Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C (CN.03.04.2022)

BÀI ĐỌC I: Is 43, 16-21

“Đây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa là Đấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Đấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Pl 3, 8-14

“Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Đức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.

Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Đức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 8, 1-11

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Đó là lời Chúa.

——————-

Suy Niệm 1:                             Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

 

Đấng Thấu Suốt Tâm Hồn Con Người

Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn ngàn sao, sáng sớm Chúa Giêsu trở lại đền thờ. “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy cho họ”. Bỗng có tiếng xôn xao. Một nhóm Kinh sư và Pharisiêu đang lôi một người đàn bà tới, đám đông dạt ra, họ xô chị ra đứng trước mặt Chúa Giêsu. Họ bất ngờ lập tòa án ngoài trời và mời Chúa Giêsu làm quan tòa. Học đọc cáo trạng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.

Nghe câu đầu của bản cáo trạng, chúng ta có thể cười thầm: Vậy là các anh đi nhòm qua lỗ khóa nhà người ta hả? Đối với họ thì bản án đã có sẵn trong Luật Môsê: ném đá! Chúa biết họ muốn gì! Chúa trả lời bằng cách: “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ nói mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Tin Mừng không nói Chúa viết cái gì, chỉ nhắc hai lần “Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Trước hết, Chúa kéo con mắt và sự chú ý của họ khỏi người đàn bà đang đứng ở giữa, khỏi thái độ quan tòa, tập trung vào ngón tay của Chúa. Chúa thinh lặng, họ cũng thinh lặng. Một lúc sau họ lại hối thúc Chúa trả lời. Chúa ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Rồi người lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sau khi kéo sự chú ý của họ khỏi người đàn bà và bắt họ cúi xuống nhìn ngón tay của Chúa di chuyển trên mặt đất, Chúa bỗng lật sự chú ý và cái nhìn của họ quay vào chính mình họ. Hãy nhớ Luật do ông Môsê chuyển đạt cho các ông là do Thiên Chúa ban: “Sau khi phán với ông Môsê trên núi Sinai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia chứng ước, hai tấm bia này do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18). “Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ viết của Thiên Chúa, khắc trên đá (Xh 32, 16). “Đức Chúa đã ban cho tôi hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết” (Đnl 9,10). Chúa như nói với họ: Luật Môsê là do Thiên Chúa ban, do ngón tay Thiên Chúa viết, thì Thiên Chúa mới là Đấng xét xử, và người xét xử các ông nữa đấy! Kết quả là họ nhìn vào chính mình… “rồi họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Lối châm biếm thật là sâu sắc: càng già càng lắm tội! Chúa Giêsu chứng tỏ Người có quyền xét xử như Thiên Chúa, soi thấy tâm can mỗi người chứ không theo vẻ bên ngoài.

Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người phụ nữa thì vẫn đứng ở giữa”. Ta ngạc nhiên: chỉ còn Chúa Giêsu ngồi đó, người phụ nữ thấy chung quanh mình chẳng còn ai nhưng cũng chưa dám bỏ đi. “Vẫn đứng ở giữa,” có thể hiểu là vẫn đứng yên chỗ đã đứng như trước vành móng ngựa ở tòa án, những kẻ tố cáo đứng vây quanh đã nhận biết họ chẳng tốt gì hơn mà đòi kết án chị; họ đã bỏ đi hết, chị đứng một mình trước Đấng có quyền xét xử. Thánh Augustinô bình luận: Chỉ còn lại hai: con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.

Chúa hỏi như để mở cho chị thấy hoàn cảnh của mình: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Chị đáp: “Thưa ông, không ai cả”. Đấng có quyền xét xử nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa!”. Người không kết án chị, chỉ yêu cầu chị “đừng phạm tội nữa”. Họ không dám kết án chị vì họ tội lỗi hơn chị. Tôi không kết án chị vì tôi là Đấng có quyền xét xử. Lời Chúa Giêsu nghe như vọng lời Thiên Chúa phán trong sách Êdêkien: “Ta lấy mạng sống ta mà thề, Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33, 11; x. 18, 32).

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình không phải chết nhưng được sống, cũng minh họa lời Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với tôi mà uống”. Người ta lôi chị đến trước mặt Chúa, nhưng Chúa đã cho chị uống lòng nhân lành thương xót để chị được sống, và đặt chị trở lại trên con đường đi tới sự sống: “Đừng phạm tội nữa!” (x.Tĩnh tâm với Tin Mừng Gioan, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Chúa nhật IV, qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Chúa nhật V, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn con người và Ngài luôn mở ngõ cho con người hướng về tương lai.

1. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt tâm hồn con người.

Đứng trước câu hỏi thách thức “Thầy dạy sao?” của cánh Biệt phái, Chúa Giêsu biết rằng cạm bẫy đã được trương ra cho Người. Nếu dạy người ta tha cho người phụ nữ, Người sẽ bị kết án chống lại lề luật; còn nếu dạy người ta ném đá bà, giáo lý về lòng nhân ái của Người sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tiến thoái lưỡng nan. Chúa Giêsu im lặng. Kẻ thù đắc chí. Dân chúng đợi chờ. Rồi với câu trả lời “Ai vô tội, hãy ném đá chị này trước đi”, Chúa Giêsu đã phá vỡ sự im lặng của mình để đẩy cánh Biệt phái vào một sự im lặng khác đầy ngột ngạt: sự im lặng trước toà án lương tâm.

Sự kiện này hé mở cho thấy Người là Đấng thấu suốt tâm hồn. Chẳng có gì là thầm kín trước Thiên Chúa toàn tri, chẳng có ai là trong sạch trước Thiên Chúa thánh thiện. Người phụ nữ đã để cho dục vọng buông lơi nên dấn thân vào đường tội lỗi, nhưng cánh Biệt phái cũng đã để cho hận thù xâm chiếm nên bài binh bố trận hòng đẩy Chúa Giêsu vào cạm bẫy chết. Họ có hơn gì? Có gia đình mà còn chim chuột trăng hoa, người ta gọi đó là “ngoại tình”, thế thì có đạo mà còn ác tâm mưu hại người khác có thể gọi là “ngoại đạo” chăng?. Coi chừng: quen kết án người khác về điều gì là tự tố giác mình đang có khuynh hướng ngầm nghiêng về điều đó (F.Sheen). Tội lỗi phải bị lên án, nhưng tội nhân cần được đối xử công bình, mà công bình đích thực trước tiên hệ tại việc ổn định lương tâm riêng tư mỗi người. Lẽ công bình là điều kiện để xây dựng tình nhân ái. (x. ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, Nút vòng xoay, tr 53-58).

2. Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng nhân ái.

Đẩy cánh Biệt phái vào tận lương tâm trách nhiệm để họ lặng lẽ rút lui, Chúa Giêsu đã tạo điều kiện cho người phụ nữ nhìn lại cuộc sống của mình để ăn năn sám hối và nhìn vào lòng của Người mà tin tưởng làm lại cuộc đời. Là Đấng duy nhất không có tội, Người từ chối lên án. Người không được sai đến để kết án, nhưng là để cứu thoát… câu cuối cùng của bài Phúc âm chính là cao điểm kiết thúc cho cả câu chuyện. Người phụ nữ được tha bổng, không phải vì Chúa Giêsu không cho là quan trọng cái tội mà bà vướng mắc, nhưng chỉ vì lòng nhân ái của Người cao cả bao la. Cao hơn tội bà vấp phạm và bao la hơn nỗi lòng hồi hộp đợi chờ của bà phút ấy. Dẫu sao, đi kèm với ơn tha thứ, vẫn là lời mời gọi “từ nay đừng phạm tội nữa” (sđd).

3. Chúa Giêsu, Đấng mở lối về tương lai 

Người ta đòi ném đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách đánh giá ấy. Tội nhân luôn đáng thương nên cần được thương cho đáng. Đó là chuyện tử tế và cũng là chuyện thực tế. Yêu thương họ là cầu nguyện và giúp đỡ họ trở về đường lành. Chúa Giêsu nhìn nhận người phụ nữ có tội. Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới, một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết tâm làm lại cuộc đời. 

Một truyền thống nói rằng người đàn bà này là Maria Madalena, người được trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), và đã bày tỏ tình yêu qua việc dùng nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa, xức dầu và hôn chân Chúa Giêsu (Lc 7,37). Một truyền thống khác cho rằng đây là Maria làng Bêtania, em của Matta và Lazarô (Lc 10,39), đã xức dầu thơm cho Chúa (Ga 12,3). Có lẽ người đàn bà ngoại tình, Maria Madalena và Maria làng Bêtania cùng là một người. Và cả 4 Phúc âm đều nói đến Maria Madalena ở mộ Chúa như chứng nhân đầu tiên của sự Sống Lại. Và như người loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên. Chính lòng thương xót của Chúa đã biến đổi từ một người tội lỗi trở thành một môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu: “Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người” và trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu: Bà Maria Madalena đi báo cho các môn đệ: “tôi đã thấy Chúavà bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,18). Tình yêu và lòng Sám hối có quyền lực biến đổi bóng tối thành ánh sáng, biến đổi những tội nhân thành các thánh nhân ‘Lumen Gentinm số 171’ (x.ĐGM Giuse Trần Văn Toản, Lời Chúa và cuộc sống năm 2015).

Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt cuộc đời một con người cũng như lịch sử  nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối cho tương lai. 

Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen. Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi. Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế. 

Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án, không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô… và còn biết bao con người đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm tông đồ dân ngoại. Và thánh nhân đã sống hết mình cho tương lai mới. 

Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.  

————–

Suy Niệm 2:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

“AI TRONG CÁC ÔNG SẠCH TỘI,
THÌ CỨ VIỆC LẤY ĐÁ MÀ NÉM TRƯỚC ĐI.”

1. Chỉ có Thánh Gioan là kể chuyện này thôi.

Đây không phải là một dụ ngôn, nhưng là một câu chuyện xảy ra thật sự !

2. Bối cảnh : Đêm rồi Chúa Giêsu ở núi Ô-liu cầu nguyện. “Vừa tảng sáng. Người trở lại Đền Thờ . Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga 8,2). Như vậy là rất đông người nhé. Mình tin là cũng có các môn đệ nữa. Mình có đến thăm nơi xưa kia của Đền Thờ. Rộng lớn lắm ! Trên nền Đền Thờ cũ, bây giờ có một đền thờ Hồi Giáo, lớn lắm, khách tham quan hành hương không được vào bên trong. Như vậy thì Chúa Giêsu xưa cũng ngồi chỗ nào đó ở nơi đây có mặt bằng tương đối rộng rãi để có chỗ cho đám đông dân chúng. Thầy trò đang chăm chỉ “học tập” thì . . .

3. Bọn phá đám : “ Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-siêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “ Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môi-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8,3-5)

Sao không bắt luôn người đàn ông ? Vậy là cánh liền ông được “miễn” đủ thứ ! Tội nghiệp cánh liền bà quá chừng !

4. Bọn ác gài bẫy.

“ Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo tố cáo Người “ (Ga 8,6). Phe “ác” đã nhiều lần gài bẫy Chúa Giêsu : Một lần: Thầy ơi ! Có nên nộp thuế cho Xê-da không? Nói không nộp thì mấy ổng nói ông này chống thuế thì ở tù ngay; mà nói phải nộp thì dân sẽ coi thường Chúa vì như thế là Chúa ủng hộ quân xâm lược. Bái phục Chúa Giêsu trong việc này quá lẽ chừng ! Hình ảnh này của ai ? Huy hiệu này của ai ? Hễ của Xê-da thì trả cho Xê-da mà của Thiên Chúa thì lo trả cho Thiên Chúa. Chuyện này nữa : Hôm đó, Chúa Giêsu cũng đang giảng dạy nơi Đền Thờ. Mấy ông tức khí cật vấn: Ông lấy “quyền” nào mà giảng dạy ở chỗ này ? Chúa Giêsu bèn nói: Tôi sẽ trả lời câu hỏi đó nếu các ông trả lời được câu tôi hỏi : Phép Rửa của Gioan là bởi Trời hay bởi người phàm ? Mấy ổng bàn nhau nếu nói bởi Trời thì tại sao mấy ổng không nghe lời Gioan làm chứng về Giêsu rất mạnh mẽ , còn nếu nói bởi người thì sợ dân chúng, vì họ rất sùng bái Gioan. Mấy ổng bèn nói : Chúng tôi không biết. Phủi tay luôn ! Và Chúa cũng khỏi trả lời câu họ hỏi. Chắc hôm đó thì Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giảng dạy. Hôm nay thì mấy ổng gài một cái bẫy rất hiểm độc ! Đá cầm sẵn trên tay rồi mà ! Mấy ổng chỉ căm ghét Chúa Giêsu thôi. Mấy ổng không thương gì ông Môi-sen hoặc không căm ghét gì người đàn bà đó. Mấy ổng chỉ tìm một cái cớ “chính đáng” để hại Chúa Giêsu thôi, nhưng chắc cũng sẽ sẵn sàng ném đá chết người chiếu theo luật, làm như vậy quen tay rồi mà , chẳng phải bọn họ đã ném đá Tê-pha-nô cho tới chết hay sao ? Độc ác là chỗ đó.

5. Mọi người “căng thẳng” chờ đợi !

“ Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.” Cả đám đông im phăng phắc. Hồi hộp chờ đợi ! Chắc là mấy ông già hắc ám kia đang cầm đá trên tay rồi, chứ ở chỗ đó đá đâu mà lượm ? Chúa Giêsu có vẻ chần chừ . . .Chúa viết cái gì nhỉ ? Đố ai biết được !

6. Một “tuyên bố “ quá bất ngờ !

“ Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi . Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất “ (Ga 8,7-8). Trời ơi ! Bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của mọi người có mặt hôm đó. Phe ác thì chưng hửng sửng sốt quá cỡ luôn. Một cuộc chiến nội tâm đang giao tranh ác liệt trong lòng mấy ổng ! Mấy ổng biết Chúa đi guốc trong bụng mấy ổng mà. Xớ rớ là Chúa chỉ mặt đặt tên ngay tại chỗ luôn. Mấy ổng cũng sợ xấu hổ trước đám đông hôm đó. Chắc đám đông hôm đó ai cũng phải xét mình, còn người phụ nữ thì hãi hùng chờ đợi những hòn đá to nhỏ ném vào mình cho tới chết. Luật là như vậy, ai mà dám chống ?

Nhưng hôm đó mấy ổng không tốn hòn đá nào cả ! Đâu có người nào sạch tội ?!

7. Rút lui có “trật tự “ đàng hoàng !

“ Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi “ (Ga 8,9). Thánh Gioan chú ý tới chi tiết này là quá đỗi hay nhé. Mấy ông già sống lâu nên nhiều tội hơn. Cũng có khi cao tuổi hơn thì khôn hơn nên lo chuồn trước. Ôi ! Chúa Giêsu tuyệt vời, đúng hơn là “trên cả tuyệt vời”. Mình cảm phục, cảm mến và cảm động về cử chỉ, về thái độ của Chúa Giêsu qua câu chuyện này.

8. Câu chuyện kết thúc thật “có hậu” !

“Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa “ Mình nghĩ là đám đông dân chúng vẫn còn ở đó chờ đợi xem Chúa giải quyết vụ này ra làm sao. “Người ngẩng lên và nói: “ Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp:

“Thưa ông, không ai cả .” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi-không-lên-án-chị-đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Thật tình, mình cảm động muốn khóc luôn ! Còn bạn thì sao ?

Một giáo lý mới ? Chúa Giêsu dạy như kẻ có quyền. Ta đến không phải để phá bỏ Lề Luật nhưng là để kiện toàn. Người đem Yêu Thương vào tâm hồn kẻ giữ Luật, đó là kiện toàn. Trong gia đình làm việc vì yêu thương thì quý hơn là làm việc chỉ vì sợ bị phạt nếu không làm. Tình Thương cao hơn lề luật. Sống yêu thương không cần lề luật. Yêu thương mà làm dù vất vả vẫn thấy hạnh phúc. Người ta có thể “phải” làm mà không thương, nhưng người ta không thể thương mà không làm.

9. Bài học hôm nay :

Chân mình thì lấm bê bê, lại đi đốt đuốc mà rê chân người ! Mấy ông kinh sư và mấy ông Pha-ri-siêu trong câu chuyện hôm nay là như thế đó. Mỗi người chúng ta bây giờ cũng có cái máu đó lưu thông trong huyết quản của mình . Hãy tự nghĩ xem !

Lạy Chúa Giêsu, mùa Chay năm nay cũng sắp hết, chúng con đã mãi mê công việc mình mà quên mất công việc của mùa Chay mà Giáo Hội nhắc nhở chúng con. Một lần nữa xin Chúa nhắc chúng con. AMEN

————-

Suy Niệm 3:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

SỰ SỐNG MỚI

 

Các ngươi đừng nhớ lại chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.  Này Ta sắp làm một thế giới mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Bài đọc 1. Is 43, 19).  Thế giới mới đó là gì ?  Đã bắt đầu chưa ?

Tiên tri Isaia làm vang lên âm điệu mới của Chúa nhật thứ 5 mùa Chay.  Ông nói về tương lai của việc hồi hương, việc xảy ra như một cuộc Xuất hành mới, đi vào một thế giới mới trào tràn niềm hy vọng: tương lai xán lạn đó như một con đường khai  mở ra trong sa mạc, như dòng sông chảy trên đất khô cằn. Khai mào sự sống giữa sự chết.  Lời thánh vịnh ví von chẳng khác nào một cuộc giải phóng: “Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về ta tưởng mình như giữa giấc mơ.  vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên mối khúc nhạc mừng” (Đáp ca ngày lễ. Tv 125, 1). 

Cái tương lai được tiên tri Isaia loan báo sáu trăm năm về trước đã thành sự thật trên đồi Can-vê khi máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giêsu rửa sạch tội lỗi nhân loại và đưa con người vào thế giới mới, thế giới của ân sủng cứu độ.  Thế giới mới đã manh nha qua trình thuật tha bổng người phụ nữ ngoại tình khỏi cái chết trước mắt.

Và thánh Phaolô làm vọng lại niềm hy vọng nầy: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Bài đọc 2. Pl 3, 13).   Lòng từ bi của Thiên Chúa không thua gánh nặng tội lỗi thế gian, sự ăn năn sám hối trở về mới là điều then chốt.   Thiên Chúa toàn năng trong tha thứ, Người không giam giữ chúng ta trong quá khứ tội lỗi, hay lưu đày chúng ta trong hận thù, nhưng như người Cha nhân từ chậm bất bình và rất mực yêu thương.  Người không ngừng mong chờ người con hoang đàng trở về.  Người tha thiết đón nhận người con đã mất nay lại tìm thấy, Tin mừng Chúa nhật tuần trước đã trình thuật chuyện người con hoàng đàng.

Người Con của Cha là Đức Giêsu Nagiarét, hôm nay đứng trước đám đông, đối diện với người phụ nữ ngoại tình ở một nơi mang nhiều ý nghĩa biểu tượng: giữa núi Ô-liu và Đền Thờ.  Hiện trường nhắc chúng ta nhớ đến bối cảnh thương khó, khung cảnh vượt qua.  Thật sự Đức Giêsu đang trên đường đi lên Giêrusalem, nghĩa là đi chịu nạn.  Các môn đệ biết rõ chuyện đó và họ chứng kiến những cuộc đụng độ đã xảy ra giữa Đức Giêsu với đối phương của Người là các tư tế, ký lục, biệt phái, các nhà thông luật,  ngày càng tăng.  Sự chống đối ngày càng gay gắt, đe dọa đổ máu. 

Đối phương của Đức Giêsu nghiên cứu kỹ lưỡng lý do hợp pháp để kết án Người.  Thần chết như lãng vãng đâu đây !  Thật ra nơi thâm sâu, nạn nhân bị kết án không phải là người đàn bà ngoại tình bất tín bất trung, nhưng là chính Đức Giêsu trung tín.  Người nữ phạm nhân được tha bổng và Con Người thánh thiện vô tội bị kết án.  Bài Tin Mừng nầy được đọc trong Chúa nhật trước lễ Lá khai mạc Tuần Thánh, như muốn tiền loan báo điều mới mẽ xảy đến cho người phụ nữ ngoại tình, là điều sẽ xảy đến cho nhân loại tội lỗi, bà là người tiêu biểu được tiền hưởng ơn tha thứ của chiến thắng phục sinh đem lại, mở đường vào một thế giới mới, thế giới của tình thương và tha thứ. 

Cũng như đối với người con hoang đàng trở về, Đức Giêsu không cật vấn những gì đã xảy ra cho đương sự, vì tế nhị và tôn trọng Người không nhìn mặt bà mà chỉ nhìn xuống đất viết vu vơ gì đó.  Khi hiện trường chỉ còn lại hai người, một Đấng thánh vô tỳ tích và một tội nhân bị bắt quả tang, đang trực diện nhau.  Cuộc đối thoại rất vắn, làm gãy đổ suy luận bình thường.  Một sự cứu độ xảy ra trong đường tơ kẻ tóc rất ngoạn mục:

– Không ai kết tội chị ư ?
– Không ai cả.
– Tôi cũng không kết tội chị. 
– Hãy về và đừng phạm tội nữa
.

Kết luận tha bổng thật nhẹ nhàng và đầy quyền năng !  Một văn hào người Pháp thế kỷ 20, ông Marcel Pagnol cho rằng đây là trang đẹp nhất trong tác phẩm Tin Mừng.  Việc cứu sống người phụ nữ tiên báo một trời mới đất mới.  Cái mới đã được thực hiện cách lạ lùng bằng sự đổ máu của Đức Giêsu.  Người phụ nữ bị cáo đứng giữa đám đông như bầy sói chực nuốt sống bà, một Đức Giêsu vô tội trước toà án tôn giáo và quan tổng trấn Philatô hằm hằm sát khí, cũng không có được tiếng nói bênh vực.  Tội nhân được tha bổng, Đấng vô tội bị đóng đinh thập giá.  Cả hai bước vào đời sống mới, tội nhân có dịp làm lại cuộc đời mới, Chúa Giêsu đi vào sự sống mới với Cha.

 Lạy Chúa Giêsu, Đấng vô tội lại bị kết án chết thay cho tội nhân, Chúa đã không kết án tội nhân ngay cả khi bị bắt quả tang, lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa thật nhiệm mầu mà chỉ có Chúa mới làm được thôi.  Con thật sự tin cậy vào quyền năng tha thứ của Chúa. Amen.

WGPKT(01/04/2022) KONTUM