Đức Mẹ Mân Côi– CN XXVII Thường Niên – Năm B (CN.03.10.2021)

ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Hiện tượng săn lùng thần tượng của giới trẻ. Ngày nay quá nhiều siêu sao điện ảnh, siêu sao thể thao, được tung lên mạng, in hình quảng cáo, báo đài tôn vinh.  Ngôi sao nầy xuất hiện, ngôi sao khác lặn đi, cứ như thế hành trình tiếp tục.  Như công nương Diana qua đời năm1997 trong tai nạn xe hơi khủng khiếp, lúc đó đã có 15.000 bài viết về bà.  Năm 2002, lễ giỗ 5 năm đã có 12.000 bài viết về bà, 2007 lễ giỗ 10 năm, chỉ có 7.000 bài.  Càng nhiều năm giỗ, bài viết càng giảm thiểu! Đi vào quên lãng là chuyện thường tình cuộc sống. 

Sự kiện ngược lại, một thiếu nữ Do thái có tên Maria đã làm cho cả thế giới chú ý.  Lời ca tụng Mẹ vang lên từ mọi cung thánh đền thờ, mọi trung tâm hành hương Thánh Mẫu nơi các quốc gia.   Xuyên suốt thời gian và hoàn cảnh xã hội, các văn hào, nghệ sĩ, liên tục sáng tác và tán dương Đức Maria qua các tác phẩm của mình.

Nhân vật xưa như trong truyện cổ tích, nay vẫn sống mạnh trong tâm hồn người tín hữu công giáo, đến nỗi không có đất nước nào vắng bóng các đền thờ hay thánh địa hành hương dâng kính Đức Mẹ.  Tại sao?  Chính vì Đức Mẹ đã được Thiên Chúa chọn và Mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại.  Khởi từ mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu đến cái chết thập giá của Người, Đức Maria luôn đồng hành và nâng đỡ người con của mình. 

Hơn thế nữa Đức Mẹ có mặt ngay từ buổi đầu khai sinh Giáo Hội, sau khi Đức Giêsu về trời “Tất cả các tông đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với Đức Maria thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu”(x. Bài đọc 1. Cv 1,12-14), họ họp nhau cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.  Vào ngày lễ Ngũ Tuần Đức Mẹ cũng đã đón nhận Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các thánh tông đồ, đó là ngày khai trương Giáo hội, từ đây các tông đồ hết lo sợ, mở toang cửa, lớn tiếng công khai rao giảng Tin mừng Chúa sống lại.

Như vậy Đức Maria sống trọn vẹn  mầu nhiệm cứu độ qua năm sự Vui – Thương – Mừng, các mầu nhiệm chính yếu nầy dệt nên chuổi kinh Mân Côi, như bản tóm tắt lịch sử ơn cứu chuộc.  Sức mạnh chiến thắng của kinh Mân Côi toả sáng lần đầu tại vịnh Lepante vào ngày 7. 10. 1571, khi đạo binh công giáo với số quân ít ỏi đã chặn đứng được sức tiến công như vũ bão của quân Thổ Nhĩ Kỳ đang lăm le san bằng vương cung thánh đường thánh Phêrô tại Rôma.  Từ ngày chiến thắng đó Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ Mân Côi để nhớ ơn cứu mạng Giáo Hội.  Đó cũng là nguồn gốc kinh Mân Côi.

Giải cứu Giáo Hội khỏi cái chết trước mắt!  Cái bế tắc trong câu chuyện trận đánh tại vịnh Lepante được ví như sự bế tắc trong hoạt cảnh Truyền Tin hôm nay, khi Đức Mẹ nghe lời chào của thần sứ Gáprien là sẽ thụ thai và sinh con trai (x. Bài Tin Mừng Lc 1, 26-38).  Đang khi Đức Maria thắc mắc làm sao Mẹ có thể giữ mình đồng trinh mà có thể thụ thai Con Đức Chúa Trời: “Việc ấy xảy ra cách nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng … ”, thiên thần Gáprien giải đáp cho Mẹ: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể không làm được”.  Và Đức Mẹ đã làm theo ý Chúa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”. 

Đức Mẹ thắc mắc là phải vì mẹ là người thực tế, việc thụ thai là kết quả quy luật sinh vật học, quy luật của truyền sinh sự sống, tuy nhiên phải hiểu rằng Thiên Chúa không bị chi phối bởi định luật khoa học, Người ở ngoài định luật sinh vật học.  Từ hư vô Thiên Chúa tạo nên vũ trụ vạn vật, thì việc làm cho một trinh nữ thụ thai mà không có sự can thiệp của người nam thì dễ dàng hơn nhiều.  Tương tự như thế, khi đã có tờ giấy bạc năm trăm nghìn thì cũng đã có tờ giấy bạc hai trăm nghìn rồi vậy.

Các phép lạ như Đức Giêsu đi trên thiên nhiên biển cả, Người chữa lành bách bệnh, Người làm phép lạ cho kẻ chết sống lại, như vậy rõ ràng Thiên Chúa  không hề bị định luật khoa học nào chi phối cả.  Đấng tạo dựng nên vạn vật thì cao hơn vạn vật, đừng bao giờ đặt Đấng sáng tạo dưới quy luật vật lý là quy luật chi phối vạn vật.  Chúng ta thường suy luận theo lối nầy và muốn thỏa mãn tâm trí là giải thích các mầu nhiệm bằng định luật khoa học.  Dường như Đức Maria đã sớm hiểu ra điều nầy, nên đã thưa “Xin vâng” theo ý Thiên Chúa.

Việc Đức Mẹ được Thiên Chúa can thiệp sẽ trở thành “cổ tích” khi Người chỉ can thiệp trường hợp của Mẹ ngày xưa, mà không làm gì được cho nhân loại ngày nay.  Không phải như thế!  Thiên Chúa luôn luôn đồng hành và can thiệp kịp thời cho con cái Mẹ ở khắp nơi trên thế giới qua lời bầu cử của Đức Mẹ.  Nếu hành hương tới trung tâm La Vang, sẽ thấy những lời tạ ơn Đức Mẹ được khắc vào bia đá kết thành tường rào bao quanh linh địa.  Nếu tới Lộ Đức hay Fatima, sẽ thấy vô số xe lăn, nạng, gậy chống, được để lại nơi đây như lời tạ ơn phép mầu Mẹ ban, lúc đó sẽ không còn có thể nói việc Đức Mẹ can thiệp là chuyện cổ tích được nữa.

Lạy Nữ Vương rất thánh Mân Côi, con kính chào Mẹ và ca tụng lòng thương hải hà của Mẹ, con dâng cho Mẹ bản thân con, mọi thành công và thất bại, mọi guyện ước và dự tính, xin hãy làm Mẹ con như Mẹ đã nhận làm Mẹ Chúa Giêsu. Amen

—————-

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 27 Năm B

St 2, 18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16

 

BẤT KHẢ LY DỊ

 

Việc cưới vợ lấy chồng là chuyện cổ xưa như trái đất, hiện hữu trước cả khi Chúa Cứu Thế ra đời, dân tộc nào cũng nhìn nhận hôn nhân là đại sự của gia tộc.  Tính chất bất khả phân ly trong bí tích hôn nhân đến nay được Giáo hội công giáo quyết liệt bảo vệ, chân lý này thường được đề cao và được nhắc lại trong thánh lễ hôn phối: “Sự gì Thiên Chúa ràng buộc loài người không được phân ly”. 

Nguyên tắc căn bản trong hôn nhân công giáo được Bài Tin Mừng hôm nay nói đến, bất khả ly dị, một vấn đề thời sự nhạy cảm của xã hội.  Ngay từ thời sinh tiền Đức Giêsu đứng trước câu hỏi gài bẫy do nhóm Pharisêu giăng ra, họ nại vào uy quyền của thánh Môsê, ông nầy cho phép ly dị, để thử Đức Giêsu : Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? Bằng một nhát chổi Đức Giêsu quét sạch câu hỏi gài bẫy đó khi trưng dẫn Kinh thánh: Lúc khởi đầu công trình tạo dựng Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ …. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly (x. Bài Tin Mừng. Mc 10,2-16). 

Lời khẳng định nầy đang bị thách đố, Giáo hội công giáo bị coi là lạc hậu khi vẫn kiên vững lập trường theo ý muốn của Đức Giêsu, cho dù ngày nay xuất hiện các hình thái hôn nhân đồng tính hay đồng giới, ly dị và li thân loạn xạ trên phim ảnh báo chí và tiểu thuyết, hơn thế nữa một số quốc gia đánh đồng hôn nhân đồng tính với hôn nhân truyên thống một vợ một chồng.  Vấn đề rất thời sự của hôm nay.

Tình yêu hôn nhân đã nối kết nam nữ thành một xương thịt, tạo nên gia đình theo ý muốn của Thiên Chúa, định luật một vợ một chồng bất khả phân ly là của Thiên Chúa, loài người không tháo cởi được.  Đức Giêsu nhắc lại trình thuật sách Sáng Thế, một câu chuyện có vẻ đơn sơ mộc mạc mang ý nghĩa uyên thâm sâu sắc, trình thuật nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng bà Evà từ cạnh sườn của ông Ađam và làm mai mối Evà cho Ađam.  Ađam đang thất vọng vì không tìm ra được đối tác cho cuộc đời của mình, cho đến một ngày khi giáp mặt Evà, Ađam đã reo vang lên câu hát phấn khởi, bởi vì từ lâu ông hằng mong ước một trợ thủ đắc lực cho mình: “Đây là bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi! (Bài Đọc 1. St 2,18-24). 

Trình thuật muốn chuyển tải sứ điệp sau đây: cả hai người nam nữ đều thoát thai từ bàn tay Thiên Chúa, họ đồng đẳng với nhau, có phẩm giá ngang nhau trước mặt Thiên Chúa, và theo ý muốn của Thiên Chúa cả hai kết hợp nên một xương một thịt, tức có sự gắn bó sống chết, bất khả phân ly.  Đức Giêsu lấy lại giáo lý nền tảng này của sách Sáng thế, đặt làm nền móng vững chắc cho luân lý gia đình công giáo.

Tuy nhiên ngày nay nhiều đôi nam nữ tiến đến hôn nhân trong lo âu khi nhìn thấy đời sống lứa đôi như gông cùm nặng nề, làm cản trở tự do, mang nặng trách nhiệm đối với con cái.  Bi quan và có phần ảm đạm, một số nhìn hôn lễ như kết thúc một cuộc tình, chấm dứt một giai đoạn tự do bay nhảy của thời trai trẻ, mà quên đi rằng hôn lễ là một khởi đầu hứng thú, một cuộc mạo hiểm chinh phục hạnh phúc, một đời sống phong phú có người trợ lực, có người chia sẻ cuộc sống, cùng nhau cộng tác vào việc truyền sinh nòi giống, chung vai gánh vác trách nhiệm giáo dục con cái và giúp nhau vượt qua khó khăn đường dài cuộc sống.  Đó là lý tưởng tuyệt vời !  Một ơn gọi cao quý !

Như thế thật đáng thương cho những ai lầm lẫn nghĩ rằng hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly đã lỗi thời hay bị xếp xó, cho dù họ thấy xảy ra nhiều thảm cảnh gia đình trái ngược với niềm tin của họ. Chân lý căn bản về giá trị con người và về đời sống lứa đôi đã được nói lên nơi thuật trình Tạo dựng.  Giáo lý chính thống về hôn nhân gia đình đã được Đức Giêsu nhắc lại, đó thật sự là thành đồng bảo vệ hạnh phúc nhân loại, ngay cả vào thời điểm mà Luật hôn nhân đồng tính của Mỹ vừa ra đời (26.6.2015). 

Dĩ nhiên cũng cần nhắc lại Luật dân sự có khi khác với Luật tôn giáo, trong trường hợp có xung đột bổn phận, hay có mâu thuẫn giữa hai bộ luật đó, người Kitô hữu có bổn phận phải sống theo Luật đức tin, vâng lời Thiên Chúa qua giáo huấn của Giáo hội, phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời luật xã hội.

Thật vậy, sách Sáng thế mời gọi đôi vợ chồng tái lượng định giá trị và tái khám phá cuộc sống hôn nhân gia đình họ.  Họ được mời tham gia ơn gọi hôn nhân trong ân sủng của Chúa và xây dựng cộng đoàn gia đình trong yêu thương và hạnh phúc.  Mỗi người đều cần đến người khác, người chồng là trợ lực cho người vợ và người vợ cũng tìm thấy sự nâng đỡ nơi người chồng, cả hai bổ túc cho nhau trong nhiều lãnh vực.  Cha mẹ là nơi nương tựa của con cái. Hạnh phúc chỉ đến với gia đình khi cả hai đều nổ lực kiến tạo gia đình và giáo dục con cái.   Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau, nhưng giúp nhau nhìn về một hướng” (Saint Exupéry).  Hướng đó là hạnh phúc gia đình theo ý muốn của Thiên Chúa, hướng gia đình theo đuổi đi về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nâng đỡ mọi gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái, xin cho các bậc cha mẹ biết sống trong đường lối Chúa và Giáo hội. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An

—————————-

Kinh Mân Côi bản tóm tắt Tin Mừng

 

Theo Đức Giáo Hoàng Léon XIII, chuỗi Mân Côi là bản tóm lược hoàn hảo của Tin Mừng, rất gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, từ lúc nhập thể với những năm tháng ẩn dật tại Nazareth, qua những ngày tháng rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đến cao điểm là cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và vinh thăng. (x. Fanjeaux, Prions avec le Rosaire, Lyon 1956, tr. 25).

Kinh Mân Côi là “cuốn Tin Mừng rút gọn”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả điều này: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện đậm chất Kinh Thánh…Chuỗi Mân Côi rõ ràng hướng về Đức Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa”. (x.Tông Huấn Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 46).

Trong phần mở đầu của Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết :“Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có trọng tâm là Chúa Kitô. Qua những yếu tố bình dị của nó, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp của Phúc Âm”.

 

Chuỗi Kinh Mân Côi được dệt nên từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, đây là những kinh nguyện rất đẹp, có truyền thống từ xa xưa và có nguồn gốc trong Tin Mừng. Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 6, 9-13; Lc 11, 2-4). Kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong buổi truyền tin và lời bà Êlisabet mừng Đức Mẹ trong ngày Mẹ thăm viếng gia đình ông Giacaria (Lc 1,39-44; Lc 1,28-30). Câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen” là lời cầu khẩn của Hội Thánh. Kinh Sáng Danh là vinh tụng ca, Hội Thánh ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.(x.Tông Thư Kinh Mân Côi,số 43).

Khi lần hạt, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh, thì gẫm một mầu nhiệm. Chuỗi Mân Côi đan kết 20 biến cố cứu độ của Tin Mừng được chia làm 4 nhóm:

– Năm sự Vui: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu.

– Năm sự Sáng: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu.

– Năm sự Thương: gồm 5 sự kiện trong cuộc thương khó của Đức Giêsu.

– Năm sự Mừng: gồm 5 sự kiện vinh quang.

20 mầu nhiệm ấy là những sự kiện cốt yếu trong Tin Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Sau khi đã chiêm ngắm những mầu nhiệm ấy, chúng ta còn cầu xin những ơn cần thiết để làm người và làm con Chúa cho xứng đáng.

20 mầu nhiệm kinh Mân Côi kết thành một chuỗi các biến cố cứu độ quan trọng trong Tin Mừng. Khi đọc kinh Mân Côi, cùng với Đức Maria, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, Kinh Mân Côi là phương thế đưa chúng ta đến trung tâm điểm của phụng tự Kitô Giáo là tôn thờ, ca ngợi, khẩn cầu Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ngày nay, Lời Chúa được nhấn mạnh rất nhiều và được đề cao đặc biệt trong đời sống tín hữu. Công đồng Vatican II canh tân phụng vụ, mong muốn lòng đạo đức Kitô hữu phải có một căn bản khách quan và vững vàng hơn. Căn bản đó là Kinh Thánh và Phụng Vụ (x. Hiến chế về Phụng vụ thánh, 24). Ngoài Thánh Lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Chuỗi Mân Côi đáp ứng được những đòi hỏi này.Vì các kinh đọc trong Chuỗi Mân Côi, là những kinh lấy từ Kinh Thánh và Phụng Vụ. Còn các mầu nhiệm cũng có nội dung suy ngắm là cuộc đời Chúa Cứu Thế, rút ra từ các sách Tin Mừng (x. Tông huấn về Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 44).

Chuỗi Mân Côi là bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối. 

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh nguyện của mọi tín hữu.Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa”.Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho mỗi người, mỗi gia đình. 

Kinh Mân Côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.đức mẹ dạy trong sứ điệp fatima “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”. Lần hạt mỗi ngày. Lần hạt một mình. Lần hạt chung với nhau trong gia đình. Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lập đi lập lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng cỏ, ấp ủ qua Thập giá trui rèn, tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi, để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.

Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn người tín hữu là những nhà “tu hành” nghĩa là “tu thân bằng việc hành đạo”, thì Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ đeo cổ tay, giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.

Suốt tháng 10, mỗi lời Kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của đoàn con thảo dành cho Mẹ hiền. Qua Kinh Mân Côi, đoàn con thảo hiếu đọc đi đọc lại cả trăm cả ngàn lần kinh Kính Mừng, như trăm ngàn đóa hoa hồng dâng kính Mẹ từ ái. 

Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện”.

Chuỗi Kinh Mân Côi được xem như là bản tóm lược Tin Mừng, vậy chúng ta sẽ thấy lời nhắc nhở của thánh Phaolô thật quan trọng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Ước chi, lời Kinh Mân Côi không chỉ là bí quyết đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn là một sứ điệp mang Tin Mừng cho nhân loại.

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “Hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).

Theo lời mời gọi của Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phan thiết, trong thư Mục vụ tháng 10/2021 “Với sự giãn cách xã hội trong tháng Mười này, tôi mời gọi anh em chị em hãy cầu nguyện chung trong gia đình bằng chuỗi Mân côi cho việc truyền giáo. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: ‘Kinh Mân Côi vẫn còn giữ nguyên sức mạnh và vẫn tiếp tục là một nguồn mạch mục vụ có giá trị cho bất cứ một người loan báo Tin Mừng tốt lành nào’ (Tông thư Kinh Mân Côi, số 17), mỗi gia đình hãy sốt sắng lần Chuỗi Mân Côi.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An 

WGPKT(01/10/2021) KONTUM