qua bao nhiêu tuần thánh nữa cũng vậy thôi, và điều đáng sợ là có thể mất đi cơ hội ngàn đời.

Mở đầu cuộc thương khó là việc nhà cầm quyền Do Thái tìm cách bắt Đức Giêsu. May mắn cho họ là có sự tiếp tay của Giuđa. Không biết động cơ nào đã thúc đẩy anh làm một việc tầy trời, là tìm cách nộp Thầy cho các thượng tế. Anh ta là một trong nhóm Mười Hai, được Thầy Giêsu tuyển chọn giữa bao nhiêu người, và anh cũng đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy. Thời gian ba năm tuy không dài, nhưng đậm đà tình nghĩa Thầy trò với những sướng khổ, vui buồn trên đường loan báo Tin Mừng, đủ để cho anh nhận ra vai trò và sứ mạng từ trời của Thầy, với những bài giảng cuốn hút, nhất là anh đã chứng kiến những phép lạ lớn lao. Tại sao bỗng chốc lại trở nên tan tác?

Phải chăng vì ham tiền mà Giuđa tìm cách bán Thầy mình? Dù sao thì biến cố xức dầu tại Bêtania, Gioan đã nhận định về Giuđa rằng: y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”. Nhưng bán Thầy chỉ có ba mươi đồng thì có nghĩa gì đâu. Phải chăng Giuđa có một âm mưu gì lớn lao chứ không thể ti tiện như thế? Người ta nghi anh thuộc phái Zêlốt, nhóm ái quốc cực đoan, luôn tìm cách nổi dậy để đánh đuổi quân Rôma, giành lại độc lập cho Palestin. Chính vì biết Thầy có một quyền lực siêu phàm, nên anh muốn đặt Thầy trong trường hợp đã rồi, để Thầy không còn đường nào khác hơn, là phải ra tay hành động để làm cuộc cách mạng như anh đã dự trù. Nhưng rồi anh đã sửng sốt khi thấy mọi sự ngoài dự định của mình. Thầy đưa tay chịu nộp chứ không ra tay hành động.

Đức Giêsu đã đoán trước được sự việc. Trong bữa tiệc ly, Ngài nhắc khéo anh đến ba lần, để anh kịp thời tỉnh ngộ. Nhưng anh đã mê man trong thế trận mà mình đã bày ra, không ngờ kẻ sa lưới lại là anh. Dù đã đan tâm phản bội Thầy, đưa Thầy vào chỗ chết, nhưng anh ta vẫn sốt sắng tham dự trọn vẹn Bí Tích Thánh Thể mà Thầy vừa thiết lập, là chính thực tại của mầu nhiệm cứu chuộc mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trọn vẹn bằng sự hiến tế trên thập giá. Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người”.

Có ai ngờ người đồng bàn thân thiết với Thầy lại là kẻ phản bội. Đúng như lời Thánh vịnh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (41,10). Dù đã là môn đệ Chúa, đang trên bước đường theo Chúa, vẫn ở bên Chúa, vẫn chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ, nhưng coi chừng tâm ý ta đã khác, đức tin đã phai, tình mến đã nhạt. Đó cũng là điều gây thương tổn nặng nề cho trái tim Đức Giêsu, Đấng cứu độ ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đối diện với Thập giá Chúa,
con thấy mọi loang lổ của tâm hồn,
đều được phơi bày trên thân xác Chúa
,

Con kiêu căng nên Chúa phải bị treo.
Con ích kỷ nên Chúa chẳng còn gì.
Con lãnh đạm nên Chúa bị bỏ rơi.
Con no thỏa nên Chúa đành đói khát.
Con ham muốn nên Chúa phải trần truồng.
Con hà tiện nên Chúa chịu oan khiên.
Con lười biếng nên Chúa phải ưu phiền.
Con ghen ghét nên Chúa bị đâm thâu.
Con gian dối nên Chúa đội mão gai.
Con buông thả nên Chúa bị nhục mạ.
Con xa hoa nên Chúa chịu đóng đinh.
Con tham lam nên Chúa chịu hành hình.
Con hận thù nên Chúa chết điêu linh…

Tội con không thể nào mà nói hết,
con có chết bao lần cũng không xong,
nhưng rồi Chúa đã chết cho con sống,
cho thế nhân niềm tin yêu hy vọng,
cho những ai lòng sám hối cậy trông,
được vượt qua khỏi cảnh đời tang tóc..

Xin xóa tội con theo lượng cả đức từ bi.
Xin cứu vớt con khỏi sa vòng lâm lụy.
Ôi Thập giá
Chúa mãi mãi đáng yêu vì!
tay chắp gối quỳ lòng con mãi niệm suy. Amen.

_____________________________

Suy Niệm 2: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

Chúa nhật Lễ Lá khai mạc Tuần thánh, kính nhớ cuộc tử nạn của Đức Giêsu Kitô.  Có thể nói được rằng đây là lễ giỗ hằng năm Giáo Hội kính nhớ Thầy Chí Thánh của mình.  Để tưởng niệm và hiện tại hoá công trình cứu độ của Đức Giêsu, Giáo Hội nhắc lại những việc làm, những cử chỉ và những lời nói thân thương cuối cùng của Đức Giêsu.  Nổi bật trên hết là cuộc Tử nạn và cái chết thập giá của Đức Giêsu.

Tất cả bốn Tin Mừng đều nhất loạt ghi lại biến cố lịch sử nầy.  Chúng ta được mời gọi đọc và sống từng khoảnh khắc của cuộc tử nạn của Đức Giêsu.  Năm nay chúng ta đọc Tin Mừng thánh Mátthêu vào ngày Lễ Lá và Tin mừng theo thánh Gioan vào thứ Sáu thánh.  Thánh Mátthêu nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu ý thức và tự nguyện đi đến cái chết trong sự tự hiến làm của lễ chuộc tội nhân loại: “Các con biết rằng còn 2 ngày nữa là tới lễ Vượt Qua và Con Người sẽ bị nộp và bị đóng đinh” (Mt 26,1-2).

Thánh Mátthêu viết Tin mừng cho phần đông người Do thái trở lại Kitô giáo, do đó ngài rất hâm mộ trích dẫn Sách thánh Cựu ước, chỉ ra những lời tiên tri được ứng nghiệm nơi bản thân Đức Giêsu.  Tiên tri Isaia, Thánh vịnh 21 và Thư Philípphê trong phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh Người tôi tớ của Thiên Chúa.

Thư Philípphê nói về sự tự hạ, tự hủy của Đức Giêsu vì tình yêu đối với Cha và đối với nhân loại, Đức Giêsu đã không giữ cho mình chức vị làm Con Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ tất cả danh giá, địa vị, chấp nhận chịu nhục nhã, bị lăng mạ và chết treo trên thập tự.  Thư Philípphê (2, 6-11) là lời vinh tụng ca công trạng của Đức Giêsu đã hy sinh đổ máu mình ra cứu chuộc nhân loại, đó cũng là sự xác quyết lời tiên tri Isaia đã thành hiện thực.  Lời sấm của Isaia được ứng nghiệm nơi bản thân của Đức Giêsu, đã được thánh Phaolô tóm tắt trong Thư Philípphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã trút bỏ tất cả vinh quang, mặc lấy thân nô lệ …  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Bài Đọc 2. Pl 2, 6-11).

Bốn bài ca về Người tôi tớ.  Ngôn sứ Isaia nói về một nhân vật mệnh danh là Người tôi tớ, mang lấy thân phận bị đày ải, chèn ép bỏ rơi và chà đạp cho đến chết.  Tiên tri Isaia nổi tiếng về bốn bài ca nói về Người đầy tớ đau khổ nầy, ông mô tả thân phận khốn cùng của một nhân vật nào đó, nhưng sau cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, khi đọc lại lời Sách thánh, chúng ta nghiệm thấy rõ từng nét những đau khổ đó nơi bản thân Đức Giêsu. Truyền thống công giáo hiểu Người tôi tớ đó là chính Đức Giêsu (xem 4 bài ca : Is 42,1 tt: Người tôi tớ hiền lành; 49,1 tt : Người tôi tớ  được gọi từ lòng mẹ; Is 50,4 tt: Người tôi tớ  bị đánh đòn, bị chèn ép tứ bề; Is 52, 13 tt : Người tôi tớ  bị biến dạng).  Hoạt cảnh tử nạn của Đức Giêsu được Isaia vẽ lên trong bốn bài ca nầy.

Bức tranh toàn cảnh về gương mặt của Đức Giêsu được Isaia mô tả trước khi sự kiện xảy ra sáu trăm năm: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.  Tôi không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (x. Bài Đọc 1. Is 50, 4-7).  Nhất là Bài đáp ca, Thánh vịnh 21, nói về nỗi khốn quẫn của Đức Giêsu: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi.  Thấy con ai cũng chê cười. …  Cả bầy chó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đến được vắn dài.   Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”.  Khi đọc những lời Thánh vịnh nầy, chúng ta thật dễ dàng hình dung ra cảnh tượng khổ nạn của Đức Giêsu được thánh Mátthêu tường thuật.

Nơi bản thân Đức Giêsu, Tân ước đã hoàn tất Cựu ước. Đó là những điểm cốt yếu nuôi dưỡng lòng đạo đức của chúng ta sống Tuần thánh, giúp chúng ta ý thức về một vị Thiên Chúa đã chết để đền tội thay cho nhân loại đem lại ơn cứu chuộc. Chính vì vậy Đức Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu chuộc cho mọi người từ Aben công chính đến người được cứu thoát cuối cùng.

Lạy Chúa Giêsu Khổ Nạn, con xin cảm tạ ơn thí mạng của Chúa, đã chết thay cho con để cứu chuộc con.  Xin cho con biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống như đồng hành với Chúa trên con đường tử nạn. Amen

_____________________________

Suy Niệm 3: Lm Tôma Aquinô Trần Duy Linh

   Khi chứng kiến quyền năng của Chúa, các môn đệ đã phải thốt lên: “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,41). Câu hỏi đó tiếp tục là thắc mắc của cư dân thành Giê-ru-sa-lem khi họ chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có: Một đoàn rước trọng thể bởi một đám rất đông hò reo vang trời. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết nhân vật chính của cuộc rước đó là ai, họ mới hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Câu trả lời cũng đến từ phía đám đông nhưng xem ra không mấy rõ ràng: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét.” Hiển nhiên, nhiều người Do-thái vẫn chỉ coi Đức Giê-su là một ngôn sứ giống như bao ngôn sứ thời Cựu Ước của họ. Họ trả lời nhưng chính câu trả lời của họ vẫn mơ hồ về căn tính của Chúa. Chỉ khi Phi-la-tô điệu Chúa cho dân chúng với bộ dạng không còn là người để “giới thiệu”: “Này là Người”, thì chúng ta mới thấy đây mới đích thực là Đấng Mê-si-a –nghĩa là Ki-tô– Người phải chịu đau khổ, chịu chết để cứu chuộc nhân loại.

  Ba năm giảng đạo của Chúa gặp rất nhiều khó khăn thách đố. Xuất thân từ làng quê miền Nazarét, ngay từ khởi đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã bị nhiều người nghi ngờ, khinh dể và coi thường. Với dáng vẻ bình thường của một thanh niên trẻ, Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh rao giảng Tin mừng cứu độ. Đối diện với một hệ thống tôn giáo hình thức và xã hội có truyền thống lâu đời, từng bước Chúa Giêsu đã đánh động con tim, khơi dậy tình yêu và canh tân cuộc sống. Như một nhà cách mạng nội tâm đổi đời, Chúa Giêsu đã đối mặt với nhiều sự chống đối, tẩy chay và thách thức.Một thân một mình gầy dựng, mời gọi và chọn lựa một nhóm môn đệ nồng cốt để truyền đạt chân lý nước trời. Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Chúa vạch rõ con đường để đi tìm sự thật, bất chấp những đố kỵ, ngăn cản và thù ghét. Một niềm tin tưởng và chu toàn thánh ý Chúa Cha. Tiên tri Isaia diễn tả sự vâng phục: Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi không phải hổ thẹn (Is 50, 7).

   Trong khi dân chúng tin theo và tung hô Chúa, thì bọn biệt phái lại hậm hực tức tối. Tại sao thế? Vì Chúa đã đảo lộn mọi ý nghĩ trong đầu óc họ. Vì Chúa đã vạch trần bộ mặt đạo đức giả của họ, và Chúa đã phơi bày những tính hư tật xấu của họ. Họ nắm tay chống đối Người, và bằng mọi cách phải giết được Người. Chúa Giêsu biết rõ điều ấy, nhưng Người vẫn đi con đường của Người, dù phải đau khổ, dù phải chết chóc. Qua đó, chúng ta nhận ra Người thực là Thiên Chúa.

    Đúng thế, Người đã giảng dạy như là Thiên Chúa. Bọn biệt phái luôn rình rập, gài bẫy để bắt lỗi Người, nhưng Người đã nói thẳng với họ: Ai trong các ngươi có thể tìm thấy nơi Ta một khuyết điểm, một sơ hở nào? Liệu có một nhà hiền triết, một bậc quân tử, một đấng thánh nhân nào nói được như vậy chăng. Hơn nữa, Người còn nói với chúng ta bằng tất cả uy quyền của Thiên Chúa. Người truyền lệnh, Người kết án, Người chỉ cho thấy con đường cứu độ: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Nếu các con tuân giữ lời Thầy, các con sẽ không phải chết.

    Tiếp đến, Chúa Giêsu đã hành động như là Thiên Chúa. Việc làm của Người đã chứng thực cho những lời Người nói. Người chữa lành những kẻ đau yếu, cho kẻ chết sống lại, dẹp tan giông tố, tha tội cho kẻ vấp phạm. Đó là những việc làm mà chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền và có thể thực hiện được mà thôi. Sau cùng, chính Người đã xác quyết về bản tính của Người. Bề ngoài, Người là một người như chúng ta, nhưng thực sự Người lại là Thiên Chúa. Điều đó làm cho bọn biệt phái lấy làm chướng tai gai mắt.

    Nhưng Chúa Giêsu đã chuẩn bị tâm hồn các tông đồ cũng như dân chúng đón nhận sự mạc khải ấy. Ngay từ đầu Người đã không nói thẳng ra Người là Thiên Chúa. Nhưng dần dần, qua những lời giảng dạy, qua những phép lạ cũng như qua cuộc sống thánh thiện của Người, những người thiện chí sẽ phải đặt vấn đề. Người không phải là một kẻ tầm thường như chúng ta. Rồi từ từ Người làm cho họ xác tín Người là Con Thiên Chúa. Ngày kia Người đã hỏi các tông đồ: Còn các con, các con bảo Ta là ai? Phêrô đã trả lời: thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng số. Và Chúa Giêsu đã nói: Không phải máu thịt đã tỏ lộ cho con điều ấy, nhưng chính là Cha Ta ở trên trời. Để thưởng công cho niềm tin tưởng ấy Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Hội Thánh. Khi tranh luận về cụ tổ Abraham, Chúa Giêsu đã nói với bọn biệt phái: Trước khi Abraham sinh ra thì đã có Ta. Đây cũng là lời xác quyết về bản tính Thiên Chúa của Người. Lời này khiến bọn biệt phái tức tối, muốn ném đá Chúa, nhưng Người cứ giữa chúng mà đi vì giờ Người chưa đến.

Chúa Giêsu có thể tiêu diệt những kẻ phạm thượng, nhưng Người không muốn, cũng như trên thập giá, Người có thể trừng trị những tên lý hình nhạo báng, nhưng Người đã không hành động, Người muốn tình thương hơn là sự thù hận. Nhưng Người đã sống lại, ra khỏi mồ, và Người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Lúc bấy giờ chúng ta mới thấy rõ quyền năng và vinh quang của Người. Ngày tươi sáng và hạnh phúc sẽ được dành cho những ai trung thành phụng sự Người.

Hành trình của Chúa là một hành trình gian khổ. Đích điểm chỉ đạt tới sau khi đã từ bỏ tất cả, không phải chỉ là nhà cửa, y phục mà cả những người thân, cả thành công, cả danh dự, cả mạng sống.

Tiến bước theo Chúa để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.

Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa vung tay chân hoan hô Chúa, hôm sau đã vội vung tay vung chân kết án Chúa.

Cũng đám đông ấy hôm trước vừa reo hò chúc tụng Chúa, hôm sau cũng vẫn reo hò, nhưng để buộc tội Chúa.

Cũng đám đống ấy, hôm trước vừa chen lấn nhau để nghênh đón Chúa, hôm sau đã xúm đông xúm đỏ để hành hạ Chúa.

Cũng đám đông ấy, hôm trước vừa cởi áo, chặt cành lá lót đường Chúa đi, hôm sau đã lột áo Chúa, chặt cành gai cuốn lên đầu Chúa.

Tiến bước theo Chúa để dứt khoát lựa chọn cho mình một con đường.

Đường vào Giêrusalem chỉ có một và rộng thênh thang. Mọi người đều tụ tập và cùng chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả. Mỗi người đi theo con đường của mình.

Đường Giêrusalem đông vui và phấn khởi vì mọi người ca hát tưng bừng. Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng roi vọt, tiếng than khóc, tiếng chửi rủa.

Đường vào Giêrusalem mọi người đều theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người theo Chúa. Có những người đã phản bội. Có những người đã trốn chạy. Có những người đã chối bỏ Thầy.

Đường vào Giêrusalem có con lừa chở Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ Chúa phải vác thánh giá.

     Đi theo Chúa trên đường vào Giêrusalem thì dễ dàng và vui vẻ. Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.

      Nếu tôi có mặt ở đó, tôi sẽ dễ dàng hoà nhập vào đoàn người cầm cành lá đón rước Chúa. Nhưng khi Chúa đi lên Núi Sọ, tôi sẽ rẽ sang đường nào? Tôi sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa? Tôi sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô? Tôi sẽ rẽ sang những con đường hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ? Tôi sẽ phụ họa với đám đông kết án Chúa? Hay tôi cũng theo quân lính đánh đập Chúa? Trước sau gì tôi cũng phải lựa chọn một con đường.

     Lạy Chúa, xin cho con luôn tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi. Xin thêm sức cho con để con kiên trì theo Chúa trên đường lên Núi Sọ. Amen.

 
   WGPKT(29/04/2023) KONTUM