Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C (CN.15.05.2022)

BÀI ÐỌC I: Cv 14, 20b-26

“Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ÐỌC II: Kh 21, 1-5a

“Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ”.

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 13, 31-33a. 34-35

“Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Ðó là lời Chúa.

—————-

Suy Niệm 1:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

ĐIỀU RĂN MỚI

1. Điều răn cũ là thế nào ? Trong buổi Tiệc Ly hôm đó Chúa Giêsu tâm sự da diết với các môn đệ của mình trước khi Ngài chết là : “ Thầy ban cho anh em một điều răn mới. . . “ (Ga 13,34). Vậy điều răn cũ là của ai ? Mình nghĩ tới luật Môisen xưa : “ Mắt đền mắt, răng đền răng “ (Levi 20,24), nghĩa là nếu ai đó làm hại mình cái gì thì theo “luật cũ” mình chỉ có quyền làm lại cho họ cũng chừng đó mà thôi ! Không được làm hơn. Nhưng than ôi ! Cái luật cũ coi như bị phế bỏ rồi mà con người hôm nay cũng không giữ nổi ! Người ta mới nhìn xách mé mình thì mình đã lên tiếng chửi họ thậm tệ rồi ! Những chuyện như thế này thì chúng ta chứng kiến từng ngày ! Khỏi cần phải đi tới Nga làm gì mất công !

2. Điều răn mới của Chúa Giêsu :

“ Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM “ (Ga 13,34). Chúa Giêsu đã đi bước trước trong điều răn mới. Chúa đã yêu thương đến thí mạng cho người mình yêu. Ai vả má này hãy đưa má kia . . . Không phải chỉ tha bảy lần mà phải tha bảy mươi lần bảy. . . Trong Phúc Âm đầy dẫy những bài dạy kiểu như thế của Chúa Giêsu ! Nhưng đừng tưởng là Chúa nhu nhược nhé ! Tên đầy tớ ông thượng tế vả Chúa một tát tai, Chúa cật vấn anh ta ngay : Nếu tôi nói sai thì anh hãy cho tôi biết là sai ở chỗ nào, còn nếu tôi nói đúng thì sao anh lại đánh tôi ? Ai lại không biết câu chuyện này? Tha thứ không phải là nhu nhược mà phải là người có sức mạnh tinh thần.

3. Thế giới bây giờ thừa súng đạn nhưng thiếu yêu thương. Nghe nói các nước bây giờ thi nhau sắm vũ khí hạt nhân. Số vũ khí hạt nhân con người đang nắm trong tay dư sức làm nổ tanh banh quả địa cầu này !

May thay cho loài người vì : học võ giỏi là để tự vệ, hoặc sắm vũ khí là để dọa nhau, hoặc để kẻ địch sợ không dám cướp phá nhà mình.

May thay những kẻ tốt bụng biết yêu thương nhau vẫn còn hiện diện đầy khắp trên thế giới loài người ! Vậy là trong thành Sodoma vẫn còn hơn 10 người lành !

Nhưng ngòi nổ các kho súng đạn của kẻ ác vẫn còn khắp đó đây ! Không ai sợ người tốt có vũ khí, nhưng kẻ ác có vũ khí thì mới thật đáng sợ, vì kẻ ác không biết yêu thương.

4. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau “ (Ga 13,35)

Làm môn đệ của Chúa Giêsu là tuyệt vời nhất, là chắc ăn nhất cho sự sống đời đời.

Nhân phẩm con người không phải ở tiền bạc hay chức quyền mà ở lòng YÊU THƯƠNG

Hãy nhìn xem các bậc thánh hiền trên thế giới xưa nay thì biết.

“ Khi Ta đói các ngươi cho ăn, khi Ta khát các ngươi cho uống . . . Hãy vào hưởng hạnh phúc ngàn đời dành sẵn cho các ngươi . . . “

Người ta không thể thương mà không cho. . .

Lạy Chúa Giêsu , xin dạy chúng con biết yêu thương để chúng con thành môn đệ của Chúa. AMEN

————-

Suy Niệm 2:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

LUẬT YÊU THƯƠNG

 

Một điều gây ngạc nhiên trong phụng vụ Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh, đó là Đức Giêsu người Nadarét, Đấng sáng lập Kitô giáo, một nhân vật lẫy lừng quyền năng trong lời nói và hành động, Người đã làm phép lạ nhân bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng trong sa mạc, chữa lành các bệnh nhân, mở mắt cho người mù, cứu sống người bị kết án tử hình, làm phép lạ cho Ladarô sống lại, đi ra khỏi nấm mồ và biết bao nhiêu việc làm kỳ vĩ khác nữa … 

Thế mà Con Người nầy khi từ giả cõi trần, từ biệt các môn đệ của mình đã không để lại một tác phẩm văn chương hay văn tự bút tích nào ngay cả một quyển sách giáo lý hay một quy tắc luật lệ cũng không, cũng không trối lại một gia tài sản nghiệp nào cả.  Nếu có !  Đó chỉ là một lệnh truyền, một khẩu lệnh: “Thầy ban cho anh em một Điều Răn Mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Bài Tin Mừng Ga 13, 34).  ‘Gia tài của mẹ’ chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu !  Một chữ Yêu là định nghĩa bản tính của Thiên Chúa (Deus est Amor) và sống tình yêu là làm trọn vẹn mọi lề luật.


Từ lệnh truyền đó
mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi nền văn hoá, kể cả các tôn giáo, đều rập khuôn theo giáo huấn của Đức Giêsu đó là yêu thương.  Nhân loại ngày nay đang chạy theo Văn Minh Tình Thương, nghĩa văn minh của sự sống.  Tuy nhiên phải yêu thương “như” Thầy đã yêu thương.  Yêu thương như là điểm tựa căn bản, có sức thu hút và là then chốt của mọi văn minh nhân loại.  Bản chất Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu làm phát sinh sự sống, văn minh tình thương luôn bênh vực sự sống.  Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời, mà đâu có Đức Chúa Trời nơi đó có sự sống.

Yêu thương làm nên bản sắc đậm đà hoàn vũ của Kitô giáo, nó gói trọn nền thần học luân lý Kitô giáo.  Thật ra tình yêu tha nhân đã được nói đến thời Cựu Ước trong sách Lê-vi một cách khá thi vị về sự quan tâm đến người nghèo đi mót lúa hay hái mót nho, hoặc cách đối xử tinh tế với người điếc và người mù (x. Lv 19, 1-18).  Đức Giêsu đến hoàn tất lề luật tình yêu, đặt tình yêu Thiên Chúa ngang hàng với tình yêu tha nhân.

Tuy nhiên điều mới lạ ở đây được Đức Giêsu nhấn mạnh đó là Yêu “như” Thầy, đó là điều quan trọng, vì tình yêu phát xuất do nhiều động lực khác nhau, có khi tình yêu do động lực cảm tính, do ích kỷ hay vụ lợi.  Yêu “như” Đức Giêsu Kitô là phục vụ hạnh phúc con người, tình yêu nầy không phải chỉ kéo dài một thời điểm nào đó, nhưng suốt cả cuộc đời.  Đức Giêsu hoàn toàn trung thành với thánh ý của Chúa Cha và yêu thương nhân loại đến bất chấp mọi trở ngại, dù bị từ chối hay bị ruồng bỏ, bị vu vạ cáo gian, bất chấp mọi hoàn cảnh, bị bách hại hay phản bội, cả đến cái chết.  Người đã đi hết con đường tình yêu.  Tình yêu của Đức Giêsu không biết đến biên giới, có thể hiểu về địa lý, màu da chủng tộc hay ngôn ngữ, và cũng hiểu về khó khăn tinh thần và vật chất, kể cả cái chết, như là sự thách đố cuối cùng.

Không phải vô tình khi thánh Gioan lặp đi lặp lại giới răn tình yêu trong bối cảnh cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Khi Giuđa, người môn đệ phản bội bán đứng Thầy rời khỏi phòng Tiệc ly ngay sau khi nhận miếng bánh Thầy Giêsu trao ban, chẳng lẽ Người không biết tình yêu của mình sẽ đi tới đâu, sẽ kết thúc ra sao.  Người đã mường tượng thấy cuộc khổ nạn mình sẽ kinh qua.  Người sẽ chết vì Yêu.  Yêu cho đến cùng, dù Người ngao ngán khi thấy giờ tử nạn đến gần. Giờ Người chịu chết, cũng chính là “Giờ Con Người được tôn vinh”.  Yêu cho đến cùng một kẻ phản trắc, thật khó biết chừng nào, môn đệ Giuđa đã lạm dụng tình yêu vô vị lợi và vô điều kiện của Thầy chí thánh.  Đó là gương mẫu yêu “như” Thầy đã yêu.

Cũng chính thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã nói đến “trời mới đất mới, trời cũ đất của đã qua đi” như là hoa trái của vinh quang Phục Sinh.  Tình yêu tha thứ  đã đổi mới mọi sự : “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (x. Bài đọc 2. Kh 21, 1-5a).  Cũng vì Tình yêu của Chúa Phục Sinh mà Tông đồ Phaolô và Banaba đã rong ruổi trong các xứ dân ngoại ở Tiểu Á để rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, và thiết lập các giáo hội địa phương.  Hai vị đã kể lại những “việc Thiên Chúa đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin”, tức là những cộng đoàn mới được thành lập (Bài đọc 1. Cv 14, 27).  Các ngài lại ra đi trồng Giáo hội nơi các miền xa lạ.

Các ngài cũng nhận thấy công việc bao la vượt quá sức mình, nên sau khi ăn chay và cầu nguyện, các ngài lo lắng chỉ định hàng kỳ mục, phó thác giáo hội địa phương cho Chúa, để họ trở nên dấu chỉ của Giáo Hội duy nhất và hoàn vũ của Chúa Kitô, qua việc thực hành dấu chỉ Tình Yêu duy nhất và hoàn vũ như lòng Chúa mong muốn.  “Cứ dấu nầy người ta sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con yêu thương nhau”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, tin vào Chúa sống lại thì dễ hơn là thi hành lệnh truyền ‘Yêu thương như Thầy đã yêu’.  Con đã cố gắng nhiều trong giới răn nầy nhưng xét thấy mình còn rất xa điều Chúa đòi hỏi.  Xin hãy giúp con cố gắng thực hành tình yêu nầy. Amen. Allêlluia.

————–

Suy Niệm 3:                       Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

 “Ăn xong miếng bánh, quỷ nhập vào Giuđa,
anh liền đi ra, lao vào đêm tối”

   1/ Không có chuyện quỷ nhập vào Giuđa… đây là kiểu nói diễn tả việc anh rắp tâm bán Thầy (dù anh đã biết việc anh làm là xấu nhưng anh cố tình làm)

   2/ Đây là 2/3 điều kiện làm thành một tội trọng:

   a/ Phạm 1 điều luật cấm nặng.

   b/ Ý thức hoàn toàn. (biết rõ ràng, không lầm lẫn)

   c/ T do hoàn toàn. (cố ý thực hiện, không bị cưỡng ép thể lý hay tâm lý)

   3/ Tội của Giuđa là tội minh tri, cố phạm… Là trọng tội.

   4/ Lao vào đêm tối. Câu này có 2 nghĩa:

– Nghĩa đen: Lúc đó trời tối mịt.

– Nghĩa bóng: Đêm tối linh hồn, thế giới ma quỷ, kiểu Chúa vẫn nói: “Bị loại khỏi Nước Trời, vào ngục tối tăm, ở đó khóc lóc, nghiến răng.” Thánh Gioan có ý nói theo nghĩa này.

   (Người ta hay thắc mắc, Giuđa bán Chúa rồi treo cổ tự vẫn… có xuống hỏa ngục không? – Không ai biết được vì Chúa giầu lòng thương xót (Ep2, 4) biết đâu trước khi tắt thở anh sám hối… 1 giây đủ lên thiên đàng).

   5/ Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8). Là s bình an (Ep 2, 14). Là đường, sự thật, sự sống (Ga 14, 6). Là hạnh phúc của Ta (là chén phúc lộc dành cho conNgoài Chúa ra đâu là hạnh phúc… (Tv 15, 2. 5))

   Kết luận: Gần Chúa là hạnh phúc, xa Chúa, lìa bỏ Chúa chỉ còn bất hạnh mà thôi.

***********

“Bỏ Ngài con biết theo ai? Trời lộng gió cánh chim ngàn khơi. Chập chùng sông nước mênh mông, thuyền buông lái biết trôi về đâu?…

Bỏ Ngài con đi với ai, vì Ngài có lời ban sự sống, bỏ Ngài thân con héo hon, đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai? Đường xa tắp tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường dài, bỏ Ngài con đi với ai?” (P.Kim). 

WGPKT(14/05/2022) KONTUM