Bài Giảng Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2023

 

BÀI GIẢNG LỄ KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT 2023

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH 16/04/2023

 

Trọng kính Đức Cha Giáo phận,

Cha Tổng đại diện, quý Cha quản hạt, quý Cha linh hướng, quý Cha đồng tế,

quý thầy phó tế, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em.

 

Chúng ta biết vào ngày 30/04/2000, nhân dịp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho nữ tu Faustina, đồng thời ngài cũng thiết lập Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Phục Sinh là lễ kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với con người. Lễ này cũng kính nhớ việc Đức Giêsu tỏ cho Thánh Tôma thấy cạnh nương long của Chúa, nơi nước và máu chảy ra khơi nguồn ân sủng và ơn cứu độ cho con người. Đó chính là lý do mà hôm nay con cái trong toàn giáo phận chúng ta quy tụ về Tòa Giám mục Kon tum là nhà mẹ của giáo phận chúng ta, trong năm củng cố sự hiệp thông, để chúng ta cùng với Đức Cha giáo phận và quý Cha mừng trọng thể lễ kính Lòng Thương Xót Chúa.

Khi nói tới lòng thương xót của Thiên Chúa thì chúng ta thấy Tiên tri Sôphônia và Thánh Phaolô kêu gọi tâm tình của chúng ta trước hết hãy vui lên, anh em hãy vui lên trong Niềm Vui của Thiên Chúa. Anh em hãy nức lòng phấn khởi, vì Thiên Chúa đã bày tỏ bày “Lòng Xót Thương vô biên” của Người cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót đang ở giữa chúng ta. Người lấy tình thương của Người mà đổi mới chúng ta. Vì thế mà Tiên tri Giêrêmia đã phải vang lên:“Ép-ra-im có phải là đứa con Ta yêu dấu, Một đứa con Ta rất mực yêu mến? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều” (Jeremiah 31:20).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Thiên Chúa là Cha yêu thương chăm sóc dân riêng của Ngài như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Thiên Chúa như mục tử tốt lành dẫn đàn chiên tới nguồn suối chỗ nghỉ ngơi. Ngài như người Cha luôn ở cạnh con cái để nâng đỡ, bảo vệ và phù trợ: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương những ai kính sợ Ngài (Tv 103,13)”.

Thiên Chúa không chỉ là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót, nhưng Ngài còn được gọi là Đấng luôn luôn trung thành, như lời Thánh Vịnh 86 diễn tả: “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín (Tv 86,15).

Tình thương và lòng nhân hậu ấy được thể hiện cụ thể nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ngài chạnh lòng thương đám đông dân chúng vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (x.Mt 9,36). Ngài mở mắt cho người mù được thấy, chữa kẻ câm nói được, cho người điếc nghe được, kẻ bị phong cùi được lành sạch… Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn chúc lành cho các trẻ nhỏ; nâng đỡ những người kẻ cô nhi góa phụ… Như người mục tử, Ngài chăm sóc cho từng con chiên: Con nào bị lạc, Ngài dẫn đưa về. Ngài xót thương các bà mẹ thành Giêrusalem “đừng than khóc Ta nhưng hãy than khóc con cháu các ngươi”; Ngài xót thương những kẻ đã làm hại mình, vì “họ không biết việc họ làm”. Ðỉnh cao của lòng thương xót đó là ơn tha tội và ban thưởng hạnh phúc trường sinh: “Ngay đêm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Chính điểm này mà trong dịp giảng tĩnh tâm Giáo triều Rôma, Ðức cố hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nêu ra 10 điểm khiếm khuyết của Chúa Giêsu, trong đó có sự hay quên: chỉ một câu nói thành thật với chính mình của tên trộm lành mà Chúa đã quên cả quá khứ tội lỗi của anh ấy. Chỉ cần thấy bóng dáng thằng con bất hiếu bỏ nhà đi hoang nay thất thểu trở về là người cha đã quên hết quá khứ đi hoang của nó. Lòng thương xót của Thiên Chúa là vậy. Một vì Thiên Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung đến nổi thánh vương Ðavít đã phải thốt lên: “Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững được”. Tình yêu Chúa cao hơn tội lỗi của con người, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi của chúng ta: “Cho dù tội lỗi của các ngươi có đỏ như son, thì Ta cũng sẽ tẩy trắng như tuyết”.

Có một câu chuyện kể rằng: Có một vị linh mục là một người rất yêu mến Chúa, một hôm nghe nói có một phụ nữ trong giáo xứ hay được tiếp xúc và nói chuyện với Chúa qua giấc mộng. Để tìm hiểu thực hư thế nào, vị linh mục đó liền nói với chị: Chị ơi, chị có thể hỏi Chúa xem thử tôi đã phạm tội gì không? Chị ấy đã nhận lời. Thế rồi cha xứ ăn không được ngủ không ngon, không biết lỡ Chúa có nói ra những tội của mình…Thế là mấy ngày sau gặp lại, vị linh mục đã hỏi bà là Chúa đã nói gì? Bà trả lời: Chúa nói rằng: Ta chẳng còn nhớ gì nữa!

Bài Phúc âm hôm nay cũng cho chúng ta thấy khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra: nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần; nơi các tông đồ hèn nhát bỏ chạy nơi vườn Giệtsêmani; nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng minh nhiên và cụ thể. Nhưng Chúa đâu trách tội các ông. Chúa chỉ nói bình an cho anh em.

Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh là ngày Đại lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi đã tuôn trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Chúa đã mặc khải cho thánh nữ Faustina về Thánh Tâm Nhân Lành Chúa Giêsu và chọn gọi thánh nữ trở thành một khí cụ của Lòng Thương Xót chữa lành của Chúa. Ngài đã phán với Thánh nữ: “Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân  tuất của Cha (x. NK 588). Và vào ngày Đại lễ của Cha, ngày lễ kính Lòng Thương Xót Cha, con hãy rảo khắp thế giới và đem các linh hồn đang lả mệt về với suối nguồn thương xót của Cha. Cha sẽ chữa lành và bổ túc cho họ (NK 206).

Như vậy, lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa là lễ của niềm vui vì được nhận ra tình thương của Chúa vẫn ấp ủ và theo sát chúng ta trên mọi nẻo đường. Vì Ngài biết rõ ràng và tường tận nỗi đau đớn của từng người chúng ta đang gánh chịu. Ngài sẽ mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta, để ta được chữa lành. Vì thế, Theo đức Thánh Cha Phanxico: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc… không bỏ ai lại phía sau, đó chính là cũng cố sự hiệp thông, hiệp hành và tham gia sứ vụ” (x.Misericordiae số 15). Ngài muốn chúng ta phải đi đến tận cùng rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, Vì lòng thương xót sẽ làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17-03-201). 

Vậy, chúng ta hãy vững lòng tin tưởng đến với lòng thương xót của Chúa, hầu nhận lãnh những ân phúc thiêng liêng từ cạnh sườn nương long Chúa. Hãy dìm mình trong đại dương ân sủng Chúa để được bảo vệ và chữa lành.

Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa. Vì ngoài lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa lòng tín thác của mỗi chúng con, hôm nay và mãi mãi. Chúng con tin tưởng rằng: “một đức tin nhỏ sẽ dẫn chúng con vào Thiên đàng, còn một đức tin lớn sẽ đưa cả thiên đàng vào trong tâm hồn chúng con”. Amen.

 

Lm Micae Trần Phúc Ca, SVD

 

Mời bấm mũi tên nghe audio :

WGPKT(17/04/2023) KONTUM