Chúa Nhật XI Thường Niên – Chúa Ba Ngôi – Năm C (CN.12.06.2022)

BÀI ĐỌC I: Cn 8, 22-31

“Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành”.

Bài trích sách Châm Ngôn.

Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người”.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-5

“Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 16, 12-15

“Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Ðó là lời Chúa.

—————

Suy Niệm 1:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

MỘT CHÚA BA NGÔI

 “Một Chúa Ba Ngôi” là từ chuyên môn trong thần học công giáo, khá quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên cụm từ nầy khá khó hiểu đối với não trạng khoa học vì đó là một tín điều buộc phải tin.  Chính Đức Giêsu cũng không dùng cụm từ Chúa Ba Ngôi khi Người giảng dạy tôn giáo ở trần gian.  Thử trình bày cách đơn giản mầu nhiệm cao siêu nầy:

Tôi tin kính một Thiên Chúa”.  Kinh tin kính (Credo) dạy chúng ta chỉ tôn thờ MỘT Thiên Chúa mà thôi; Thiên Chúa duy nhất gồm ba ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần;  Cả Ba ngôi vị đều hiện hữu cùng một lúc trong thời gian, có cùng bản thể thần linh, đồng quyền năng ngang nhau; tuy nhiên Ba Ngôi khác biệt nhau trong chức năng hoạt động: Chức năng của Cha là sáng tạo, Cha sinh ra Con; Con được Cha sinh ra và chức năng của Con là cứu thế; Thánh Thần do bởi Cha và Con mà xuất hiện, Thánh Thần có chức năng thánh hoá. Một sự kiện vật lý giúp hiểu phần nào mầu nhiệm nầy, khi quẹt một que diêm, cùng một lúc xuất hiện ánh sáng, ngọn lửa và sức nóng, ba chức năng khác nhau nhưng hiện hữu cùng một trật.

Ba Ngôi không có sự khác biệt trước sau trong hiện hữu, và không có sự tách biệt Cha ra khỏi Con, hay ra khỏi Thánh Thần trong hoạt động.  Cả ba cùng hoạt động trong một mối hiệp thông độc đáo đến nỗi không có ngôi nào hoạt động độc lập mà hai ngôi kia không hay biết.  Tin Mừng cho chúng ta thấy Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc, không tự yêu mình như một kẻ bệnh hoạn, nhưng Ba Ngôi sống dồi dào tình yêu và chia sẻ tình yêu cho nhau, vì Ba Ngôi là “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16).  Thần học Đông phương diễn tả mầu nhiệm ba ngôi qua hình ảnh : Cha yêu Con, và tình yêu kết tụ lại nơi Thánh Thần, Chúa Thánh Thần là nụ hôn Cha trao cho Con.  Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con.

Đức Giêsu đã nói gì gì về Ba Ngôi ? Chúa Giêsu không dạy môn thần học tín lý về Chúa Ba Ngôi, Người cũng không dùng số đếm toán học để nói về ba ngôi, nhưng những gì Người nói về Cha và Thánh Thần mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.  Người thoát ra khỏi công thức đức tin khô khan, trừu tượng, khó hiểu và đồng thời dạy chúng ta về Cha và Thánh Thần một cách rất linh động.  Khi thánh Philípphê thắc mắc về Cha và muốn Đức Giêsu tỏ cho thấy Chúa Cha, Đức Giêsu trả lời : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha …  Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.   Người đơn giản dạy về duy nhất tính của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy sự duy nhất và đồng bản thể của Cha và Con: “Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” . Cha hoạt động trong Con, Cha và Con kết hiệp mật thiết đến nỗi không tách biệt nhau “Cha Thầy với Thầy là một” (x.Ga 14,8tt).  Vậy các ngôi vị khác nhau ở đểm nào, Sách Giáo lý dạy: “Sự phân biệt thực sự giữa các Ngôi Vị với nhau không phân chia thần tính duy nhất, nên sự phân biệt đó chỉ cốt tại các mối tương quan quy chiếu các Ngôi Vị  với nhau “ (GLHTCG 255).  Như vậy các mối tương quan giữa các ngôi làm cho ngôi nầy phận biệt với ngôi kia.

Chúng ta chỉ phân biệt Cha và Con trên lãnh vực tri thức nhưng thực tế không có sự tách biệt Cha ra khỏi Con được.  Cũng trong chương Ga14 nầy, Đức Giêsu dạy về Chúa Thánh Thần: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.  Đó là Thần Khí sự thật….”.  Đấng Phù Trợ khác hay Thần Khí sự thật là tên gọi của Chúa Thánh Thần, một ngôi vị Thần linh khác với Cha và Con, nhưng lại từ Cha và Con xuất ra, ngôi vị Thần linh nầy dẫn chúng ta đến sự thật (x. Bài Tin Mừng Ga 16, 12-15)

Những kiểu giảng dạy rất Đông phương đơn giản và dễ hiểu của Chúa Giêsu, làm chúng ta đi vào mầu nhiệm đức tin nhẹ nhàng minh bạch, không cần theo suy tư khô khốc theo những công thức khó hiểu trừu tượng dựa vào lập luận triết học.  Đức tin không nằm trong định nghĩa khô cứng, nhưng sinh động, uyển chuyển và thấm nhập.  Giáo Hội mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống của Ba Ngôi ngay khi chịu phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, mời gọi chúng ta làm ngôi thứ tư trong đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, tức mời gọi chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa, tức tham gia sự sống tình yêu của Thiên Chúa.

Tuy nhiên ngôi vị là gì?  Đây là một từ ngữ chuyên môn trong triết học, tạm hiểu thế nầy: ngôi vị là một bản thể hiện hữu, một hữu thể, tức là một sự gì đó hiện hữu cách độc lập, có lý trí, có ý chí, có tự do, có sự hiện hữu nơi chính mình và phân biệt khỏi mọi vật khác và có hoạt động riêng biệt của mình.  Nếu ta không am tường về Chúa Ba Ngôi, thì cũng giống như thánh Âu-tinh với đầu óc thông minh vượt bậc ngài chịu khuất phục trước câu trả lời của em bé: tôi múc nước đại dương đổ vào lỗ đáo còn dễ hơn ngài muốn quán triệt mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa Ba Ngôi, mỗi ngày không biết mấy lần con nhắc đến mầu nhiệm cao cả nầy, khi thức dậy, khi nguyện kinh, trước thánh lễ, trước giờ làm việc … nhưng con đã làm cách máy móc.  Xin cho con ý thức hơn rằng con thuộc về Chúa và phải sống cho Chúa. Amen. Allêluia.

————

Suy Niệm 2:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

MỘT CHÚA BA NGÔI : MẦU NHIỆM LẠ NHẤT.

1. Đoạn Tin Mừng hôm nay, Gioan kể lại những điều chia sẻ của Chúa Giêsu trong buổi tiệc ly với các môn đệ. Câu 14-15 Chúa Giêsu bộc bạch : Chúa TT sẽ tôn vinh Thầy, Chúa TT sẽ lấy những gì là của Thầy mà Loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Chúa TT lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.

Qua nội dung của mấy câu ngắn gọn này thì chúng ta thấy rõ Thiên Chúa gồm : Cha, Con và Thánh Thần.

2. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng :

Thiêng liêng là mắt mình không thể nhìn thấy được. Mắt của mọi loài là để nhìn. Nhưng thị lực mỗi người cũng khác nhau : có người không cần kính cũng đọc được, nhưng có người phải mang kính mới đọc được. Có điều là cho dù mắt chúng ta có tốt cho mấy đi nữa thì cũng không thể thấy được Chúa, trừ khi Chúa cho. Khi hiện ra ở Lộ Đức (1858) chỉ có cô bé Bernadette là nhìn thấy Đức Mẹ mà thôi, cả đám đông đứng đó,ai cũng có mắt, nhưng họ chỉ nhìn thấy Bernadette mà không nhìn thấy được Đức Mẹ.

3. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm.

Mầu nhiệm là trí mình không hiểu được. Một cái điện thoại “thông minh” do con người sáng chế ra, mình xử dụng thành thạo nhưng nhiều khi mình cũng không hiểu nổi tại sao thế này, tại sao thế nọ. Con người dù “thông minh” cho mấy đi nữa thì cũng không thể nào hiểu được: Một Chúa mà có Ba Ngôi, Ba Ngôi mà lại chỉ một Chúa thôi.

Chuyện ai cũng kể khi dạy giáo lý cho trẻ em về một Chúa mà có Ba Ngôi. Chuyện là Thánh Augustino , thế kỷ IV, một bậc thông minh lỗi lạc, muốn soạn bài giáo lý về Chúa Ba Ngôi. Hôm đó đi bách bộ trên bờ biển Địa Trung Hải để suy nghĩ. . . Đi qua rồi đi lại, thấy một cháu bé moi một cái lỗ nhỏ trên cát, cứ lấy cái vỏ sò say sưa múc nước biển đổ vào cái lỗ nhỏ . . . Cháu làm chi vậy ? Dạ cháu muốn múc cạn biển đổ vào lỗ này ! Làm sao mà có thể được cháu ơi ?! Thưa bác, vẫn còn dễ hơn bác nghĩ về Chúa Ba Ngôi, rồi cháu biến đi. Vị thánh nhân thông thái mới hiểu rằng Chúa sai thiên thần đến cho mình biết như vậy.

4. Cách đây hơn 70 năm, mình ở Bình Định giáo phận Qui Nhơn, bài học giáo lý đầu tiên đời mình là về Chúa Ba Ngôi: “Thiên Chúa nhất thể tam vị đệ nhất thiên”. . .

– Hỏi: Có mấy Đức Chúa Trời ?

Thưa: Có một Đức Chúa Trời mà người có Ba Ngôi

– Hỏi: Ngôi thứ nhứt có phải là Chúa chăng ?

Thưa : Phải

– Hỏi: Ngôi thứ hai có phải là Chúa chăng ?

Thưa : Phải

– Hỏi: Ngôi thứ ba có phải là Chúa chăng?

Thưa : Phải

– Hỏi: Vậy chẳng phải là ba Đức Chúa Trời sao ?

– Thưa: Chẳng phải ! Vì ba ngôi cũng một tính một phép, không lớn mọn trước sau, nên ba ngôi cũng một Chúa mà thôi !

Mặc dù không hiểu gì, nhưng nhờ đó mà tôi tin là một Chúa mà có Ba Ngôi và Ba Ngôi vẫn chỉ một Chúa thôi.

Mầu nhiệm là trí mình không thể hiểu được, chỉ tin thôi, vì Chúa Giêsu đã cho biết như vậy, và Chúa Giêsu là Đấng đáng tin cậy.

Chúng ta được ƠN là nhờ TIN chứ không phải là nhờ HIỂU BIẾT. Trong Phúc Âm, mỗi khi chữa lành bệnh cho ai, Chúa Giêsu hay nói câu : Đức tin của con đã cứu con. . .

5. Kinh Tin Kính của Hội Thánh Công Giáo nói rõ Ngôi Cha dựng nên trời đất; Ngôi Con cứu chuộc loài người; Ngôi Thánh Thần thánh hoá mọi sự.

6. Khi về cùng Cha trên trời, Chúa Giêsu dặn dò các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng, ai tin thì làm phép Rửa cho họ : “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Phép rửa của Gioan cũng bằng nước nhưng để kêu gọi sự sám hối chứ không có ơn tha tội và không nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

7. Các thư Thánh Phaolo cũng hay bắt đầu :

“ Nguyện xin Ân Sủng Chúa Giêsu Kito, Chúa chúng ta, Tình Yêu của Chúa Cha và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

8. Hội Thánh có kinh : “ Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng .

9. Cuối cùng : Một cử chỉ hay một hành động mà chúng ta được dạy đầu tiên khi chúng ta chưa có ý thức và bây giờ chúng ta làm nhiều lần mỗi ngày trước khi làm bất cứ việc gì là Dấu Thánh Giá : “ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần Amen” ! Mình cũng không biết mình biết làm Dấu Thánh Giá vào tuổi nào nữa. Năm nay đã hơn 80 tuổi và ngày nào cũng làm nhiều lần dấu Thánh Giá trên người và mình tin “ có thờ thì có thiêng “ ! Ai không tin thì không làm lẽ dĩ nhiên ! Và không gieo thì không có gì mà gặt lẽ dĩ nhiên !

Lạy Chúa ! Xin cho chúng con tin rằng chúng con được Ơn Chúa là nhờ TIN chứ không phải nhờ sự hiểu biết mà chúng con đọc được trong sách giáo khoa, xin Chúa ban thêm Đức Tin cho mỗi người chúng con. AMEN.

————-

Suy Niệm 3:                       Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

 

“Khi nào Thánh Thần đến,
Người sẽ dẫn anh em vào sự thật vẹn toàn”

   Các bản văn hôm nay đều nói về Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Thánh Thần rất phong phú.

   1/ Hoạt động trong lịch sử cứu độ: Lúc khởi đầu Thiên Chúa dựng nên trời và đất… Thần khí Chúa bay là trên mặt nước làm sản sinh mọi loài (St 1, 1).

   2/ Khởi đầu Tân ước, Thần khí đã làm cho Ngôi Hai nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria.

   3/ Chính thần khí dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa sau khi Chúa chịu phép rửa.

   4/ Chúa Giêsu công bố trong hội đường Nazaret: Thần khí Chúa ngự trên tôi, Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…       (Lc 4, 18-20).

   5/ Với giáo hội sơ khai:

Ngự xuống trên các tông đồ trong ngày lễ ngũ tuần, ban nguồn mạch bảy ơn.

– Nhận được sức mạnh để can đảm làm chứng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần… Bấy giờ anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria cho đến tận cùng thế giới  (Cv 1, 8).

   6/ Thánh thần đổi mới các tông đồ:

– Đổi mới trí khôn: Các ông vốn là dân chài it học… nay thành những nhà giảng thuyết hấp dẫn, dám đối đầu với các thầy thông luật, các thủ lãnh đạo đời… Các ngài chẳng học ngoại ngữ… mà nay nói nhiều thứ tiếng… dân tộc nào cũng hiểu được…

– Đổi mới ý chí: Xưa các ông sợ hãi, bỏ Thầy trốn hết… Họp nhau phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái.

   Với sức mạnh của Thánh Thần, các ông can đảm, mạnh bạo bất chấp mọi thế lực cản trở.

– Đổi mới trái tim: Xưa các ông còn ham trần tục, tranh nhau địa vị, nghĩ nhiều về lợi ích cho mình… nay các ông nhường nhịn, đoàn kết hi sinh tất cả cho Chúa và đàn chiên của Chúa là Giáo Hội, sẵn sàng đón nhận cái chết để làm chứng.

   Những đổi mới trên là sự thật vẹn toàn mà Thánh Thần đem đến khi các tông đồ mở lòng đón nhận Thánh Thần mà Chúa Cha và Chúa Giêsu sai đến.

***********

Thánh Thần, khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài… (Thành Tâm)    

WGPKT(11/06/2022) KONTUM