Tin Không Vui – CN XXIV Thường Niên – Năm B (CN.12.09.2021)

Tin buồn quan trọng nhất trong Kitô giáo được tiên tri Isaia nói tới tám trăm năm trước khi vụ việc xảy ra, ông giới thiệu cho chúng ta nhân vật ‘Người tôi tớ của Thiên Chúa’. Người tôi tớ này chấp nhận hy sinh, chịu nhục nhã, chịu đau khổ tư bề để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa, sở dĩ nhân vật này chịu đựng được tất cả là vì có Thiên Chúa nâng đỡ và đứng về phía ông chống lại những người cáo buộc ông. “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu … Có Đức Chúa phù trợ tôi, vì thế tôi không hề hổ thẹn.  Ai còn dám kết tội tôi?” (x. Bài Đọc 1. Is 50, 5-9a). 

 

Tin buồn nầy là bản phác họa ơn gọi của mọi tiên tri hôm qua cũng như hôm nay và mãi về sau, là ngôn sứ thường bị người đời chèn ép bắt bớ và hành hạ, tất cả họ đều mang thân phận Người tôi tớ của Thiên Chúa, Người tôi tớ đau khổ.  Đây cũng là hình tự thân của Đức Giêsu phác họa khi khai trương việc rao giảng bằng Bài giảng trên núi, mở đầu là Phúc thật tám Mối.

 

Và khi những Kitô hữu đầu tiên đọc lại lời sấm này dưới ánh sáng Phục sinh thì họ nhận ngay ra Người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia mô tả là chính Đức Giêsu thành Nadarét và  vụ án của Người đã diễn ra trong tuần Thương khó.  Trong vụ án này các ký lục, biệt phái, tư tế và dân chúng đứng lên chống đối Đức Giêsu, nộp Người cho quan Philatô, đòi kết án Người và đóng đinh Người vào thập giá.  Đối phương gây áp lực, uy hiếp quan tổng trấn Philatô, buộc ông ra án tử hình cho Đức Giêsu.  Người Do thái dùng bàn tay của chính quyền Rôma để giết Đức Giêsu, Người bị kết án tử hình do chính dân tộc mình.

 

Đức Giêsu là đệ nhất Ngôn sứ, Người đầy tớ tuyệt hảo của Thiên Chúa, là Đấng Mêsia.  Hiểu được như vậy, chúng ta thấy cuộc phỏng vấn thăm dò sau đây của Đức Giêsu có tính điều tra xét hỏi.  Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai? … Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.  Ông Phêrô làm đại biểu thay cả nhóm trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”.  Nội dung của câu trả lời này vượt khỏi tâm trí và sự hiểu biết của ông Phêrô vì lời phát biểu nói về chân tướng Đấng Mêsia, bao hàm ý nghĩa chết chóc : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (x. Tin Mừng Mc, 8,27-35). Lúc nầy ông Phêrô không hình dung được lý do tại sao Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết, bởi vì trong tâm trí, ông quan niệm một Đức Mêsia uy lực quyền thế theo nhãn quan nhân loại mới có thể chiến thắng được đối phương và đem lại vinh quang cho môn đệ.  Ông không ngờ Ơn cứu độ sẽ được thực hiện một cách hoàn toàn khác.

 

Cái thảm cảnh chết chóc u sầu đó được Đức Giêsu tuyên bố thẳng thừng không úp mở, Người nói về số phận của chính mình và cũng là số phận của Đấng Mêsia.  Như thế Người đầy tớ của Thiên Chúa được nói đến trong sách ngôn sứ Isaia chính là hình ảnh và là gương mặt của Đức Giêsu, Đấng chấp nhận chịu chết để cứu chuộc muôn dân.  Số phận chết chóc này là tin không vui cho những ai theo chân Đức Giêsu, ông Phêrô đã không đồng ý và đã can ngăn Đức Giêsu, nhưng Người không nhượng bộ mà còn khẳng định: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c. 34).

 

Người Kitô hữu tin vào Đức Giêsu Kitô được yêu cầu sống đức tin của mình và tuyên xưng đức tin đó ra bên ngoài, đòi hỏi này được Thư Giacôbê minh định: “Tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?  Đức tin không có hành động là đức tin chết” (x. Bài Đọc 2. Gc 2, 14-18).  Tin trong lòng phải đi đôi với tuyên xưng ngoài miệng mới được cứu rỗi.

 

Đức tin là sự chấp nhận sự thật về con người Đức Giêsu trong tâm hồn và thực thi ra bên ngoài qua hành vi luân lý, như vậy sống luân lý là cách diễn tả đức tin một cách thiết thực trong đời sống xã hội.  Tin Thiên Chúa là Đấng chân thật, nên người tín hữu phải sống không dối trá; tin Thiên Chúa là vua tình yêu, cho nên phải yêu thương mọi người không phân biệt sang hèn.  Đức tin phải đi liền với đức mến, tức là hành động bác ái từ thiện, hành động mà không có hy vọng thì vô nghĩa.  Cho nên đức tin, đức cậy, đức mến là bộ ba đi liền nhau trong cuộc đời người Kitô hữu.  Đó là ba nhân đức đối thần người Kitô hữu được trao ban ngày lãnh nhận phép Rửa tội. 

 

‘Chúa chết’ là tin không vui lại là tin vui cho những ai được hưởng ơn cứu độ vì máu Đức Kitô có đổ ra, ơn cứu độ mới được trao ban cho nhân loại, nói cách khác máu không đổ thì tội không được tha (Thư Do thái).  Điều nấy cho thấy lý do tại sao Kitô giáo cử hành lễ ‘giỗ’ của Đức Giêsu rất long trọng suốt cả Tuần thánh, đó là chóp đỉnh của phụng tự Kitô giáo, xem ra cả tuần ầy Giáo hội cử hành sự thất bại của Đức Giêsu, sự thất bại theo kế hoạch của Thiên Chúa Cứu độ.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận thân phận làm Người Đầy Tớ Đau Khổ để cứu độ trần gian, xin cho con biết chấp nhận những khó khăn trong đời thường để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa làm nên ơn cứu độ trần gian . Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(11/09/2021) KONTUM