19.03.2025 – Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria – Là Người Công Chính (Mt 1,16.18-21.24a)

Bài đọc 1: 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16

Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

4 Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :

5a “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”

Đáp ca: Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. c.37)

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

2Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.3Vâng con nói : “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

4Xưa Chúa phán : “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,5rằng : dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”29Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

Bài đọc 2: Rm 4,13.16-18.22

Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

13 Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp ; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. 16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa ; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, 17 như có lời chép : Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.

18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. 22 Bởi vậy, ông được kể là người công chính.

Tung hô Tin Mừng: Tv 83,5

Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện

họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

Tin Mừng: Mt 1,16.18-21.24a 

Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

___________________

Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Thánh Giuse vâng lời sứ thần để nhận Chúa Giêsu là con của mình, nhờ thế Chúa Giêsu thuộc về dòng dõi vua Đa-vít. Thánh Giuse là người công chính vì Ngài luôn tôn trọng Thánh Ý Thiên Chúa và tôn trọng Đức Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con chúc tụng Cha vì Cha đã chọn cho Chúa Giêsu một người cha nuôi thánh thiện là thánh Giuse. Ngài thánh thiện vì ngài là người công chính sống đúng thân phận và vai trò của mình. Đối với Cha, ngài đã luôn tôn trọng Thánh ý nhiệm mầu và kế hoạch cứu độ. Dù hiểu hay không hiểu, ngài vẫn luôn sẵn sàng chờ đợi để thực hiện điều Cha muốn nơi ngài. Đối với Chúa Giêsu, ngài luôn tôn trọng và chu toàn trách nhiệm của người cha nuôi. Đối với Đức Mẹ, dù ngài không hiểu rõ điều đã xảy đến cho Đức Mẹ, nhưng ngài vẫn hết lòng tôn trọng và không muốn tố giác Đức Mẹ.

Lạy Cha, xin Cha giúp con noi gương thánh Giuse để sống cuộc đời công chính. Xin Cha cho con biết tôn trọng Cha để con thờ Cha cho phải đạo. Xin cho con biết tôn trọng mầu nhiệm Thánh Ý Cha để con tuân giữ và vâng phục, dù trí khôn hèn mọn của con chẳng thể hiểu thấu. Xin giúp con tôn trọng người khác, vì mỗi người là một mầu nhiệm mà chỉ mình Cha mới có quyền đi vào. Con cũng muốn tôn trọng cả thiên nhiên, vì Cha muốn con phải làm chủ vạn vật theo kế hoạch của Cha.

Trong đức tin, con nhận ra rằng cả một mầu nhiệm vĩ đại đang bao trùm cuộc sống con. Con chỉ biết chờ đợi Cha lên tiếng mời gọi và hướng dẫn, để con sống đúng thân phận và vai trò của con. Amen.

Ghi nhớ: “Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

(Nguồn: tgpsaigon.net)

______________________

Suy niệm 2: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

ĐẶT TÊN CHO CON TRẺ

Suy niệm:

Cô Maria đã đính hôn với ông Giuse và vẫn ở nhà với bố mẹ.

Phải đợi một năm sau cô mới về nhà chồng, mới làm lễ thành hôn thực sự.

Lạ thay cô lại mang thai khi chưa chung sống với Giuse.

Điều này hẳn làm Giuse bối rối và suy nghĩ nhiều.

Ông không thể tố cáo Maria, cũng không thể lấy cô ấy làm vợ.

Chỉ còn cách là ly dị Maria cách âm thầm kín đáo.

Nhưng Thiên Chúa không nghĩ thế.

Ý định của Ngài được báo với Giuse trong giấc mộng.

“Đừng sợ đón Maria vợ ông về,

vì thai nhi được cưu mang nơi bà là do Thánh Thần” (c. 20).

Giuse hay bị đánh thức vào lúc ông cần nghỉ ngơi.

Phải có lòng tin thế nào Giuse mới dám nhận Maria đang mang thai làm vợ.

Tin thai nhi được Maria cưu mang là “do Thánh Thần” (c. 20),

điều đó không dễ dàng, vì chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự.

Tin còn là từ bỏ những toan tính và định tâm của mình (cc.19-20)

để vâng phục ý định bất ngờ và khó hiểu của Thiên Chúa.

Điều khiến cho Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ

đó là việc ông đón Maria đang mang thai về nhà mình làm vợ chính thức.

Đơn giản là ông chấp nhận làm đám cưới với Maria.

Đón Maria làm vợ cũng là nhận cả thai nhi trong bụng mẹ làm con.

Giuse là cha khi ông chấp nhận đứng ra đặt tên cho con trẻ (c. 21).

Ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu Giuse cứ muốn âm thầm ly dị Maria?

Giuse đã là chỗ dựa sống còn của ơn cứu độ, là nơi nương tựa của Mẹ và Con.

Nhờ Giuse, Cô Maria không bị mang tiếng ngoại tình,

và bé Giêsu không phải là con hoang, nhưng là con thuộc dòng Đavít.

Đức Giêsu sau này có thể công khai và tự tin đến với dân Ítraen.

Thánh Giuse đã lập gia đình, đã có một mái ấm với người mình yêu.

Ngài sống như một người chồng, người cha bình thường.

Nhưng bên trong lại là những mầu nhiệm.

Ngài không thật sự là chồng của Maria, cũng không thật sự là cha của Giêsu.

Maria không còn là đối tượng để Giuse mê đắm và chiếm hữu,

vì Maria đã thuộc trọn về Thiên Chúa, cả xác lẫn hồn.

Maria là một mầu nhiệm, Giêsu cũng là một mầu nhiệm.

Giuse sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời ngài cũng trở thành mầu nhiệm.

Phải đến với mái ấm ở Nadarét ta mới thấy mầu nhiệm ẩn trong cái bình thường.

Chỉ ai biết nhìn thì mới thấy sự thánh thiện phi thường ở đó.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,

Chúa đã thành một người chín chắn

và trưởng thành,

sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ

trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse

sự lao động miệt mài,

sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,

sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria

sự tế nhị và phục vụ,

sự buông mình sống trong lòng tin phó thác

và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,

xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,

biết yêu thương tha thứ,

biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,

Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,

nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan

và tràn đầy ơn Chúa. Amen.

(Nguồn: WHĐ)

____________________

Suy niệm 3: Lm Giuse Đỗ Cao Bằng S.J

“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1:24).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta nghe về biến cố Thiên Thần Truyền Tin cho Thánh Giuse. Biến cố này gửi tới chúng ta thông điệp gì?

Như những gì thánh Mát-thêu ghi chép để làm chứng về con người, cuộc đời và sứ vụ của Đấng Cứu Thế, thánh Giuse là Cha Nuôi của Chúa Giê-su và ngài là một người công chính (Mt 1:19).

Vì là người công chính, nên thánh Giuse không muốn để Mẹ Maria, người vợ chưa cưới (theo luật Do-thái, dù chỉ mới đính hôn nhưng được xem như vợ chồng, tuy nhiên chưa được phép quan hệ vợ chồng), phải bị mang tiếng là “lăng loàn”, ngoại tình, “chửa hoang”… Thế nên, ngài âm thầm tìm cách lẩn trốn khỏi Mẹ Maria. Đó là kế hoạch của thánh Giuse, một kế hoạch của con người chứ không phải của Thiên Chúa.

Kế hoạch của Thiên Chúa thì khác, kế hoạch do sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần (Mt 1:20). Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được. Vì thế, Người bắt đầu can thiệp vào cuộc đời thánh Giuse, nhưng theo một cách thức mới mẻ và “mơ hồ”. Thiên Chúa can thiệp cách gián tiếp qua một giấc mơ.

Chỉ với một giấc mơ, Thiên Chúa thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách hành động của Thánh Giuse. Điều này cũng cho thấy thánh Giuse có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa dù chỉ thấy thánh ý Người qua giấc mơ. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên hiểu “giấc mơ” của thánh Giuse như một “thị kiến” hoặc một khoảnh khắc “xuất thần” (ectasy) hơn là một giấc mơ thuần túy, bởi vì thánh Giuse là người công chính nên hầu chắc ngài cũng là một con người cầu nguyện. Hơn thế nữa, Giáo Hội cũng khuyên các tín hữu nên tránh tin và giải thích về giấc mơ cách mù quáng và mê tín (GLHTCG 2116)!

Cũng chính từ giấc mơ này, thánh Giuse trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kế hoạch cứu chuộc nhân thế của Ba Ngôi Thiên Chúa. Có lẽ Ngài cũng không dám tự mình công bố Tin Mừng trọng đại về một Thiên Chúa hóa thân làm người để “ở giữa con người” nên đã tìm cách lẩn trốn chăng? Tuy nhiên, cuối cùng Ngài đã sát cánh bên Mẹ Maria và Hài Nhi Giê-su trong mọi hoàn cảnh và biến cố. Từ giấc mơ đầu tiên, Thiên Chúa lại tiếp tục gửi thông điệp cho ngài qua ba giấc mơ kế tiếp, để ngài đưa Mẹ Maria trở về nguyên quán vì đợt kiểm tra dân số, và giữa đường trở về nguyên quán tại Bê-lem nơi đồng hoang hiu quạnh, Chúa Giê-su ra đời. Sau đó, cả gia đình trốn sang Ai Cập để tránh sự tàn sát của vua Hê-rô-đê. Cuối cùng, ngài đưa gia đình về Na-da-rét để sống đời ẩn dật, dạy dỗ Chúa Con khôn lớn, chuẩn bị hành trang bước vào sứ mạng công khai để cứu nhân độ thế.

Thánh Giuse sống chết thế nào Kinh Thánh không ghi chép rõ ràng, nhưng người đọc và người tin có thể nhận thấy rằng thánh nhân là một người có lòng tin mạnh mẽ vào sự quan phòng của Thiên Chúa (đúng với tên gọi “Josef” của ngài – nghĩa là “chính Thiên Chúa sẽ thêm cho” – “Jo” tức là “Jeho – Yahweh – Thiên Chúa” và “sef” xuất phát từ chữ “jasaf” tức là “sinh sôi, nảy nở, tăng thêm…”), một người khiêm hạ và âm thầm, một người tích cực cộng tác vào Kế Hoạch Yêu Thương của Thiên Chúa để tái tạo và cứu chuộc con người, một người luôn sẵn sàng thực thi thánh ý Thiên Chúa: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1:24).

Qua con người và cuộc đời thánh Giuse, quý vị học được gì nơi ngài?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta trở nên như những thánh Giuse mới cho thời đại hôm nay, luôn biết cưu mang Chúa Giê-su trong cuộc sống hằng ngày để đem Đấng Cứu Thế đến cho mọi người và mọi nơi, luôn tín thác vào Thiên Chúa vì “chính Người sẽ thêm cho”, luôn để Chúa dẫn dắt đời mình để mình dẫn dắt “đời người” là những mảnh đời được Chúa uỷ thác (vợ, con, cháu…)! Đồng thời, trong tông thư “Trái tim người cha” (Patris Corde) của ĐTC Phanxicô, ngài ví thánh Giuse như “chiếc bóng” vĩ dại, nên mỗi người cha hãy là “chiếc bóng” cho con cái mình như thánh Giuse là “chiếc bóng” của Chúa Giêsu và Thiên Chúa là “chiếc bóng” của thánh Giuse và mỗi người chúng ta!

Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!

(Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ – GP Kon Tum)

_________________________

WGPKT(18/03/2025) KONTUM