Các Tật Xấu Và Các Đức Hạnh Ở Trường Học Của Đức Phanxicô: Đức Dũng Cảm Và Sự Thiếu Kiên Định (P1)

Trong cuốn sách trao đổi được thực hiện với linh mục Marco Pozza, tuyên úy nhà tù Pađua, Ý (Pape François, Vices et vertus. Entretiens avec Marco Pozza, Edb, juin 2021), Đức Phanxicô trở lại với bảy đức hạnh dẫn đến ơn cứu độ và bảy tật xấu tương ứng với bảy đức hạnh và đưa tới sự hư vong. Đức Thánh Cha giải thích : « Có những người đầy đức hạnh, có những người lắm tật xấu, nhưng đa số trong chúng ta là trộn lẫn đức hạnh và tật xấu ». « Một số người được ban cho một đức hạnh, nhưng có một điểm yếu. Bởi vì tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương ». Hôm nay, chúng ta dừng lại ở đức dũng cảm và tật thiếu kiên định.

Thường bị hiểu sai, đức dũng cảm (sức mạnh, can đảm) hoàn toàn trái ngược với sự tàn bạo hay thói kiêu ngạo về tư tưởng. Đó không phải là sức mạnh không do dự sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề nhưng là sức mạnh giúp đảm nhận và chịu đựng, mà không sợ hãi hay nản lòng. Đức Phanxicô nói trong cuốn sách « Vices et Vertus » : « Ơn sức mạnh là khả năng đứng dậy. Hoặc để mình được giúp đỡ để đứng dậy ».

Thật không may, trên con đường của mình, đức dũng cảm tìm thấy người chị em tật xấu của mình là tật thiếu kiên định. Đức Thánh Cha nói rõ : « Tật thiếu kiên định là chữ « nhưng » này. Luôn luôn có như một cái phanh : ngày mai tôi sẽ làm điều đó ngày mai…Đó là một chuỗi « nhưng, nhưng, nhưng » hay « ngày mai, ngày mai, ngày mai »… ». « Nhưng chuỗi ‘không phải hôm nay, có lẽ ngày mai’ này làm cho cuộc sống suy yếu đi : sự thiếu kiên định dẫn đến sự yếu kém của tự do và kẻ thiếu kiên định kết thúc trong tay của các tật xấu đang thống trị mình ».  Người thiếu kiên định sẽ không tiến tới, họ không có can đảm để thực hiện ý muốn hay lý tưởng và biến chúng thành cụ thể hôm nay.

Làm thế nào sống đức dũng cảm trong Giáo hội ? Đức Phanxicô nói : « Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần ơn ngôn sứ đích thực. Và ơn ngôn sứ đích thực là rất cụ thể : những con người mà, qua chứng tá của họ, cho thấy rằng Tin Mừng là khả thi ». « Sức mạnh của ngôn sứ là khả năng nói những điều mạnh mẽ khi cần thiết, khóc thương một dân đã từ bỏ việc phụng sự chân lý, cầu nguyện bằng cách nhìn vào ánh mắt của Thiên Chúa ». Như thế, mỗi người chúng ta được mời gọi  trở thành một viên đá sống động của Chúa Kitô, như Simon đã được đổi thành Phêrô. Đức Thánh Cha kết luận : « Sự thiếu kiên định – sự kiện nhượng bộ cho sự nản lòng,  đánh mất cái nhìn tổng thể về cuộc sống, sống trong những ngăn chật kín – là tật xấu ngăn cản chúng ta thực thi ơn ngôn sứ của chúng ta ».

Tý Linh
(theo aleteia.org)
Nguồn: xuuanbichvietnam
WGPKT(31/08/2021) KONTUM