Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.
Khởi đầu sách Công vụ Tông Đồ.
1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là : ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
6Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.7Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
HÃY ĐI VÀ LÀM PHÉP RỬA
Đức Giêsu sống lại là niềm tin lớn nhất, căn bản nhất trong các tín điều Kitô giáo, tuy nhiên sống lại chưa phải là tận điểm của hành trình Kitô giáo mà còn hướng về trời nữa, vì quê thật chúng ta ở trên trời. Sống lại là biến cố bản lề, từ đó đi vào giai đoạn mới của lịch sử Cứu Độ, đặt chúng ta trong niềm cậy trông lên trời cùng với Đấng phục sinh.
Lịch sử Cứu độ chia làm nhiều giai đoạn, thời kỳ chuẩn bị trong Cựu Ước khá dài gần 20 thế kỷ kể từ khi ông Ápraham được Thiên Chúa kêu gọi cho đến khi Đức Giêsu ra đời. Tiếp đến là thời kỳ Thiên Chúa hiện diện hữu hình nơi trần gian, Đức Giêsu nhập thể sống thân phận con người như chúng ta, lao động, sinh hoạt, rao giảng Nước Thiên Chúa, rồi tử nạn và phục sinh. Sau biến cố phục sinh Đức Giêsu lưu lại với các môn đệ “trong bốn mươi ngày, Người hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (x. Bài Đọc 1. Cv 1, 1-11). Đến thời điểm Đức Giêsu về trời, chấm dứt giai đoạn xuất hiện hữu hình. Người đổi cách thức hiện diện, thay vì hiện diện cách cụ thể, Người tiếp tục ở với các môn đệ bằng sự hiện diện vô hình, thời kỳ nầy người Kitô hữu phải dùng con mắt đức tin để nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong sinh hoạt của Hội thánh và trong cuộc sống của họ. “Phúc cho ai không thấy mà tin“, lời của Đức Giêsu.
Biến cố Lên trời được Tin mừng Mátthêu tường thuật: Đức Giêsu hẹn gặp các môn đệ trên một ngọn núi, tại Galilê “vùng đất dân ngoại”. Khi Thấy Đức Giêsu, các môn đệ sụp lạy Chúa. Đức Giêsu trao cho họ sứ mệnh truyền giáo: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Bài Tin mừng. Mt 28,16-20). “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông” (Bài Đọc 1). Chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình, bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn Chúa hiện diện mà không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa. Ở vào giai đoạn nầy người tín hữu sử dụng lòng tin để nhận ra Đấng vô hình, Người vắng mặt nhưng vẫn cận kề với môn đệ, bằng cầu nguyện, suy niệm, chiêm niệm người tín hữu đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, tức là sống sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa.
Sự kiện Đức Giêsu chọn một ngọn núi tại Galilê, “vùng đất dân ngoại” để từ biệt các môn đệ và trao ban sứ điệp quan trọng về truyền giáo trước khi về trời, chắc hẳn Đức Giêsu muốn đánh động các môn đệ về ý thức truyền giáo, rằng ơn cứu độ được ban cho mọi dân tộc không kỳ thị bất cứ ai, rằng Giáo hội không thuộc độc quyền về dân tộc nào cả. Lệnh truyền giáo được ban ra vào thời điểm trước khi về trời là mệnh lệnh và là lời trối cho đến hôm nay vẫn còn nguyên hiệu lực của nó, lệnh truyền vẫn chưa ‘quá đát’ hay lỗi thời, nhất là khi nhìn vào cục diện thế giới, mới chỉ 1/6 nhân loại tin theo Đức Giêsu Kitô, khi nhìn đến các nước theo Kitô giáo cũ cần được tái rao giảng tin mừng hay tân phúc âm hóa, tất cả cho thấy rằng lệnh truyền giáo sau 2000 năm vẫn giữ y nguyên hiệu lực cùng với sự cấp bách của nó.
Loan báo Tin mừng vẫn luôn là ưu tư hàng đầu của Giáo hội hôm nay, đan cử Á Châu, một lục địa đông dân nhất hành tinh nhưng lại ít Kitô hữu nhất. Một sứ mệnh bao la được trao cho nhóm môn đệ ít học với lời hứa đơn giản: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Vốn liếng chỉ có thế ! Xem ra viễn vông, làm chúng ta thất vọng. Nhưng hãy suy nghĩ kỹ, nếu Giáo hội là của con người thì Giáo hội đã thành bùn từ lâu rồi. Chính Chúa Thánh thần là hơi thở, là linh hồn và là sự sống của Giáo hội, sức mạnh thần thiêng nầy được Đức Giêsu hứa ban cùng với sự bảo chứng “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Truyền giáo là bản chất của Giáo hội theo định nghĩa của Công Đồng Vaticanô II, nghĩa là một khi không truyền giáo, Giáo hội không còn là mình nữa. Những gì nói cho Giáo hội thì cũng nói cho người Kitô hữu, nghĩa là Kitô hữu luôn mật thiết gắn bó với sứ mệnh loan báo tin mừng.
Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, xin cho con biết quan tâm đến lệnh truyền giáo của Chúa để con biết cầu nguyện, khích lệ ơn gọi nơi con em, đóng góp công sức cho việc truyền giáo trong Giáo Phận con đang sống. Amen
————————————————
Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên
LÊN TRỜI
Suy niệm
Khi xưa, Chúa Giêsu nhập thể thì được diễn tả là “giáng trần” hay “xuống thế”. Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu “thăng thiên” hay “lên trời”, nghĩa là Ngài trở về tình trạng vinh quang với Chúa Cha. “Lên trời” không phải là một chuyển động trong không gian, cũng không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái sống vinh hiển, biểu hiện sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là sự sống viên mãn, không còn bị hao hụt hay giảm thiểu bởi đau khổ, bệnh tật, đói khát. Lên trời là thay đổi sự sống từ hữu hạn đến vô hạn, từ tạm thời đến vĩnh viễn, từ tương đối đến tuyệt đối, cũng là khát vọng thâm sâu của con người.
Chúa Giêsu lên trời là vì Ngài đã làm người, đã hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha giao phó, đã dâng hiến chính mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại, và đã trở nên mô mẫu yêu thương tuyệt hảo cho đời sống con người. Chúa về trời nhưng Ngài không bỏ mặc thế giới, hay rời xa Giáo Hội mà Ngài đã thành lập. Ngài không đi vào cõi vinh quang riêng mình, mà đi vào một hiện hữu mới, để hiện diện một cách mầu nhiệm và sâu sát trong lòng Giáo Hội, trong lòng người, như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Tuy Chúa Giêsu không còn hiện diện cách hữu hình để chúng ta trông thấy, nhưng Ngài vẫn là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Phải tập nhận ra Ngài bằng đôi mắt đức tin, trong anh em và trong mọi biến cố đời thường. Chúa Giêsu lên trời mở ra một lối thoát tuyệt vời cho con người, vì họ không còn bị trói chặt vào số kiếp này, không còn bị giới hạn vào thân phận hư hèn hay số mệnh nghiệt ngã. Trên trời, khát vọng sâu thẳm của con người được lấp đầy, mơ ước siêu vượt của con người được mãn nguyện, sự sống và hạnh phúc của con người đạt tới vô biên, vì được tham dự trọn vẹn vào thần tính của Thiên Chúa.
Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỗ nào con người vâng theo ý Cha, chỗ đó là trời. Trái tim của chúng ta sẽ trở thành trời, nếu đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa, nghĩa là để cho Chúa ngự trị và làm chủ cuộc đời mình. Chúa ở đâu thì trời ở đấy. Nếu có Chúa ở với ta, thì trời là vương quốc Thiên Chúa đã ở quanh ta và ở trong ta (x. Lc 17, 19). Để từ đó, ta biết đặt mình ở trong Ngài và trở nên sự hiện diện của Ngài.
Chúa về trời cho biết quê hương đích thực của chúng ta ở trên Trời. Đó không chỉ là niềm hy vọng nhưng còn là một bảo đảm chắc chắn cho tất cả những ai tin tưởng vào Thiên Chúa và sống theo đường lối Người. Ta sẽ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu ta thực sự sống sâu sát với Chúa từ đời này. Thiên đàng đã chớm nở từ hôm nay cho tất cả những ai dám xả thân xây dựng Nước Trời, dám vì công lý mà phải chịu “thiệt thân” như Chúa Giêsu, để đẩy lùi bao bất công, bạo lực, nghèo đói, và mọi thứ làm tha hóa đời sống con người.
Đó chính là sứ mạng mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Vì thế, bổn phận Kitô hữu là xây dựng trời cao từ nơi đất thấp: là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống con người, để mọi người dần dần nhận biết Thiên Chúa, và qui tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Điều đó phải được minh chứng qua đời sống Kitô hữu: là những người xả thân phục vụ cho sự sống và hạnh phúc của người khác, không ngừng cống hiến, cho đi, chia sẻ tất cả những gì mình có, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, càng không chùn bước trước cái chết hay đau khổ.
Như vậy, trời hay thiên đàng là một thực tại đã manh nha từ cuộc sống này, phát xuất từ vinh quang Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người và vạn vật, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng như người ta tưởng. Chính vì người ta muốn làm nên một thiên đàng trần gian như người ta tưởng, một thiên đàng không có Thiên Chúa, nên nó đã suy sụp thê thảm như chúng ta đã thấy trong lịch sử. Thiên đàng là một ân ban của lòng Chúa thương xót, nhưng vì người ta muốn loại trừ Thiên Chúa nên thiên đàng đã trở thành địa ngục.
Ai cũng đang đang mơ ước một tương lai xán lạn cho đời mình, nhưng chắc đó không phải là một tương lai chấm dứt với cuộc đời này, mà phải là một tương lai bền vững đến muôn đời, như Chúa đã dự định và chuẩn bị cho chúng ta (x. Ga 14, 3). Là những người xây dựng lý tưởng linh thiêng cho đời mình, chúng ta hãy bắt đầu xây dựng những thiên đàng nho nhỏ ở quanh mình, nơi gia đình, nơi bạn bè, nơi khu xóm, trong giáo xứ, trong hội đoàn, để minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa đang nhẹ nhàng lan tỏa trên đời sống của con người hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã về trời,
nhưng vẫn còn lại đây Thánh Thể Ngài,
là nguồn sống ân ban cho nhân loại,
là thần lương trên con đường lữ thứ,
là bằng chứng của lòng Chúa nhân từ,
để đời con viết nên trang lịch sử.
Chúa về trời nhưng còn lại Lời Ngài,
Lời chỉ đường và dẫn bước con đi,
Lời quyền năng Lời ân ban sáng tạo,
Lời đưa con lên vinh phúc trời cao,
với một tình yêu mến biết dâng trao,
để làm cho cuộc sống thêm dồi dào.
Chúa về trời từ nay cuộc sống này,
sáng bừng lên trong ơn của Thánh Thần,
để con biết hành động trong sự thật,
đem an bình ích lợi cho thế nhân,
đem niềm vui lẽ sống cho cuộc trần,
nối kết nhau trong nghĩa thiết tình thân.
Chúa về trời nhưng hiện diện mọi nơi,
qua mọi người mọi biến cố nhỏ to,
nhất là qua những con người nghèo khó,
để con luôn biết ý thức chăm lo,
theo Ngài gọi đi vào lòng thế giới,
gieo Tin Mừng đến với mọi tha nhân.
Chúa về trời cho cuộc sống sáng tươi,
không còn nữa những ngày đời tăm tối,
vì từ đây Chúa soi đường mở lối,
cho đức tin và tình mến lên ngôi,
Chúa về trời mở ra sự sống mới,
là muôn đời hạnh phúc chẳng hề vơi.
Xin cho con vững một lòng tin cậy,
để hăng say xây dựng cuộc sống này,
và chờ ngày Chúa sẽ đến vinh quang,
cho đoàn con được hưởng phúc thiên đàng. Amen.
——————————————-
Suy niệm 3: Tôma Aquinô Trần Duy Linh
Chúa Giêsu về trời đem lại cho chúng ta những sứ điệp và những niềm an ủi nào?
Ngày hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu trở về nhà Cha sau khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Chúa Giêsu hồi hương trong vinh quang phục sinh và được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa.
Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.
Biến cố Chúa về trời đem lại cho chúng ta niềm an ủi nào?
1-Niềm an ủi thứ nhất đó là sự hy vọng vào cuộc sống vinh quang.
Thực vậy, nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng: Núi cây Dầu là nơi đã tiếp nhận những giây phút đau khổ cũng như vinh quang của Ngài. Ngọn núi ấy còn in những vết máu trong cơn hấp hối vào đêm thứ năm Tuần Thánh. Ngọn núi ấy đã nghe thấy tiếng van xin tha thiết của Ngài, đã chứng kiến hành động phản Chúa của Giuđa. Nhưng ở đâu có đau khổ Ngài sẽ biến nó thành vinh quang. Chính vì thế mà Núi cây Dầu đã được chọn làm nơi giã biệt và về trời vinh hiển của Ngài. Đó là một niềm an ủi vì chúng ta sẽ tìm thấy vinh quang ở chính những đau khổ phải chịu cũng như chúng ta chỉ ngắt được những bông hồng thắm trên những gai nhọn của nó, hay như lời Đức Kitô đã phán: Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ trước khi được bước vào chốn vinh quang. Chúng ta cũng vậy, sau một cuộc sống đầy chông gai thử thách, chúng ta sẽ được trở về trời với Chúa trong niềm hạnh phúc bất diệt.
2-.Niềm an ủi thứ hai đó là Chúa Giêsu về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta.
Chắc hẳn Ngài sẽ trình bày mọi nhu cầu, mọi ước vọng và mọi sự trợ giúp chúng ta cần đến như lời thánh Phaolô đã viết: Chúa Giêsu đã chết, đã sống lại và ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Ngài chuyển cầu cho chúng ta luôn mãi. Và thánh Gioan cũng nói: Nếu chúng ta trót phạm tội, thì hãy vững tâm vì chúng ta có được một vị trạng sư thần thế trước toà án tối cao đó là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, bao giờ chúng ta cũng kết thúc lời nguyện bằng câu: Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
3- Sau cùng niềm an ủi thứ ba đó là Chúa Giêsu về trời để dọn chỗ cho chúng ta.
Điều ấy muốn nói lên rằng quê hương chúng ta không phải là mặt đất này nhưng là ở chốn trời cao. Nhìn vào thực tế chúng ta phải thú nhận rằng: chúng ta đã bén rễ quá sâu vào cuộc sống trần gian, chúng ta đã quá quyến luyến và đã có quá nhiều ràng buộc vào những thực tại chóng qua. Chúng ta đã chọn trái đất này làm quê hương vĩnh cửu. Chúng ta sẵn sàng bán cả linh hồn cho một nắm bụi đất. Dân Do Thái trong sa mạc đã quỳ gối thờ lạy bò vàng thế nào thì con người hôm nay cũng đang đi vào con đường ấy, họ đã tôn thờ những thần tượng chóng qua thay cho Thiên Chúa, như lời phát biểu châm biếm sau đây: Tôn giáo lớn nhất trên hoàn cầu hiện giờ là tôn giáo bóng đá.
Bởi đó ngày hôm nay, sau khi đã hoàn tất sứ mạng ở trần gian, Chúa Giêsu đã về trời để nói với chúng ta rằng: cuộc sống trần gian chỉ là như một chiếc thang dẫn các con tới quê trời. Khốn cho các con nếu các con quên đi điều đó. Khốn cho các con nếu các con ra sức biến đổi trái đất trở thành một thiên đàng vĩnh cửu. Khốn cho các con nếu các con không biết dùng cuộc sống này để chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết cho tương lai mai hậu.
Trang Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu lên trời, đây là một minh chứng cho thấy rằng có thiên đàng, có sự sống đời sau. Nhưng lên trời không phải là một di chuyển từ nơi chốn này đến nơi chốn khác. Trời ở đây không phải là nơi chốn có thể đụng chạm, sờ mó được nhưng sâu xa hơn đó là một trạng thái. Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là Ngài về cùng với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là nơi Ngài đã xuất phát. Trời ở đây có nghĩa là sống trong tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, việc Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới đi vào cõi xa vắng mịt mù, nhưng Ngài đi về thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, sống với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trước khi Chúa Giêsu lên trời Ngài đã nhắn nhủ các môn đệ rằng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu và trở thành căn tính của mỗi người kitô hữu chúng ta , đó là làm chứng nhân tin mừng phục sinh, niềm vui của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm mang Đức Kitô đến với thế giới hôm nay đang sống trong đau khổ, chiến tranh, bất an, tội lỗi…. để xoa dịu hết tất cả những vết thương của họ.
Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện với chúng ta nữa, trái lại Ngài sẽ ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Để có thể lên trời như Chúa Giêsu mỗi người chúng ta cần phải hoàn thành hành trình dưới thế của mình như chính Ngài. Dù phải sống ở trần thế này với muôn ngàn thánh giá, thử thách, khó khăn… nhưng chúng ta không quên mục đích tối hậu của chúng ta đó là về quê trời, nơi ấy chúng ta sẽ sống trong tình yêu viên mãn của Chúa Ba Ngôi. Nếu như cuộc đời của người kitô hữu chúng ta thiếu đi cùng đích của đời mình là hướng về sự sống đời sau thì chắc chắn những nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Chúa Thăng Thiên cũng cố đức tin của mỗi người chúng ta vào niềm hy vọng tràn trề, trong đó mỗi người chúng ta sẽ nếm cảm hạnh phúc thiên đàng sau này.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới. Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội sứ mạng tiếp nối sự hiện diện của Người, Người cũng đòi chúng ta phải có một sự chọn lựa dứt khoá như Người. Chính vì thế, rất có thể đã xảy ra là tại một nơi nào đó, có sự hiện diện của người Kitô hữu, của Giáo Hội, nhưng lại không có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Sở dĩ như vậy là vì sự chọn lựa của chúng ta đã đi ngược lại với sự chọn lựa của Chúa Giêsu. Chẳng hạn như khi chúng ta có những hành động bất công, bóc lột kẻ khác, thì chính bản thân chúng ta đã bôi nhọ và xoá bỏ sự hiện diện của Đức Kitô.
Người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.
Chúa Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian. Ngài đã tiếp nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Dt 10, 22-24). Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.
Mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta không phải chỉ biết ngước mắt nhìn lên cao, mà điều quan trọng đó chính là chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả việc làm và đời sống, nhất là bằng sự dấn thân, để thực hiện một sự lựa chọn rõ rệt. Con Thiên Chúa khi làm người và ở giữa chúng ta, đã thể hiện một sự lựa chọn rõ rệt, Ngài không hiện diện một cách chung chung, và vô thưởng vô phạt, nhưng đã hiện diện như một Tin Mừng cứu độ cho nhiều người, đồng thời như một hòn đá vấp ngã đối với một số người khác.
Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, Chúa muốn nhắn gởi cho chúng ta một sứ điệp nữa đó là hãy xây dựng thiên đàng tại trần thế này, khi tất cả chúng ta đều xem nhau như là anh em cùng một Cha trên trời. Khi mỗi người chúng ta biết sống từ bỏ, hy sinh và phục vụ nhau.
WGPKT(16/05/2023) KONTUM