Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm A (CN 29.01.2023)

Bài đọc 1: Xp 2,3 ; 3,12-13

Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ.

Bài trích sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a.

23Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở,
những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa,
anh em hãy tìm kiếm Người ;
hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường
thì may ra anh em sẽ được che chở
trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa.
312Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ ;
chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa.
13Số dân Ít-ra-en còn sót lại
sẽ không làm chuyện tàn ác bất công,
cũng không ăn gian nói dối
và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.
Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi
mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.

Đáp ca: Tv 145,6b-7a.7b-8.9-10 (Đ. Mt 5,3) 

Đ.Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

6bChúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,7axử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.

Đ.Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

7bChúa giải phóng những ai tù tội,8Chúa mở mắt cho kẻ mù loà.
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng những người công chính.

Đ.Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

9Chúa phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.10Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

Đ.Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

Bài đọc 2: 1 Cr 1,26-31

Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem : khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. 27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; 28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, 29 hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. 30 Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, 31 hợp như lời đã chép rằng : Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

Tin Mừng:Mt 5,1-12a

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng :

3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12aAnh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Suy Niệm 1: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

BẬC THANG ĐẢO NGƯỢC

 

Chỗ ngồi nào cao nhất.  Trong khi thế gian đua tranh dành chỗ ngồi cao nhất, chiếm thế lực mạnh nhất,  sở hữu quyền ưu tiên nhất, thì Đức Giêsu mở đầu Hiến Chương Nước Trời, tức Bài Giảng Trên Núi, bằng công bố Các Mối Phước Thật, làm đảo lộn bậc thang giá trị xã hội.  Một việc làm đi ngược xu hướng của thời đại và não trạng thế gian.  Khuynh hướng nầy được mở ra với ngôn sứ Xôphônia, ông xuất hiện sau tiên tri Isaia một thế kỷ, sách Xôphônia trình bày tính cách tích cực của hoàn cảnh nguy khốn : “Hỡi những ai nghèo hèn trong xứ sở hãy tìm kiếm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì sẽ được che chở” (Bài đọc 1. Xp 2, 3; 3, 12-13). 

Khi Đức Giêsu đến, Người đón nhận quan niệm nghèo hèn và công chính làm căn bản cho Hiến Chương Nước Trời: “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính.  Mọi điều khác sẽ được thêm cho”.  Các Mối Phúc Thật dành ưu tiên cho tinh thần khó nghèo: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ…  Phúc cho ai khao khát nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (x. Bài Tin Mừng. Mt 5,1-12a). 

Bài Tin Mừng về Bát Phúc không là tiêu chí đạo đức dành riêng cho các Kitô hữu thánh thiện, cho hạng mộ đạo ưu tú, nhưng là tiêu chí sống đạo dành cho tất cả mọi người ở mọi thời đại.   Cách sống nghèo hèn và khiêm hạ là con đường chung cho Đức Giêsu và cho mọi môn đệ của Người.  Nghèo hèn không chỉ là nhân đức luân lý mà thôi, nhưng là một hạnh phúc.  Đó là quy luật sống của công dân Nước Trời.  Trong Tin Mừng Mátthêu, Các Mối Phúc là những lời đầu tiên mà Đức Giêsu ngỏ với dân chúng.  Đó là bản tóm tắt luật sống đạo của Tin Mừng Đức Giêsu đem đến, chắc hẳn người dân Galilê là những người đầu tiên lắng nghe những lời nầy và họ đã chấp nhận, cho nên đã có bốn môn đệ tiên khởi bỏ chài lưới, bỏ sự nghiệp biển cả để bước theo Đức Giêsu.

Và đối với các thế hệ nối tiếp nhau, Đức Giêsu vẫn không ngừng tung ra lời kêu gọi lạ lùng nầy, chính bản thân Người là nguồn suối chủ trương sự nghèo hèn nầy: từ bỏ trời cao, sinh hạ trong hang lừa máng cỏ, sống vô gia cư “không có nơi gối đầu” và chết vô địa táng, phải mượn mộ của bà con chôn tạm, Người sinh ra ngoài đồng, sống ngoài đường, chết trên đồi.  Mầu nhiệm nghèo hèn được Cha François Varillon triển khai khá phong phú trong tác phẩm Vui để Tin Vui để Sống (Joie De Croire Joie De Vivre. NXB Centurion 1992).

Cha F. Varillon cho rằng Đức Giêsu là kẻ nghèo nhất vì cả Ba Ngôi đặt tất cả làm của chung, không có gì là riêng tư, ngay cả Thần khí cũng được Đức Giêsu trao lại cho Chúa Cha khi hoàn tất cuộc đời.  Lối suy niệm nầy có lạ lắm không ?  Thật ra không thiếu gì lần Đức Giêsu nói Người lấy Thần khí của Cha để ban cho các môn đệ, sự gì Con có đều là của Cha, ngay cả ý muốn của Người cũng vậy.  Nghèo được quan niệm là không có gì riêng tư, là từ bỏ chính mình.  Xét cho cùng Đức Giêsu đúng thật là nghèo mẫu mực.

Và Tám Mối Phúc Thật được coi là hình tự thân (auto-portrait) mà Đức Giêsu tự họa chính mình. Bằng bút pháp tám nét, khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô được chính Người tạo nên, mà nếu cứ lần theo bất cứ nét nào trong tám nét đó, chúng đều dẫn ta đến gặp mặt Đức Giêsu. Nói cách khác nếu chúng ta thực hiện được một trong Tám mối phúc thật, chúng ta sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Tám Mối Phúc Thật cho đến hôm nay vẫn còn là một thách đố cho thế giới hưởng thụ, yêu chuộng của cải vật chất và quyền bính, chạy theo chủ nghĩa tôn thờ siêu sao thần tượng, đối với họ sự khiêm hạ, nhân đức tha thứ, tinh thần nghèo hèn trong tâm hồn là những đức tính yếu đuối cần loại bỏ. 

Việc đảo lộn bậc thang giá trị được Thư thứ nhất Côrintô tóm tắt: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan” (Bài đọc 2. 1Cr 1, 26-31).  Như vậy ngay nơi trung tâm mặc khải, tâm điểm lịch sử cứu độ đã thấp thoáng bóng thập giá, một sự ô nhục của một kẻ bị treo lên, một kẻ thua cuộc, tất cả được hàm chứa trong Bài Giảng Trên Núi.  Các điều nầy có khi gieo khủng hoảng cho những đầu óc nặng triết lý, sống theo sự khôn ngoan nhân loại. 

Nhưng xét cho cùng có hệ thống tư tưởng lý luận nào, hay khoa học nào đã đem lại ơn cứu độ cho con người.  Con đường nghèo hèn, khiêm hạ vẫn là mầu nhiệm đòi hỏi khám phá và mời gọi bước theo. Con đường nầy được Đức Giáo Hoàng Phanxicô linh hoạt qua lối sống giản dị và khiêm hạ của ngài, một lối sống làm suy nghĩ nhiều vị mục tử khác.  Thánh Phanxicô Khó Khăn cũng đã từ bỏ tất cả để chạy theo Bà Chúa Nghèo đấy thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đặt bước chân vào con đường Chúa đi trong khiêm hạ và vâng phục, con đường ‘lạ’ mà Chúa đã dùng để cứu độ nhân loại. Amen

Suy Niệm 2: Lm Thái Nguyên

PHÚC THẬT

Chúa nhật 4 Thường Niên Năm A : Mt 5, 1-12a

Suy niệm:

Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người, nhưng lại có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Nếu hỏi hạnh phúc là gì, thì phần lớn mọi người sẽ lúng túng, hoặc diễn tả rất mơ hồ. Cũng như tình yêu, hạnh phúc không thể định nghĩa được, mà là sự cảm nhận tự thâm tâm. Tuy nhiên, ta đừng lầm lẫn giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn cảm xúc hay thỏa mãn ý chí. Cảm xúc đến rồi đi, luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của hoàn cảnh. Còn thỏa mãn ý chí là muốn thực hiện cho bằng được điều mình đã quyết. Cảm nhận hạnh phúc này cao hơn và bền vững hơn sự thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên, sự thỏa mãn nào cũng là nhằm phục vụ cái tôi.

Trong bài giảng đầu tiên trên núi, Ðức Giêsu chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc. Hạnh phúc đích thật là quà tặng của Thiên Chúa, để đón nhận con người cần phải thay đổi quan niệm sống của mình. Đức Giêsu nêu lên tám mối phúc. Mỗi mỗi phúc là một thái độ sống hay một tâm tình sống rất thanh thoát từ chính tình trạng của mình. Đó không phải là những hy vọng thỏa thích về điều sẽ đến, không phải là lời tiên báo mơ hồ về tương lai, nhưng là sự vui mừng về hiện trạng của nó ngay trong cuộc sống này, và chỉ trọn vẹn khi đến ngày ta gặp được Chúa.

Chữ “phúc” Đức Giêsu dùng là một từ đặc biệt. Tiếng Hy Lạp là “makorios”. Makorios diễn tả niềm vui nhiệm mầu, là sự vui mừng hoàn toàn tự bên trong mình. Còn hạnh phúc thường tình của loài người tùy thuộc vào những cơ may, vào những điều kiện mà cuộc đời có thể ban cho hay hủy đi. Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thường không còn nguyên vẹn sau vài ba năm. Hạnh phúc khi mua được căn nhà đẹp không kéo dài quá đôi ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên sau đôi ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói sau đôi ba tiếng. Hạnh phúc thật ngắn ngủi, mất rồi lại đi tìm, và cứ thế cả một đời rong ruổi cho đến lúc xuôi tay, mà chẳng gặp được hạnh phúc ở nơi đâu.

Còn hạnh phúc Chúa ban cho thì không gì có thể hủy hoại hay mất đi được. Đức Giêsu đã nói: “Niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16, 22). Vì đó là hạnh phúc gắn liền với nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đấng là suối nguồn hạnh phúc của toàn thể thụ tạo. Chỉ khi sống thân tình và gắn bó với Chúa, ta mới có hạnh phúc sâu xa và vững bền. Đó là hạnh phúc do sự bằng lòng chấp nhận tất cả, chứ không lệ thuộc vào những hoàn cảnh thuận tiện bên ngoài. Đó là một thứ hạnh phúc ngay trong đau khổ, một hạnh phúc mở ra với mọi người và mọi tình cảnh, mà vẫn ung dung không hề nao núng, vì hạnh phúc đã lắng sâu tận thâm tâm.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” là người không ham hố, không tham lam, không cậy dựa vào tiền của hay quyền thế mà cậy dựa vào Thiên Chúa. Phúc thay ai hiền lành…” là người đã kiềm chế được mọi bản năng, mọi xung động và mọi dục vọng, vì người đó đã được Chúa làm chủ mình, nên luôn sống hiền lành, nhân từ. Phúc thay ai sầu khổ…” là người biết đón nhận mọi đắng cay cuộc đời, để đền tội, để phục vụ, để triển nở đời sống thiêng liêng. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” là người mong nên thánh, mong trở nên giống Chúa, một sự khát khao mãnh liệt để hoàn thiện đời mình. “Phúc thay ai xót thương người…” là người sống bằng tình thương xót như Chúa đã xót thương mình, nên chia sẻ tận tình. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” là người sống ngay thẳng thật thà, luôn hành động với ý hướng trong sáng. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình…” là người tạo sự an hòa, gieo rắc an bình, đem lại an vui cho mọi người mọi nơi mình có mặt. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” là người dám chịu mọi sự khốn khó vì Đức Giêsu để trung thành cho đến cùng.

Tám mối phúc Đức Giêsu nêu lên dạy cho ta hiểu rằng: ngọc chỉ có trong đá, và sen chỉ mọc lên từ dưới bùn. Ngọc được kết tinh từ sỏi đá, và sen được kết tinh từ bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá, hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn. Cũng vậy, hạnh phúc chỉ có trong con người biết đón nhận tất cả và sống cho tất cả bằng tình yêu mến. Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Vì thế, cuộc đời Kitô hữu là đào luyện trái tim mình nên giống trái tim Chúa: một trái tim không khép lại cho hạnh phúc của riêng mình, nhưng luôn mở ra để hiến trao cho mọi người không trừ ai. Hạnh phúc này đã bắt đầu từ hôm nay và triển nở mãi đến cuộc sống muôn đời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa!
Con vẫn luôn đi tìm hạnh phúc,
bằng cách sở hữu cho thật nhiều,
có được những điều mà con muốn,
thỏa mãn những cái mà con ham,
nhưng rồi đâu phải như con tưởng.

Hạnh phúc không phải những gì con có,
như sức khỏe tiền tài hay danh lợi,
mà có thể những gì con không có,
và cũng chẳng bao giờ cần phải có.

Hạnh phúc đích thực nằm ở trong tâm,
rất sâu xa và bền vững thâm trầm,
nhưng bị ngăn chặn qua nhiều tầng lớp,
của ham muốn tham lam và ích kỷ …       

Nhìn ngắm Chúa cho con niềm xác tín:
hạnh phúc là tâm thái biết cho đi,
chứ không phải những gì con chiếm đoạt,
là buông ra không khư khư nắm giữ;
là bằng lòng chứ không cứ so đo;
là sống cho giây phút hiện tại này.

Xin cho con trở về với lòng mình,
để khơi nguồn hạnh phúc tự thâm tâm,
trong cách sống giản dị không cầu kỳ,
không than trách không so bì ai khác.

Hạnh phúc khi con sống luôn bên Chúa,
không buồn thương hay lo sợ điều gì,
chẳng mong cầu hay mê mẩn điều chi,
chỉ biết luôn thực thi theo Thánh ý.

Xin cho con giữ tâm hồn trong sạch,
để hạnh phúc luôn tươi mới trong lành,
để cuối cùng không ai ngoài chính Chúa,
là suối nguồn hạnh phúc của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(26/01/2023) KONTUM