Ngôn Từ Và Hành Động– CN XXII Thường Niên – Năm B (CN.29.08.2021)

Xã hội Do-thái thời Đức Giêsu đã khá ổn định về mặt tôn giáo, có tổ chức chặt chẽ, có hàng tư tế, có hội đường, có những quy định rõ rệt và những luật lệ chi tiết.  Do-thái giáo thờ một Thiên Chúa độc nhất khác hẳn với những dân tộc thời đó theo đa thần giáo.  Họ khá tự hào về tôn giáo độc thần của mình, và ngoài lề luật của Thiên Chúa, họ còn có thêm nhiều khoản luật khác nữa rất chi li, nhất là vào thời lưu đày ở Babylon.  Lúc đó không còn Hội đường, không còn sinh hoạt tôn giáo nữa, các luật sĩ sáng kiến ra nhiều luật tỷ mỷ để níu kéo dân trung thành với Giáo ước. 

 

Nhóm Pharisêu (Biệt phái) coi trọng luật lệ và nghiêm nhặt tuân giữ lề luật, họ thường hay lấy mình làm thước đo người khác trong việc thực thi tôn giáo.  Khi thấy môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa họ đã chất vấn Đức Giêsu.  Rửa tay trước khi ăn chỉ là tiểu tiết do con người đặt ra.  Đức Giêsu đã bảo vệ các môn đệ và nặng lời gay gắt công kích sự thờ phượng Thiên Chúa bằng môi miệng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.  Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích” (x. Bài Tin Mừng (Mc, 7,1-8.14-15.21-23). 

 

Đức Giêsu đã làm thay đổi não trạng tôn giáo vị luật qua câu nói này, Người thay đổi thứ tôn giáo nặng hình thức, bằng tôn giáo nội tâm.  Câu nệ công thức bề ngoài là nét đặc trưng của tôn giáo thời Cựu Ước mà Đức Giêsu cực lực lên án như là mả tô vôi, đạo đức giả.  Người muốn một tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa xuất phát từ con tim: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình …  Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế ” (c. 21-23).  Quan niệm tôn giáo mới này được diễn tả minh bạch hơn trong dịp Đức Giêsu trả lời cho phụ nữ Samari khi bà phân vân không biết thờ phượng Thiên Chúa ở núi nào cho phải đạo.  Người nói với bà là đã đến lúc không phải thờ Thiên Chúa trên núi này hay núi nọ mà là tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,1tt).

 

Cuộc đối thoại nầy làm nhớ đến một người bạn chơi đàn organ rất giỏi, nhưng anh thất thường nhảy từ nhà thờ công giáo qua nhà nguyện tin lành, rồi lại trở về với công giáo…  Tìm hiểu lý do, thì ra nơi nào có đàn organ mô-đen hơn, xịn hơn thì anh xin gia nhập ca đoàn nơi đó!  Đối với người bạn nầy biểu diễn ngón đàn thì quan trọng hơn phụng thờ Thiên Chúa.

 

Cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều nói đến cùng một sứ điệp trong việc thực hành tôn giáo, Sách Đệ Nhị Luật, Thư Giacôbê và Tin Mừng Máccô đều nói về cùng một nội dung : “Hãy nghe những thánh chỉ .. để đem ra thực hành” (x. Bài Đọc 1. Đnl 4, 1-2.6-8).  Và Thư Giacôbê nói: “Anh em hãy khiêm tôn đón nhận lời.  Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (x.Bài Đọc 2. Gc 1,17-18.21b-22.27). 

 

Bài Tin Mừng thì đã nói quá rõ, giữ đạo môi mép mà thôi thì chưa được, nhưng còn phải từ tâm hồn nữa.  Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là hai mặt của vấn đề sống đạo, giữa diễn văn và hành động, giữa nói và làm, giữa môi miệng và con tim, phải có sự đồng nhất hài hòa.  Câu nói của ngôn sứ Isaia “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.  Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích”, lời sấm không mất đi tính thời sự đối với chúng ta hôm nay cho dù lời đã nói gần ba ngàn năm trước chúng ta.

 

Kitô giáo là đạo tại tâm, xin đừng nhẹ dạ nghe theo chủ trương nầy.  Chủ trương rằng một khi đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức là đảm bảo cho phần rỗi linh hồn, kiểu lập luận nầy dễ đánh lừa người tín hữu lười biếng, khô khan và nguội lạnh, họ viện cớ tin trong lòng là đủ rồi, và thoái thác tất cả các sinh hoạt tôn giáo.   Thật ra cây đức tin được trồng vào tâm hồn người tín hữu ngày lãnh nhận phép Rửa tội, đức tin lớn lên và phát triển mạnh mẽ hay thui chột tùy vào sự cộng tác của cá nhân đó. 

 

Phép Rửa tội và Thêm sức không phải là tấm vé chắc ăn đi thẳng vào thiên đàng.  Hãy nhìn vào mặc khải thời Cựu ước, ơn cứu độ nhất thời được thực thi nơi trần thế cho dân tộc Do thái, và dân tộc đó biểu lộ lòng tin của họ qua các nghi thức thờ phượng cộng đồng được Thiên Chúa chỉ đạo.  Tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng phải đi đôi với nhau.   Cả hai mặt đều cần thiết để diễn tả và sống đức tin nơi người tín hữu.  Sống đạo, sống đức tin qua đời sống phụng vụ mà cao điểm là các bí tích nhất là thánh lễ.  Lễ nghi phụng tự không là nghi thức họp bạn hướng đạo sáng tạo tại chỗ cho hợp nhãn quan cộng đoàn, nhưng các nghi lễ trong Kitô giáo được Thiên Chúa hướng dẫn và mặc khải, mang tính thiêng liêng mầu nhiệm.

 

Lạy Chúa Giêsu xin hãy mở miệng con để con ca tụng kỳ công của Chúa, xin hãy mở tay con để con thi hành điều Chúa truyền dạy. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(21/08/2021) KONTUM