29.10.2021 – Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Rm 9, 1-5

“Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần, là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luầt, việc phượng tự và lời hứa; các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Ðáp: Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a).

1) Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi; Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

2) Người giữ cho mọi bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.

ALLELUIA: Tv 118, 36a và 29b

All. All. – Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – All.

LỜI CHÚA:  Lc 14, 1-6

“Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.

Ðó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKP

Suy niệm 1:

Chúa chữa bệnh ngày Sabat

Lại một lần nữa, người Pharisiêu và Biệt phái muốn bắt bẻ Chúa Giêsu về luật ngày Sabbat. Nhưng chúng ta thử hỏi, tại sao họ lại coi trọng luật ngày Sabbat đến như thế?

 Đọc lại Kinh Thánh Cựu ước, chúng ta thấy yếu tố luật pháp rất quan trọng trong đời sống xã hội Do Thái: nào là sách Đệ nhị luật, nào bộ luật Môsê. Luật pháp chi phối đến cả những chi tiết nhỏ của cuộc sống người dân. Trong mớ luật pháp đó thì luật ngày Sabbat là quan trọng hơn cả vì điều luật đó liên hệ trực tiếp đến điều răn thứ nhất, nói lên quan hệ giữa người với Thiên Chúa. Vì thế mà nó có tầm quan trọng số một.

Hơn nữa người Do thái coi trọng luật pháp vì thái độ thế thủ: bao quanh bởi các tôn giáo khác và các nền văn hóa dân ngoại, sợ bị lây nhiễm, nên họ thủ mình trong hàng rào luật pháp che chở họ.

Cũng vì hoàn chỉnh đó mà đời nầy qua đời khác, họ luôn luôn coi trọng luật pháp, và vì quá coi trọng luật pháp như thế nên họ chỉ định giá con người ta trên luật pháp: có giữ luật hay không, quên đi tinh thần luật pháp. Nội dung của mời điều răn Thiên Chúa là mến Chúa và yêu người, chỉ là tình yêu. Chúa Giêsu đến để đưa họ về nội dung của luật lệ: sống lòng yêu thương. Như vậy trong ngày Sabbat, nếu con người thực thi giới luật yêu thương đối với những người bệnh tật nghèo khổ là sống đúng nội dung luật pháp rồi, có tội gì đâu. Vì thế việc Chúa chữa người bệnh phù thủng hôm nay là thực thi lòng yêu thương, sao lại có tội được?

Trong thế giới hôm nay, đối với người ngoài kitô  giáo thì ngày chủ nhật là ngày nghỉ, nhưng đối với người  kitô hữu thì nó có một ý nghĩa cao hơn nhiều: Chúa nhật  là ngày nghỉ ngơi đã đành, ý nghĩa nghỉ ngơi đó cũng nói  lên sự tự do của con cái Chúa, không hoàn toàn nô lệ đời sống vật chất; Chúa nhật còn là ngày sống ý nghĩa của con cái Chúa, ngày chúng ta sống giới luật yêu thương với những người chung quanh chúng ta, nhất là những người bất hạnh nghèo đói, ngày chúng ta sống giá trị làm người trong tương quan với kẻ khác. Trong một xã hội tục hóa, lời Chúa hôm nay nhắc nhở người ki tô hữu đừng quên mất đi ý nghĩa của ngày Chúa nhật.

Suy niệm 2: ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết)

“Ai trong các ông có con trai hay con bò sa xuống giếng mà lại không kéo nó lên ngay dù trong ngày Sabat?”

   1/ Lý lẽ của Chúa quá đúng nên các nhà thông luật chịu im lặng, không thể chối cãi được.

   2/ Với Chúa Giêsu luật nào cũng thua Luật Bác Ái. Thánh Phaolô nói: “Nếu tôi nói được tiếng các Thiên sứ mà không có đức bác ái thì cũng chẳng hơn gì thanh la xoang xoảng mà thôi” (1Cr 13, 1-3).

   3/ Ngày Sabat, giữ luật nghỉ ngơi theo ý Chúa thì tốt nhưng làm việc bác ái thì cần hơn và tốt hơn.

   Ngày lễ nghỉ, cứ việc đi lợp nhà, chống dột cho người nghèo, dọn vệ sinh công cộng, khơi cống rãnh bị tắc, mọi hình thức phục vụ công ích và người nghèo…

   4/ Chúa Giêsu mới chính là Lề Luật: Cái gì Chúa cấm là Luật cấm, cái gì Chúa cho phép, khuyến khích, ta cứ việc làm, cái gì Chúa làm gương, ta cứ theo vì: “Con người làm chủ cả ngày Sabat” (Mt 12, 8).

   Đạo chúng ta theo là Đạo Kitô, theo Đạo là theo Chúa Kitô chứ không theo ai khác. Chúa Kitô thì đã lập Giáo hội Công giáo và trao “Chìa khóa nước trời” cho Phêrô thay mặt Chúa và các Đức Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô. Chúng ta cứ sống theo Giáo hội hướng dẫn là bảo đảm đúng ý Chúa: “Ai nghe lời các con là nghe lời Thầy (Lc 10, 16).

 

WGPKT(24/10/2021) KONTUM