Tuyển Chọn Và Sai Đi – CN XV Thường Niên – Năm B (CN.11.07.2021)

         Tuyển Chọn là chủ đề của cả ba bài đọc phụng vụ Chúa nhật hôm nay:  Thiên Chúa chọn tiên tri Amốt, chọn dân Ítraen, và Đức Giêsu tuyển chọn các môn đệ.  Một số người được tuyển chọn để thực hiện chương trình của Thiên Chúa, tất cả có điểm nhắm chung là “Quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền thủ lãnh là Đức Kitô” (Bài Đọc 2. Ep 1,3-14). 

         Hướng đi căn bản này chỉ đạo toàn bộ lịch sử của dân Ítraen trong quá khứ.  Dân tộc này được tuyển chọn để chuẩn bị đón Đức Giêsu Kitô.  Đời sống đức tin của chúng ta được định hướng đi về tương lai do Đức Giêsu Kitô hướng dẫn, tương lai này liên hệ đến cuộc đời của mỗi chúng ta và của cả nhân loại, điều nầy cho thấy Thiên Chúa làm chủ lịch sử nhân loại.

         Ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa được thể hiện qua sự tuyển chọn người này hay người kia: “Đấng tuyển chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện… Người tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (x. Bài Đọc 2. Ep 1,3-14).  Bí mật này được Đức Giêsu ca tụng thay cho chung ta: “Lạy Cha con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này nhưng mặc khải cho những người bé mọn.  Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha ” (Lc 10, 21).  Mỗi người đi theo một ơn gọi, và khi đi hết cuộc đời của mình, con người mới nhận ra sự huyền diệu mà Thiên Chúa đã dành cho mình.

         Thiên Chúa quyền năng, Người hành động theo sự khôn ngoan và tự do của Người.  Ơn làm tiên tri được thực thi cho Amốt với tất cả sự bất ngờ của ông, ngay cả khi ông bị một tư tế chế nhạo và xua đuổi mời ông đi chỗ khác mà tuyên sấm, Amốt trả lời cho vị tư tế đó rằng: “Tôi không phải là ngôn sứ.  Tôi chỉ là người chăn súc vật và chăm sóc cây sung.  Chính Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta’” (x.Bài Đọc 1. Am 7,12-15). 

         Điều nầy cho thấy Thiên Chúa có thể sử dụng con người để thực thi ý định của Người, ngay cả khi con người thấy mình bất xứng với ơn gọi ấy.  Ở đây chúng ta thấy Thiên Chúa thật sự làm chủ lịch sử, Người uốn nắn lịch sử theo ý của Người.  Điển hình là trường hợp của thánh Phaolô, một kẻ hung hăng bắt bớ Kitô giáo, lại đã được Đức Kitô phục sinh chinh phục trên đường Đamát, thánh Phaolô đã trở nên tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.  “Không phải con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn con !”

         Lời Chúa phải được ưu tiên phục vụ, không bị xiềng xích bởi bất cứ thế lực nào.  Lệnh truyền giáo của Đức Giêsu không dựa cậy vào sức mạnh kinh tế, tức “lương thực, bao bị, tiền giắt lưng”, ngay cả “mặc hai áo” cũng không.  Ở đây chúng ta hiểu lệnh truyền giáo có tính cấp bách và phải giữ sự khó nghèo trong hành trang đi đường, tuyệt đối đặt tin tưởng vào Thiên Chúa.  Lệnh lên đường chỉ được mang theo “một cây gậy, một đôi dép”, “không mang hai áo”, nói lên sự thanh thoát của nhà truyền giáo, không bám víu vào của cải vật chất, không vướng mắc vật chất, luôn đơn giản sẵn sàng lên đường thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu.  Nhưng luôn đi hai người để làm chứng cho sự thật và để cho người khác tin, vì chứng của hai người thì đáng tin cậy theo quan niệm Do-thái. 

         Con đường truyền giáo có khi gặp khó khăn trắc trở và thường là như vậy, nhà truyền giáo có khi được đón tiếp nồng hậu nhưng cũng thường bị xua đuổi hay bắt bớ và giết chết.  Một điển hình tại địa phận Kontum, vào năm 1842 Đức Cha Têphanô Cuénot Thể mở cuộc truyền giáo Tây Nguyên Kontum, ngài sai các thừa sai lên miền thượng du, họ gặp  vô vàn khó khăn về thổ nhưỡng, về người bản địa, về lệnh bắt đạo của vua chúa lúc bấy giờ…  Với ý định kiên quyết mở đạo cho anh em dân tộc bằng bất cứ giá nào, sau 20 lần thất bại, lần thứ 21 được tiến hành và sự thành công đã đơm bông kết trái theo ý nguyện của nhà thừa sai.  Tuy nhiên cái giá phải trả là chính Đức cha đã bị kết án tử hình chém đầu bêu giữa chợ.  Ngài đã chết rủ tù trước khi án lệnh triều đình đến, quan trấn thủ đã cho đào mồ ngài và ném thi hài ngài xuống sông.  Ngài đã được tôn phong hiển thánh trong số 117 vị tử đạo tại Việt Nam ngày 19. 6. 1988 tại Rôma.  Ngày nay tượng thánh Têphanô Thể vương cao nơi khuôn viên nhà thờ chính tòa Kontum.  Ngài là vị thánh sáng lập miền truyền giáo Tây Nguyên.

         Thân phận đau thương nầy này, Đệ Nhất Thừa Sai là Đức Giêsu đã kinh qua và bị xử tệ, bị “đóng đinh vào thập giá”.  Đức Giêsu  không giấu giếm khó khăn này khi sai các môn đệ ra đi truyền giáo.  Ơn gọi truyền giáo cũng là ơn gọi của mọi Kitô hữu và của Giáo Hội.  Ơn gọi này làm nên bản chất của Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II định nghĩa: Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, nghĩa là một khi Giáo Hội không còn truyền giáo nữa, thì Giáo Hội chỉ là xác chết, chỉ là tổ chức xã hội thuần túy.  Những gì nói về Giáo hội thì cũng nói về người Kitô hữu nữa.

         Lạy Chúa Giêsu, chúng con được Chúa mời gọi rao giảng Tin Mừng, xin cho chúng con ý thức và thi hành sứ mệnh cao cả đó nhất là trên Tây nguyên này. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(10/07/2021) KONTUM