Xé Tan Đêm Tối (04/04/2021 – Chúa Nhật Phục Sinh – Mừng Chúa Sống Lại

Cây Nến Phục Sinh, biểu tượng Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, chiếu sáng trần gian.  Ánh sáng phục sinh xé tan màn đêm sự chết.  Chiến thắng thần chết chỉ có thể là Đức Giêsu Kitô duy nhất.  Giáo Hội ca tụng Ánh Sáng Phục Sinh, tức ca tụng chiến thắng của Đức Giêsu Kitô trên sự chết qua bài Hoan Ca Phục Sinh (Exultet: Mừng vui lên).  Cây nến được long trọng đặt nơi cung thánh đền thờ cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng.  Nơi cây nến này gói trọn tất cả giáo lý thâm sâu và cao cả của Kitô giáo.  Đức Giêsu là tất cả, là điểm xuất phát và điểm đến, là đầu hết và cuối hết (α và Ω : An-pha và Ô –mê- ga) của vũ trụ và của mỗi người. 

 

Năm tháng thời gian thuộc về Người.  Đức Giêsu Kitô là một hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi, nghĩa là Đức Giêsu Kitô luôn đồng thời với con người ở mọi khoảnh khắc.  Trên thân cây nến phục sinh có khắc hình Thập giá, tức là tuyên xưng Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh, nghĩa là Đức Giêsu của Thứ Sáu Thánh bị đánh bầm dập tan nát và Đức Giêsu Kitô sáng láng vinh hiển của ngày Phục Sinh là một, con người lịch sử tử nạn và con người phục sinh là một.  Các lần hiện ra và các dấu tích nơi tay và cạnh sườn khẳng định điều này. Trong cùng một cử chỉ ghi khắc thập giá trên nến phục sinh, Giáo Hội loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại. 

 

Mầu nhiệm phục sinh không tách rời khỏi mầu nhiệm tử nạn, đây là nguyên lý sinh ơn cứu chuộc, cuộc thương khó của Đức Giêsu là nguyên nhân sinh ơn cứu chuộc cho nhân loại.  Con đường tử nạn dẫn đến vinh quang phục sinh.  Thập giá và vinh quang đan quyện lấy nhau làm nên mầu nhiệm cứu chuộc mà Đức Giêsu Kitô đem lại.  Khi suy niệm mầu nhiệm tử nạn và phục sinh chúng ta đi vào tâm điểm của đức tin công giáo.  Thánh Phaolô suy niệm mầu nhiệm này trong Thư Philípphê: “Vốn dĩ là Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ … Người còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (x. Pl 2, 6-11). 

 

Đi từ tử nạn sang phục sinh là điều xa lạ với trí óc con người, kể cả các môn đệ, họ không hiểu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đến giờ Thầy sắp đi chịu tử nạn mà họ vẫn tranh cãi nhau về chỗ ngồi cao thấp, về việc ai làm lớn hơn.  Ngay cả khi Đức Giêsu chết và sống lại Người còn phải nhắc nhớ các môn đệ Emmau: “Chẳng phải Đấng Mêsia phải chịu đau khổ trước khi đi đến vinh quang sao?” 

 

Chất đắng khó nuốt trong Kitô giáo làm nhiều người từ chối bí quyết hạt lúa mì gieo xuống đất có thối nát đi mới sinh nhiều bông hạt.  Vì không nhận ra mối liên hệ đó, nên hai môn đệ Emmau đã thất vọng bỏ cộng đoàn ra đi, và không nhận ra người Khách Lạ đồng hành với họ trên quảng đường dài hôm đó là chính Thầy Giêsu.  Nhưng một khi hiểu được mối liên hệ chết-sống đó, thì dù chỉ thấy mồ trống mà thôi, thánh Gioan cũng đã tin là Đức Giêsu sống lại thật rồi.  “Bấy giờ người môn đệ kia (tức Gioan), kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin.  Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng theo Kinh Thánh  Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(x.Bài Tin Mừng. Ga 20,1-9). 

 

Thánh Gioan thấy mồ trống, băng liệm và khăn che mặt nhưng lại tin vào Đấng phục sinh mà ông không thấy, ông thấy cái vật chất, ông tin điều siêu hìnhĐức tin là nơi gặp gỡ giữa biến cố xảy ra và lời Kinh thánh.  Cần phải có biến cố để hiểu lời Kinh thánh và cần có Kinh thánh để đọc được ý nghĩa của biến cố, lời Kinh thánh cắt nghĩa sự kiện và sự kiện xác nhận lời Kinh thánh nói.  Việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại được Kinh thánh loan báo, lời loan báo này được thành tựu nơi bản thân Đức Giêsu.  Chính nơi Người Kinh thánh được hoàn tất, Người là sự mặc khải toàn vẹn về Thiên Chúa.

 

Vượt qua sự chết đi đến sự sống, đi từ thập giá đến vinh quang là nhịp tiếp nối thường xảy ra trong đời mỗi người.  Bài học này đúng trong mọi lãnh vực cuộc sống, điều lạ là ít khi chúng ta chấp nhận bí quyết này, vì thường chúng ta muốn đi tắt đón đầu, muốn mau chóng thành công, không muốn đi con đường “hạt lúa mì gieo xuống đất”. 

 

Lễ Phục Sinh hướng chúng ta vào niềm hy vọng sống lại, mang lại ý nghĩa cho đau khổ mà có khi chúng ta cảm thấy vô lý.  Thật ra đau khổ chỉ tìm được câu giải đáp trong cái nhìn của Kitô giáo, ngoài ra đau khổ mãi mãi là tiêu cực, là mất mát khó hiểu.  Đau khổ hay sự dữ là thiếu vắng sự hoàn hảo, đau khổ không bao giờ là tích cực.  Người ta có thể mô tả sự dữ xảy ra thế nào, nhưng người ta không thể lý giải nỗi tại sao sự Dữ hiện hữu, đó là vấn đề muôn thuở “Thế Nào” và “Tại Sao” của sự Dữ.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con bước đi theo Ngài, chấp nhận bóng tối và ánh sáng trong cuộc đời, để cùng Ngài chung hưởng phúc vinh quang. Amen.  Alleluia.

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum giáo xứ Đức An
WGPKT(04/04/2021) KONTUM