25.03.2025 – Lễ Truyền Tin – Bà Sẽ Thụ Thai (Lc 1,26-38)

Bài đọc 1: Is 7,10-14 ; 8,10

Này đây người trinh nữ sẽ mang thai.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

7 10 Khi ấy, Đức Chúa sai ngôn sứ I-sai-a nói với vua A-khát rằng :

11“Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”
12Vua A-khát trả lời :
“Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.”
13Ông I-sai-a bèn nói : “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít,
các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa ?
14Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu :
Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en
810nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Đáp ca: Tv 39,7-8a.8b-9.10.11 (Đ. x. c.8a và 9a)

Đ.Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài.

7Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con ;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,8acon liền thưa : “Này con xin đến !

Đ.Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài.

8bTrong sách có lời chép về con9rằng : con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”

Đ.Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài.

10Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội ;
lạy Chúa, Ngài từng biết :
con đâu có ngậm miệng làm thinh.

Đ.Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài.

11Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết ;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu giếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.

Đ.Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài.

Bài đọc 2: Hr 10,4-10

Sách Thánh đã chép về con : Lạy Thiên Chúa, con đến để thực thi ý Ngài.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

4 Thưa anh em, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. 5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. 7 Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.

8 Trước hết, Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. 9 Rồi Người nói : Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.

Tung hô Tin Mừng: Ga 1,14ab

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người.

Tin Mừng: Lc 1,26-38

Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

___________________

Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Nhờ lời ưng thuận của Đức Maria, Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng người Mẹ đồng trinh. Thiên Chúa là Đấng khởi xướng mọi hoạt động cứu độ, nhưng Ngài cần sự hợp tác của con người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa là Con của Chúa Cha, Chúa đã nhập thể, đã trở thành người trong lòng Đức Mẹ đồng trinh. Với tâm hồn thánh thiện đầy ân sủng và thân xác tinh tuyền, Mẹ đã được Chúa chọn làm cung thánh để từ đó Chúa đi vào lịch sử loài người. Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Chúa trong thân xác. Tâm hồn Mẹ tràn đầy Chúa nên thân xác Mẹ cũng được Chúa cư ngụ, để rồi Mẹ ban tặng Chúa cho chúng con. Mẹ đã khiêm tốn ưng thuận để Chúa đi vào cuộc đời Mẹ và làm chủ cuộc đời Mẹ, nhờ vậy Chúa đã đi qua cuộc đời Mẹ để đến với chúng con.

Lạy Chúa, hôm nay, Chúa đang muốn đi qua cuộc đời con để đến với thế giới, Chúa cũng đang muốn hiến mình cho con, để qua con, Chúa hiến mình cho nhân loại hôm nay. Xin Chúa giúp con biết khiêm tốn đón nhận Chúa và ưng thuận Lời Chúa mời gọi. Con không thể đem Chúa đến cho anh em nếu con chẳng có Chúa trong lòng. Hằng ngày, nhờ thánh lễ, Chúa lại muốn nhập thể trong con. Xin cho con biết đón nhận Chúa vào cuộc đời mình. Nhờ đức tin và tình yêu mến, nhờ tâm hồn trong sạch và khao khát Chúa, con sẽ được cưu mang Chúa trong tâm hồn. Nhờ việc rước lễ, con sẽ được cưu mang Chúa trong cả thân xác nữa. Xin Chúa ở với con luôn mãi. Con xin dâng hiến đời con cho Chúa, để Chúa dùng con như khí cụ của tình thương cứu độ của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

(Nguồn: tgpsaigon.net)

______________________

Suy niệm 2: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

TÔI LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA

Suy niệm:

Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.
Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.
Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.
Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.
Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.
Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do thái ấy
vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.
Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.
Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?
Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.

Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.
Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.
Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.
Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.
Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.
Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).
Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai,
Chị đã hỏi lại : “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”
vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.
Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.
Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ? Giuse sẽ nghĩ sao?
Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?
Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.

Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,
yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai,
nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.
Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).
Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.
Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.
Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp,
trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?

Cầu nguyện:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.

Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

(Nguồn: WHĐ)

____________________

Suy niệm 3: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

Lễ Truyền Tin tôn kính mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, nhập thể trong cung lòng Đức trinh nữ Maria và cũng là lễ kính Đức Mẹ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa.

Như thế mầu nhiệm cứu chuộc khởi sự cách cụ thể đi vào lịch sử nhân loại, được thể hiện qua biến cố truyền tin (Bài Tin mừng. Lc 1, 26-38 ), nghĩa là những lời sấm của các tiên tri trong Cựu ước nói về đấng Cứu chuộc, đấng Mêsia, đấng Cứu tinh được tiên tri Isaia loan báo từ sáu trăm năm trước: “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmnuen”  “nghĩa làThiên Chúa ở cùng chúng ta” (Bài Đọc 1. Is 7,14)  nay đã thành hiện thực trong hoạt cảnh truyền tin.  “Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa.  Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (câu 30-31, Tin Mừng Lc 26-38).  Thiên Chúa thực hiện điều người đã hứa với dân Ítraen.  Biến cố trọng đại long trời lở đất và vô tiền khoáng hậu này được ví như vầng hồng báo hiệu bình minh cứu độ đã tỏ rạng.

Mừng mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, lễ Truyền tin đồng thời báo tin vui Đức Maria được làm Mẹ Thiên Chúa, một thiên chức cao trọng, tuy nhiên Đức mẹ mang thai Đức Giêsu do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, cho nên Đức Giêsu vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con của Đức trinh nữ Maria.  Và  Đức Maria vừa là mẹ Đức Giêsu và cũng là mẹ Thiên Chúa.  Biến cố truyền tin còn cho thấy sự đam mê của nhân loại vắng mặt trong việc thụ thai sinh ra Đức Giêsu, việc nầy được thực hiện do quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Như vậy cũng là lý chứng vững chắc về tín điều Mẹ đồng trinh.

Lễ Truyền tin nhắc lại lời “Xin vâng” của Đức Maria trong hoạt cảnh truyền tin : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”  ( Lc 1, 38).  Lời xin vâng của Đức Maria nhắc lại lời xin vâng cứu rỗi của Ngôi lời nhập thể: “Chúa chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.  Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con” (Bài Đọc 2. Dt 10, 7; Tv 39, 8-9).  Giây phút long trọng Ngôi lời xuống thế làm người trong lòng Đức Maria là sự kết hợp bất khả phân ly giữa thiên tính và nhân tính nơi con người Đức Giêsu.  Sự kiện duy nhất nầy có một không hai trong nhân loại đưa đến tín điều Chúa Giêsu có hai bản thể.

Lời “Fiat” (Xin vâng) của Đức Maria đặt Mẹ trong sự khiêm tốn tùng phục thánh ý Thiên Chúa, hợp tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc.  Mẹ là Evà Mới thế chỗ cho Evà Xưa xuẩn động bất tuân lệnh Thiên Chúa, làm theo ý riêng mình, kéo xuống trên con cái loài người án phạt tội nguyên tổ.  Evà Mới đã mang đến cho nhân loại người Con yêu dấu của Thiên Chúa, Người là Phúc bình an cho nhân loại.

Một chi tiết đáng lưu ý: từ 25 tháng 3 đến 25 tháng 12 là tròn 9 tháng, thời gian cưu mang của người mẹ trước khi sinh con, thời gian người con sống bằng sự sống trực tiếp của người mẹ, sự gắn bó mật thiết giữa mẹ và con.  Hình ảnh cho chúng ta hiểu rằng Đức Maria là hòm bia Thiên Chúa và là nhà Tạm nơi Thiên Chúa ngự trị giữa con cái loài người.  Một khi Đức Maria mang thai Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ không giữ khư khư cho một mình Mẹ, nhưng Mẹ đem Chúa đến cho người chị họ là bà Elisabét.  Mẹ lên đường, Mẹ thăm viếng, Mẹ cứu giúp, Mẹ chia sẻ cảnh đời với  người chị họ của mình.

Sự sùng kính mầu nhiện Nhập Thể.  Trước đây, mỗi ngày giáo dân nguyện kinh 3 lần để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể, chuông nhà thờ đổ 3 lần gọi là ‘chuông nhịp một’, mọi người ngừng lao động quỳ gối làm dấu thánh gia và đọc kinh Truyền Tin.  Lễ Truyền tin nhắc lại sự hợp tác của nhân loại trong công cuộc cứu thế, Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Chuộc, nhưng chính Mẹ cũng nhận được ơn cứu chuộc từ máu Đức Giêsu Kitô đổ ra trên thập giá, thân phận của Mẹ là “nữ tỳ của Thiên Chúa” cần được ơn cứu độ.

Trong phụng vụ Kitô giáo Đức Maria chiếm địa vị độc tôn, Mẹ được biệt kính vượt cao hơn các thánh, và Đức Mẹ được tôn kính qua niên lịch phụng vụ, có thể nói không có tháng nào mà không có thánh lễ mừng kính Đức Mẹ.  Lễ Truyền tin tưởng chừng đơn giản nhưng lại hàm chứa các mầu nhiệm căn bản về cứu chuộc học, về Kitô học, về Thánh mẫu học, về truyền giáo học.

Lạy Mẹ Maria con cảm tạ và ca tụng Mẹ vì đã thưa “Xin vâng” cộng tác tích cực vào công trình cứu độ thế giới, xin ban cho con can đảm  thưa xin vâng như Mẹ. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh, Gx Đức An, Pleiku

_________________________

Suy niệm 4: Lm Giuse Đỗ Cao Bằng S.J

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,

Trình thuật Lc 1:26-38 thường được gọi là Truyền Tin, nghĩa là Thiên Chúa sai thiên sứ của Người đi gặp Mẹ Maria để mời gọi Mẹ cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người. Cao trào của biến cố Truyền Tin là lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria. Lời thưa này có ý nghĩa ra sao trong hành trình đức tin của Mẹ?

Nếu Mẹ không đáp lời “Xin Vâng”, Thiên Chúa sẽ phải thay đổi kế hoạch của Người trong công trình cứu độ và của việc thực hiện lời hứa từ thời tổ phụ Áp-ra-ham. Nhưng không phải thế! Rõ ràng Thiên Chúa biết Mẹ Maria là ai và như thế nào? Mẹ đã đáp trả lời mời gọi cộng tác của Thiên Chúa với con tim vâng phục tuyệt đối.

Lời “Xin Vâng” là kết tinh của tình yêu, lòng tôn kính và sự tin tưởng mà Mẹ Maria dành cho Thiên Chúa, cùng với một đời sống luôn đẹp lòng Thiên Chúa của Mẹ. Một người sống đẹp lòng Thiên Chúa sẽ không bao giờ từ chối cộng tác với Thiên Chúa và đồng lao cộng khổ với Người. Một người yêu mến Thiên Chúa sẽ vâng theo thánh ý Người, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân và gánh lấy trách nhiệm Thiên Chúa trao phó.

Các mẩu đối thoại giữa Mẹ Maria và thiên sứ thể hiện một sự tôn trọng tự do và bình đẳng, một thói quen cầu nguyện và thường xuyên đàm đạo với Thiên Chúa. Nhờ tinh thần cầu nguyện, Mẹ không nghi ngờ Thiên Chúa và nhạy bén với thánh ý của Người. Nhờ đời sống cầu nguyện, Thánh Thần của Thiên Chúa rợp bóng trên Mẹ.

Như thế, hành trình đức tin của Mẹ là một chuỗi những sự kiện đẹp lòng Thiên Chúa từ thuở thiếu thời cho đến ngày về trời: cầu nguyện – tin tưởng – tràn đầy Thánh Thần – nhạy bén với ý Chúa – cộng tác tích cực vào công trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự cộng tác của Mẹ qua lời Xin Vâng đã làm cho lịch sử nhân loại đi vào một thời kỳ mới: thời kỳ viên mãn của ơn cứu độ, thời kỳ Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ qua chính Người Tôi Trung của Ngài là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, thời kỳ Thiên Chúa ở giữa nhân loại, thời kỳ con người được gần gũi với Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Do đó, Lễ Truyền Tin không chỉ nói về Đức Mẹ Maria, nhưng còn hướng đến Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để xuống thế làm người và hoàn tất công trình cứu độ của Người. Vì lẽ đó, nơi biến cố Truyền Tin, chúng ta có thể nhận thấy rằng có hai lời Xin Vâng được đáp trả: lời xin vâng của Chúa Con và lời xin vâng của Mẹ Ngài.

Qua biến cố Truyền Tin, quý vị nhận được sứ điệp gì của Thiên Chúa? Quý vị có cùng một hành trình đức tin như Mẹ Maria không? Quý vị sẽ xin Chúa ơn gì để có một hành trình đức tin sống động như Mẹ Maria và hằng đẹp lòng Thiên Chúa? Quý vị sẽ dám sống tinh thần Nhập Thể như Chúa Giêsu khi đến với người khác, vùng đất khác, văn hóa khác… để giúp người khác nhận ra ơn cứu độ ở ngay trong nền văn hóa của họ không?

Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!

(Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ – GP Kon Tum)

_________________________

WGPKT(24/03/2025) KONTUM