26.10.2021 – Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Rm 8, 18-25

“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta. Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Đáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi.

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

ALLELUIA: Tv 118, 34

All. All. – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – All.

LỜI CHÚA:  Lc 13, 18-21

“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”. Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

Đó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKP

Suy niệm:

Mầu nhiệm Nước Trời

Trong Tin Mừng hai chữ nước Trời và nước Thiên Chúa thường dùng như đồng nghĩa.

Nước nầy được tiên báo trong Cựu ước bằng dân Chúa (Xh. 19, l6), đã là dân thì phải có nước; bằng vương quốc của Đavid (2 Sam. 1 , 1 7) hay vương quốc của Đấng Messia, vương quốc hòa bình (Is. 11, 1- 10). Đối với Giêrêmia thì Giêrusalem là thủ đô của vương quốc Thiên Chúa (Ger. 3); Daniel nói rõ hơn: Nước Thiên Chúa (Dn. 2, 31- 45)  Xôphônia nói đến Vua Israel là Đức Chúa (3, 9- 20), đã có vua tức phải có nước. Các thánh vịnh cũng nói đến dân Thiên Chúa (46), vua hiển trị (92, 95, 97).

Bước sang Tân ước, quan niệm nước Thiên Chúa hay nước Trời ngày càng được nói đến nhiều, và ngày càng rõ nét hơn. Mathêu dùng từ nầy đến 21 lần; Luca16 lần; Maccô 7 lần, còn Gioan chỉ dùng có 3 lần.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, để diễn tả nước Trời, Chúa Giêsu đã dùng hai dụ ngôn; hạt cải nhỏ bé và chút men trong bột. Cái làm cho người ta chú ý đến trong hai dụ ngôn nầy là tính nhỏ bé của nước trời: bé như hạt cải, như tí men trong bột.

Vậy theo Tin Mừng,  nước Trời là gì?

Thánh Gioan viết: nước Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Nước Chúa theo thánh Gioan, chính là Chúa Giêsu. Ngài đã đến dưới hình thức thật nhỏ bé: một em bé sơ sinh trong máng cỏ nghèo hèn; sau nầy mang thân phận một tôi tớ mai danh ẩn  tích, không ai biết đến.Thân phận nhỏ bé đến nỗi làm cho người ta ngạc nhiên đặt cảu hỏi? Ông nầy là ai?

Người chọn các môn đệ cũng là những con người nhỏ bé, chài lưới, ít học, những con người tầm thường, để thiết lập nên Giáo Hội Người, một Giáo Hội luôn luôn bị bắt bớ từ lúc mới thành lập cho đến ngày hôm nay bị bắt bớ là thân phận của những kẻ thấp cổ bé miệng, yếu thế, ai cũng ăn hiếp được. Cộng đoàn Tông đồ lúc bấy giờ là một nhóm nhỏ, lại ít học, những con người tầm thường, lại yếu đuối làm sao mà làm dậy lên cả nhân loại được?

Khi tìm hiểu như thể rồi thì chúng ta hiểu tai sao, Tin Mừng đã rao giảng qua bao thế hệ mà vẫn là thiểu số, tại sao Giáo Hội luôn bị bắt bớ không chỗ này thì chỗ khác; tại sao ơn gọi tu trì lại hiếm, ít người muốn đi tu? Cầu trả lời vì nước Chúa luôn luôn mang tính cách nhỏ bé; bao giờ cũng thế, chỉ nhỏ như một hạt cải, như tí men trong bột. Chỉ thế thôi. Nhỏ thì bị ăn hiếp; nhỏ thì bị khinh chê; nhỏ thì sống âm thầm, khiêm tốn, không khoe khoang, không phô trương. Giáo Hội đã từng tuyên bố là Giáo Hội nghèo và là Giáo Hội của người nghèo.

Nhưng nước Chúa là một mầu nhiệm. Nhỏ bé nhưng có một sức sống mãnh liệt. Hạt cải vô nghĩa kia phải trở thành  cây cải lớn để chim trời có thể đến ẩn náu dưới bóng nó được; tất cả khối bột trần gian nầy sẽ được dậy lên nhờ tí men nhỏ bé là Giáo Hội. Sức sống mãnh liệt ấy là chính Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội: Thầy sẽ ở với chúng con mãi cho đến tận thế. Người ki tô hữu trở thành men thành muối cho đời khi có Chúa Kitô sống trong mình. Ngày nay trong Giáo Hội, có lẽ Thiên Chúa cũng đang dùng những tâm hồn bé nhỏ, những nhóm kitô hữu nhỏ làm hạt giống. Họ là những tâm hồn khiêm tốn nhưng siêng năng cầu nguyện; họ là những nhóm nhỏ trong giáo xứ đang cùng nhau học hỏi và sống Lời Chúa; tập cầu nguyện, tập sống tốt, tập thương yêu nhau, nâng  đỡ nhau, chia sẻ cho nhau từ tinh thần đến vật chất, niềm vui và nỗi buồn. Chuyện quan trọng không phải là nhỏ hay là lớn, mà là sức sống. Đức Kitô dưới hình hài một em bé nghèo nhưng có sức sống của một vì Thiên Chúa, đến để lấy tình yêu mà biến đổi cả thế giới nầy: Bản chất sức sống ấy là tình yêu. Phải, chỉ có tình yêu mới thay đổi được con người, làm cho con người trở nên tốt được. Lý luận sắc bén thần học hay triết học chẳng thay đổi được ai. Hãy là hạt cải hay tí men cho xã hội hôm nay. Lịch sử Giáo Hội minh chứng rằng không phải các triết gia hay các nhà thần học đã làm thay đổi và phục hưng Giáo Hội, nhưng là các thánh, những người đã sống như Đức Kitô, đã yêu mến Chúc cũng như yêu thương hết tình anh em mình.

WGPKT(24/10/2021) KONTUM