Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên B

Cảnh Giác Của Cải

Khôn ngoan là giá trị cao quý nhất trong đời sống con người được phụng vụ hôm nay trình bày qua hai Bài Đọc 1 và 3.  Bài Đọc 1 tường thuật câu chuyện vua Salômon cầu xin Thiên Chúa khôn ngoan, như trong một câu chuyện thần tiên, nhà vua được Thiên Chúa cho làm điều ước, muốn gì cứ xin (x. Kn 7,7-11).  Đức vua không màng đến các giá trị trần thế nhưng đã cầu xin Thiên Chúa cho mình đức khôn ngoan.   Đức vua quý trọng sự khôn ngoan hơn cả vương trượng, ngai vàng, trân châu bảo ngọc, hơn sức khỏe và sắc đẹp.  Tất cả chỉ là cát bụi so với khôn ngoan. 

Khôn ngoan là ánh sáng không tàn lụi.  Giá trị của khôn ngoan không nằm trong vật chất, đức vua cầu xin một giá trị vĩnh hằng. “Tôi đã cầu xin và sự khôn ngoan đã được ban cho tôi và cùng với sự khôn ngoan của cải đã đến với tôi” (c. 11).  Bản văn như một lời mời gọi những ai có trách nhiệm lãnh đạo phải biết đặt cao lý tưởng của chức vụ, biết sử dụng của cải vật chất, quyền bính để phục vụ công ích.  Vua Salômon tìm đức hạnh hơn tìm vật chất, ông tương đối hóa giá trị vật chất, đặt vật chất vào đúng chỗ của nó.  Ông xin sự khôn ngoan, để quản trị vật chất.

Trình thuật một thanh niên đi tìm sự hoàn hảo theo Bài Tin Mừng (Mc 10,17-30), anh đã khá thành công trong cuộc đời, có tài sản kếch xù và đầy lòng đạo đức vì anh đã giữ đúng tất cả những gì Luật Môsê dạy từ thời niên thiếu, tuy nhiên của cải vật chất và việc tuân giữ lề luật cũng không làm cho anh thỏa mãn, anh ao ước một điều gì đó cao hơn nữa, một điều gì đó mà vật chất không đem lại được.  Anh chạy đến và quỳ trước mặt Đức Giêsu và xin lời cố vấn: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?   Câu hỏi của anh diễn đạt chính xác mối liên hệ giữa việc làm hôm nay và sự sống ngày mai, một quan niệm nhân quả, tuy không nói ra nhưng anh nhận thấy vật chất không làm anh hài lòng, vật chất có giới hạn, vật chất không phải là tiên là phật như quan niệm bình dân ‘có tiền mua tiên cũng được’, anh đi tìm một giá trị vĩnh hằng.  Mấy ai đã hiểu được như anh !

Sự hăm hở và lòng nhiệt thành trong tim anh như tối sầm lại khi nghe Đức Giêsu trả lời: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo”.  Điều này cũng chưa quan trọng bằng lời nói tiếp theo: “Rồi hãy đến đây theo tôi” (Mc 10,17-30).  Một sự thách đố thật sự, bỏ cái trước mắt đang nằm trong tầm tay đi tìm cái viễn vông sao!  Thật khắc nghiệt, Đức Giêsu ra điều kiện khắt khe cho những ai muốn theo Người.  Sự kiện này cho thấy Đức Giêsu là đấng cầm cân nẩy mực luật lệ luân lý chứ không phải con người, chính Người mới là Đấng nhân lành ra phán quyết điều nào lành, điều nào dữ. Thiên Chúa là quy tắc luân lý mà con người cần tham chiếu cho đời sống luân lý của mình.

Chỗ đứng của vật chất. Khi nói những lời nầy Đức Giêsu muốn người thanh niên giàu có cắt đứt mối quan hệ ‘con người và tiền bạc’, mối quan hệ này thường thống trị con người, cản trở con người gặp gỡ anh em mình, và ngăn cản gặp gỡ Thiên Chúa; Người đề nghị với anh một quan hệ mới ‘con người và người nghèo’, khi làm được hai điều này thì mối quan hệ thứ ba là ‘con người và Thiên Chúa’, được thiết lập hài hòa. 

Và đó là sự khôn ngoan lo tìm kiếm “kho tàng trên trời”, tức là sự sống đời đời.  Ba mối quan hệ này liên thông với nhau, đan quyện và ảnh hưởng lên nhau, theo một bậc thang giá trị từ thấp lên cao: vật chất, con người, Thiên Chúa.  Làm đảo lộn trật tự này con người trở thành nô lệ cho vật chất, không đến được với Thiên Chúa.  Vật chất có chỗ đứng và giá trị nhất định của nó, nhưng không thế chỗ Thiên Chúa được.  Khi vật chất thế chỗ thượng đế, nó trở nên thần ‘Mam-mon’.

Đức khôn ngoan soi sáng con người biết lấy vật chất phục vụ con người, và chóp đỉnh là phục vụ Thiên Chúa.  Đó là sự khôn ngoan mà thánh Phanxicô Khó khăn chọn cho mình bằng từ bỏ tất cả gia tài sản nghiệp của cha mẹ để bước theo Bà Chúa Nghèo, rồi tự do phục vụ người cùng đinh xã hội; đó cũng là lý tưởng được mẹ Têrêxa Calcutta triệt để thi hành trên đất Ấn độ cho những người bị bỏ rơi.  Như thế các vị thánh nầy đã thế chân chàng thanh niên giàu có khi anh sa sầm nét mặt và quay lưng lại trước lời mời gọi của Đức Giêsu.  Các ngài cũng đã sống và thi hành sự khôn ngoan mà vua Salômon cầu xin.

Các Bài Đọc nầy đề cao cảnh giác sự nguy hiểm của tiền bạc, thật ra vật chất có thể đem lại cho con người sự phồn thịnh và tiện nghi, nhưng cũng biến con người  trở nên cồng kềnh, cản bước tiến đi vào Nước Thiên Chúa, như “lạc đà chui qua lỗ kim”.  Khó khăn không thể vượt qua đối với sức lực con người, thì vẫn có thể được đối với Thiên Chúa.  Như vậy việc vào Nước Trời là điều không do vật chất hay nổ lực của con người đem lại nhưng là do ân sủng Chúa ban, do sự khôn ngoan của con người biết quản lý vật chất.  Của cải là đầy tớ, chứ không là ông chủ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con luôn bị chi phối bởi tiền bạc, xin cho con biết khôn ngoan sử dụng của cải vật chất và đặt nó làm đầy tớ biết vâng lời, chứ không tôn trọng nó như một ông chủ ra lệnh. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(09/10/2021) KONTUM