Lịch Sử Và Ý Nghĩa “Kinh Tin Kinh”

KINH TIN KÍNH: LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA

Dấu để nhận biết giữa các kitô hữu, bản tuyên xưng đức tin này đã được soạn thảo dần dần, trả lời cho những câu hỏi giáo thuyết căn bản.

Tại sao có một Kinh Tin Kính (Crédo)?

Đối với các kitô hữu, Kinh Tin Kính là một dấu để nhận biết nhau. Một “mật hiệu” (mot de passé), Rufin d’Aquilée đã viết như thế (khoảng năm 345-410). Vả lại, Kinh Tin Kính cũng là “biểu tượng” (symbole) : từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp – syn-ballein, đặt cùng nhau, hợp lại – , từ ban đầu ám chỉ một sự vật (đồ gốm, nhẫn hay tấm ván) được bao gồm hai phần có thể thích nghi và cùng làm dấu nhận biết nhau. Thần học gia J. Ratzinger giải thích: “Mỗi người chỉ giữ đức tin như là một “biểu tượng”, như là một phần không đầy đủ và vỡ, mà chỉ có thể tìm thấy sự hiệp nhất và toàn vẹn của nó khi kết hợp với những người khácĐể thực hiện “symballein”, sự kết hiệp, với Thiên Chúa, cần thiết phải trải qua “symballein”, sự kết hiệp với những người khác. Đức tin đòi hỏi sự hiệp nhất, nó đòi hỏi các anh chị em trong đức tin, nó chủ yếu được hướng đến Giáo Hội”. Vì thế, Kinh Tin Kính vừa có một chức năng tuyên xưng (một chứng tá đức tin) vừa có một chức năng giáo thuyết (diễn tả vắn tắt đức tin). Suốt dòng lịch sử, có nhiều công thức hoặc thuộc loại tuyên xưng, trong mối liên hệ với những thực hành của phép rửa, hoặc thuộc loại giáo thuyết, để xác định đức tin chính thống đối với những giáo thuyết lạc giáo.

Nó được hình thành như thế nào?

Từ ban đầu, việc rao giảng của các kitô hữu đầu tiên đã dựa vào một lời rao giảng tương đối đơn giản, kerygma (từ tiếng Hy Lạp kerugma, “ công bố thật to”) tuyên xưng rằng Chúa Giêsu, Đấng Messia (Đấng được xức dầu tấn phong) và là Con Thiên Chúa, đã phục sinh. Qua các thế kỳ, để trả lời cho những câu hỏi của những người tân tong, công thức này được làm phong phú thêm và đã tiến triển đến những công thức về Chúa Ba Ngôi, đưa vào những giải thích về Thiên Chúa là Cha và về Chúa Thánh Thần. Vào thời đó, loại công thức vắn tắt đức tin này, vẫn còn được gắn với những thực hành phép rửa, có thể thay đổi tùy theo các Giáo Hội địa phương.

Vì thế, ở Rôma, truyền thống tiến triển dần dần. “Con có tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng không? Con có tin vào Chúa Giêsu-Kitô là Con Thiên Chúa không? Con có tin vào Chúa Thánh Thần không?”, người ta hỏi liên tiếp như thế đối với các dự tong, phù hợp với lệnh truyền Tin mừng làm phép rửa “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Vào thế kỷ II và III, công thức đối thoại này được bổ sung thêm để cho phép người mới chịu phép rửa xác định rõ việc Chúa Kitô là ai đối với người kitô hữu.

Như thế, người ta đi đến bản văn do Hippolyte de Rome trình bày trong cuốn Truyền thống tông đồ, mà vào thế kỷ thứ IV đã mất đi hình thức hỏi thưa của nó. Vì vị trí của Giáo Hội Rôma, bản tuyên xưng đức tin này được lan rộng nhanh chóng ở Tây Phương, với một ít sửa đổi: vào thế kỷ thứ VII, Chúa Cha được tuyên xưng là “Đấng Tạo Thành trời đất”, đang khi mà việc “xuống ngục tổ tông” của Chúa Kitô, các thánh thông công và sự sống đời đời được nhắc lại. Vào đầu thế kỷ thứ VII, thánh Césaire d’Arles như thế có thể trích dẫn một Kinh Tin Kính rất giống với Kinh Tin Kính mà hoàng đế Charlemagne sẽ áp đặt cho vương quốc của mình một thế kỷ sau và Tín Biểu (Symbole) của các Tông đồ đến trực tiếp từ đó. Tín Biểu (hay Kinh Tin Kính) này mang một cái tên từ một truyền thuyết, xuất hiện từ thế kỷ thứ V, theo đó mỗi một mười hai khoản của Kinh Tin Kinh đã được sáng tác bởi một Tông đồ khác nhau.

Tại sao có hai Kinh Tin Kính?

Vào năm 1439, các vị đại diện Rôma ở công đồng Florence đã kinh ngạc khám phá rằng những người Hy Lạp hoàn toàn không biết đến Tín Biểu của các Tông đồ. Quả thế, Đông Phương kitô giáo đã có một bản văn khác trong truyền thống của mình: Tín Biểu của công đồng Nicée-Constantinople. Tín Biểu này xuất thân từ những tranh cãi về giáo thuyết đã làm rung động kitô giới vào thế kỷ thứ IV và V, xung quanh hai vấn nạn căn bản: làm sao Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, chính Ngài lại là Thiên Chúa, và làm sao phân biệt Chúa Cha và Chúa Con mà không chối bỏ nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu?

Giai đoạn đầu tiên của công thức Kinh Tin Kính này là vào năm 325, ở công đồng Nicée: lúc đó vấn đề là trả lời cho lạc giáo Ariô cho rằng Con là một thụ tạo của Chúa Cha mà Con phụ thuộc. Trong công việc của mình, công đồng chung đầu tiên được xây dựng trên một bản văn do Eusèbe de Césarée đưa ra (có lẽ là bản tuyên xưng đức tin phép rửa đang được dùng ở Giáo Hội Giêrusalem) mà nó xem lại bằng việc làm rõ rằng Chúa Con và Chúa Cha là “đồng bản thể”. Vào năm 381, công đồng Constantinople một lần nữa làm rõ bản văn này bằng việc nhắc lại thần tính tròn đầy của Chúa Giêsu.

Trọng tâm của đức tin (Kerygma)

 “Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo như lời Kinh Thánh, Ngài được mai tang trong mồ; ngày thứ ba Ngài đã phục sinh như lời Kinh Thánh; Ngài đã hiện ra với Phêrô, rồi với nhóm Mười Hai” (1Cor 15).

Công thức phép rửa

“Truyền thống tông đồ” của Hippolyte (thế kỷ thứ III):

“- Con có tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng không?

– Con tin.

– Con có tin vào Chúa Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, được sinh ra bởi Thánh Thần của Đức Trinh Nữ Maria, đã bị đóng đinh dưới thời Phongxio Philatô, đã chết, đã phục sinh ngày thứ ba sống giữa kẻ chết, đã lên trời và đang ngự bên hữu Chúa Cha; Ngài sẽ trở lại phán xét kẻ sống và kẻ chết không?

– Con tin.

– Con có tin vào Chúa Thánh Thần và Hội Thánh và sự phục sinh của thân xác không?

– Con tin”.

Tín Biểu của Eusèbe de Césarée :

« Và (chúng tôi tin) một Chúa duy nhất Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Sự Sống bởi Sự Sống, Con, độc nhất được sinh ra, Trưởng Tử của mọi thọ tạo, được Chúa Cha sinh ra từ trước muôn đời, nhờ Ngài mọi sự được tạo thành, mà,  vì phần rỗi của chúng tôi đã nhập thể, đã chia sẻ cuộc sống của con người, đã đau khổ, đã phục sinh ngày thứ ba, đã lên trời bên Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang phán xét kẻ sống và kẻ chết ».

Tín Biểu (Kinh Tin Kính) của các Tông Đồ (thế kỷ thứ VIII)

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Tín Biểu (Kinh Tin Kính) Nicée-Constantinople (325-381)

Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Ðấng tạo thàn trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Thiên Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Ðức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Ngươi đã nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi; chịu khổ hình và mai táng đời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Ðức Chúa Cha. Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban Sự Sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, Người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Ðức Chúa Cha và Dức Chúa Con, Người đã dùn gcác tiên tri mà phán dạy. Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một phép rửa tội để tha tội. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen

 Từ vựng

Filioque

Vào năm 589, công đồng Tolède thứ III đã thêm từ “Filioque” (và Chúa Con) vào Kinh Tin Kính Nicée-Constantinople: Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha “và Chúa Con” mà ra. Vấn đề lúc đó là chống lại lạc giáo Ariô muốn giảm thiểu vị trí của Chúa Con trong Ba Ngôi. Việc thêm vào này dần dần được mở rộng nơi toàn bộ lãnh thổ của người Franc. Vào năm 867, Đức Thượng Phụ Photius của Constantinople đã kết án việc đưa công thức “Filioque” này vào Kinh Tin Kính. Chỉ vào năm 1014, dưới áp lực của hoàng đế Henri II mà Đức Thánh Cha Bênêđictô VIII đã chính thức gộp từ “Filioque” vào Kinh Tin Kính. Cuốc tranh cãi về “Filioque” được thổi bùng đến độ vào năm 1054, các Đức giáo hoang Lêo IX và Đức Thượng Phụ Michel Cérulaire của Constantinople đã ra vạ tuyệt thông lẫn nhau. Mãi đến thời Đức Phaolô VI mà hai bên mới giải vạ cho nhau.

Homoousios

Vào năm 325, để chống lại những người tuyên xưng rằng bản tính của Chúa Con là “khác” với bản tính của Chúa Cha (an-homoios) cũng như chống lại những người chủ trương rằng các Ngài có bản thể tương tự nhưng không giống nhau (homoiousios), công đồng Nicée đã dùng từ Hy Lạp homoousios vừa diễn tả sự duy nhất và giống nhau về bản thể. Từ ngữ này được dịch sang tiếng Latinh là consubstantialis (đồng bản thể).

Lm. Võ Xuân Tiến
Theo La Croix, số thứ Bảy và Chúa Nhật 17-18/01/2009, tr.12.
WGPKT(28/08/2021) KONTUM