Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm C (CN.03.07.2022)

BÀI ĐỌC I: Is 66, 10-14c

“Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Gl 6, 14-18

“Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh của Chúa Giêsu”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu.

Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em! Amen.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: 1-12. 17-20

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Đó là lời Chúa.

—————-

Suy Niệm 1:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

SAI ĐI TRUYỀN GIÁO

Sau một đêm dài tỉnh thức cầu nguyện với Chúa Cha trên núi, sáng ngày Đức Giêsu tuyển chọn Mưới Hai người trong nhóm các môn đệ làm Tông Đồ (có nghĩa người được sai đi) (Lc 6, 12-16).  Con số Mười Hai nhắc lại con số các chi tộc của dân Ítraen cũ, nó cũng biểu tượng cho Dân Thiên Chúa mới được thiết lập trên 12 tông đồ, như là 12 cột trụ của Giáo Hội, Dân mới, Dân Thiên Chúa.  Và “Người đã sai họ đi công bố Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9, 2). 

Công việc thì bao la và ngày giờ thì co lại, Đức Giêsu biết giờ từ giả trần gian của Người đã gần đến, Người đã quyết tâm đi lên Giêrusalem để chịu nạn (Lc 9, 51), trong bối cảnh đó Đức Giêsu chỉ định thêm 72 môn đệ nữa và sai cứ hai người vào các thành và các làng mà Người sẽ đến (Bài Tin Mừng. Lc 10,1-12.17-20). Nhóm 72 đã thành công và họ hớn hở trở về báo tin vui cho Đức Giê-su. 

“Sai cứ hai người một”, theo quan niệm của người Do-thái, chứng của hai người thì đáng tin. Vào thời Công vụ Tông đồ chúng ta thấy họ từng cặp đi chung với nhau, như Saolô và Banaba (Cv 13, 2-4), Banaba và Máccô, Phaolô và Xila (CV 15, 39-40).  Con số 72 biểu tượng cho toàn thể dân ngoại, dựa vào sách Sáng Thế chương 10, chương nói về các con ông Nô-ê sau lụt đại hồng thuỷ.  Con số nói lên tính phổ quát của sứ mạng truyền giáo được trao cho Hội Thánh, đồng thời cũng nói lên sự mở cửa cho dân ngoại đón nhận đức tin. 

Tin Mừng Chúa Kitô không độc quyền dành cho bất cứ ai, tất cả mọi dân tộc đều được mời tham dự.  Khi còn tại thế Đức Giêsu đã miệt mài rao giảng và ra lệnh cho các môn đệ đem Tin Mừng đến cho muôn dân.  Không những vậy đã ba lần Đức Giêsu đi về phía dân ngoại khi Người vượt biển Galilê sang vùng đất dân ngoại, trừ quỷ và cho quỷ nhập vào đàn heo chết chìm dưới biển và Đức Giêsu đã làm những phép lạ ở giữa dân ngoại nữa. 

Vượt biển như là sự phá rào chắn tâm lý, vượt ra ngoài não trạng cục bộ, một kiểu vượt biên trong tâm trí, việc vượt biển diễn tả sự xóa bỏ tính cục bộ, đề cao tính phổ quát của ơn cứu độ.  Vào thời Đức Giêsu, nước Do thái chia làm ba miền, miền Bắc Galilê là vùng dân ngoại, miền Trung Samari là vùng đa thần giáo, miền Nam Giuđa có đền thờ Giêrusalem là vùng tôn giáo tinh ròng.  Não trạng ba miền có sự phân biệt và kỳ thị nhau.  Trong đêm Chúa chịu nạn người tớ gái nói với ông Phêrô: giọng nói Galilê của ông tố giác ông.  Đức Giêsu cũng bị dân từ chối không cho mượn đường băng qua Samari.  Cho nên việc Chúa sang bên kia biển hồ cho thấy tinh thần truyền giáo của Người hướng về dân ngoại và tính phổ quát của ơn cứu độ.

Lệnh truyền giáo của Đức Giêsu trở thành bản chất của Giáo Hội đến nỗi Công Đồng Vaticanô II dạy : Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo.  Do đó một Giáo Hội không truyền giáo là một Giáo Hội lụi tàn, mất sức sống.  Một Kitô hữu không truyền giáo là Kitô hữu èo uột.  Sứ mạng nầy được Chúa Kitô phục sinh trao cho các môn đệ trước khi ngự về trời như lời trăn trối: “Các con hãy ra đi rao giảng cho muôn dân”.  Đức Giêsu cũng đã thi hành sứ mệnh nầy, Người là đệ nhất Thừa Sai của Thiên Chúa, việc nầy cho hiểu rằng khi rao giảng Tin Mừng, người Kitô hữu tham dự vào cùng một sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, một sứ mệnh cao cả làm cho người lương dân trở thành con Thiên Chúa và được tham dự sự sống của Thiên Chúa. 

Sống trên đất Tây Nguyên, người Kitô hữu dễ dàng ý thức sứ mệnh nầy, khi chung sống với các anh chị em thuộc các sắc tộc khác nhau.  Đây là sứ mệnh không biên giới, mà cho đến hôm nay, nhu cầu cấp thiết vẫn như ngày đầu thành lập Giáo Hội.  Việt Nam chỉ có 7% dân số chấp nhận đức tin công giáo, là nước thứ hai của Châu Á sau Phi Luật Tân có số tín hữu cao nhất 85%.  Sau 2000 năm, con số người tin theo Đức Giêsu Kitô mới chỉ 1/7 nhân loại mà thôi, hiện nay là 1,3 tỷ người công giáo trên khắp thế giới.  Sứ mệnh quá lớn so với số thợ gặt quá ít ỏi, cần phải xin thêm thợ lành nghề. 

Một gương mặt sáng chói và chuẩn mực cho tất cả chúng ta trong rao giảng Tin Mừng đó là thánh Phaolô, ngài “chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô” (Bài đọc 2. Gl 6, 14-18).  Chúa Kitô thập giá là đối tượng duy nhất của lời ngài rao giảng, chứ không phải các hệ ý thức chính trị, kinh tế hay văn hoá.  Ngài chỉ muốn rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh trên thập giá chứ không phải một đức Kitô vinh quang hào nhoáng.

Lạy Chúa Giêsu, sứ mệnh truyền giáo là mẫu số chung cho mọi Kitô hữu, tuy nhiên con mấy khi quan tâm đến vấn đề nầy, chưa kể là xa lạ, cho dù con đang sống trên phần đất truyền giáo Tây Nguyên.  Xin cho con ý thức và góp phần nhỏ mọn của mình vào sứ mệnh cao cả Chúa truyền ban. Amen

—————–

Suy Niệm 2:                             Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

 

“Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”

Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài hiệp hành đào tạo các môn đệ, cho các ông hiệp thông vào tham gia vào sứ vụ cứu độ của mình. Sau đó, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi làm nhiệm vụ thu hoạch vì mùa màng đã nở rộ “lúa chín đầy đồng”. Công việc gặt hái lúa đồng là đem bình an đến với muôn người. Chúa Giêsu căn dặn những lời thiết thực cho sứ vụ các môn đệ. Sứ vụ đó là: lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: Nước Thiên Chúa đã đến gần anh chị em; lời chào thân thiện: Bình an cho nhà này; hành trang nhẹ tênh: không túi tiền,không bao bị,không giày dép; việc phải làm: chữa lành những người ốm đau; thái độ phải có: khiêm tốn và siêu thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi, dễ chịu.

1. Hành trang

Hành trang đi đường chỉ là:  cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.Chúa Giêsu còn trao cho các môn đệ những quyền năng của Ngài: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ. Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động Tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.

2. Sứ vụ

Trao “Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì”. Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết “phải sống”. Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.

Trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phaolô VI quả quyết ít nhất hai lần rằng, phương thức thứ nhất để rao truyền Phúc Âm chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực

Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống. Hiệu năng nhất là cách thứ hai và thứ ba. Ai cũng biết nói thì dễ, làm khó hơn, và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời mình nói đáng tin hơn. Nhưng cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình xác tín và muốn chia sẻ. Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đời sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống của chúng ta đều phải “làm chứng”: lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí… Đối với người có ý thức sứ vụ thì việc gì, khía cạnh nào của đời sống, họ cũng có thể là lời loan báo.

3. “Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”

Chúa muốn các môn đệ đem đến mọi nhà sứ điệp này: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này!”.Bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với mọi người. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Ngài.

Họ ra đi, mang hạt giống vãi gieo, lúc trở về, reo vui hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125, 6). Tác giả thánh vịnh diễn tả thật đúng tâm trạng của 72 môn đệ về những gì các ông đã thực hiện khi vâng lệnh Chúa ra đi loan báo Tin mừng. Các ông vui mừng hớn hở vì thành quả do sứ vụ rao giảng mang lại. Đồng thời các ông còn cảm nghiệm hiệu quả nhiệm lạ từ quyền năng của Thầy: “Nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng khuất phục chúng con”. Có thể đối với các ông, thành quả của những chuyến “ra khơi”, và những ơn ích do Chúa ân ban mà mắt các ông được chứng kiến là niềm hạnh phúc tột cùng rồi. Thế nhưng, với Chúa Giêsu, đó chưa phải là đỉnh điểm của hạnh phúc. Chúa Giêsu tiếp tục giúp các ông nhận thức tầm quan trọng sâu xa từ những gì các ông đã làm vì danh Chúa cho tha nhân. Đồng thời Ngài cũng khai mở cho các ông biết nguồn gốc quyền năng mà các ông đã có dịp cảm nghiệm, tất cả đều do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa muốn qua các ông ban tặng cho con người. Chúa Giêsu còn cho các ông biết rằng, niềm hạnh phúc vĩnh cửu, niềm vui của các ông chính là “tên của anh em được ghi trên trời”. Còn hạnh phúc nào hơn hạnh phúc này, còn thành quả và ân phúc nào hơn đặc ân vô biên mà Thiên Chúa đã ban tặng khi các ông đã chu toàn lệnh truyền của Chúa, đến với muôn dân loan báo Tin mừng cứu rỗi.

Niềm vui không phải là cuộc chiến thắng kẻ thù, đè bẹp được kẻ chống đối, hay loại trừ được những kẻ bị hoài nghi…mà niềm vui của môn đệ Chúa Giêsu là một đời đã thi hành thánh ý Chúa với trọn tâm tình yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, nay được quay về cội nguồn tình yêu, được về Nhà Cha, được về với Chúa.

“Hãy vui mừng vì tên anh em được ghi trên trời”, anh em có một chỗ ở trong cõi vĩnh hằng. Niềm vui không phải chỉ thoáng qua rồi sau đó là những hoài niệm của một thời vang bóng đầy nuối tiếc như ở trần gian. Hạnh Phúc Nước Trời là hạnh phúc vĩnh cửu. Vì chỉ có Thiên Chúa hằng sống mới có thể trao ban hạnh phúc vĩnh cửu. “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3). “Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”. Đó mới là đích điểm của cuộc đời kitô hữu.

Ngày xưa được khắc tên vào bia đá trên lưng rùa ở Văn Miếu là một vinh dự chỉ dành cho các tiến sĩ, trạng nguyên. Ngày nay được có tên trong tự điển danh nhân thế giới, hay ca sĩ, nhạc sĩ có tên ca khúc nằm trong bảng sắp hạng Billboard, topten là cả một niềm vui lớn… Thường thường bậc trung như phần đông chúng ta thì có lẽ tên chỉ được ghi trên bìa vở, bìa sách cho biết sở hữu chủ, và trong sổ rửa tội, thêm sức, hôn phối, trong sổ hội viên hội đoàn, rồi sổ tử của giáo xứ và cuối cùng, được ghi khắc nơi bia mộ là xong một đời! Lời Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng tên chúng ta còn được ghi trên trời, trong sổ hằng sống của công dân Nước Trời, nhất là được ghi khắc nơi con tim của Thiên Chúa. Hãy reo vui, hãy phấn khởi vì tên của chúng ta đã được ghi ở trên trời, và ngay từ bây giờ rồi! Còn vinh dự nào lớn hơn! Hãy nhớ rằng để tên mình được ghi trên trời thì phải sống như những công dân Nước Trời, với tư cách là chứng nhân môn đệ Đức Kitô, với hiến pháp là Tám Mối Phúc thật, với kim chỉ nam hướng dẫn là Tin Mừng Đức Kitô. Mỗi ngày tôi sẽ xét mình để biết xem ngày hôm nay tôi đã sống xứng đáng là công dân của Nước Trời chưa. (x. tongdosongdao.org).

Hình ảnh tiên trưng được sách Khải Huyền mô tả viễn tượng cánh chung về tên của những người được đóng ấn và ghi vào Sổ Trường Sinh (x. Kh 5,9 và 20, 12.15). Đó là niềm vui vĩnh cửu được Chúa Giêsu chuộc về cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cần vui mừng hơn vì mình được ghi danh trên Trời, Chúa muốn hướng các môn đệ vui mừng hạnh phúc vì được làm con Thiên Chúa.Mầu nhiệm thứ hai năm sự Mừng: “Thứ hai thì ngắm Đức Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Khi hướng lòng về trời cao, chúng ta sẽ biết cách sống thế nào cho phải lẽ khi còn ở dưới đất. Khi nhìn về trời cao chúng ta mới nhận ra giá trị đúng đắn của mọi thực tại trần gian này, và đi đến hành động thế nào cho phải đạo.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con được làm công dân Nước Trời khi chúng con được gia nhập vào Giáo hội của Chúa, xin cho chúng con sống xứng đáng với ân huệ đó, để ngày sau chúng con được Chúa gọi tên trong Sổ Hằng Sống trên Nước Chúa. Amen

WGPKT(01/07/2022) KONTUM