Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm C (CN.30.01.2022)

BÀI ĐỌC I: Gr 1, 4-5, 17-19

“Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc”.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong thời vua Giosia, lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc. Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cậy cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12,31 – 13,13

“Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo cho anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi. Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả. Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 4, 21-30

“Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?” Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Ðó là lời Chúa.

—————-

Suy Niệm 1:                         Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

Thân Phận Của Ngôn Sứ

Khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng xảy ra khá thuận lợi, Đức Giêsu được số đông dân chúng đón nhận, cho đến một ngày Người xuất hiện tại hội đường Nadarét là quê hương của Người, sau khi đọc sách tiên tri Isaia nói về chức phận và sứ mệnh của Đấng Được Xức Dầu, Người tuyên bố chính mình là sự thành tựu của các lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn năm qua trong Cựu Ước.  Dân chúng tán thành và thán phục về những gì Người giảng dạy.  Tuy nhiên giáo lý sâu sắc và cách rao giảng có uy quyền của Người làm thiên hạ kháo láo và thắc mắc về gốc tích của Đức Giêsu, họ khám phá ra thân thế và căn cước bình dị của Người: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”   Từ đó sự tín nhiệm bị giảm sút và bị nghi hoặc, cuối cùng họ tẩy chay, chống đối và lên án Người.

Lý do sự tín nhiệm bị triệt tiêu nơi dân chúng, chính là bản lý lịch quá bình dân của Đức Giêsu.  Nhận thấy thâm ý của họ, Đức Giêsu lên tiếng phân trần: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình !”(x. Bài Tin Mừng. Lc 4, 21-30).  Lời than thở này báo hiệu một sự thất bại trong việc rao giảng.  Tuy nhiên nếu sự việc chỉ dừng lại đó, thì chưa đến nỗi vì thường “bụt nhà không thiêng”, bị từ chối nơi nầy thì đi nới khác, đàng nầy từ việc bất tín nhiệm vì lý lịch tầm thường cộng thêm thế lực cạnh tranh tôn giáo muốn hạ bệ uy tín của Đức Giêsu, sự phản đối quá đà đi đến trầm trọng: “Mọi người trong Hội đường đầy phẫn nộ.  Đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực thẳm” (x. Bài Tin Mừng. Lc 4, 21-30).  Một sự xung đột nổ ra tại quê hương của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa cảm nếm mùi thất bại ê chề !

Việc lên án tử cho Đức Giêsu là kết quả của giọt nước tràn ly, khi Người dẫn chứng lịch sử về hai phép lại của tiên tri Êlia và tiên tri Êlisa, là hai vị ngôn sứ nổi tiếng trong dân Ítraen đã làm phép lạ cứu người ngoại giáo trong thời kỳ đói kém và bệnh tật.  Nêu lên sự kiện này như hạ bệ người đồng chủng và quay sang ca tụng dân ngoại.  Một sự thật xúc phạm đến danh dự và niềm tự hào dân tộc:

Vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn.  Cũng vậy, vào thời tiên tri Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi” (c. 25-27).  Bị chạm tự ái, người Do thái phản ứng mạnh đối với Đức Giêsu.

Phản ứng này không phải là ngẫu nhiên, nhưng đã được tiên tri Giêrêmia tuyên sấm trước đó sáu trăm năm: “Ngươi nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: tư tế và toàn dân trong xứ.  Chúng sẽ giao chiến với Ngươi” (x. Bài Đọc 1. 1, 4-5.17-19).  Lời sấm cho thấy số phận cay đắng của Đức Giêsu, luôn luôn bị chống đối bởi người đồng hương, ‘bị chống đối’ là mẫu số chung của các tiên tri, lý do là vì các ngài nói lời Thiên Chúa, lời ngay lẽ thật có khi gây phản ứng bực dọc “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói trung thực thì chói tai) là vậy đó.  Thành thánh Giêrusalem nổi tiếng là nơi giết chết các tiên tri, vì nơi nầy có nhiều thế lực tôn giáo và chính trị đan xen nhau gây nhiều mâu thuẫn.

Thử suy niệm chủ đề người hiền gặp nạn, trong triết sử có triết gia Socrate (469 – 399 trước CN), ông là cha đẻ ra triết lý Hy-lạp, ông được giới trẻ yêu thích, ông rao giảng triết lý trên đường đi, kéo theo một đám học trò.  Socrates bị thành phố Athène buộc tội reo rắc nghi ngờ các thần linh của thành phố và làm hư hỏng thanh thiếu niên. Ông bị tòa án Athène kết án tử hình bằng tự uống thuốc độc chết.  Người thứ hai là Đức Giêsu, con người vô tội, bị kết án tử hình thập giá.  Cả hai vị đều bị kết án một cách oan uổng.  Lý do đưa đến bản án tử hình đều xoay quanh vấn đề chính trị-xã hội-tôn giáo xen lẫn nhau.  Tội của Socrate là “Làm hư hỏng thanh niên”, và tội của Đức Giêsu là “xúi dân làm loạn”. 

Chúng ta không đủ khả năng xem xét lại các vụ trọng án nầy, nhưng chúng ta biết rõ vụ án của Đức Giêsu, bị khép oan vào tội chính trị, nhưng sau lưng là vụ án tôn giáo.  Người Do thái đã mượn tay Rôma ra đòn, kết án Chúa Giêsu.  Lý do Đức Giêsu rao giảng một tôn giáo mới, đi sâu vào nội tâm hơn là bì phu,  mà xã hội Do thái thời bấy giờ đã có tổ chức tôn giáo vững chắc, có ban bệ và hàng lãnh đạo, có luật pháp, nay thấy một thanh niên có tài thuyết pháp thu phục đám đông, trình bày một tôn giáo mới hấp dẫn về tình yêu và lòng nhân từ.  Ghen tương đã trổi dậy nơi hàng lãnh đạo Do thái, nhưng vì không bắt bẻ và không tranh luận nổi về giáo lý, các bè phái đã liên minh nhau chống đối và triệt tiêu Đức Giêsu, mục đích là để bảo vệ tôn giáo cố cựu của họ và cũng để thỏa mãn lòng ghen tỵ.  Người hiền không làm gì xấu, họ chỉ nói điều chân thật tuy nhiên khán thính giả không đủ khả năng trí tuệ và khiêm tốn để đón nhận chân lý họ rao giảng.  Cuối cùng phải dùng biện pháp bắt bớ cấm đoan và giết chết.  Đó là lý do chung chung của các cuộc bắt đạo.


Ngày nay, khi đọc lại lịch sử rao giảng Tin Mừng, sự chống đối vẫn triền miên, từ Rôma cho đến Việt Nam, Cao-ly, Nhật Bản, Trung Hoa hay bất cứ đâu, lịch sử rao giảng Tin Mừng đi song hành với sự cấm cách bắt bớ luôn được lặp lại dưới nhiều dạng khác nhau.  Cấm đạo dường như trở thành quy luật cho việc phát triển Tin Mừng.  Đức tin bị cản bước lại trào lên thể hiện chính mình. 

Lạy Chúa Giêsu, thất bại trong rao giảng đã không làm Chúa bỏ cuộc vì “Thiên Chúa luôn ở với với ngươi và giải thoát ngươi” (Gr 1,19.).  Xin cho con biết  noi gương Chúa rao giảng Tin Mừng lúc thuận cũng như lúc nghịch. Amen

————–

Suy Niệm 2:                         Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

Giêsu, Kiếp “Làm Người” Đầy Khổ Lụy Và Trần Ai!

1. Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu giảng dạy ở hội đường làng quê Nadaret của mình. Người lớn lên ở đây. Bố mẹ, bà con nội ngoại cũng ở đây. Bà con láng giềng, bạn bè . . . biết nhau cả thôi, và cũng biết tên nhau cả thôi. Gần 30 năm sống với nhau mà !?

“Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra”

(Lc 4,22). Nhưng rồi cũng có những người cứng lòng tin. Chúa Giêsu thẳng thừng dạy bảo không sợ mích lòng. Lời qua tiếng lại.. .“Mọi người trong hội đường, đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên tận đỉnh, để Xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4,28-30). Cái kết của buổi giảng dạy này thật đắng lòng !

2. Ngẫm lại xem kiếp “LÀM NGƯỜI” của Chúa Giêsu thấy mà tội nghiệp. Sinh trong chuồng súc vật; cha mẹ phải dẫn đi trốn nhui trốn nhủi vì kẻ ác tìm sát hại; làm việc không có giờ ăn bị người làng bảo là điên; bị kết án tử hình, bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị coi là thua một tên trộm cướp giết người, bị đóng đinh thập ác trần truồng. Chết đói, chết khát ! Có ai trong chúng ta bị như thế không chứ ?

Có một điều rất lạ lùng là tôn giáo do con người mang tên Giêsu này thành lập cách đây hơn 2.000 năm, bây giờ là tôn giáo lớn nhất hoàn cầu. Lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu hằng năm là lễ lớn nhất trên hành tinh của chúng ta. Tư tưởng của Giêsu được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được người ta đọc nhiều nhất xưa nay. Cây thập ác xưa người chết treo trên đó, giờ là cây Thánh Giá, biểu tượng cho vinh quang của Chúa Giêsu, được thấy khắp nơi trên thế giới từ các nơi thờ tự Ki-tô giáo cho đến các nghĩa trang ở bất cứ nước nào. Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ tại sao chứ ? Đúng không ?

3. Cái tuyệt vời nhất nơi Chúa Giêsu là được đẹp lòng Chúa Cha. Sau khi chịu phép rửa của Gioan thì trời mở ra và có tiếng của Chúa Cha : “Đây là Con Ta rất yêu dấu và đẹp lòng Ta mọi đàng.” (Mc 7,7). Chúa Giêsu chịu khổ lụy là để đền tội cho chúng ta,Người là Đấng xoá tội trần gian. Điều quan trọng nhất của kiếp người không phải là tiền bạc hay chức quyền mà phải sống sao cho đẹp lòng Chúa. Sống đẹp lòng ai thì được người đó yêu thương mình. Sống đẹp lòng Chúa thì mới được Chúa yêu thương. Luật đời cũng thế, luật trời cũng vậy thôi.

4. Cái khác thường nơi Chúa Giêsu :

Lòng ưu ái người ngoại đạo. Bài Tin Mừng hôm nay thì Chúa Giêsu “đụng độ” với người có đạo của làng mình rồi Người nhắc tới chuyện bà goá ngoại đạo xứ Xa-rép-ta được cứu đói, chuyện ông Na-a-man ngoại đạo nước Xyri được chữa lành bệnh cùi. Israel cũng có nhiều người đói, nhiều người cùi chứ ? Tại vì sao mà không có ai được giúp ?! Vậy là dân làng đạo “dòng” bị chạm liền, và việc xảy ra như chúng ta đã thấy. Thật đáng tiếc thay !

Chúng ta nên để ý tới những chuyện này khi đọc Tin Mừng: Dụ ngôn người ngoại đạo Xa-ma-ri nhân hậu; chuyện người đàn bà xứ Xa-ma-ri có 5 ông bên bờ giếng Giacop; chuyện ông sĩ quan ngoại đạo nói mình không xứng đáng để Chúa đến nhà; chuyện người ngoại đạo được chữa lành bệnh cùi quay trở lại cảm ơn, còn 9 ông có đạo cũng được chữa lành mà dông luôn ! Rõ ràng là Chúa cho ta thấy người ngoại đạo có tấm lòng thì Chúa thương yêu và khen ngợi họ.

5. Chúa Nhật này là Chúa Nhật cuối cùng của năm Âm Lịch. Năm hết Tết đến. Năm nay mình dâng lễ những ngày Xuân tại nhà mồ côi Vinh Sơn 2 cho 156 em. Lễ Tạ Ơn chiều cuối năm và lễ cầu Bình An năm mới, lễ cầu cho Ông Bà Tổ Tiên ngày mồng 2 và lễ cầu cho Công Việc làm ăn ngày mồng 3. Cha con tụi mình đã hứa với nhau là cầu nguyện cho các ân nhân của người nghèo khổ đồng bào Thượng Kontum. Riêng bản thân cha Đông là sẽ cầu nguyện như lòng BIẾT ƠN cho các người ân nhân đã luôn sẵn lòng giúp đỡ khi mình kêu cứu. Nhiều tỷ luôn ! Đã làm rất nhiều việc và đã giúp rất nhiều người.

Kẻ thì người đạo, kẻ thì người lương, kẻ trong nước, kẻ ở nhiều nước ngoài. . . Đa số mình không quen, nhưng vì chỉ có chung một tình thương giúp người nghèo khổ, nên đã chung sức chung lòng mặc dù thời covid khó khăn lắm lắm. Cảm ơn các bạn đã tin mình nên mới gửi về cho mình.

Chúa nói với mọi người : Hãy vào hưởng hạnh phúc ngàn đời dành sẵn cho các ngươi, vì khi Ta đói, các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống . . . (Mt 25).

Mình ăn thì hết, người ăn thì còn.

Mến chúc các bạn năm mới Bình An và Mạnh Khoẻ luôn.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta tất cả.

 

—————–

Suy Niệm 3:                         Linh mục Giuse Nguyến Hữu Triết

“…Thời Êlia, thiếu gì bà góa ở Israel… thế mà Isaia lại được sai đến giúp bà góa Sarepta… ” 

(Lc 4, 21-30)

   1/ Như tiên tri EliaElisa, Chúa Giêsu không chỉ được sai đến với người Do Thái… mà cả dân ngoại nữa.

   Chúa Giêsu đã rảo qua Samaria, dân tạp chủng (người Do Thái loại trừ)… tới Galiêa, miền dân ngoại, vượt biên giới phía bắc: Tới miền TirSidon… vượt biên giới phía đông: sang miền Thập Tỉnh… để loan báo Tin mừng và cứu giúp mọi người…

   2/ Dức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi tín hữu: “Hãy rời bỏ “pháo đài” của mình mà đi ra vùng ngoại biên, làm công tác loan báo tin mừng…

   3/ Vùng ngoại biên xét về không gian là vùng sâu vùng xa, nơi hạt giống đức tin chưa được gieo trồng… Phong trào Con đường tân dự tòng đang hăng say nhập cuộc (vợ chồng, con cái nhất trí bán nhà cửa, đồ đạc ở nơi ổn định… chuyển tới nơi nào chưa ai có đạo thuê nhà, mua nhà… đi làm kiếm sống, lo cho các con học hành… rồi cứ âm thầm sống thật tốt với hàng xóm láng giềng, trình bày cho mọi người một gia đình công giáo tốt lành và hạnh phúc… chỉ thế thôi…)

   4/ Vùng ngoại vi xét theo tâm lý xã hội (cho những ai chưa thể ra đi… ) đó là hãy xây những nhịp cầu liên đới với mọi người nhất là anh chị em các tôn giáo bạn, không tôn giáo… những người neo đơn, già cả, lang thang, không cửa không nhà… kể cả những kẻ thù ghét ta nữa… cứ sống thật tốt với mọi người, sống gương mẫu đời kitô giáo… chỉ thế thôi…

   Khi người ta muốn giữ Chúa lại để ca tụng, chăm sóc Chúa… Chúa nói: “Chúng ta hãy đi nơi khác để rao giảng… Vì Thầy được sai đến với mục đích đó…”

            Lạy Chúa! Chúng con sợ và ngại ra vùng biên lắm… xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.   

WGPKT(29/01/2022) KONTUM