Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A (CN 04.12.2022)

Bài đọc 1: Is 11,1-10

Chúa xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Ngày ấy, từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
2Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này :
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.
3Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú,
Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,
cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,
4nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,
và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.
Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,
hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.
5Đai thắt ngang lưng là đức công chính,
giải buộc bên sườn là đức tín thành.
6Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.
7Bò cái kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cũng ăn rơm như bò.
8Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
9Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng biển.
10Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.
Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,
và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

Đáp ca: Tv 71,1-2.7-8.12-13.17 (Đ. x. c.7)

Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.

1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.

7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.

12Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,13chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.

Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.

17Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.

Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.

Bài đọc 2: Rm 15,4-9

Đức Ki-tô cứu độ hết mọi người.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

4 Thưa anh em, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.

5 Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. 6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

7 Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. 8 Thật vậy, tôi xin quả quyết : Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. 9 Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép : Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.

Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng : 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. 7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng : “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? 8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng : ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

———————————–

 

SUY NIỆM: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

BÀI HỌC SA  MẠC

Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng nói đến sự quan trọng của thời điểm Thiên Chúa mặc khải ơn cứu độ, ngày giờ Chúa đến đột ngột và sự hoàn tất mầu nhiệm vượt qua.  Chúa nhật hôm nay nói đến ý nghĩa quan trọng của nơi chốn Thiên Chúa mặc khải ơn cứu độ, đó là hoang địa. 

Hoang địa hay sa mạc nói về vùng đất khô cháy, cát nóng và thinh lặng, sa mạc có ý nghĩa thiêng liêng,  sa mạc Nê-ghép, nơi xưa kia Apraham và các tổ phụ đã gặp gỡ Thiên Chúa, và lần đầu tiên các ngài đã nghe tiếng nói của Thiên Chúa và Lời hứa của Người trong sa mạc.  Sa mạc của núi Sion, nơi Môsê lãnh nhận bia đá khắc Mười Lời của Thiên Chúa và ký kết giao ước với Người. 

Vào thời Tân ước, ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng trong hoang địa vùng Giuđê, ông nghiêm khắc kêu gọi dân chúng hoán cải: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”  (Bài Tin Mừng Mt 3, 1-12).  Sa mạc như điểm hẹn của dân Thiên Chúa mang tính tiên tri đến gặp gỡ Người.  Dân Thiên Chúa đã trải qua bốn mươi năm trong hoang địa để có đủ thời gian thuận lợi gặp gỡ, lắng nghe Thiên Chúa và được Thiên Chúa giáo huấn thanh luyện và sửa dạy. 

Chính Đức Giêsu khi đến trần gian cũng gặp gỡ vị Tiền hô của mình trong sa mạc.  Cuộc gặp gỡ nầy đánh dấu giai đoạn sang trang trong lịch sử ơn cứu độ, một giai đoạn quyết định bước từ Cựu ước sang Tân ước.  Chính trong sa mạc, Đức Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn đi vào để ăn chay cầu nguyện trong bốn mươi đêm ngày, một thời gian tròn đầy để suy tư về kế hoạch dấn thân cứu chuộc nhân loại, cũng ở đó Người  bị cám dỗ, và Người đã chiến thắng Satan nhờ Lời Sách Thánh. 

Như thế cho chúng ta hiểu rằng hoang địa là nơi thiêng liêng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (c. 3).  Hoang địa là nơi biểu tượng cho sự gặp gỡ, cho quyết định lựa chọn, cho chạm trán với thần dữ; nơi nghèo nàn và từ bỏ, cũng là nơi tu thân hoán cải,  mời gọi vứt bỏ tất cả sự phồn vinh giả tạo, sự an toàn giả hiệu viện cớ mình là con cháu của tổ phụ Apraham (c.9), cậy mình có đức tin lâu năm, rửa tội lâu đời.

Hoang địa mang ý nghĩa thần học, theo truyền thống tu đức, “sa mạc” là nơi lý tưởng để gặp gỡ Thiên Chúa (x. Hs 12,16-22; Gr 2,2-3; Ed 16,23; Đnl 8,2). Trong sa mạc, Đức Chúa đã nói với Môsê (Xh 3), với Ítraen (Xh 19), với ngôn sứ Êlia (1 V 19).  Sa mạc nơi dành cho gió thổi tự do nhưng cũng là nơi dành cho hơi thở của Thánh thần, làm con người trở nên nghèo hèn, dứt bỏ tất cả để chỉ bám víu vào một mình Thiên Chúa, Đấng có thể thực hiện ơn cứu độ của Người một cách kỳ diệu.

Tiên tri Isaia mô tả điều kỳ diệu của thế giới mới, thế giới bình an được cứu độ: Chó sói sẽ ở chung với chiên con …   Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau …  bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục … thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Bài đọc 1.Is 11,1-10).  Đây là cách mô tả thi vị bình an của Chúa Cứu Thế.

Sa mạc còn nhắc cho con người thân phận lữ hành (homo viator), luôn di chuyển liên tục để tìm nguồn nước trong lành, nghĩa là tìm sự sống.  Trong sa mạc con người luôn ra đi, bỏ lại đàng sau tất cả, luôn đi tìm sự mới lạ thể hiện cuộc sống của mình, do đó họ không mang trên vai nhiều hành lý cồng kềnh cản trở việc gặp gỡ Thiên Chúa, càng nhẹ nhàng con người càng tự do và sống phó thác cho Chúa. 

Sa mạc là nơi chốn thuận tiện cho tâm hồn chuẩn bị gặp gỡ Chúa Cứu Thế.  Thế giới đang sống quá ồn ào do đủ thứ âm thanh, đủ thứ dục vọng, đủ thứ chen lấn vật chất, đủ thứ lo lắng, đủ thứ đam mê tội lỗi, đủ thứ âm mưu và lừa đảo, khiến con người không thể lắng nghe Lời Chúa phát ra trong âm thầm vắng lặng, trong tâm tư khi đêm về.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết thinh lặng lắng nghe Lời Chúa, xin cho con can đảm quét sạch tội lỗi, đứng dậy khỏi yếu đuối, uốn ngay thẳng tâm hồn để đón mừng Chúa Cứu Thế. Amen

 

WGPKT(02/12/2022) KONTUM