Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm A – Chúa Nhật Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa (CN 23.04.2023)

Bài đọc 1: Cv 2,42-47

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

42 Thời bấy giờ, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.

44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. 45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.

46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. 47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

Đáp ca: Tv 117,2-4.13-15.22-24 (Đ. c.1) 

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

2Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.3Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.4Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

13Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã,
nhưng Chúa đã phù trợ thân này.14Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.15Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng
trong doanh trại chính nhân :

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

22Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.23Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.24Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Đ.Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Bài đọc 2: 1 Pr 1,3-9

Thiên Chúa cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.

3 Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, 4 để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, 5 là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.

6 Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. 7 Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. 8 Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, 9 bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.

Tung hô Tin Mừng:x. Ga 20,29

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng:Ga 20,19-31

Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHÚA PHỤC SINH ĐEM LẠI SỰ SỐNG MỚI

 

Sách Công Vụ Tông Đồ đưa chúng ta về những ngày đầu của Hội thánh, sau khi Đức Giêsu Kitô sống lại, cho chúng ta thấy cảnh sinh hoạt của những anh em Kitô hữu tiên khởi, họ sống mãnh liệt sự sống mới của Chúa phục sinh: chăm chỉ nghe các Tông đồ  giảng dạy, sống tình huynh đệ, bẻ bánh chung và liên lỉ cầu nguyện (x. Bài Đọc 1. Cvtđ 2, 42-47).  Sống chung, hơn thế nữa họ còn để của chung, bán đất đai chia cho mỗi người theo nhu cầu.  Đây không phải là chế độ kinh tế tập trung hay thể chế chính trị xã hội tập quyền, tuy nhiên cách sống nầy nói cho biết người Kitô hữu thời đó coi nhẹ vật chất mà thường tình người ta quan niệm vật chất có giá trị trên hết.

Sức mạnh phục sinh của Đức Giêsu đã tạo ra một tương quan mới giữa anh chị em Kitô hữu với nhau ngay cả trong phạm vi kinh tế.  Họ coi trọng đời sống tâm linh, quan tâm đến việc bẻ bánh tức là dâng thánh lễ, siêng năng cầu nguyện và sống tình huynh đệ hơn là tích lũy tiền bạc vật chất.  Việc Bẻ Bánh chẳng phải là dấu chỉ tuyệt vời nhất nói lên sự phục vụ và chia sẻ huynh đệ đó sao?  Trong ngày thứ Năm thánh chúng ta đã chứng kiến việc Bẻ Bánh lần đầu tiên và việc Đức Giêsu  Rửa Chân cho các môn đệ.  Việc thiết lập phép Thánh thể cùng với giới răn tình yêu, rửa chân phục vụ nhau, tất cả được tiếp tục nơi các Kitô hữu thuở ban đầu. Truyền thống bác ái sinh động nầy như dòng thác chảy mạnh trong sinh hoạt Hội thánh.

Cách sống nầy được Đức Kitô phục sinh cổ vũ qua những lần Người hiện ra.  Như người thân từ nơi xa trở về Đức Kitô đến thăm các môn đệ sau những ngày chao đảo vì mất Thầy, Người mang theo quà tặng “bình an” cho mọi người.  Mỗi lần hiện ra Người đều thổi hơi và ban bình an : “Bình an cho anh em”, rồi Người chỉ cho thấy chiến tích nơi thân thể của Người.  Bình an Người ban chính là Ơn cứu độ, một thứ bình an mà thế gian không tài nào ban tặng được. Là Đấng chiến thắng thần chết, Người sai họ đi, như Cha đã sai Người.  Sứ mệnh truyền giáo bắt nguồn từ nơi Cha được chuyển giao cho các tông đồ.  Người trang bị cho họ bằng thổi hơi ban Thánh thần, sức sống mới của họ khởi đi từ hôm đó; Người trao quyền tha tội cho các môn đệ, điều mà trước đây Người đã sử dụng trong cuộc sống công khai khi giảng dạy, làm cho đối phương của Người thắc mắc : ngoài Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội (x. Bài Tin Mừng Ga 20,19-31).  Người đã cho môn đệ tham dự vào quyền bính cao cả nầy bằng tác động của Thánh thần: Người thổi hơi và ban Thánh thần cho họ.  Chúa Thánh thần và Ơn bình an như là chiến lợi phẩm mà Đấng phục sinh chiếm được sau khi đã đánh bại Thần chết bằng cái chết ô nhục của mình. 

Tông đồ Tôma đã không có mặt trong lần hiện ra đó.  Ông đã không tin và còn thách thức đặt điều kiện: phải xỏ bàn tay vào cạnh sườn và ngón tay vào lỗ đinh thì mới tin.  Đức Kitô phục sinh đã thoả mãn tính khoa học của Tôma và đã khôi phục lòng tin yếu kém của ông, nhưng Người nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.  Điều mà thánh Phêrô khẳng định sau nầy: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin.  Vì vậy, anh em được chan chứa niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (Bài Đọc 2. 1 Pr 1, 3-9).  Đức tin Kitô giáo quả thật đòi hỏi một cuộc vượt qua như một sứ vụ không thể thi hành (mission impossible) đối với não trạng trần tục, bị đe dọa chém đầu mà vẫn tin Thiên Chúa sẽ trao các con lại cho mình, như bà mẹ trong Sách Macabê; bị nấm mồ chặn lại mà vẫn tuyên xưng, “con tin em con sống lại ngày sau hết” như bà Mátta, chị của Lazarô.  Đời sống của người Kitô hữu không thiếu những hoàn cảnh éo le như thế đòi phải vượt qua để đạt được sự sống mới, sự sống thần linh.

Lạy Chúa Kitô phục sinh, con xin cảm tạ đội ơn Chúa vì đã liều mình chịu chết đem lại sự sống mới cho chúng con.  Xin cho con đón nhận ơn bình an và ơn Thánh thần mà Chúa đã ban, và đem ơn ấy đến cho anh chị em con . Amen

Suy niệm 2: Lm. Tađêô Võ Xuân Sơn

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

NƠI ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Đức tổng giám mục Lori, tổng giáo phận Baltimore, thuật lại câu chuyện như sau: Một hôm, nghe biết một giáo xứ không cử hành lễ kính lòng Chúa thương xót, Đức Cha Lori gặp Cha xứ và đề nghị Cha cố gắng tổ chức Thánh lễ đó vì Giáo Hội đã quy định và đã được thánh Gioan phaolô II cổ võ. Cha xứ đã trình bày suy nghỉ của mình rằng lễ kính lòng Chúa thương xót như đang làm mất đi niềm vui của mầu nhiệm Phục Sinh, bởi van xin lòng Chúa thương xót là đi vào cuộc sám hối, một hành vi và tâm tình của mùa chay; còn bây giờ đang mùa vui Phục sinh! Nhận định như thế có nghĩa là Mùa Phục Sinh không còn cần lòng Chúa thương xót, không còn cần ăn năn hoán cải trở về hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa và lễ kính lòng Chúa thương xót không đem lại niềm vui. Có thật ngày mừng Chúa Phục Sinh là ngày nói lời tạm biệt với lòng Chúa thương xót hay đó là ngày lòng Chúa thương xót sống dậy trong nhân loại và trong mỗi người chúng ta?

  • Chúa kitô phục sinh là lòng Chúa thương xót

Nếu những ngày trước biến cố Vượt Qua là chuỗi ngày nhân loại phản bội tình yêu của Chúa, thì những ngày mừng biến cố Vượt Qua (Khổ nạn- chết- phục sinh) của Chúa Giêsu là thời kỳ lòng thương xót của Chúa được biểu lộ cho nhân loại. Rõ ràng, trong cuộc tạo dựng, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho nhân loại khi tạo dựng con người trong tình yêu của Ngài; thì nay trong cuộc cứu độ, Thiên Chúa tỏ bày hiển nhiên lòng thương xót của Ngài dành cho nhân loại. Điều đó muốn nói, có sự khác biệt giữa tình yêu và lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ là tình yêu của Ngài, bởi lòng thương xót còn là tình yêu không được đáp đền. Hay nói cách khác, lòng thương xót của Thiên Chúa là cách thế Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cao độ cho con người: vừa hiến thân mình cứu độ con người bởi không muốn một ai hư mất, vừa ban ơn tha thứ cho ngay cả những người chưa biết đáp đền tình yêu của Ngài. Ví thế, sáng sớm ngày Phục Sinh là thời điểm lòng thương xót của Thiên Chúa bày tỏ cụ thể trong Chúa Giêsu kitô cho mỗi người đang cần được cứu độ.

Trong Chúa Giêsu kitô chịu chết và sống lại, lòng thương xót của Chúa minh chứng mạnh hơn sự dữ và sự chết. Ngài tha thứ cho chúng ta là những tội nhân và đưa chúng ta đi từ cõi chết vào cõi sống đời đời. Đó là lý do các tín hữu vui mừng trong ngày Chúa sống lại. Thánh Tôma hiểu rõ điều này, nên đã muốn chạm bằng được vào thân thể của Đức kitô Phục Sinh, nhất là chạm vào vết thương trên thân thể của Chúa, vừa là dấu vết tội lỗi của con người, vừa là dấu biểu lộ lòng Chúa thương xót. Chạm đến Chúa Giêsu là chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôma ước muốn như thế và Chúa Giêsu cũng kêu mời kêu mời Tôma cũng như kêu mời mọi người: “Hãy đưa bàn tay con ra và chạm vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27).

* Chạm vào Thương Tích Đấng Phục Sinh là Chạm vào Lòng Thương Xót của Chúa.

Mặc dù các tác giả Tin Mừng không tường thuật chi tiết thánh Tôma có đưa bàn tay vào vết thương cạnh sườn của Chúa hay không, dường như chi tiết đó không còn quan trọng cho bằng khi gặp gỡ Chúa Giêsu, trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu phục sinh chạm đến trái tim đầy thương tích của Tôma để chữa lành. Tôma cần được tha thứ, trái tim Tôma cần được chữa lành và Tôma đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Phục Sinh. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ là một thứ tình cảm ủy mị, dù đẹp đẽ, nhưng không có khả năng tha thứ và đem lại sự sống. Một khi Chúa Giêsu sống lại, lòng thương xót của Chúa cũng sống lại tha thứ và ban sự sống cho mọi người. Vì thế, khi chứng nghiệm lòng Chúa thương xót tha thứ và đem lại sự sống, trái tim thánh Tôma được chữa lành và hớn hỡ tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Như Đức Hồng y Henry Newman đã nói, đó là lúc “trái tim nói với trái tim.”

Đây cũng là kinh nghiệm đức tin của thánh Faustina khi được thị kiến với Chúa Giêsu và nghe Chúa nói: “Từ mọi thương tích của Ta, tình thương sẽ như những dòng suối trào đổ vào các linh hồn.” Chúa Giêsu cho thánh Faustina biết, lòng thương xót của Chúa là nền tảng cho bí tích Giải Tội, “ở đó phép lạ cả thể nhất xẩy ra và được tái diễn không ngừng. Để lãnh nhận phép lạ này, không cần các cuộc đại hành hương hay cử hành những nghi thức bề ngoài; điều thiết yếu là lấy đức tin mà đến quỳ dưới chân vị đại diện của Chúa và tỏ lộ cho Ngài sự đau đớn của mình, và phép lạ lòng thương xót sẽ được biểu lộ đầy đủ. “Thì ra, lòng thương xót Chúa không hề giới hạn nơi những phép lạ chữa lành hay xin ơn trần thế, mà lòng Chúa thương xót bày tỏ trước hết qua ơn tha thứ tội lỗi và đem lại cho tín hữu sự hăng hái của người môn đệ.

Vậy, khi kính lòng thương xót Chúa trong tuần lễ Phục Sinh này, chúng ta xin Chúa cho mọi tín hữu được siêng năng chạy đến chạm vào trái tim Chúa, chạm vào lòng thương xót của Chúa trong bí tích Giải Tội, ở nơi đó, chúng ta được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương tha thứ và phục hồi lại cuộc đời người môn đệ Chúa.

“Hãy đưa bàn tay con ra và chạm vào cạnh sườn Thầy”. Xin cho con mạnh dạn như thánh Tôma, lao vào Chúa và chạm đến lòng Chúa xót thương.

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

LÒNG THƯƠNG XÓT

Suy niệm

Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng sự chết của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các tông đồ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

Chỉ có một người không vui là ông Tôma, vì ông vắng mặt khi Chúa hiện ra. Có vẻ giữa ông và nhóm anh em có cái gì xa cách, nên ông thẳng thừng từ chối tin vào lời chứng của các bạn. Ông không tin ai khác, chỉ tin vào giác quan của mình.Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Trước sự thách thức và cố chấp của ông, Chúa Giêsu lại hạ mình để hiện ra một lần nữa. Con người Tôma có cái gì bất thường, lập dị, nhưng may là ông trở về với cộng đoàn, nên chứng kiến việc Chúa phục sinh.   

Khi hiện ra, Đức Giêsu nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây… Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma kinh hoàng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay điều gì kinh khủng, mà là chính dấu đinh. Đấng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, mà chỉ dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị hành hình, bị sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá và sống lại vì chúng ta, để ta cùng được sống lại với Ngài.

Thánh giá Chúa mới thực sự là biểu hiện vinh quang, và dấu đinh mới là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được vinh hoa phú quí hay quyền cao chức trọng, vì như vậy chúng ta muốn sống khác biệt với Chúa. Lối sống đó đối nghịch với thập giá Chúa và không đạt tới sự phục sinh với Ngài. Lối sống đó đào hố sâu ngăn cách giữa người với người, không thể hiện được tình yêu mà chỉ là sự ích kỷ, làm điên đảo và tổn thương đời sống con người.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người, chứ không ai khác. Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.

Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó… 

Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là: đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của con người, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa trong đời sống. Thương xót là muốn nâng nhau lên một cuộc sống tốt lành hơn, chân thật hơn, thiện hảo hơn, theo đường nẻo của Thiên Chúa.

Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của bạn đi! Mahatma Gandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế.

Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra mình là người được Chúa thương xót, để suốt cuộc đời ta là trở nên lòng thương xót của Chúa cho mọi anh chị em, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”. 

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.

Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng đòi con phải kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.

Thương xót là hành động cao quí nhất,
đó chính là phẩm chất của con người,
là hành vi thờ phượng rất đẹp tươi,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
để trở nên ánh sáng giữa cuộc trần.

Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.

Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.

Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.

WGPKT(14/04/2023) KONTUM