“Êlisê đi theo Êlia”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Ngôn Sứ Êlia vâng lời Thiên Chúa nên đã lên đường đi tìm Êlisa và xức dầu cho ông để Êlisa trở nên vị Ngôn sứ tiếp tục sứ vụ của mình, theo như lệnh truyền của Thiên Chúa. Ông đi ngang qua Êlisa và quăng áo choàng của mình trên Êlisa, như dấu chỉ việc chuyển trao quyền Ngôn Sứ, đồng thời cũng là cách mở ngỏ cho sự sẵn sàng và tự do của Êlisa trong việc đáp lại lời mời gọi của Êlia. Êlisa hiểu được ý nghĩa của hành động này nên đã đi theo Êlia. Vẫn là một người đang ở trong đời thường, Êlisa chỉ xin trở về để từ biệt cha mẹ mình, một hành động rất chính đáng. Sau đó, ông đã can đảm quyết định theo thầy cách dứt khoát, và thể hiện điều đó bằng việc đốt cày và giết bò lấy thịt đãi người nhà, một sự đoạn tuyệt với cuộc sống hiện tại, với nhũng người thân quen, với nghề nghiệp nuôi sống mình để bước vào một cuộc sống mới với một sứ vụ khác.
Được gọi làm Ngôn Sứ có phải là một điều vẻ vang danh dự, hay ngược lại là một ơn gọi sẽ đối mặt với những hiểm nguy? Tùy vào cách nhìn nhận ơn gọi và sứ vụ. Ngôn Sứ không chỉ từ bỏ gia tài và mọi ràng buộc mà còn phải từ bỏ cả phương tiện nuôi sống mình. Đang là một người tự do, có thể bảo đảm cuộc sống mình, người được gọi là Ngôn Sứ phải khiêm hạ, trở nên môn đệ, đi theo thầy của mình. Tại sao? Chúa muốn nhũng ai được kêu gọi cách đặc biệt để đi thi hành sứ vụ của Chúa phải cắt đứt lối sống cũ và dấn thân hoàn toàn cho một khởi đầu mới. Êlisa đã vui mừng đón nhận lời mời gọi với niềm vui và sự háo hức dấn thân. Vì đã chịu phép Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ cộng đồng, nên cũng được mời gọi theo Chúa Kitô với tinh thần như thế trong mức độ nhất định tùy theo bối cảnh sống của mình.
Đó là Lời Chúa.
“Anh em được kêu gọi để được tự do”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Galát rằng: vì Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta, chúng ta hãy đứng vững, đừng để mình bị ràng buộc bởi ách nô lệ như trước đây. Nay họ trở nên môt con người mới, có đời sống mới trong Đức Kitô, có sự tự do của Con Cái Chúa. Tuy nhiên, tự do của Kitô hữu không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhưng là tự do khỏi những ràng buộc bởi những ham muốn của cải thế gian và xác thịt, để cho Thần Khí tác động mà sống theo tinh thần của Chúa. Tự do của Kitô hữu khiến họ không bị nô lệ bởi lề luật hay bởi tội lỗi, cũng không tự do chiều theo ham muốn vật chất. Tự do của Kitô hữu là tự do yêu thương và do đó là sự tự do để phục vụ. Yêu thương thì trái ngược với tính xác thịt, vì yêu thương tìm kiếm và quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân, trong khi xác thịt chỉ tìm kiếm chính mình và những mong muốn lợi lộc cá nhân. Sự tự do đích thực được tìm thấy trong tình yêu, vì yêu thương hay bác ái là phương tiện để thể hiện sự tự do của con cái Chúa.
Đó là Lời Chúa.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Bài Tin Mừng nói lên những điều kiện của cuộc sống của người theo Đức Kitô, cũng như những điều kiện để theo Người, theo mẫu kêu gọi một ngôn sứ trong bài đọc I. Trước hết, những người muốn theo Đức Kitô, muốn tham gia vào sứ mạng của Người, muốn là Kitô hữu, phải thấy những thua thiệt, mất mát họ có thể gặp phải. Một người hăm hở nhiệt tình muốn theo Người bất cứ nơi đâu, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu về sự vô định của Người đã làm anh ta nhụt chí. Người sống như một người vô gia cư, không gia đình, không nhà cửa, thậm chí còn thua cả chim trời hay sói rừng. Tiếp đến, điều kiện theo Đức Giêsu đòi hỏi một sự từ bỏ, ngay cả những mối quan hệ thân thương. Theo Người đòi hỏi sự hy sinh trong chọn lựa mỗi ngày. Người không đòi hỏi quá quắt để làm biến chất hay thay đổi bản tính của các môn đệ, nhưng là để giúp họ biết chọn lựa điều cao quý hơn, điều có giá trị vĩnh cửu. Theo Người là tận hiến hoàn toàn cho sứ vụ, là biến những quan hệ đời thường thành những điều mang lại hạnh phúc đích thực, và tồn tại mãi mãi.
Những điều kiện theo Đức Giêsu là dám hi sinh sự an toàn để dấn bước theo Người với niềm tin yêu phó thác. Từ bỏ để nhẹ nhàng không vướng mắc, để có Chúa là gia nghiệp đời mình. Dám hi sinh những nghĩa vụ mà dưới con mắt thế gian là điều chính đáng cũng là một sự phó thác và hi sinh, nhưng có những nghĩa vụ đòi môn đệ phải chọn lựa vì giá trị và ý nghĩa của nó. Và cuối cùng, hi sinh những tình cảm giới hạn để có thể đi vào trong một tương quan vô hạn, để có thể cởi bỏ lòng mình ra với mọi người trong sứ vụ.
Đó là Lời Chúa.
————
Suy Niệm 1: Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh
QUYẾT LIỆT DẤN THÂN
Kinh nghiệm trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Các bài đọc phụng vụ hôm nay cũng như Chúa Nhật 12 năm C Thường niên để lại cho chúng ta một kinh nghiệm của những tiên tri đượcThiên Chúa mời gọi cộng tác. Kinh nghiệm thế nầy: cứ mỗi lần Thiên Chúa kêu gọi một ai đó để trao cho họ một sứ mệnh khó khăn, thường tạo nên nơi họ một mối căng thẳng, một sự sụp đổ, một cắt đứt với quá khứ, một đảo lộn cuộc sống xem ra bất thuận lợi nơi người được kêu gọi. Cần phải có can đảm và tự do nội tâm để sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Suy nghĩ nầy đúng cho trường hợp của tiên tri Êlisa, trước khi ngôn sứ Êlia được rước lên trời, ông đã ném chiếc áo choàng của mình lên người học trò là Êlisa, ông nầy đang cầy ruộng với 12 cặp bò. Cử chỉ ném chiếc áo lên ai là dấu chỉ tuyển chọn người đó đi theo ơn gọi của mình để thế chỗ cho mình. Ông Êlisa hiểu ý nghĩa cử chỉ nầy và tức khắc ông xin về từ giả người thân, ông Êlia nói, tôi có ép anh đâu. Và tức khắc Êlisa “bỏ cặp bò cày lại, xin về từ giả gia đình rồi theo Êlia. Ông Êlisa bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia” (x. Bài Đọc 1. 1V 19,16b.19-21). Một quyết định dấn thân dứt khoát không thiếu phần táo bạo.
Bằng một hành động đáp trả quyết liệt trước lời mời của tiên tri Êlia, ngôn sứ Êlisa liền cắt đứt với quá khứ, cắt đứt tương quan với người thân, dứt bỏ nghề canh nông ổn định, bước vào cuộc sống mới bấp bênh và lang bạt. Ông Êlisa đốt đi quá khứ nông dân quen sống định canh định cư, bằng chẻ cày làm củi quay bò, đồng thời khởi đầu sống đời tiên tri phiêu bạt, rày đây mai đó rao giảng lời Thiên Chúa.
Tình huống nầy cũng giống như thời điểm Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ trên bờ hồ Tibêria, các môn đệ đã quyết liệt từ bỏ chài lưới, gia đình và đi theo Người. Và càng đúng hơn nữa đối với vị Tiên tri tuyệt hảo là Đức Giêsu Kitô, ‘khi đến giờ’, Người quyết liệt lên Giêrusalem để hoàn tất những gì sứ mệnh cứu thế đòi hỏi. Sứ mệnh khắc nghiệt Người phải làm theo ý Thiên Chúa, chứ không theo sở thích của mình. Các ơn gọi đều giống nhau ở điểm là quyết liệt dứt bỏ nếp sống cũ thuộc quá khứ đồng thời dấn thân theo ơn gọi mới. Chính Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác với Người, làm ngôn sứ cho Người đầy bất trắc và không tương lai bất định.
Một khúc quanh lịch sử trong sứ mệnh của Đức Giêsu: thời điểm thi hành ‘giờ’ xảy ra bấy giờ Đức Giêsu mới 33 tuổi, tuổi tràn đầy sức sống mãnh liệt và hiệu năng làm việc cao, Người đang rao giảng tại Galilê, bao nhiêu người ca khen và ngưỡng mộ Người nhất quyết lên đường đi Giêrusalem (Lc 9, 51). Một sự dứt khoát nội tâm, không ngại chạm trán với quyền bính của hàng lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem, thành phố nổi tiếng giết chết các tiên tri.
Va chạm đầu tiên trên đường đi là sự từ chối đón nhận của dân làng Samari miền Trung, dân ở đó theo đa thần giáo, mở màn cho những từ chối khác đến từ các đối phương của Đức Giêsu. Ngay cả khi bị khước từ, Đức Giêsu cũng từ chối dùng biện pháp mạnh, Người khước từ gây áp lực hay dùng bạo động: Người từ chối gọi lửa trời xuống can thiệp đốt cháy làm Samari (x. Lc 9, 55) theo gợi ý của môn đệ. Người đi sang lối khác để lên Giêrusalem, cách phản ứng cho chúng ta hình ảnh một con người khiêm nhu nhưng rất quả quyết đi đến cùng kế hoạch cứu độ.
Bất chấp mọi hiểm nguy rình rập từ phía các biệt phái, ký lục, và sự can gián của các môn đệ, Đức Giêsu quyết tâm đi lên Giêrusalem. Ý thức cao độ về sứ điệp và lời rao giảng của mình làm xáo trộn thế gian, Người nói: “Chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con người không có chỗ tựa đầu” (Tin Mừng Lc 9, 58). Quả thật Người sẽ tìm được chỗ vừa ý trên thập giá, xem ra chỗ nầy bất thuận lợi, vì thập giá là dấu chỉ của chống đối, của thất bại nhưng lại là cao điểm của Tình Yêu chiến thắng.
Người đã từ chối con đường dễ dàng và đã chọn con đường hẹp, con đường ít người qua lại, con đường gồ ghề, con đường thập tự. Người đã quở trách các môn đệ khi họ xin lửa trời xuống đốt làng Samari, ngược lại Người có phản ứng hiền lành “Thầy trò đi sang làng khác”. Người chọn con đường Thập giá như cửa khẩu tất yếu nhập cảnh vào Nước Trời. Chính vì vậy mà giờ tử nạn cũng là giờ tôn vinh. Giờ chịu chết vì yêu thương và vâng lời Cha cứu độ nhân loại.
Đức Giêsu cũng từ chối xin mười hai cơ binh thiên thần đến cứu viện, can thiệp giải thoát khỏi cuộc Thương khó, cũng như từ chối xuống khỏi thập giá theo lời đề nghị của xa-tan vào ngày Thứ Sáu thánh. Không giống như thái độ quyết liệt của Êlisa và của các môn đệ muốn nối gót theo Đức Giêsu, cũng có những người xin về chôn cất cha rồi mới theo Chúa, Đức Giêsu phán một câu dứt khoát: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9, 60). Lựa chọn theo Đức Giêsu đòi hỏi sự quyết liệt dứt khoát như Người đã quả quyết lên Giêrusalem đón nhận cái chết để hoàn tất sứ mệnh cứu độ của mình.
Lạy Chúa Giêsu, con theo Chúa đã lâu nhưng không dứt khoát lắm, nhất là trong thực hành tôn giáo, trong tuyên xưng đức tin và trong thi hành đức bác ái. Con đeo tượng Chúa nơi túi xách, nơi cổ, trên đôi tai như đồ trang sức mà quên đi phải dứt khoát bước theo Chúa trên đường thập giá trong cuộc sống hằng ngày. Amen
—————
Suy Niệm 2: Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông
CHÚA GIÊSU VÀ NGƯỜI SAMARI.
CHÚA GIÊSU VÀ CỦA CẢI VẬT CHẤT.
1. Nước Do Thái thời Chúa Giêsu có 3 miền:
– Miền Bắc là Galilê, đồng bằng nhiều, có Nazareth là nơi gia đình Chúa Giêsu sống, theo nhận định của Nathanaen thì nơi đây không có gì hay; gần đó có Cana , nơi phép lạ đầu tiên diễn ra : rượu ngon uống tha hồ; có núi Tabore nơi Chúa Chúa Giêsu hiển dung; và Gioan cũng làm phép rửa trên đoạn sông Giođan ở miền Galilê . . .
– Miền Trung là Samari , người Do Thái xem dân này là ngoại đạo nên không giao tiếp với họ, đáp lại, người dân Samari cũng không ưa người Do Thái, nên mới có sự cố trong bài Tin Mừng hôm nay, nhất định không cho nhóm Do Thái của Chúa Giêsu ở qua đêm. Các môn đệ của Chúa tức giận muốn đốt làng, nhưng Chúa Giêsu thì chấp nhận ra đi. . .
– Miền Nam là Giuđê, miền quan trọng nhất, có thủ đô Giêrusalem, có Đền Thờ. Các quan chức chóp bu đạo, đời đều đóng đô ở nơi đây. Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, thành vua Đavit, cũng gần Giêrusalem và cũng bị kết án tử và bị đóng đinh thập ác tại thủ đô Giêrusalem này.
2. Chúa Giêsu và người dân Samari.
– Chúa Giêsu cố ý gặp người phụ nữ Samari nơi giếng Giacob (Ga 4, 7-42). Bà này có 5 ông mà không ông nào là chồng. Bà ngạc nhiên vì bà biết Chúa Giêsu là người Do Thái mà lại tiếp xúc với mình, chuyện hiếm có. Các môn đệ cũng ngạc nhiên tại sao Thầy mình lại gặp gỡ thân tình với một người phụ nữ Samari ? Trong biến cố này mình thích nhất 2 điều: Điều thứ nhứt: Người phụ nữ không mấy đứng đắn này, khi thấy Chúa Giêsu là người khác thường thì đặt vấn đề về việc thờ phượng Chúa . . . Nhờ đó chúng ta biết việc thờ phượng chân chính là phải như thế nào.
Điều thứ hai : Vội vã chạy về làng, cách đó khoảng 800 mét, bỏ cả vò nước lại, hô hoán với dân làng: Ra giếng mà xem, có một người biết hết chuyện đời tui ! Và dân làng đã đổ xô ra gặp Chúa Giêsu . . .
Điều thứ ba : Dân làng Samari đã tha thiết mời Chúa Giêsu và các môn đệ đến làng họ và Chúa Giêsu đã ở lại với dân làng đó 2 ngày. Họ tha hồ nghe Chúa Giêsu dạy dỗ. . .
– Chuyện 10 người phung cùi được chữa lành. (Lc 17,11-18) . Cả 10 người đều được lành, mà 9 anh “có đạo” được lành lại cút luôn, chắc là ở nhà mở tiệc ăn mừng, chỉ có anh Samari “ngoại đạo” thì trở lại tìm gặp cảm ơn Chúa Giêsu thôi. Chúa Giêsu đã quở trách mấy người có đạo vô ơn và nói với anh “ngoại đạo”là Đức Tin anh đã cứu anh. Đức Tin của người ngoại đạo cũng có giá trị thật sự trước mặt Chúa. Câu chuyện này làm ta thấy rõ điều đó.
– Chuyện mình thích nhất là Dụ Ngôn người Samari nhân hậu ( Lc 10,29-37). Thấy người “hoạn nạn” “ dở sống dở chết” kêu cứu, thầy tư tế khi đó cũng tương đương với linh mục bây giờ, thầy Lêvi lúc đó cũng ngang hàng với phó tế bây giờ. . . dông luôn ! ! Đọc Dụ Ngôn này mình cũng nhột lắm lận, bởi vì mình cũng là tư tế thời @, và tai mình cũng bị điếc nữa !
Ông Samari ngoại đạo đã tốn tiền, tốn giờ vì dừng lại, tốn sức vì phải đi bộ nhường lừa cho người bị nạn ngồi. Thầy tư tế cao cả của Đền Thờ không tốn gì cả. Phẻ re ! Dụ Ngôn là của Chúa Giêsu.
3. Chúa Giêsu và của cải vật chất :
“ Con chồn có hang , chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”(Lc 9,58). Vậy là Con Chúa Trời Đất, xét về tài sản thì thua con chồn con chim luôn ! Vì bị phá sản hay vì cố ý vậy ? Thưa là “cố ý” thôi. Chúa mà muốn có cái gì là có ngay tắp lự. Muốn có bánh là có bánh, muốn biển yên sóng lặn là có ngay, chết thúi nằm trong mồ rồi mà Chúa bảo ra, là Lazaro lò mò ra ngay . . . Nhiều chuyện lắm, kể không hết đâu nhé.
Phêro sau thời gian theo Chúa Giêsu , thấy Chủ mình không có gì cả : Tiền bạc cũng không, không có tiền nộp thuế mà ; nhà cửa cũng không, hay ở nhờ nhà nhạc mẫu của Phêro; đất đai không có một tấc nữa là , chết cũng chôn nhờ nơi đất người ta ! Vậy nên Phêro đặt vấn đề với Chủ mình: “ Chúng tôi đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy thì chúng tôi được gì chứ ?” Chúa Giêsu trả lời ngay tức khắc: “ Ai bỏ hết mọi thứ mà theo Thầy thì sẽ được gấp trăm ở đời này, và quý nhất là tên mình được ghi trên Nước Trời “. (Mt 18,27-30). Phêro mà không thèm tin và không thèm theo Chúa Giêsu thì làm gì được như bây giờ ? Gấp quá trăm luôn đấy nhé. Thuyền đánh cá và lưới đánh cá của ông thì nhằm nhò gì với mọi thứ mà Phêro “đang là và đang có” bây giờ ?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương và ban ơn cho mọi người, kể cả những người “ngoại đạo”mà có lòng tin, xin Chúa ban thêm đức tin cho mỗi người chúng con. Amen
WGPKT(24/06/2022) KONTUM