Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C (CN.06.03.2022)

BÀI ĐỌC I: Ðnl 26, 4-10

“Dân được chọn tuyên xưng đức tin”.

Bài trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa là Thiên Chúa rằng: “Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạvà bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con, đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này, một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho con”. Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình trước tôn nhan Người.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Rm 10, 8-13

“Kẻ tin tưởng tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thánh Kinh nói gì? Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Vì Thánh Kinh đã có nói: “Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ thẹn”. Bởi lẽ không có sự phân biệt người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đói với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 4, 1-13

“Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”. Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”. Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Ðó là lời Chúa.

——————-

Suy Niệm 1:                         Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

XIN CỨU CON KHỎI SA CHƯỚC CÁM DỖ . . .

1. Cám dỗ là gì ? Thưa là nói dối, là phỉnh gạt, là dụ khị, là lôi kéo người ta làm việc xấu.

2. Ai là “chuyên viên” cám dỗ ? Thưa là chính ma quỷ. Ma quỷ là cha sự dối trá. (Ga 8,44). Bà Eva là người bị ma quỷ, dưới hình con rắn, lừa phỉnh đầu tiên và bà đã tin nghe ma quỷ .

3. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta đọc khi cầu nguyện, có câu : Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ ! Chúa biết ma quỷ rất hiểm độc cho nên mới dạy như thế. Chúng ta không thể thắng được ma quỷ nếu không có ơn Chúa. Thánh Phêro bảo ma quỷ như sư tử rảo quanh gầm gừ muốn ăn tươi nuốt sống ta và ngài dạy chúng ta bình tĩnh đứng vững trong đức tin mà kháng cự thì sẽ thắng !

4. Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Và như vậy thì ma quỷ sẽ không bao giờ buông tha chúng ta.

Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ những điều gì ?

* Thứ nhứt : Cám dỗ của ăn. Vì Chúa Giêsu đang đói. Thời bây giờ thì ma quỷ sẽ rủ rê chúng ta ăn nhậu. Dzô ! Dzô ! Một trăm phần trăm ! Ai nghèo đói mặc kệ không quan tâm ! Bây giờ ở Kontum mà Chúa Giêsu gặp mấy ông người Thượng mê ăn mê uống, thì Chúa sẽ bảo: Thôi đừng uống nữa ! Say sưa rượu chè , hư thân, vợ con buồn khổ lắm ! Nhưng ma quỷ thì sẽ xúi: Uống tiếp đi, say tới bến luôn mới đã. Cám dỗ là vậy đó. Mình đọc ở đâu đó có mấy câu này cũng hay hay :

Nhân phẩm ngày nay hạ giá rồi,

Chỉ còn thực phẩm lên giá thôi,

Lương tâm giá rẻ hơn lương thực,

Chân Lý chân giò một giá thôi.

Ma quỷ rất vui thích về những điều này vì nó đã thành công.

* Thứ hai : Cám dỗ quyền lực

Thời nào con người cũng có máu mê quyền lực. Để được làm tổng thống rồi tranh cử chửi nhau như kẻ thù, rồi gian lận này nọ. Hình như trong mỗi người chúng ta đều có máu muốn làm lớn. Người ta còn nhẫn tâm giết bỏ những người mà họ nghĩ là cản trở sự thăng quan tiến chức của mình. Lòng tham quyền lực của những kẻ làm lớn đã gây đau khổ cho nhân loại biết bao nhiêu ! Ở Ucraine bây giờ chẳng hạn ! ! !

* Thứ ba : Thử thách Thiên Chúa

Người Pharisieu yêu cầu Chúa Giêsu : Ông làm dấu lạ nào đi để chúng tôi tin ông. . . Khi Chúa Giêsu về làng Nazareth của mình, người làng cũng muốn Chúa Giêsu làm phép lạ cũng như đã làm chỗ nọ chỗ kia để họ xem. Chúa Giêsu dư sức làm nhưng không làm vì đó là sự thách đố đầy kiêu căng.

5. Mùa Chay năm nay , cả thế giới vẫn còn nếm mùi đau khổ vì đại họa covid. Rồi bước vào Mùa Chay năm nay chiến tranh tàn khốc trong đất nước Ucraine đã gieo đau khổ, chết chóc cho những người dân lành, tàn phá tan hoang những gì người trước đã dày công xây dựng, do cũng vì lòng tham của những kẻ có quyền mà lòng độc ác. Xin Chúa cho chúng con biết thay đổi chính mình trong Mùa Chay này, để thắng được mưu mô của ma quỷ , hầu chúng con có thể góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, bình an hơn. AMEN

——————

Suy Niệm 2:                         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Người ở trong hoang địa…
chịu satan cám dỗ…”

  1/ Nhà văn Nikos Kazanzakis đặt cơn cám dỗ vào cuối đời Chúa, trên thập giá… trong tác phẩm “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa”. Các tác giả Tin Mừng thì dặt cơn cám dỗ ngay đầu đời hoạt động của Chúa…

   2/ Thật ra cám dỗ đeo đẳng suốt đời Chúa:

– Cám dỗ đến từ lãnh đạo Do Thái…

– Cám dỗ đến từ ma quỷ…

– Cám dỗ đến từ đám dông dân chúng (muốn tôn Ngài lên làm vua).

– Cám dỗ thậm chí đến từ Phêrô: “Satan! lui ra sau thầy …”

   3/ Điều chính yếu Chúa bị cám dỗ là làm theo ý riêng, không theo đường lối, thánh ý Chúa Cha.

   4/ Chúa hóa thân làm người, sống giữa loài người, sống như mọi người (chỉ trừ tội lỗi) nên cũng chia sẻ cám dỗ, khổ đau và cả cái chết của chúng ta… nghĩa là liên đới với Con Người trong mọi tình huống. Chia sẻ cám dỗ của mình với người khác ta cảm thấy xấu hổ… phải biết rằng cám dỗ là chuyện bình thường, không bao giờ bị cám dỗ… là có vấn đề… cám dỗ cũng có tác dụng tích cực luyện ta nên vững mạnh hơn… giống như chích ngừa sởi, đậu mùa… là tiêm vi trùng bệnh (đã làm yếu đi) vào người ta… để các tế bào của ta chống lại, tiết ra kháng thể tiêu diệt chúng…

   5/ Cám dỗ chưa phải là tội… bao lâu ta ý thức không chiều theo nó. Chống lại nó ta còn có công trước mặt Chúa nữa.

  6/ Hãy cậy nhờ sức mạnh của Lời Chúa như thanh gươm 2 lưỡi mà chiến đấu và chiến thắng cám dỗ như Chúa: “Có Lời chép rằng…

   7/ Một cụ bà (tuổi cao, đau ốm) có con trai bỏ vợ… đưa bồ về nhà… với nhiều lễ vật, vừa ấp úng giới thiệu, bưng mâm lễ vật tới… bà cụ hất một cái… lễ vật bay tung tóe… con bé cũng co giò chạy mất dép… bà cương quyết không chấp nhận… bà đã thắng cám dỗ…    

WGPKT(05/03/2022) KONTUM