15.02.2022 – Thứ Ba VI Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Gc 1, 12-18

“Chính Thiên Chúa không hề cám dỗ”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm rồi, thì sinh ra chết.

Anh em thấn mến, anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Đó là lời Chúa.

LỜI CHÚA: Mc 8, 14-21

“Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. – “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”

Đó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKPV

Suy niệm:                            Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

(Mc 8, 14-21)

 

Bài suy niệm 1:

“Anh em hãy coi chừng
men Pharisêu và men Sađốc…”

Các môn đệ lại nghĩ về chuyện bánh mì… vì các ông chỉ còn 1 cái bánh đem theo… nên bàn tán với nhau về chuyện bánh… Chúa Giêsu nghe biết, Người trách các ông chậm hiểu, đầu óc tối tăm… rồi Người giải thích cho các ông…

   Pharisêu và Sađốc có 2 khuyết điểm lớn này là Kiêu ngạo và Giả hình… Chúa bảo các ông coi chừng Men Pharisêu và Men Sađốc… là Chúa có ý nói các ông phải coi chừng kẻo lây nhiễm hai thói xấu đó.

   Kiêu ngạo là đầu mối mọi tội… Kẻ phạm tội đầu tiên, Luxiphe, kiêu ngạo muốn bằng Đức Chúa Trời.

   Người đầu tiên phạm tội là Ông Bà Nguyên Tổ… tội Kiêu ngạo muốn thông biết mọi sự như Đức Chúa Trời, cãi lệnh cấm của Ngài… (chuyện ăn trái cấm chỉ là cách diễn tả mà thôi.)

   Đối lại với Kiêu ngạo là Khiêm nhường (khiêm nhường luôn đi với Hiền lành)… chính vì thế mà Chúa kêu gọi mọi người: Học với Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).

   Giả hình hay Giả dối là tồi tệ nhất… vì đó là bản chất của ma quỷ là cha của những kẻ gian dối.

   Tín hữu trưởng thành phải sống thật với lương tâm mình, thật với anh chị em và thật với Chúa.

   Tính ngay thật rất cần cho đời sống chung.

   Chúa tuyên bố: Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14, 6). Công giáo mà gian dối thì chỉ là giáo gian mà thôi.

   Đức Mẹ cũng là mẫu gương tuyệt hảo: “Đức Nữ Trung tín thật thà.”… cầu cho chúng con.

———————–

 

Bài suy niệm 2:

“Các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không mang bánh. Biết thế Người bảo các ông…”

   1/ Chúa Giêsu là Thầy dậy rất tận tụy và kiên nhẫn. Các tông đồ ở với Chúa mà rất chậm hiểu. Nhiều lần Chúa đã than phiền về điểm này: Các anh chẳng hiểu gì cả… lòng trí các anh chậm tin vào lời các tiên tri…” (Lc 24, 25) “Anh em chưa hiểu ư?”…

   2/ Chúa phải giải thích lại cho các ông nhiều vấn đề:

– Dụ ngôn người gieo giống.

– Dụ ngôn cỏ lùng.

– Tại sao tên quỷ này chúng con trừ không nổi?

– Êlia phải đến trước.

– Men biệt phái, men pharisêu?

– Ai lớn ai bé?…

   3/ Tất cả lời dậy của Chúa, các ông đều nghe trực tiếp… nhưng không hiểu hết ý nghĩa… thế thì chúng ta hôm nay làm sao hiểu được nếu không chuyên chăm học hỏi.

   4/ Hãy nhớ chữ viết, câu từ… chỉ là cái bao gói lời chúa bên trong… cần bóc tách cái bao để lộ ra “Lời Chúa”.

   Thí dụ: “Các con là muối đất” thì không phải chúng ta là muối mặn, cứ vằm ra mà ướp người ta… mà là những người tích cực gây được ảnh hưởng tốt cho cộng đồng, loại trừ dần những gì tiêu cực khỏi cộng đồng… “Lời Chúa, Ý Chúa là như vậy”.

   Cũng như cả đoạn diễn tả Chúa sáng tạo… đủ mọi kiểu diễn tả, đủ mọi hình ảnh… nhưng Lời Chúa chỉ tóm lại trong câu: “Không có gì dù là vô hình hay hữu hình trên đời này mà lại không do Chúa trời đã tạo nên”.

   Hoặc câu Thánh Vịnh: “Chúa chẳng ưa gì chân kẻ chạy nhanh”… Thì không phải chúa ghét các vận động viên điền kinh… mà là ghét “Những kẻ hay giao chiến với nhau, ham chém giết…

   5/ Dĩ nhiên các bản văn Kinh Thánh đều chuyên chở Lời Chúa, phải được nâng niu quý trọng.

   Nhưng việc tìm ra “ý Chúa muốn dậy” qua đoạn văn này, kiểu nói kia mới là Ðiều tối quan trọng (không nắm vững điểm này có khi lạc đạo).

   6/ Chỉ có Giáo hội Công giáo mới hiểu đúng và giải thích đúng tuyệt đối Lời Chúa cho chúng ta.

***********

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…  

WGPKT(13/02/2022) KONTUM