Ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”
Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.
1abChúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !
24acCông trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.
29bcNgài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,
mà trở về cát bụi.
30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.
Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.
31Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
34Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.
Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.
Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
3b Thưa anh em, không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.
4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến trần gian,
tự trời cao gửi xuống
nguồn ánh sáng toả lan.
Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển
và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến !
Đấng ủi an tuyệt diệu
thượng khách của tâm hồn,
ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mát chảy tuôn !
Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gió mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau giọt lệ.
Hỡi hào quang linh diệu,
xin chiếu giãi ánh hồng
vào tâm hồn tín hữu
cho rực rỡ trinh trong.
Không thần lực phù trì
kẻ phàm nhân cát bụi,
thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.
Hết những gì nhơ bẩn,
xin rửa cho sạch trong,
tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.
Cứng cỏi uốn cho mềm,
lạnh lùng xin sưởi ấm,
những đường nẻo sai lầm
sửa sang cho ngay thẳng.
Những ai hằng tin tưởng
trông cậy Chúa vững vàng,
dám xin Ngài rộng lượng
bảy ơn thánh tặng ban.
Nguyện xin Chúa thưởng công
cuộc đời dày đức độ,
ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.
A-men. Ha-lê-lui-a.
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
BIẾN CỐ HIỆN XUỐNG
“Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”, theo định nghĩa của “Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hột Thánh Công Giáo”, số 136). Khi nói về Chúa Cha chúng ta dễ có biểu tượng định hình rõ rệt. Biểu tượng về Cha là lời nói, Thiên Chúa phán. Biểu tượng về Con là hài nhi nằm trong máng cỏ, hình ảnh Đức Giêsu giang tay trên Thập giá. Còn khi nói về Chúa Thánh thần thì biểu tượng thật nhiều và đa dạng: hơi thở, gió, lửa, dầu, ngón tay của Thiên Chúa, chim bồ câu, dòng suối nước trong lành.
Các biểu tượng kể trên không hoàn toàn chính xác vì Thiên Chúa thì vô hình, các biểu tượng chỉ nói lên hiệu năng khác nhau của Chúa Thánh thần. Như gió trong cánh buồm, làm cho thuyền tiến lên phiá trước nhưng chúng ta không thấy và cũng không thể nào bắt được gió hay nhốt gió lại. Thánh thần là điều gì đó không thể nắm bắt được, là phi vật thể. Tuy nhiên chúng ta cảm nghiệm được hiệu năng của Chúa Thánh thần, con người không tài nào có thể nắm bắt, định vị, mô tả, hay nhìn thấy được Thánh thần, vì Thiên Chúa không thuộc trật tự hữu hình. Chúa Thánh thần còn có tên gọi là Đấng an ủi, thần Chân lý, Đấng bảo trợ. Mọi hoạt động của Thiên Chúa được thực hiện bằng năng lực của Chúa Thánh Thần.
Biến cố hiện xuống như một cuộc tạo dựng mới, Giáo hội đã hình thành, nay đi vào hoạt động mãnh liệt: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà … lưỡi lửa xuất hiện tản ra đậu xuống trên từng người một … họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Bài Đọc 1. Cv 2,1-11). Hoạt động của Giáo hội thì đa dạng, và cũng đa dạng như thế đặc sủng của Chúa Thánh thần: “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (x. Bài Đọc 2.1Cr 12,3b-7.12-13). Khi được đầy tràn Thánh thần các tông đồ mở toang cửa, hết co cụm lại với nhau vì lo sợ người Do thái tìm giết như họ đã hành hình Đức Giêsu, một năng lực mới thúc đẩy từ bên trong, các tông đồ mạnh dạn rao giảng và làm chứng Đức Giêsu tử nạn và phục sinh. Sức mạnh của Thánh thần không phải chỉ bên ngoài nhưng còn là nội lực chuyển biến bên trong, ông Phêrô, ngư phủ miền Gali-lê đã đứng ra làm chứng và rao giảng về cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô và hôm đó đã có ba ngàn người trở lại (x. Lc 2,41).
Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh thần, Ngài xây dựng, linh hoạt và thánh hoá Hội thánh, giúp Giáo hội làm chứng cho Chúa Kitô. Như tài sản trao tay Đức Giêsu trước khi về trời trối lại cho các môn đệ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh thần” (x. Bài Tin Mừng. Ga 20, 19-23). Chúa Thánh thần được trao ban như quà tặng lớn nhất để thi hành sứ mệnh cao cả nhất, sứ mệnh truyền giáo luôn được thi hành dưới sức mạnh của Chúa Thánh thần.
Lạy Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội, Chúa đã biến đổi các tông đồ cách nhiệm lạ, biến các ông từ nhút nhát sợ sệt đến can đảm phi thương, xin hãy làm cho con biến đổi cuộc sống ù lì nên nhiệt thành đối với công việc nhà Chúa, như các tông đồ xưa. Amen
Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên
NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Suy niệm
Bốn mươi ngày sau Phục Sinh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Chúa lên Trời. Sau đó 10 ngày cử hành lễ Ngũ tuần, là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa. Ngài không chỉ hiện diện, dẫn dắt và canh tân Giáo hội, mà còn hoạt động ở mọi nơi mọi thời, trong mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và tôn giáo, để không ngừng đổi mới con người và thế giới cho phù hợp với dự định của Thiên Chúa, và để qui tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức kitô.
Sách Công Vụ thuật lại: sáng ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Sau khi nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ đã mạnh dạn đi rao giảng Tin Mừng. Sau đó xảy ra một hiện tượng lạ, là đám đông dân chúng thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ai cũng nghe và hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ, như nghe chính ngôn ngữ của mình. Các ông cũng chỉ nói bằng tiếng Do thái, nhưng Chúa Thánh Thần giúp cho thính giả thuộc nhiều dân tộc khác nhau đều thấu hiểu.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện tháp Babel trong sách Sáng Thế: con cháu ông Noe kiêu ngạo muốn xây một tháp cao vút để tỏ ra mình hơn Thiên Chúa, không còn trận lụt hồng thủy nào có thể lên tới được. Liền sau đó, Chúa khiến họ nói nhiều thứ tiếng, không ai hiểu ai nữa, đưa đến chia rẽ và hỗn loạn. Chính trong ngày Lễ Ngũ Tuần, qua việc rao giảng Tin Mừng mà Chúa Thánh Thần bắt đầu liên kết lại mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, và văn hoá khác biệt. Ngài đã chữa lành vết thương của tháp Babel do sự cao ngạo của con người. Ngài làm con người hiểu nhau, gần nhau, sống tình thương mến nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chính là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo, với một mệnh lệnh rõ ràng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Trong Tin Mừng hôm nay, Đấng phục sinh nói với các môn đệ: ““Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Đó là sứ mạng duy nhất mà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha và truyền lại cho các môn đệ, nhằm qui tụ muôn dân, hiệp nhất muôn người, đem lại niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại.
Do đó, truyền giáo không phải là một hoạt động tự nhiên, dựa vào nỗ lực của con người, mà là một sứ mạng siêu nhiên dựa vào ân sủng. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta phải được nhận lấy Chúa Thánh Thần, là hơi thở, là sức sống thần linh của chính Đức Giêsu phục sinh. Bí tích Thêm sức không phải là một nghi lễ ban ơn nhất thời, mà để làm cho chúng ta trở thành nhân chứng của Đức Kitô phục sinh, sẵn sàng lên đường và hành động theo sự soi dẫn của Thánh Linh. Chúa Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ và hoạt động trong Hội Thánh tiên khởi như thế nào thì ngày nay Ngài cũng đang tiếp tục thực hiện như thế. Biết bao biến cố trong lịch sử của đời sống Giáo Hội đã cho thấy sự bảo trợ mạnh mẽ của Ngài. Chính Ngài là Đấng điều khiển mọi công cuộc truyền giáo. Không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đơn thuần, một tổ chức như bao tổ chức khác.
Biết bao Kitô hữu đã đổi đời, đã trở nên những chứng nhân anh hùng, đã góp phần lớn lao để mở rộng Nước Chúa là nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Ngài vẫn luôn hoạt động trong thế giới hôm nay, ngay trong các nền văn hóa, các tôn giáo; các phong trào cải thiện đời sống nhân sinh và xây dựng hòa bình; các tổ chức và hiệp hội nhằm nâng cao phẩm giá con người; nơi tất cả những ai có thiện chí, dám dấn thân phục vụ xã hội, góp phần kiến tạo một nền văn minh tình thương. Giáo Hội có sứ mạng toàn cầu là hiệp nhất dân thánh Chúa. Nhưng hiệp nhất không phải là đồng bộ, mà trong sự khác biệt, không phải là thu gom vào một nhóm người mang tính cục bộ, hay để sống an toàn trong một cơ chế vững vàng. Nhưng hiệp nhất là hướng mọi người đến sự đồng tâm nhất trí để xây dựng thế giới hôm nay. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta đều được Chúa sai đi trong chính hoàn cảnh và bậc sống của mình. Hãy ý thức thi hành sứ mạng cao cả mà Chúa đang mong đợi.
Tin Mừng phải được rao giảng bằng mọi cách trong đời sống của chúng ta. Kinh Thánh đã được dịch ra 2.197 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương. Phục vụ trong yêu thương là thái độ sống cơ bản của mọi tín hữu, để Chúa Thánh Thần có thể hành động nơi mỗi người chúng ta, hầu đem lại niềm vui ơn cứu độ cho con người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.
Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.
Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.
Quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.
Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.
Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.
Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.
WGPKT(24/05/2023) KONTUM