Ngôn Sứ Bị Kết Án (18.8.2019 – Chúa Nhật 20 TN, Năm C)

Qua các thời đại và trong mọi xã hội, đặc biệt trong các triều đình vua chúa, kẻ nói thật bao giờ cũng bị trừng phạt, cho đến khi chân lý xuất hiện thì đã quá muộn.  Lời thật mất lòng!  Trung ngôn nghịch nhĩ!  Đó là sự thật chua chát mà Kinh thánh hơn một lần ghi lại kinh nghiệm nầy.  

Vào thời vua Xítkigiahu chừng năm 587 trước công nguyên, tiên tri Giêrêmia đã nói thẳng với nhà vua và triều đình thời bấy giờ về sự thật là: đừng quá tin cậy vào binh khí và quân đội để cứu thành thánh Giêrusalem.  Nhà tiên tri khuyên đức vua không nên dựa vào sức mạnh quân sự của dân Canđê hay kỵ binh chiến mã của quân đội Ai cập để mong cứu thoát Giêrusalem, nhưng hãy đầu hàng mới mong cứu được mạng sống.  Ngôn sứ Giêrêmia đã nhắc lại cho vua điều tối cần thiết là phải tuyệt đối trung thành với Giao ước và với Lời Thiên Chúa.  Vua đã không nghe lời tiên tri.

Nhà tiên tri đã xuống đường tố giác việc chạy đua vũ khí, tố giác sự an toàn ngụy tạo, tố giác đường lối chính trị đoản hậu, ông minh thị bằng khoác một chiếc gông vào cổ như biểu tượng việc lưu đày, ông diễu hành qua đường phố, nhà tiên tri lấy chính mình làm chỉ dấu việc mất nước.   Vua Xítkigiahu không thích nghe sự thật, và đã lên án vị ngôn sứ là chủ bại, gây bủn rủn trong binh sĩ và cuối cùng vua đã ném nhà tiên tri vào ngục thất.  Lịch sử xảy ra chứng minh nhà tiên tri có lý:  Vua Nabukôđônôso, nước Babylon đã cướp phá đền thờ Giêrusalem, khoét mắt vua Xítkigiahu, phát vãng dân Do thái đi lưu đày tại Babylon năm 587-538 (x. Bài đọc 1.Gr  38,4-6.8-10).  Khi ngẫm ra sự thật thì đã quá muộn !

Kinh nghiệm đau thương “bị xử tệ” là mẫu số chung của các tiên tri.  Vị ngôn sứ cuối cùng là Gioan Tẩy Giả, cả dám nói sự thật với vua Hêrôđê, là vua không được lấy vợ của anh mình.  Gioan đã mất đầu trong ngục thất, giá phải trả quá đắt cho việc nói sự thật.  Hôm qua cũng như hôm nay vẫn còn có tiên tri liều mình nói sự thật.  Tại sao lại can đảm vậy?

Thử hỏi căn cước của tiên tri là gì?  Ông là ai ? Ông từ đâu đến ?  Và sứ mệnh của ông ra sao?  Chắc chắn nhà tiên tri không phải là kẻ đồng bóng, thích bói toán, thích ăn theo nói leo, chiều theo lợi nhuận và phát biểu có tính toán nhằm trục lợi. 

Tiên tri là người bị Thần Khí Chúa nắm bắt, tức là được Thiên Chúa tuyển chọn,ông có nhiệt năng bênh vực công lý và hoà bình, bênh vực phẩm giá con người, bênh vực kế hoạch của Thiên Chúa.  Cho nên ông không tuyên sấm theo ý riêng mình.  Thường thì các tiên tri thoái thác sứ mệnh khắc nghiệt Thiên Chúa trao ban.  Như ông Môsê muốn thoái thác sứ mệnh Chúa ủy cho,  lấy cớ là không có khiếu ăn nói.  Ngôn sứ Isaia không muốn làm tiên tri vịn cớ mắc bệnh cà lăm.  Thật ra chính nhà tiên tri là người đầu tiên bị choáng váng và bị đảo lộn cuộc sống khi được Thiên Chúa kêu gọi sai đi thi hành sứ vụ tiên tri; và sự khủng hoảng nầy như truyền điện sang cho kẻ đón nhận lời tiên tri, kẻ đón nhận lời ngôn sứ cũng bị đảo lộn cuộc sống.  Để trung thành với Thiên Chúa, mọi tiên tri đều phải nói toàn bộ sự thật cho người nghe về một Đấng là sự Thật và là sự Sống.

Đức Giêsu là sự Thật, Người nói thật trong suốt cuộc đời của mình, đến nỗi có thể nói cuộc đời của Người là hành trình lên Giêrusalem, nơi Người sẽ chết cho sự Thật.  Chưa bao giờ xảy ra trận thư hùng như thế trên núi Sọ giữa thế gian dối trá và sự Thật.  Đến nỗi Người đã phải chịu treo thập giá, như cái giá phải trả vì sự Thật.  Tin Mừng ghi lại lời của Đức Giêsu: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?  Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).  Phải làm sự lựa chọn trước Lời của Thiên Chúa, mà sự lựa chọn nào cũng hàm ý giằng co chia rẽ.

Sự chia rẽ”.  Con người phải làm sự lựa chọn trước Lời của Thiên Chúa tức là sự Thật.  Sống theo sự thật, con người phải đấu tranh với chính mình, như chính mình bị chia cắt làm đôi, sự thật đòi hỏi con người không đồng lõa với tội lỗi, với gian tà.  Sự Thật chất vấn con người trong mọi sinh hoạt, sự Thật lôi con người ra trước lương tâm của chính mình. Con người như đấu tranh liên lỉ để đứng về sự Thật bất biến, đó là  Đức Giêsu Kitô, điều nầy cho hiểu rõ thế nào là “sự chia rẽ”mà Đức Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.  Trước Lời của Chúa, con người không thể đứng trung lập, mà phải dứt khoát lựa chọn, một thế giằng co tạo ra căng thẳng và xảy ra sự chia rẽ nơi nội tâm con người.  Đó là sự chia rẽ mà Đức Giêsu muốn nói đến.

Lạy Chúa Giêsu, nơi môi trường xã hội nhiều gian dối và xảo trá, có khi vì tư lợi, con đã chối bỏ sự thật và thoả hiệp với gian dối.  Xin cho con biết chân thành sống trong chân lý và nói sự thật trong lòng mến. Amen

Louis Nguyễn Quang Vinh
Linh mục Đức An Kontum