Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên B

Sự thương khó của Đức Giêsu được Phụng vụ hôm nay nói đến, một trích đọan trong sách tiên tri Isaia làm nên tổng thể “Bài thương khó theo tiên tri Isaia”, người ta thường gọi như vậy.  Bởi vì những gì vị tiên tri này nói về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa thì được ứng nghiệm nơi bản thân Đức Giêsu.  Ngôn sứ Isaia nổi tiếng qua 4 bài ca nói về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa (x. Isaia 42;49;50;53), tất cả dệt nên bài tường thuật về Con Người và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, thật ra bốn bài ca nầy là những lời sấm phán ra trước thời Đức Giêsu chừng sáu trăm năm. Những lời sấm này diễn tả nhân cách, chương trình cuộc sống và công trình cứu độ của Đức Giêsu.

Bài Tin mừng tường thuật: đang khi Thầy trò trên đường đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu báo tin buồn lần thứ ba về cuộc khổ nạn của Người một cách rõ rệt hơn và chi tiết hơn. “Người sẽ bị nộp cho thượng tế…, bị án tử hình, bị nộp cho ngoại bang, bị nhạo báng, khạc nhổ đánh đòn và giết đi. Và ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.  Tuy nhiên lời cảnh báo này không mấy ảnh hưởng đến các tông đồ vì họ đang tranh cãi nhau về chỗ ngồi, về việc ai làm lớn, điều này chứng tỏ rằng các môn đệ của Đức Giêsu không hiểu gì bao nhiêu về kế họach cứu chuộc của Thầy mình sẽ được thực hiện bằng con đường tử nạn mà Thầy sắp bước vào. 

Sự vô cảm nầy cho thấy người đi theo tôn giáo cũng có khi bị khuynh đảo bởi những ước muốn rất trần thế như danh vọng, chức quyền và kinh tế.  Chịu ảnh hưởng bởi thuyết Mêsia trần thế sai lạc, các tông đồ quan niệm đấng cứu tinh phải là người có quyền thế, có sức mạnh quân sự để đàn áp và chiến thắng địch thù của Ítraen, và môn đệ của Đức Giêsu cũng lờ mờ nhận thấy nơi Thầy của họ những yếu tố vương quyền nào đó, nên họ đã khéo vẽ ra trong tâm trí bức tranh triều đình, trong đó họ ao ước một ghế ngồi cao trọng. 

Cho nên việc xin xỏ của hai anh em Giacôbê và Gioan đã xảy đến không đúng lúc : “Xin cho hai anh em chúng con đây, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (x. Bài Tin Mừng.Mc 10,35-45).  Tâm trạng này cũng là tâm trạng chung nơi các tông đồ khác, vì khi “nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và Gioan” (c. 41).   Họ ganh tỵ nhau !  Óai ăm thay! lời cầu xin này được thốt ra khi Đức Giêsu đang trên đường đi chịu nạn.

Điều trái khoáy, chén đắng mà hai môn đệ hứa sẽ uống, thì hai kẻ bị đóng đinh bên hữu và bên tả Đức Giêsu lại nốc cạn, hai tên ăn trộm, chứ không phải là hai môn đệ.  Vụ việc nầy không phải là phần thưởng hay danh dự, nhưng muốn nói lên Đấng Cứu Tinh liên đới với phường đạo tặc, bị đặt ra ngoài lề xã hội, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã loan báo.  Đó là phương thế Thiên Chúa đã dùng để cứu độ muôn dân.  Đức Giêsu dùng chính sự đau khổ và cái chết của mình để thực hiện ý định cứu chuộc thế gian.  Phương thế Thiên Chúa dùng vượt hẳn trí khôn loài người !

Lạ lùng thay, mầu nhiệm cứu độ !  Con đường tình yêu của Đức Giêsu đi trùng lập với đau khổ Người chịu, hay nói đúng hơn tình yêu đi trên con đường đau khổ, mang lấy gương mặt của đau khổ, tình yêu đồng nhất với đau khổ, một hình ảnh giúp hiểu sự trùng lập nầy: Người mẹ càng yêu con càng đau khổ thức trắng đêm bên giường bệnh của con, người mẹ chấp nhận chịu đau khổ vì con nhưng không đi tìm đau khổ  cho mình.

Khi suy gẫm Đàng thánh giá, tôn thờ Thánh giá Chúa vào chiều thứ Sáu thánh, hôn chân tượng Chuộc tội, chúng ta tôn vinh tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa, chứ không tôn vinh đau khổ, nhưng vì có sự trùng lập tình yêu và đau khổ, nên khi suy niệm tình yêu chúng ta chiêm niệm sự đau khổ mà Đức Giêsu dùng để cứu chuộc chúng ta. 

Người Kitô hữu không phải là giới bệnh hoạn yêu thích đau khổ, nhưng họ chấp nhận đau khổ của Đức Giêsu vì Người đã dùng đau khổ như phương dược cứu chuộc nhân loại.  Người tín hữu sẽ khắc khoải tìm lời giải đáp cho vấn đề sự Dữ đến trọn đời, khi lâm vào khổ đau trong cuộc trần thế.

Thật sự đau khổ là mầu nhiệm khó tìm được lời giải đáp thỏa đáng trên bình diện triết học và thần học, cũng thế, khi con người muốn tìm đáp án cho tình yêu điên rồ của Thiên Chúa chết trên thập giá.  Dữ là tên gọi chung các đau khổ, người ta không tìm được định nghĩa tích cực của sự dữ, bởi vì sự dữ chỉ là vắng bóng sự hoàn thiện, người ta có thể mô tả làm thế nào (le comment) sự ác xảy ra, nhưng không trả lời được tại sao (le pourquoi) lại có sự ác hiện diện.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đón nhận những đau khổ trong cuộc đời và hiệp thông với đau khổ của Chúa để nên nguồn ơn cứu rỗi cho chúng con. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(16/10/2021) KONTUM