Lm. Giuse Nguyễn Trị An, O.P.
Công đồng hoàn vũ không phải là cuộc nhóm họp vô định hướng. Thực tế, vì những vấn đề cấp thiết trong một hoàn cảnh nhất định, các nghị phụ đã được quy tụ để cùng nhau bàn thảo, đưa ra giải pháp. Thêm nữa, một điểm quan trọng cần ghi nhớ: Giáo hội là cộng đoàn đức tin, không phải một tổ chức thế tục. Vậy nên, một cách cơ bản, các công nghị trong Giáo hội luôn nhằm chính yếu đến việc canh tân đời sống đức tin của Dân Thiên Chúa. Có thể khẳng định rằng Công đồng Vatican II đã được triệu tập để hướng đến mục đích đó.
Cuộc canh tân của Vatican II không được hiểu là chạy theo xu thế thời đại, như thể Giáo hội đã lỗi thời, cần phải thay đổi và xây dựng thành cơ chế mới. Chỉ có một Giáo hội do Chúa Kitô thiết lập, là đoàn dân được Thiên Chúa kêu gọi để hiệp thông trong một gia sản đức tin và đảm nhận sứ vụ loan truyền đức tin. Cuộc canh tân đích thực mà Công đồng nhắm đến là việc Giáo hội làm mới lại chính mình, bày tỏ đúng căn tính của Dân Thiên Chúa và phục vụ ơn cứu độ của nhân loại cách hiệu quả hơn. Để thực hiện điều này, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong ngày khai mạc Vatican II, kêu gọi toàn thể Giáo hội trung thành gìn giữ kho tàng đức tin chúng ta đã lãnh nhận, đồng thời tìm kiếm những phương thế mới để trình bày đức tin cho thế giới hôm nay. Chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2023, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa canh tân đời sống theo tinh thần của Vatican II, hướng tới một Giáo hội thực sự mang tính hiệp hành để việc loan truyền đức tin của chúng ta trổ sinh nhiều hoa trái. Hơn ai hết, các linh mục, tu sĩ, hàng ngũ đặc biệt trong Dân Chúa, càng được thúc bách theo lời của vị chủ chăn, biết canh tân đời sống để thực sự trở nên chứng nhân đức tin cho con người trong thời đại mới.
1. TÁI KHÁM PHÁ TINH THẦN ĐỔI MỚI CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Quyết định triệu tập một Công đồng hoàn vũ không đến như phút giây ngẫu hứng. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nhận thấy những biến chuyển của xã hội đương đại ảnh hưởng rất lớn đến đoàn Dân Chúa: chúng tạo ra thách đố, nhưng cũng đem lại cơ hội cho bước tiến triển của đời sống đức tin. Thêm vào đó, trong thế giới Công giáo, xuất hiện nhiều phong trào khác nhau, tác động mạnh mẽ đến tâm thức của các tín hữu. Một khi tinh thần thay đổi, thì việc thực hành đức tin cũng biến chuyển. Tất cả những điều này đã thôi thúc vị chủ chăn Giáo hội triệu tập Vatican II, mang đến luồng gió mới cho toàn thể Dân Chúa.
1.1. Biến chuyển của thời đại: thách đố và cơ hội
Thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước là một giai đoạn căng thẳng trong lịch sử thế giới. Có ba sự kiện thường được nhắc đến như là cơn ác mộng của hoà bình nhân loại.[1] Thứ nhất, Chiến Tranh Lạnh leo thang giữa hai cường quốc Mỹ và Nga, trong đó vũ khí hạt nhân được phô diễn để thị uy sức mạnh quân sự của hai phía. Nhân loại dường như ở bờ vực của đệ tam thế chiến, mà sức tàn phá của nó có thể còn khốc liệt hơn những lần trước. Thứ hai là biến loạn và khủng hoảng ở Berlin, với bức tường ngăn cách được dựng lên, phân biệt hai phe đối chọi: bờ Tây kết thân với Mỹ, còn bờ Đông theo Liên Bang Xô Viết. Vấn đề không chỉ là nội chiến ở Đức, mà còn là những thế lực đối chọi giữa các cường quốc và châu lục. Cuối cùng, phải kể đến vấn đề của chủ nghĩa Cộng Sản dưới thời cai trị hà khắc của Stalin, đe doạ sự hiện tồn của các cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt những người không thuộc về Giáo hội Chính Thống ở Nga.
Những vấn đề này làm dấy lên biết bao lo ngại, nguy cơ xảy ra đại chiến, thế giới sẽ hỗn loạn. Đức Giáo hoàng bận tâm về việc hoà giải giữa các bên, để bảo vệ nền hoà bình chung. Theo kinh nghiệm của ngài khi còn là sứ thần Toà Thánh ở Bulgari, xung đột có thể được giải quyết khi người ta biết đối thoại trong tình huynh đệ. Thế nên, Đức Giáo hoàng nỗ lực kêu gọi các cộng đồng, Công giáo cũng như không Công giáo, vượt qua những bất đồng, tiến tới hoà giải, xây dựng hiệp nhất, tất cả vì sự thịnh vượng của nhân loại. Quyết định triệu tập Vatican II, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Công đồng chung được quy tụ, không những vì sự thăng tiến của Dân Kitô giáo, nhưng còn vì sự hiệp nhất của nhân loại, vốn là khát vọng sâu thẳm của con người. Vatican II chính là lời mời gọi các cộng đồng đang chia rẽ hãy cùng nhau kiếm tìm hiệp nhất”.[2] Trước tình cảnh khó khăn của thế giới, Đức Giáo hoàng nhận thấy sứ mạng của Dân Thiên Chúa không gì khác hơn chính là hoà giải và hiệp nhất. Chính khi dấn thân cho sứ mạng này, Giáo hội thực sự bước đi theo tinh thần của Tin Mừng (x. Mt 5,9), vì lòng trung thành với giáo huấn của Đức Kitô và vì thiện ích cho toàn thể nhân loại.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể không phủ lấp một màu đen tối. Thế giới hiện đại cũng đem đến những điều kiện mới cho việc loan truyền đức tin của Giáo hội. Khoa học, kỹ thuật phát triển, mở rộng chân trời cuộc sống. Trong khi không gian của chúng ta ngày càng vươn xa, vì con người có thể vượt khỏi trái đất, tiếp cận nhiều hành tinh trong vũ trụ, thì cộng đồng của chúng ta dường như xích lại, các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau theo chiều hướng toàn cầu hoá, và thế giới dần biểu lộ tính duy nhất của nó.[3] Ý tưởng ‘ngôi làng toàn cầu’ được nhấn mạnh với sự hợp tác của đông đảo các thành phần đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng với sự gia tăng không ngừng của phương tiện giao thông, liên lạc. Điều này sẽ là một cơ hội tốt để Giáo hội sống và biểu lộ đặc tính Công giáo của mình, trở thành một dân phổ quát của Thiên Chúa đang lữ hành dương thế. Như vậy, sống đức tin thời hiện đại đòi hỏi các Kitô hữu liên kết với nhau và toàn Giáo hội liên kết với thế giới, để cùng nhau hướng về Thiên Chúa là cùng đích của vũ hoàn. Đấy chính là ý nghĩa cụ thể của một Giáo hội hiệp hành, hiện diện giữa lòng thế giới hôm nay, với sứ mạng loan truyền đức tin cho con người trong thời đại mới.
Không chỉ các yếu tố bên ngoài tác động đến đời sống của các tín hữu, mà cả những phong trào bên trong thế giới Công giáo cũng ảnh hưởng đến việc thực hành đức tin. Giai đoạn trước Công đồng, có bốn phong trào nổi bật thường được xem là bước chuẩn bị cho Vatican II.[4]
Thứ nhất là phong trào học hỏi, nghiên cứu Sách Thánh, biểu hiện mạnh mẽ ở hai học viện chuyên môn là trường Kinh Thánh và Khảo Cổ tại Giêrusalem (Ecole Biblique) do các anh em Đa Minh phụ trách, và Giáo hoàng Học viện Thánh Kinh Roma (Pontificium Institutum Biblicum) do Đức Piô X thành lập từ năm 1909, uỷ thác cho các tu sĩ Dòng Tên điều hành. Chính việc học hỏi và truy tìm chân lý nơi Lời mặc khải trong sự gắn bó với Truyền thống đạo lý của Giáo hội đã củng cố đức tin của Dân Thiên Chúa, chống lại khuynh hướng thế tục của xã hội đương đại.
Thứ hai là phong trào Canh tân phụng vụ, khởi đi từ các Đan viện Biển Đức ở Bỉ, Pháp và Đức, sau đó lan rộng khắp vùng Châu Âu. Đáng lưu ý, phong trào này dẫn đến một số đổi mới trong lễ nghi phụng tự, đồng thời thúc giục các tín hữu tham dự tích cực vào các cử hành đức tin, gia tăng việc thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa.
Thứ đến là trào lưu Thần học mới (Nouvelle Théologie). Trào lưu này không chủ đích phủ nhận hay bài trừ các phương thức và quan điểm thần học vốn đã thịnh hành trong những thế kỷ trước, nhưng nỗ lực vận dụng những tiến bộ của thế giới đương đại để đào sâu hiểu biết các đạo lý Kitô giáo. Thành tựu của khoa học hôm nay có thể hỗ trợ chúng ta trên bước đường truy tìm chân lý. Trào lưu Thần học này đã góp phần canh tân nhận thức của Dân Thiên Chúa, nhờ vậy Giáo hội có thể đáp ứng những đòi hỏi mới của thế giới hiện đại, mà vẫn luôn trung thành với kho tàng đức tin đã lãnh nhận.
Cuối cùng là phong trào Đại Kết, có lẽ được khởi xướng từ anh em Tin Lành và được đẩy mạnh trong Công giáo từ giữa thế kỷ XX. Tiêu biểu phải kể đến phong trào “Unam Sanctam” và viện Adam Moehler ở Đức. Một mặt, các phong trào này thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau: chúng ta được mời gọi vượt qua những khác biệt về đạo lý, về văn hoá cũng như truyền thống, mà hướng tới sự hiệp nhất đức tin. Mặt khác, các phong trào này cũng đóng góp cho sự tiến triển thần học. Thực vậy, những cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Công giáo, Tin Lành, Anh giáo và Chính Thống giáo, thúc đẩy việc nghiên cứu Kinh Thánh và tinh thần ‘trở về nguồn’. Từ đấy, Giáo hội ngày càng ý thức rằng trở về nguồn cội không phải là trở về với Công giáo như là gốc rễ của toàn thể Kitô giáo, nhưng đúng hơn là trở về với Chúa Kitô, nguồn sự sống và ơn cứu độ của chúng ta.[5]
Bốn phong trào này là tựa như nắm men trong bột, tiến triển âm thầm bên trong thế giới Công giáo, chuẩn bị cho cánh cửa chính thức mở ra là sự xuất hiện của Vatican II. Tinh thần của những phong trào này được tìm hiểu, tiếp nối, và trình bày một cách kỹ lưỡng trong các văn kiện của Công đồng, đặc biệt là bốn Hiến chế, những tài liệu quan trọng nhất của Vatican II:
– Dei Verbum trình bày Lời Mặc Khải được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, là nền tảng của toàn bộ đời sống đức tin. Các Kitô hữu được mời gọi không ngừng học hỏi, suy ngẫm những điều mà Đức Kitô truyền dạy. Nhờ vậy, chúng ta ngày càng gắn bó mật thiết với Đấng là nguồn sự sống đích thực của toàn thể nhân loại.
– Sacrosanctum Concilium trình bày Phụng vụ là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô giáo. Chúng ta được mời gọi tham dự tích cực vào các cử hành đức tin của Giáo hội. Đấy là con đường dẫn đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm ơn cứu độ.
– Lumen Gentium giúp chúng ta hiểu tốt hơn về Giáo hội, nhìn trong mối tương quan với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại. Mọi thành phần Dân Chúa được kêu gọi vừa trung tín với Đấng đã tuyển chọn và sai phái chúng ta, vừa không ngừng canh tân để càng trở nên hữu ích cho tha nhân.
– Gaudium et Spes nhấn mạnh sứ vụ của Giáo hội trong thế giới hôm nay. Hiện diện giữa nhân loại, các Kitô hữu trở nên như dấu chỉ của niềm vui và hy vọng. Chúng ta vui vì có Chúa đồng hành và ban ơn cứu độ. Chúng ta hy vọng về ngày hồng phúc, ngày mà toàn thể nhân loại được hiệp nhất trong cùng một đức tin, quy tụ thành đoàn chiên duy nhất trong Đức Kitô, chung hưởng hạnh phúc với Người trong Vương Quốc.
1.2. Ý nghĩa của sự canh tân
Sẽ không thể hiểu đúng mục đích của Công đồng Vatican II nếu chúng ta không đề cập đến ý định của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã khởi xướng Công đồng. Mặc dầu được bầu chọn vào cương vị Giám mục Roma khi đã cao niên (lúc 77 tuổi), khiến một số người nghĩ rằng đây chỉ là vị ‘Giáo hoàng chuyển tiếp’, nhưng Đức Gioan XXIII vẫn nhiệt thành phục vụ Dân Chúa, thúc giục aggiornamento vì công cuộc loan truyền đức tin của Giáo hội.[6]
“Aggiornamento” được xem là một trong hai thuật ngữ then chốt giúp chúng ta hiểu Công đồng Vatican II.[7] Thuật ngữ này có gốc tiếng Ý, động từ “aggiornare”, có thể hiểu cơ bản là “cập nhật” hay “đổi mới”. Tuy nhiên, khi đề cập đến mục đích của Vatican II, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong việc giải thích thuật ngữ này.
Trước hết, cần nhớ rằng, chỉ vài tháng sau khi đảm nhận sứ vụ kế nhiệm thánh Phêrô, vào ngày lễ Kính thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, tại Vương cung Thánh đường kính Thánh Phaolô ở ngoại thành Rôma, Đức Gioan XXIII đã chia sẻ những lời khiến các Hồng Y ngỡ ngàng: ngài muốn triệu tập một Công đồng hoàn vũ, tổ chức công nghị Giáo phận Rôma, và ‘cập nhật’ một số điểm trong Bộ Giáo Luật hiện hành. Mặc dầu thuật ngữ aggiornamento được sử dụng trước hết cho tiến trình cải cách Giáo Luật, nhưng sau đó, nó được nhắc đến như khẩu hiệu quen thuộc của Đức Giáo hoàng và của Vatican II. Tại Giáo triều Roma, những lời xầm xì bắt đầu xuất hiện, vì không phải tất cả mọi người đều mau chóng ủng hộ chương trình của Đức Giáo hoàng. Tuy vậy, vị Cha chung của Giáo hội vẫn quyết định triệu tập Công đồng khi ban hành Tông hiến Humanae Salutis ngày 25.12.1961. “Thời kỳ đã đến! Đây là lúc chúng ta mang lại cho Giáo hội Công giáo và toàn thế giới quà tặng đặc biệt là một Công đồng hoàn vũ, kế thừa và tiếp nối hai mươi Công đồng trong lịch sử Giáo hội. Tất cả là sự quan phòng của Đấng Tối Cao, hầu gia tăng muôn ân huệ thiêng liêng cho nhân thế, nhờ vậy dân Kitô giáo ngày càng thăng tiến.”
Câu hỏi được đặt ra là phải hiểu aggiornamento như thế nào? Thuật ngữ này liên hệ đến những yếu tố gì trong đời sống Giáo hội? Phải chăng nó ngầm nói đến việc thay đổi, hay hiệu chỉnh một số đạo lý truyền thống vốn không còn thích hợp với thời đại mới? Có ý kiến cho rằng cần phải hiểu aggiornamento theo nghĩa sâu rộng, nhắm đến một cuộc thay đổi toàn diện và tận căn của Giáo hội, vì Đức Gioan XXIII mong muốn một bước nhảy lớn của Dân Thiên Chúa, mở ra những chặng đường mới của hành trình đức tin.[8] Lối hiểu như thế được chứng thực với rất nhiều thay đổi trong Giáo hội giai đoạn hậu-Công đồng, cụ thể là các cuộc gặp gỡ, đối thoại đại kết, liên tôn, Giáo hội Công giáo chủ động tương giao với các cộng đồng tôn giáo bạn. Khi nhận thấy một khuôn diện tươi mới của Giáo hội, có ý kiến cho rằng tinh thần aggiornamento của Vatican II gần như có tính triệt để, và Giáo hội hậu – Công đồng hoàn toàn khác với trước đó. Sự phân biệt hai giai đoạn hậu và tiền ở đây đôi khi còn bị lầm tưởng là tách biệt thành hai Giáo hội, và Vatican II được ghi nhận là dấu chấm hết cho một Giáo hội xưa cũ, là cánh cửa mở cho một Giáo hội cách tân.[9]
Tuy nhiên, aggiornamento cũng có thể được hiểu theo một hướng khác, liên hệ đến việc sống đức tin, yếu tố nền tảng của Kitô giáo. Chắc chắn, đạo lý đức tin có tính bền vững và khách quan, vì bắt nguồn từ mặc khải thần linh chứ không phải từ kinh nghiệm khôn ngoan của con người. Dẫu vậy, chúng ta cũng cần nhớ rằng, việc trình bày đạo lý thì dựa vào những phương thế nhân loại và hướng tới ơn cứu độ cho mọi người. Thế nên, aggiornamento không nhắm đến việc thay đổi đạo lý của Giáo hội, nhưng là làm mới những cách thức trình bày đạo lý, để việc loan truyền đức tin ngày càng trổ sinh hoa trái. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nhấn mạnh ý tưởng này trong ngày khai mạc Công đồng:
“Quan tâm lớn nhất của Công đồng hoàn vũ này là làm cho kho tàng đức tin Kitô giáo được gìn giữ và trình bày cách hiệu quả hơn… Chúng ta cần trung thành gắn bó, theo một cách thế mới mẻ, khôn ngoan và điềm tĩnh, với mọi giáo huấn của Hội Thánh trong tính toàn vẹn và giá trị của chúng, như chúng vẫn còn toả sáng trong các văn kiện của Công đồng Trentô và Công đồng Vatican I.”[10]
Như đã đề cập, Đức Gioan XXIII và Giáo hội Công giáo giữa thế kỷ XX phải đối diện với một thế giới vừa có nguy cơ bị hủy diệt, vừa có những điều kiện mới để nâng cao đời sống con người. Bối cảnh lịch sử của Vatican II rất khác so với hoàn cảnh ra đời của Công đồng Trentô thế kỷ XVI, lúc Giáo hội bận tâm rất nhiều về vấn đề của Anh Em Thệ Phản.[11] Bối cảnh của Vatican II cũng không giống với thế kỷ trước đó, lúc Vatican I được triệu tập, vì nhiều phong trào đức tin trong Giáo hội đã phát triển và mối tương quan giữa Công giáo với thế giới xung quanh đã bước vào một giai đoạn mới.[12] Thế nên, Giáo hội cần những hướng đi mới, và Đức Gioan XXIII muốn có một Công đồng hoàn vũ mang tính cách mục vụ: “Đạo lý phải được học hiểu chuyên sâu và loan truyền rộng rãi, nhờ vận dụng các phương pháp khoa học hiện đại, cùng nhiều hình thức văn chương mới mẻ. Tự bản chất, đạo lý truyền thống, kho tàng đức tin của Giáo hội chỉ là một, nhưng có nhiều cách thức trình bày khác nhau. Chúng ta cần lượng định kỹ càng, nghiên cứu cẩn thận, để các giáo huấn mà Vatican II trình bày cho thế giới sẽ chủ yếu mang tính chất mục vụ (pastoral).”[13]
Những lời chia sẻ này khích lệ Dân Thiên Chúa nối kết với thế giới, vận dụng những tiến bộ của nhân loại vào công cuộc loan truyền đức tin. Không nên nhìn thế giới hôm nay với nhãn quan hoàn toàn tiêu cực, chỉ như một mối đe doạ đối với con cái Giáo hội, hay sự biến chuyển của nó ngày càng gây hại cho cho đời sống đức tin. Chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn: thế giới hiện đại với rất nhiều thành tựu của nó, có thể tương trợ Giáo hội thi hành sứ vụ. Hơn nữa, có thể nói rằng thế giới này cũng là một phần trong sứ vụ của chúng ta, vì Giáo hội được sai đến với mọi dân nước, trở nên “muối cho đời, ánh sáng cho trần gian”. Vì vậy, Đức Giáo hoàng định hướng Vatican II sẽ là một Công đồng có đặc tính mục vụ, thể hiện qua ba khía cạnh cụ thể: thứ nhất, thay cho một nhãn quan nghi ngại với những lời kết án, Giáo hội được mời gọi tin tưởng, hy vọng, công bố lời hoà giải; thứ đến, tập trung vào việc huấn luyện lương tâm con người thay vì loại trừ và ra vạ tuyệt thông đối với những ai chưa thể đón nhận đạo lý Kitô giáo; sau cùng, với thái độ chân thành, đối thoại trong tình huynh đệ, chúng ta trình bày nét đẹp và giá trị của kho tàng đức tin mà Giáo hội đã lãnh nhận, thay vì tập trung vào những điểm khác biệt trong đạo lý của các truyền thống tôn giáo.
Những hướng đi mục vụ này, một mặt, cho thấy ý hướng xây dựng hoà bình, kiến tạo hiệp nhất của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo bạn và với toàn thể nhân loại; mặt khác, nó cũng chứng tỏ một sự nỗ lực canh tân chính mình trong việc hiểu và sống đức tin của Giáo hội. Đặc tính mục vụ, trong ý nghĩa tròn đầy của nó, không giới hạn ở một số hoạt động đại kết hoặc liên tôn, mà cơ bản là củng cố đời sống đức tin của Dân Thiên Chúa. Giáo hội chỉ có thể chu toàn sứ vụ loan truyền đức tin khi đã củng cố đời sống đức tin của chính mình.[14]
Nói tóm lại, khi triệu tập Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII muốn có một cuộc canh tân (aggiornamento) trong Giáo hội, vì những biến chuyển lớn lao của thế giới hiện đại đã tác động đến Dân Thiên Chúa trên nhiều phương diện. Cuộc canh tân này không phải là từ bỏ Truyền thống đáng quý của Giáo hội để chạy theo xu thế của thời đại, nhưng là làm mới lại việc sống đức tin của đoàn Dân Chúa, để sứ vụ loan báo Tin Mừng của chúng ta ngày càng trổ sinh nhiều hoa trái, và Giáo hội phục vụ ơn cứu độ của nhân loại một cách hiệu quả hơn trong thời đại mới. Điều này giải thích vì sao Vatican II chủ yếu mang đặc tính mục vụ (pastoral), không giống với những Công đồng trước đây. Thêm vào đó, cần ghi nhớ rằng cuộc canh tân ở đây luôn dựa trên một nền tảng và bao gồm cả hai chiều kích: nền tảng duy nhất là sự trung thành gắn bó với Thiên Chúa, với tất cả những gì Người đã mặc khải cho chúng ta; hai chiều kích của cuộc canh tân là: bên trong (ad-intra), củng cố đức tin của chính mình nhờ không ngừng học hỏi, đào sâu đạo lý truyền thống Kitô giáo, và bên ngoài (ad-extra), loan truyền những điều mà chúng ta đã xác tín với lòng nhiệt thành và sự khôn ngoan vận dụng các tiến bộ của nhân loại. Có như vậy, chúng ta mới diễn tả đúng thực hình ảnh một đoàn Dân được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước.
2. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG NGÀN NĂM THỨ BA
Thiên niên kỷ thứ ba đánh dấu một chặng đường mới của lịch sử nhân loại. Thế giới tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong lãnh vực khoa học. Đặc biệt, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến tốc độ phát triển đến kinh ngạc của công nghệ, gần như làm thay đổi cục diện toàn xã hội. Ở một phương diện khác, thế giới cũng đối diện với nhiều vấn nạn mới, liên quan đến môi trường và an sinh xã hội, đòi hỏi sự cộng tác toàn cầu để tìm ra phương án thích hợp. Chắc chắn, những biến chuyển như thế tác động không ít đến đời sống Giáo hội, cả tích cực lẫn tiêu cực, khiến chúng ta phải nhìn lại việc sống đức tin trong bối cảnh hiện tại.
2.1. Giáo hội hiệp hành theo tinh thần canh tân của Vatican II
Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, Công đồng Vatican II có thể được xem là cách mà Thiên Chúa nói với Dân Người trong thời hiện đại.[15] Tinh thần của Công đồng thúc giục chúng ta làm cho đức tin trở nên sống động hơn. Theo đó, canh tân không hệ tại ở việc xoá bỏ cái cũ, thiết lập cái mới, nhưng đúng hơn là trẻ hoá Giáo hội. Không có một ‘Giáo hội cách tân’ đối chọi với ‘Giáo hội cổ điển’, nhưng chỉ có một Giáo hội duy nhất qua dòng thời gian vẫn đồng hành với nhân loại, chung nhịp sống với muôn người. Giáo hội bày tỏ một diện mạo tươi trẻ khi các Kitô hữu nhiệt thành sống đức tin, làm cho muôn dân nhận biết ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’ và chính Người đang nói với chúng ta. Thế nên, theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, điều quan trọng là Dân Chúa phải thấm nhuần tinh thần của Công đồng và áp dụng vào đời sống thực tiễn. Cụ thể, mọi thành phần trong Giáo hội nâng cao tinh thần hiệp hành, cùng dấn thân thi hành những điều Đức Kitô truyền dạy.[16]
2.2. Dấn thân thi hành sứ vụ trong thời đại mới
Theo lời kêu gọi của vị cha chung, các Kitô hữu, cách riêng là linh mục, tu sĩ sống tinh thần hiệp hành vì sứ vụ loan truyền đức tin như định hướng của Vatican II. Giáo huấn của Công đồng mãi là kim chỉ nam cho những ai sống đời thánh hiến, với ước vọng canh tân để chu toàn sứ mệnh được trao phó.
2.2.1. Củng cố đức tin trên nền tảng Chân Lý
Bước khởi đầu của sự canh tân chính là củng cố đức tin, như Đức Gioan XXIII nhắc nhớ trong ngày khai mạc Công đồng, bằng việc học hỏi, đào sâu đạo lý Kitô giáo. Cần lưu ý rằng trào lưu hiện đại (modernism) có nguy cơ đẩy con người đến thái độ tự tôn với những tiến bộ của nhân loại, mà phớt lờ sự hiện diện của Đấng Tối Cao. Người ta đón nhận chân lý khoa học với những kết quả thực nghiệm, nhưng lại hoài nghi chân lý đức tin trong những điều Giáo hội truyền dạy. Cái nhìn chủ quan và tự do cá nhân ngày càng được đẩy mạnh, trong khi quy luật khách quan và giá trị phổ quát lại bị xem nhẹ, chẳng mấy lưu tâm. Theo đó, những gì là mặc khải thần linh, chân lý vững bền, dường như thách thức lý trí con người, không dễ chấp nhận và tin theo.
Kitô giáo đứng trước chất vấn của thời đại về tính chân thực và chắc chắn của rất nhiều đạo lý mà Giáo hội rao truyền hôm nay. Các linh mục, tu sĩ được mời gọi sẵn sàng trả lời cho những ai thắc mắc về niềm xác tín của chúng ta (x.1Pr 3,15). Điều này giải thích vì sao việc học hỏi, nghiên cứu thánh khoa luôn là yếu tố cần thiết trong đời sống đức tin. Giáo huấn của Hội Thánh không khởi đi từ những kinh nghiệm khôn ngoan của con người, nhưng bắt nguồn từ những điều Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta. Do vậy, đạo lý đức tin có những điều vượt quá sức nghĩ tưởng của nhân loại, nhưng không phải là hão huyền, phi lý. Lời Thiên Chúa là ánh sáng soi đường cho tất cả những ai nỗ lực tìm kiếm chân lý. Dei Verbum dẫn đưa chúng ta ra khỏi bóng tối lầm lạc, sai trái, mà quy hướng đời mình về chân lý vẹn toàn là chính Thiên Chúa.
Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Vatican II hướng dẫn Dân Chúa canh tân đời sống đức tin trên nền tảng chân lý. Điều quan trọng ở đây, chúng ta cần nhớ rằng chân lý của Thiên Chúa không chỉ gói gọn trong những quy luật khách quan ở bên ngoài con người, soi sáng cho lý trí con người. Văn kiện Dei Verbum còn nhấn mạnh rằng Đức Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể, là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.[17] Như vậy, chân lý của Thiên Chúa (Logos) được bày tỏ trong một ngôi vị sống động, để rồi con người có thể bước vào một cuộc đối thoại (dia-Logos) cá vị với Đấng đang ngỏ lời với chúng ta.[18] Điều này cũng giúp chúng ta hiểu rằng cốt lõi của đức tin Kitô giáo không phải là việc lý trí theo đuổi một lý tưởng, nhưng là tương quan yêu thương giữa ngôi vị với ngôi vị. Vì thế, việc củng cố đức tin của chúng ta cũng là củng cố mối tương quan với Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể.
Đức tin triển nở từ cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô. Đào sâu đạo lý Kitô giáo mời gọi các linh mục, tu sĩ tăng cường tình bằng hữu với Thiên Chúa. Khủng hoảng niềm tin xảy ra khi tình bằng hữu này trở nên phai nhạt. Tinh thần hiệp hành nhắc nhớ chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng là bằng hữu thân thiết, bước đi với con người trong dòng lịch sử. Giáo hội thúc giục các linh mục, tu sĩ gắn bó với Chúa, để có thể thấm nhuần những chân lý mà Chúa mặc khải cho chúng ta. Đấy là con đường củng cố đức tin, giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng, thách đố của đời tu hôm nay.
2.2.2. Tích cực tham dự vào việc loan truyền đức tin
Mục đích chính yếu của cuộc canh tân là vì sứ vụ loan truyền đức tin trong thời đại mới. Ơn gọi căn bản của Dân Thánh là bày tỏ niềm xác tín của mình để muôn dân nhận biết và tin vào Thiên Chúa. Niềm xác tín ấy được biểu lộ một cách long trọng qua các cử hành Phụng vụ. Khi tôn thờ Đấng Tối Cao trong thánh điện của Người, các Kitô hữu diễn tả căn tính của đoàn Dân Thánh, là những kẻ có lòng tin, được Thiên Chúa quy tụ để chuyên tâm phụng sự Người.
Sacrosanctum Concilium của Vatican II nhấn mạnh việc tham dự tích cực vào Phụng vụ của Hội Thánh. Điều này không những diễn tả đức tin sống động của Dân Thiên Chúa, mà còn tháp nhập chúng ta vào mầu nhiệm ơn cứu độ. Hơn ai hết, các linh mục, tu sĩ được mời gọi tham dự tích cực vào các cử hành đức tin của Giáo hội, vì những ân huệ chúng ta đã lãnh nhận trong đời thánh hiến. Ấn tín của Bí tích Truyền Chức Thánh phân biệt với ấn tín của Bí tích Rửa Tội, dù cả hai đều quy hướng chúng ta đến việc phụng thờ Thiên Chúa. Hiệu quả của Phép Rửa đem lại cho chúng ta những năng lực cần thiết để thông dự vào Phụng vụ của Hội Thánh và đón hưởng ân sủng Chúa ban; còn Bí tích Truyền Chức đem lại cho chúng ta những năng lực đặc biệt để cử hành hy tế của Chúa Kitô (trong cương vị là một alter-Christus) và chuyển trao ân thánh cho mọi người. Theo đó, trong Phụng vụ, các linh mục có nhiều khả năng chủ động (active potency) so với giáo dân.[19] Điều này mời gọi thừa tác viên của Hội Thánh tham gia tích cực hơn (active participation) vào các cử hành đức tin, vì thánh chức chúng ta lãnh nhận và vì ơn cứu độ của đoàn Dân Chúa.
Cần ghi nhớ rằng đời sống đức tin của Giáo hội không giới hạn trong Đền thờ, qua nghi lễ Phụng vụ, nhưng còn được biểu lộ trong đời sống thường nhật với những việc làm cụ thể. Tính thống nhất của nó chống lại mọi não trạng nhị nguyên, tách rời cử hành đức tin với đời sống luân lý. Các linh mục, tu sĩ là những người đã được thánh hiến để thuộc trọn về Chúa, mọi hành động trong đời sống diễn tả đức tin và thái độ thờ phượng của chúng ta. Sẽ là tự mâu thuẫn nếu những người sống đời thánh hiến lại hành động như những kẻ không còn đức tin, hoàn toàn trái nghịch với niềm xác tín trong cử hành Phụng vụ.
Người ta đặt dấu hỏi lớn về ý nghĩa của việc tận hiến cho Thiên Chúa khi biết đến những vụ bê bối của các linh mục, tu sĩ. Giáo hội bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, đời tu cũng bị chê trách trước thông tin đại chúng. Thay vì biểu lộ căn tính của người môn đệ Đức Kitô, một số linh mục, tu sĩ lại tỏ ra phản chứng khi chạy theo lối sống thế tục. Tình trạng ngược ngạo như thế cho thấy những bất ổn và xáo trộn của đời sống đức tin. Do vậy, theo tinh thần hiệp hành của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta cần bày tỏ diện mạo tươi mới của Giáo hội, cụ thể bằng đời sống chứng tá mỗi ngày. Lumen Gentium của Vatican II nhấn mạnh Giáo hội là Ánh sáng muôn dân. Các Kitô hữu có sứ mạng chiếu toả ánh rạng ngời của các chân lý đức tin cho dương thế, không chỉ bằng lời dạy, mà bằng trọn vẹn đời sống, với những hành vi nhân đức, để mọi người nhận thấy chúng ta thuộc về Dân Thánh, chứ không phải là nô lệ của đam mê, dục vọng và tội lỗi.
Sau cùng, cần lưu ý một điểm quan trọng: mục vụ là đặc tính của Vatican II. Ý nghĩa cụ thể, điều này liên hệ đến việc canh tân sinh hoạt mục vụ của các cộng đoàn Hội Thánh, từ đó loan truyền đức tin cho mọi người. Canh tân ở đây không đơn thuần chỉ là vận dụng những phương tiện công nghệ tân tiến để trình bày giáo lý đức tin, nhưng còn là đổi mới cách thế, tìm kiếm con đường thích hợp để dẫn đưa nhiều người về với Thiên Chúa. Thay vì đề cao sự khác biệt về địa vị cũng như thẩm quyền của hàng giáo sĩ, các linh mục được mời gọi đồng hành và phục vụ Dân Chúa với tình huynh đệ trong gia đình Giáo hội. Theo đó, thái độ lắng nghe, tấm lòng cảm thông và nghĩa cử bác ái cần được ưu tiên khi chăm sóc mục vụ. Những điểm này diễn tả đúng nghĩa tinh thần hiệp hành mà Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta.
Ở một viễn ảnh rộng hơn, Hiến chế Mục vụ của Vatican II nhắc đến ơn gọi của Giáo hội giữa lòng nhân thế. Các Kitô hữu trở nên dấu chỉ niềm vui và hy vọng cho tất cả mọi người trong cuộc lữ hành tiến về cùng đích. Những gì dẫn đến đau khổ và chết chóc cần phải ngăn chặn vì sự tồn vong của xã hội; còn những gì đem đến bình an và hạnh phúc cần được vun đắp để nhân loại ngày càng thăng tiến. Cuộc canh tân như tinh thần của Gaudium et Spes mời gọi các linh mục, tu sĩ dấn thân xây dựng hoà bình trong cương vị là con cái Thiên Chúa và là môn đệ Đức Kitô. Theo đó, cách thế đối đầu và hình thức đối kháng khi tiếp xúc với những cộng đồng khác niềm tin tôn giáo dường như không còn phù hợp. Con đường đối thoại, với tinh thần hiệp nhất và học hỏi lẫn nhau, ngày càng trở nên ý nghĩa. Hồng ân của Bí tích Truyền chức và những Lời khấn Dòng không được hiểu là thẩm quyền chân lý trên mọi lãnh vực đời sống. Các linh mục, tu sĩ vẫn có thể sai lầm vì giới hạn của bản thân. Học hỏi nơi các truyền thống tôn giáo bạn giúp chúng ta trưởng thành trong nhận thức, để ngày càng tiến gần đến Chân Lý. Sự hiện diện của Logos thần linh trong vũ trụ này vẫn là mầu nhiệm, mời gọi chúng ta cùng nhau học hiểu, khám phá. Điều này giúp chúng ta hiểu chiều kích hiệp hành trong viễn ảnh phổ quát: Giáo hội cùng với nhân loại hướng về Chân Lý Tối Cao.
TÓM KẾT
Tinh thần hiệp hành như lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô là nỗ lực canh tân đời sống vì sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại mới, vốn đã được khởi xướng từ Công đồng Vatican II. Cuộc canh tân này thúc giục mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng là các linh mục, tu sĩ, trung tín với hồng ân thánh hiến mà chúng ta đón nhận từ chính Thiên Chúa. Đây là nền tảng cho một cuộc biến đổi toàn diện, từ trong (ad intra) đến ngoài (ad extra), từ tư tưởng cho đến hành động. Khởi đi từ việc củng cố đức tin, chúng ta được mời gọi đào sâu các đạo lý Kitô giáo, nhờ học hỏi thánh khoa và tăng cường mối tương quan cá vị với Đức Kitô, Đấng là Mặc Khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Hướng đến việc loan truyền đức tin, Công đồng nhắc nhớ chúng ta bày tỏ niềm xác tín của mình bằng việc tham dự tích cực vào các cử hành Phụng vụ và bằng một đời sống nhân đức, để thực sự trở nên ánh sáng cho muôn dân. Vì sứ mạng của Giáo hội ở giữa lòng nhân thế, Công đồng thúc đẩy các linh mục, tu sĩ dấn thân chăm sóc mục vụ và chủ động đối thoại với các nền văn hoá, tôn giáo. Có như vậy, chúng ta mới diễn tả rõ nét hình ảnh một Giáo hội hiệp hành, tất cả vì sứ vụ loan truyền đức tin mà Đức Kitô đã uỷ thác cho chúng ta.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)
Nguồn: WHĐ (23.04.2024)
[1] Đáng lưu ý là vào đúng năm 1962 (năm khai mạc Vatican II), cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba đã đẩy các quốc gia đối lập đến bờ vực chiến tranh. May mắn thay, lúc đó Mỹ đã phát hiện ra Liên Xô hỗ trợ ngầm cho Cuba, thiết lập đầu đạn hạt nhân ở sát bờ biển Mỹ. Điều này khiến mối đe dọa điện hạt nhân trở nên vô cùng mạnh mẽ, và căng thẳng chính trị giữa Washington và Moscow lên đến đỉnh điểm. Những sự kiện lịch sử ở đây được tham khảo trong Karim Schelkens, John A. Dick, and Jürgen Mettepenningen, Aggiornamento? Catholicism from Gregory XVI to Benedict XVI, (Leiden, Boston: Brill, 2013), 127-128.
[2] Những lời này được trích từ bản tóm tắt diễn văn của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, được đăng trong báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh (Osservatore Romano), khi ngài bày tỏ với các Hồng y về ý định triệu tập một Công đồng hoàn vũ. Tham khảo Austin Flannery, OP, Vatican Council II, in The Modern Catholic Encyclopedia, edited by Michael Glazier and Monika K. Hellwig, (Ireland: Gill & Macmillan, 1994), 888.
[3] Joseph Ratzinger đã nhận định rằng: “Vào thời kỳ của Vatican II, chúng ta nhận thấy rõ hơn toàn thể nhân loại chỉ là một, thế giới co lại và bộc lộ tính duy nhất của nó. Đấy là ‘thời điềm’ (Kairos) cho Giáo hội, là tiếng Thiên Chúa mời gọi chúng ta hướng tới cái nhìn phổ quát. Chúng ta cần bày tỏ hơn nữa đặc tính công giáo, cần hướng tới một giáo hội toàn thế giới – a world church.” Xem bài phát biểu của Joseph Ratzinger, có tựa đề “The World and The Church: A Contrast Between Vatican I and Vatican II: Lecture – Text For Cardinal Frings (1961),” được đăng trong Gregorianum 89, no.2 (208), 255-256.
[4] Cần ghi nhớ rằng bốn phong trào thần học được đề cập ở đây phân biệt với những trào lưu modernism mang tính quá khích bị lên án và nhắc nhớ trong Thông điệp Humani Generis (1950) của Đức Giáo hoàng Piô XII. Bốn phong trào này cho thấy nỗ lực rất lớn của nhiều học giả Công giáo, vì lòng yêu mến Giáo hội, góp phần canh tân Giáo hội bằng những phương thế phù hợp trong thời đại mới. Nhiều học giả trong bốn phong trào này đã trở thành các chuyên viên của Vatican II. Xem Michał BIAŁKOWSKI, “Main Revival Movements in the Catholic Church Before the Second Vatican Council,” Historia i Polityka, No. 24 (31)/2018,73–86, trong http://cejsh.icm.edu.pl, và Roberto de Mattei, The Second Vatican Council: An Unwritten Story, (the US: Loreto Publications, 2012), 33-42.
[5] Để đào sâu điểm này, xin đọc thêm bài viết “Giáo hội Công giáo với việc đại kết” trong Thời sự Thần học, Số 63 (tháng 2/2014) trang 46-74, cũng được đăng trên web https://catechesis.net/giao-hoi-cong-giao-voi-viec-dai-ket/.
[6] Khi quyết định triệu tập Công đồng hoàn vũ, Đức Gioan XXIII đã xoá tan mọi nghi ngại trước đây rằng ngài chỉ là vị Giáo hoàng chuyển tiếp, và triều đại của ngài sẽ không có sự kiện gì đáng lưu tâm. Thực tế, Vatican II khiến nhiều người sửng sốt. Greg Tobin, The Good Pope: The Making of a Saint and the Remaking of the Church – The Story of John XXIII and Vatican II, (Australia: HarperCollins Publishers, 2012), 16.
[7] Trong khi “Ressourcement” liên hệ đến tinh thần ‘trở về với những nguồn mạch đáng tín’ để tái khám phá các chân lý cứu độ của đức tin Kitô giáo, thì “aggiornamento” nhấn mạnh đến việc tìm kiếm những cách thế thích hợp để trình bày đức tin Kitô cho thế giới hôm nay. Hai thuật ngữ này thường được sử dụng để xác định bản chất cũng như tầm mức của cuộc canh tân mà Vatican II nhắm đến. Eduardo Echeverria, Ressourcement, Aggiornamento and Vatican II in Ecumenical Perspective, được đăng trên https://www.hprweb.com/2014/07/ressourcement-aggiornamento-and-vatican-ii-in-ecumenical-perspective.
[8] Max Vodola cho rằng: “Thuật ngữ aggiornamento mang một ý nghĩa rất rộng, không đơn giản chỉ là cập nhật một số điểm trong Giáo Luật. Thuật ngữ này nói đến một tiến trình đặc biệt mà mọi khía cạnh trong đời sống Giáo hội phải cải biến, có những thay đổi quan trọng, theo tinh thần canh tân đích thực của Vatican II.” Xem Max Vodola, John XXIII, Vatican II, and the Genesis of Aggiornamento: A Contextual Analysis of Angelo Roncalli’s Works on San Carlo Borromeo in Relation to Late Twentieth Century Church Reform. A Dissertation Composed in Fulfilment of Requirements for the Degree of Doctor of Philosophy, (Melbourne: Monash University, 2010), p. 10-11.
[9] Đức Bênêđictô XVI đã phê bình những tư tưởng mang tính quá khích như thế vì chúng có thể dẫn tới ngộ nhận độc hại rằng Vatican II đã làm nên một Giáo hội mới, tách biệt với Giáo hội cũ, và như vậy, có sự đứt đoạn trong tiến trình phát triển của Giáo hội. Đấy là một lối giải thích sai về tinh thần canh tân của Vatican II. Xem Benedict XVI, Address to the Roman Curia, offering them his Christmas Greetings, ngày 22.12.2005, trong : https://www.vatican.va/content/benedict.xvi/en/speeches/2005/december/documents/hf_ben_xvi_spe_20051222_roman-curia.html.
[10] Trích từ những lời phát biểu của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII trong ngày khai mạc Công đồng 11.10.1962. Tham khảo nội dung và chú giải trong Rev. Ralph M. Wiltgen, S.V.D., The inside Story of Vatican II, (Charlotte, North Carolina: TAN Books, 2014), 16-17.
[11] Có thể tóm gọn những khó khăn của Giáo hội vào thời Công đồng Trentô như sau: bên ngoài là sự xuất hiện của các phong trào Thệ Phản; bên trong, nhiều cuộc đấu đá nội bộ và can thiệp quá mức của thế quyền. Để hiểu thêm vấn đề này, xem Raymond, F. Bulman, Frederick, J. Parrella (Eds), From Trent to Vatican II: Historical and Theological Investigations, (New York: Oxford University Press, 2006), p.6-7.
[12] Không thể đánh đồng bối cảnh của Vatican II với Công đồng trước đó. Joseph Ratzinger, trong một diễn đàn trước khi Công đồng chính thức diễn ra, đã trình bày bốn thay đổi lớn về văn hoá cũng như về trình độ hiểu biết của nhân loại, và đưa ra nhận định rằng: “Cũng có những ý kiến cho rằng hoàn cảnh của Vatican II không mấy khác biệt so với Vatican I, nhưng thực thế, đã có rất nhiều thay đổi trong mối tương quan của Giáo hội với thế giới xung quanh”. Xem Joseph Ratzinger, The World and The Church: A Contrast Between Vatican I and Vatican II, ibid., 254-255.
[13] Trích diễn văn ngày khai mạc Công đồng. Xem Ralph M. Wiltgen, S.V.D., ibid., 17.
[14] Thật sai lầm nếu chúng ta cho rằng khi nói Vatican II chủ yếu mang đặc tính mục vụ thì Đức Giáo hoàng Gioan XXIII muốn tập trung một số hoạt động mục vụ cụ thể trong thế giới hiện đại, mà không chú trọng đến nền tảng đạo lý: “Thuật ngữ ‘mục vụ’ (pastoral) không giới hạn chính nó chỉ vào khía cạnh thực hành, như thể tách rời đạo lý. Không thể hình dung được mục vụ mà không có đạo lý, vì đạo lý là nền tảng cho mọi hoạt động mục vụ trong đời sống Giáo hội.” Xem Vincenzo Carbone, Vatican Council II: Light For The Church And For The Modern World, on the web: https://www.vatican.va/jubilee_2000/magazine/documents/ju_mag_01051997_p-21_en.html
[15] Đức Giáo hoàng đã chia sẻ ý tưởng này khi trả lời phỏng vấn hai tờ báo Kitô giáo “Tertio” và “Dimanche”. Xem Emmanuel Van Lierde, “Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ ý muốn canh tân Giáo hội, về Công đồng Vatican II và tính hiệp hành”, Vatican News (28.02.2023), https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-phanxico-chia-se-ve-y-muon-canh-tan-giao-hoi-va-ve-tinh-hiep-hanh-68245
[16] Cần lưu ý rằng thuật ngữ hiệp hành (synodalità) quy chiếu đến sự dấn thân và tham dự của toàn thể Dân Thiên Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Chính ở điểm này, chúng ta hiểu rằng tính hiệp hành thì phân biệt với tính tập đoàn vốn tập trung vào vai trò và thừa tác vụ của các vị Mục tử. Uỷ Ban Thần học Quốc tế đã nhắc lại những lời tuyên bố này: “Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba.” Để hiểu thêm điều này, x. Lm. Giuse Trương Đình Hiền, Chúng Tôi Cùng Đi Với Anh (Tìm Hiểu Khái Quát Về Ý Nghĩa “Hiệp Hành – Synodality), từ trang web: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-toi-cung-di-voi-anh-tim-hieu-khai-quat-ve-y-nghia-hiep-hanh-synodality–42793
[17] x. Dei Verbum 4.
[18] Nếu trước đây chúng ta thường hiểu Chân lý của Thiên Chúa là đối tượng của mặc khải vì mặc khải giúp lý trí nhận biết sự thật ở nơi Thiên Chúa, thì Dei Verbum nhấn mạnh chính Thiên Chúa, biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, là đối tượng của mặc khải: Người nói với chúng ta và chờ đợi chúng ta đáp lời, một cuộc đối thoại sống động giữa Thiên Chúa và con người. Điều này cho thấy tính cách ngôi vị hoá trong lối trình bày mặc khải của Vatican II. Xem Latourelle, Theology of Revelation: Including a Commentary on the Constitution Dei verbum of Vatican II, (Staten Island, NY: Alba House, 1966), p. 219.
[19] Thánh Tôma giải thích rằng ấn tín Bí tích ghi dấu trên linh hồn các tín hữu, mà bản chất là năng lực thiêng liêng (spiritual power). Có thể thấy năng lực này ở cả hai chiều kích: thụ động (passively) khả năng đón nhận các ân huệ thiêng liêng; chủ động (actively) khả năng trao ban các ân huệ thiêng liêng cho người khác. x. Thomas Aquinas, ST III, q. 62, a. 4.