06.04.2023 – Thứ Năm Tuần Thánh – Thánh Lễ Tiệc Ly

Bài đọc 1: Xh 12,1-8.11-14

Chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua.

Bài trích sách Xuất hành.

1 Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập : 2 “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en : Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. 5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. 6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, 7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. 8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. 11 Các ngươi phải ăn thế này : lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã : đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. 12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập : vì Ta là Đức Chúa. 13 Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. 14 Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này : đó là luật quy định cho đến muôn đời.”

Đáp ca: Tv 115,12-13.15-16.17-18 (Đ. x. 1 Cr 10,16)

Đ.Khi nâng chén chúc tụng,
ta được dự phần vào Máu Đức Ki-tô.

12Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?13Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.

Đ.Khi nâng chén chúc tụng,
ta được dự phần vào Máu Đức Ki-tô.

15Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.16Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.

Đ.Khi nâng chén chúc tụng,
ta được dự phần vào Máu Đức Ki-tô.

17Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn,
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.18Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.

Đ.Khi nâng chén chúc tụng,
ta được dự phần vào Máu Đức Ki-tô.

Bài đọc 2: 1 Cr 11,23-26

Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

23 Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 25 Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy ; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

Tung hô Tin Mừng:Ga 13,34

Chúa nói : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”

Tin Mừng:Ga 13,1-15
 
 

Đức Giê-su yêu họ đến cùng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1 : Lm. Tađêô Võ Xuân Sơn

HÃY LÀM MÀ NHỚ ĐẾN CHÚA

Trong cử hành thánh thiện thứ 5 Tuần Thánh  hôm nay, Hội Thánh mời gọi các tín hữu sốt sắng tham dự và suy gẫm hai sự kiện Chúa Giêsu thực hiện trong đêm cuối cùng với các tông đồ, đó là sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ và sự kiện Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Vì thế, muốn hiểu điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay, chúng ta không thể tách rời hai sự kiện này. Điều Chúa muốn nói với các môn đệ hôm qua và hôm nay là Chúa mang lấy thân phận nô lệ thay cho chúng ta để cứu độ chúng ta và chúng ta hãy cử hành vì yêu thương này của Chúa để nhớ đến Chúa.

* Hai sự kiện Chúa biểu lộ tình yêu

Trước hết, cả hai sự kiện đều diễn ra trong bối cảnh dân Do-Thái chuẩn bị lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là ngày toàn dân nhớ lại biến cố Thiên Chúa cứu dân Chúa thoát khỏi thân phận nô lệ Pharaon và đưa ra khỏi Ai-Cập trở nên người tự do. Những ai muốn được thoát thân phận nô lệ phải bày tỏ rõ rệt bằng quyết định đứng lên, lấy máu chiên làm dấu trên cửa và cùng đoàn dân Chúa lên đường về Đất Hứa. Thì nay, trong ngày chuẩn bị vượt qua này, Chúa Giêsu đón lấy thân phận nô lệ của dân Do-Thái trong chính con người của Ngài. Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa cho cả người phản bội Chúa, để nhắc lại cho mỗi người tình yêu của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn hôm nay: Thiên Chúa đang tự hủy chính mình để cứu mọi người khỏi nô lệ tội lỗi và sự ác. Những ngày qua, chúng ta đã đến với bí tích Hòa Giải và được Chúa Giêsu tha thứ tội. Chúng ta mừng vì được tha tội và ngạc nhiên trước tình yêu Chúa như Thánh Phêrô ngạc nhiên vì sao Chúa lại cúi xuống rửa chân cho mình. Các tông đồ nhìn thấy Chúa mang lấy thân phận nô lệ để tái diễn mầu nhiệm yêu thương. Thì nay chúng ta cũng chứng kiến trước mắt sự kiện rửa chân để gẫm xem tại sao Chúa yêu chúng ta như thế.

Chưa hết, sự kiện Chúa tự nguyện làm người nô lệ để rửa chân cho các tông đồ nhằm đứa các tông đồ đi vào mầu nhiệm tình yêu sâu thẳm: mầu nhiệm Thánh Thể. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu không chỉ mang lấy thân phận nô lệ, mà còn chết như một người nô lệ để cứu độ mọi người. Mình Máu thánh của Ngài là của ăn nuôi sống chúng ta, nuôi sống gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta và mọi người thành tâm thiện chí trên thế giới này. Đối với thánh Gioan, người được diễm phúc kề sát ngực Chúa, người nghe được nhịp đập trái tim của Chúa, người nghe được tâm tình của Chúa, hành động và tâm tình của Chúa trong hai sự kiện này làm lay động trái tim của thánh Gioan. Thánh Gioan đã viết: Chúa yêu thương con người đến cùng trong hai sự kiện đó. Trái lại, nơi Giuđa, người vô tâm khi Chúa rửa chân cho mà vẫn khăng khăng bám lấy toan tính bán Chúa, rời xa Chúa, trái tim của ông không còn khả năng yêu thương. Qủa thật, thảm kịch tồi tệ nhất trên thế giới vẫn là thảm kịch xẩy ra trong tâm hồn. Vậy, chúng ta đang có trái tim loại gi? Trái tim của Gioan hay của Giuđa? Gia đình chúng ta đang có tâm tình nào với Chúa lúc này? Tâm tình biết ơn Chúa và quyết tâm đáp lại tình Chúa, hay đang tham dự cử hành thánh này mà tâm trí vẫn vô tư lự, vẫn khăng khăng với những toan tính thấp hèn phản bội Chúa và hội Thánh?

* Hãy làm và nhớ đến Chúa

Hằng ngày và lúc này chúng ta đang chứng kiến hai sự kiện Chúa yêu chúng ta đến cùng, đặc biệt sự kiện Thánh Lễ. Nếu trái tim của chúng ta đã được phục hồi khả năng yêu thương, thì hãy nhớ lời Chúa nói: “Các con hãy làm việc này , mà nhớ đến Ta” (1Cr 11,25). Cử hành thánh lễ để nhớ đến tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, Ngài không muốn một ai trong chúng ta hư mất. Ngài muốn tất cả chúng ta, kể cả Giuđa nhận biết tình yêu của Ngài và có khả năng đáp lại tình yêu của Ngài. Chúa đã lấy Máu Mình Chúa nuôi sống chúng ta để minh chứng tình yêu của Ngài. Trong suốt mùa chay, chúng ta được nghe những bài ngắm thương khó, mục đích làm cho trái tim của chúng ta được lay động trước tình yêu của Chúa. Chúng ta có thể dùng lại nhắc nhở của tiên tri Isaia để làm sống lại khả năng yêu thương nơi chúng ta: Con bò còn biết chủ, còn lừa còn biết cái máng của chủ nó, chẳng lẽ chúng ta không biết Chúa yêu thương và ban cho chúng ta Mình Máu của Ngài hay sao? Vậy, Chúa muốn nói với chúng ta điều gì khi nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”?

Chúa muốn chúng ta để Chúa rửa chân, nghĩa là rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Đừng để tội lỗi chất chứa nặng nề trong trong tâm hồn, đừng làm tâm hồn đen đúa vì bẩn thỉu, ô nhiễm. Đến với bí tích Hòa Giải thường xuyên để được Chúa tha thứ, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và muốn chúng ta nhân rộng lòng tha thứ và phục vụ này: “Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15).

         Chúa muốn chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ để nhớ đến và hưởng tình yêu của Chúa. Cám dỗ của thời đại này là con người làm được mọi sự mà không cần đến tình yêu của Chúa. Có thật là chúng ta không cần Chúa mà vẫn có thể làm được mọi sự không? Một người chia sẻ: tôi chỉ lo lắng khi con cái còn nhỏ và ở trong nhà. Khi chúng ta ra đường, mỗi đứa, mỗi ngả, tôi không thể lo được gì, chỉ xin Chúa ban ơn. Huống hồ bao điều khác! Có điều gì mà không cần đến ơn Chúa? Vì thế, lời Chúa nhắc nhở: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” luôn mời gọi chúng ta đến với Chúa trong thánh lễ. Đây là lúc tôi sống thân mật với Chúa, cảm tạ ơn Chúa cứu dộ và yêu thương tôi đến cùng bằng cách trao ban chính mình Ngài cho tôi. Ta cần bắt chước thánh Phêrô để ngạc nhiên trước tình yêu Chúa: Chúa mà rửa chân cho con sao? Chúa mà phải chịu chết cho con sao? Chúa mà phải cho con chính Máu Thịt của Chúa sao?

Xin Chúa phục hồi trái tim mỗi chúng con, cho trái tim chúng con biết yêu, nhất là yêu Chúa trên hết mọi sự, vì Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng.

 

 

Suy niệm 2Lm. Tôma Aquinô Trần Duy Linh

 

Hôm nay tôi muốn mời mọi người dừng lại nhiều hơn ở chính hình ảnh của Đức Giêsu được mô tả trong bài Tin Mừng anh chị em vừa nghe và suy niệm sâu hơn về bài học mà Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của mình.

1. Điểm thứ nhất chúng ta có thể dừng lại ở ngay câu đầu tiên trong bài Tin Mừng Gioan hôm nay đó là : Chúa Giêsu biết giờ mình phải lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Với người công giáo chúng ta, tôi có thể nói : ngày thứ năm tuần thánh là ngày lễ của tình yêu. Thánh Gioan kể rằng : đây đã là những giây phút cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ của mình : giây phút đó, thầy trò quy tụ với nhau chung quanh một bàn ăn, trong bầu khí thân thương và ấm áp. Chúng ta phải hình dung rộng hơn một tí thì mới thấy được sự quý giá của bầu khí đó : lúc mà Đức Giêsu và các môn đệ của mình đang sum họp quanh bàn ăn thì chuyện gì đã xảy ra ở ngoài kia : lúc đó các thượng tế, các kinh sư, các kỳ mục, họ đang hội quân, họ đang sửa soạn vũ khí và đèn đuốc, đang chuẩn bị cho một cuộc đánh úp ban đêm, ở ngoài kia là đêm tối và đêm tối ẩn chứa nhiều mưu toan, nhiều toan tính của con người. Ở trong này Chúa Giêsu chỉ còn đủ thời gian để làm chuyện quan trọng nhất và cần thiết nhất mà mình phải làm để dạy cho các môn đệ của mình bài học quan trọng nhất. Khung cảnh chung quanh bàn tiệc ly là khung cảnh của một giây phút rất bình an và đó là sự bình an, trước khi bão tố nổi lên. Trong giây phút đó, trong lòng của Chúa Giêsu chỉ chất chứa đầy một chữ yêu, chữ thương. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian. Chúng ta nên để ý đến cụm từ “còn ở thế gian”. Thế gian là thế nào?. Người ta vẫn nói : thế gian này nó gian lắm là bởi vì là thế gian chứ có phải là thế ngay đâu. Những kẻ mà Chúa Giêsu yêu thương là những kẻ còn đang ở trong thế gian đó, đang còn chìm đắm, đang còn mê mãi trong vòng xoay, trong vòng tạp nhạp của thế gian đó. Đại diện cho những người này, như chúng ta nghe Tin Mừng Gioan kể, đó là Phêrô, một Phêrô vẫn còn đậm mùi đời, còn suy nghĩ theo kiểu rất đời :”Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”, Thầy mà lại quỳ gối phục vụ, Thầy mà lại hạ mình xuống à! Đó không phải là hình ảnh của một vị thầy, của một vị Chúa mà Phêrô muốn, bởi vì trong suy nghĩ của Phêrô, cho đến lúc này, ông vẫn còn mơ về một vị thầy khác : oai phong hơn, hoành tráng hơn, có thế giá hơn, chứ không phải là một vị thầy khiêm tốn và phục vụ như vậy. Phêrô chỉ là tiếng nói đại diện thôi, chúng ta đừng quên là đang có Giuđa trong bàn tiệc ly, đang ngồi chung mâm với thầy, đang cùng chia một tấm bánh với thầy, nhưng lại đang nuôi dưỡng trong lòng mình âm mưu phản bội. Rồi trong bàn tiệc ly còn có mười tông đồ khác : mỗi người đi theo một giấc mơ của riêng mình : họ là những người khi Chúa lâm nạn đã bỏ chạy hết, để lại Chúa một mình. Chúng ta đã nói nhiều về những con người này, về những con người được Chúa Giêsu chọn, chúng ta cũng đã thấy rõ : họ là những con người không hoàn hảo một chút nào cả, nhưng hôm nay thánh Gioan kể với chúng ta : chính họ là những người được Chúa Giêsu yêu thương, và Chúa Giêsu yêu thương họ là yêu đến cùng. Chúa Giêsu không chỉ yêu các môn đệ của mình một cách có điều kiện, nhưng tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu vô điều kiện, bất chấp những yếu đuối và những bất toàn của họ : “Người yêu họ cho đến cùng” : yêu đến cùng có nghĩa là yêu đến mức độ cao nhất của tình yêu, nghĩa là dù họ có ra sao đi nữa thì họ cũng không thể nào làm suy suyễn được tình yêu mà Đức Giêsu, mà Thiên Chúa đã đặt vào cuộc đời của họ : đó là tình yêu mà Thiên Chúa đặt vào chính con người, Thiên Chúa đã yêu là yêu cho đến cùng, chẳng có điều gì có thể thay đổi được tình yêu của Thiên Chúa, chẳng có điều gì có thể làm lay chuyển được tình yêu mà Đức Giêsu đặt vào các môn đệ của mình. Như thế chúng ta mới có thể nói : ngày lễ thứ năm tuần thánh là ngày lễ của tình yêu, khởi đầu với tình yêu, một tình yêu kỳ lạ mà Thiên Chúa dành cho con người, cho nên, để có thể thật sự bước vào trong tinh thần của ngày lễ này, mỗi người chúng ta phải được mời gọi để nhìn lại chính mình, nhìn lại chính tình yêu mà Thiên Chúa đặt vào cuộc đời của mình, vào con người của mình : là một Kitô hữu, ngày hôm nay, trong ngày đầu tiên của tam nhật thánh, chúng ta được mời gọi để làm mới lại tình yêu của mình, hay đúng hơn là làm mới lại cảm thức của mình về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta : đó là một tình yêu bất chấp, không dựa vào công trạng hay thành tích hay những cái hay ho hay là những phẩm chất nào đó của chúng ta, những giới hạn và yếu đuối của chúng ta vẫn còn đó, nhưng không làm ảnh hưởng gì đến tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đơn giản là vì Chúa thương từng người chúng ta và Chúa yêu chúng ta một cách bất chấp, Chúa yêu chúng ta cho đến cùng.

Tất cả những sáng kiến của Chúa Giêsu mà chúng ta tưởng nhớ ngày hôm nay, ngày thứ năm tuần thánh đều xuất phát từ chính tình yêu này, đó là việc rửa chân, kể lại bởi Tin Mừng Gioan, đó là việc Chúa lập Bí Tích Thánh Thể như được kể lại bởi ba tác giả Tin Mừng khác là Matthêu, Maccô và Luca

Chúng ta biết : rửa chân là cách để Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu, để Chúa Giêsu nói rằng : mỗi con người đều có một vị thế đặc biệt và bất khả thay thế trong trái tim của Thiên Chúa, trong trái tim của Chúa Giêsu, dù người đó là Phêrô, là Giuđa, là bất cứ một người nào trong nhóm các tông đồ hay là bất cứ một người nào khác theo Chúa và được gọi là Kitô hữu. :”Đang khi ăn thì Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” Chúng ta dừng lại ở từng động tác của Chúa Giêsu : và tự hỏi : từng động tác như vậy có nghĩa là gì? Có thể dạy chúng ta được điều gì? Chúng ta có thể bắt chước và thực hành từng động tác đó để sống trong cuộc sống của mình không? Trong đời sống cộng đoàn của mình không? Trong đời sống đạo của mình không?

2. Chúng ta biết rằng, theo tục lệ của người Dothái, thì rửa chân là việc làm thấp hèn, thấp hèn đến độ : nếu những nô lệ là người Dothái thì họ cũng được miễn không phải làm công việc phục dịch này, chỉ có những người nô lệ là dân ngoại thì mới phải quỳ gối xuống để rửa chân cho chủ của mình hay là rửa chân cho những người khách của chủ của mình : việc quỳ gối xuống để rửa chân cho một người, đó là tận cùng của sự hạ mình. Chúa Giêsu của chúng ta không chê đó là việc thấp hèn, Chúa Giêsu biến công việc mà người ta coi là thấp hèn thành một nghĩa cử đầy yêu thương dành cho những người mà Chúa Giêsu thương mến, chúng ta có thể thấy : để có thể rửa chân cho người môn đệ của mình thì Chúa Giêsu phải quỳ gối xuống, còn người môn đệ thì được đặt ngồi ở trên cao, chẳng những là phải quỳ, Chúa Giêsu còn phải cúi gập mình xuống thật sâu, làm mất đi gương mặt của mình, làm mất đi mặt mũi của mình, để gương mặt của người môn đệ được tôn lên, còn gương mặt của người thầy thì ẩn mình đi : cái chi tiết đặc sắc mà chúng ta có thể thấy đó là khi Chúa Giêsu cúi mình xuống sâu như vậy thì gương mặt của Chúa Giêsu phản chiếu, úp vào trong chậu nước, trên bóng nước, chúng ta nhìn thấy bóng gương mặt của Chúa Giêsu và khi đôi bàn chân của người môn đệ đặt vào trong chậu nước thì chuyện gì xảy ra : đôi bàn chân ấy đặt vào chính gương mặt của thầy mình làm cho bóng của gương mặt đó nhoè đi, vỡ ra và tan ra thành từng mảnh. Ngay trong biến cố rửa chân, chúng ta có thể nhìn thấy bóng dáng của mầu nhiệm tự hủy của một Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu con người.

Có lẽ, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta gặp quá ít những mẫu gương phục vụ thật sự theo gương của Chúa Giêsu, cho nên khi thấy có một ai đó dám cả gan bắt chước làm chuyện gì đó giống như Chúa Giêsu thì chúng ta giật mình, như kiểu của Phêrô, khi thấy người làm lớn lại đi phục vụ môn sinh của mình : càng làm lớn mà phục vụ thì người ta càng cảm thấy lạ đời.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta : Chúng ta có dám làm những chuyện lạ đời giống như Chúa Giêsu không? Chúng ta có dám làm những việc đi ngược lại với xu hướng bình thường của giòng đời và của lòng người, để cho mọi người thấy : việc rửa chân thật ra không là một nghi thức được đóng khung lại trong sách Kinh Thánh, nhưng mà đó là việc thực hành mà chúng ta có thể thực hiện mỗi ngày, ngay giữa lòng đời cho chính những người anh chị em của chúng ta trong đời sống, trong cộng đoàn của chúng ta hay không?

3. Điểm thứ ba tôi mời mọi người dừng lại ở lời dạy của Chúa Giêsu. Sau khi thực hiện việc rửa chân thì Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ của mình : Chúa Giêsu làm trước, rồi sau đó mới nói. Chúng ta có thể gọi : những lời Chúa Giêsu lúc này là dạy dỗ cũng đúng, nhưng chúng ta cũng có thể gọi những lời này là những lời trăn trối hay là những lời di chúc thì đúng hơn, những lời này thể hiện sự bận tâm, mối trăn trở của Chúa Giêsu, là điều quan trọng nhất mà Chúa Giêsu muốn gửi gắm và ước mong các môn đệ của mình gìn giữ, trân trọng, sống và thực hành trong đời sống của mình, trong đời sống của một môn đệ theo Chúa : “Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em làm như thầy đã làm cho anh em”- những lời tiếp theo sau đó : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là : anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy : đó là anh em có lòng yêu thương nhau”

Để làm môn đệ của Chúa Giêsu thì phẩm chất quan trọng nhất mà ai cũng cần phải có, theo như những lời dặn dò cuối cùng của Chúa Giêsu, đó là phẩm chất yêu thương : là có được sự cảm thông hay là sự cảm thương đối với người khác : tất cả những điều khác đều trở thành thứ yếu. Chúa Giêsu không đặt tiêu chuẩn ở sự giỏi dang hay sự thành đạt, không đòi buộc người môn đệ theo mình phải làm được điều nọ, điều kia, phải lập nên những công trạng này kia, cái tầm vóc của một người môn đệ Chúa Giêsu được đo bằng khả năng yêu thương. Nếu trái tim của chúng ta đóng lại với khả năng yêu thương, chúng ta có thể làm được tất cả mọi sự, mà chúng ta không làm môn đệ Chúa Giêsu được, hoặc là nếu có thì đó cũng chỉ là một môn đệ trên danh nghĩa, theo vẻ bề ngoài mà thôi. Cho nên : đặt mình trước lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay, rồi chúng ta nhìn lại cách mà mình đã sống và đã thực hành giới răn yêu thương này trong cuộc đời của chúng ta, có khi chúng ta phải xin lỗi Chúa, bởi vì trong những trường hợp chúng ta đã không thương người khác cách thật lòng, mình nhìn người khác theo khả năng và theo những giá trị của họ chứ không đón nhận họ như họ là, với tất cả những yếu đuối và những giới hạn của họ. Chúng ta xin Chúa làm mới lại trái tim yêu thương của chúng ta để chúng ta có thể nói về Chúa bằng chính việc yêu thương của mình.

Hôm nay là ngày thứ năm tuần thánh, là ngày cầu nguyện cho các linh mục : xin mọi người hiệp ý để cầu nguyện cho chúng tôi, cầu nguyện cho các linh mục tiếp tục nâng đỡ chúng tôi bằng khả năng yêu thương và bằng lời cầu nguyện của mình. Xin Chúa ban cho Giáo Hội của chúng ta thêm nhiều mục tử, là những mục tử theo gương của Chúa Giêsu, theo mẫu gương của Chúa Giêsu trong ngày lễ hôm nay : đó là biết khiêm tốn và hết lòng phục vụ, biết hạ mình xuống, để nâng đoàn chiên của mình lên, biết làm mờ đi gương mặt của mình, để gương mặt của Chúa được sáng lên và được đẹp lên trong cuộc đời. Amen.

WGPKT(04/04/2023) KONTUM