DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG II
Cha Combes và Cha Fontaine
Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”
-
P. DOURISBOURE (MEP)
Biên dịch: TGM Kontum
Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)
Youtube: Chủng Sinh TV
DÂN LÀNG HỒ
HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ
MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM
Nguyên tác
“LES SAUVAGES BAHNARS”
-
DOURISBOURE
De la Société des Missions Étrangères
– PARIS 1929 –
Giáo Phận Kontum
Tái bản lần thứ hai
– 2008 –
CHƯƠNG II
CHA COMBES VÀ CHA FONTAINE
Cha Combes và Cha Fontaine là hai vị thừa sai đầu tiên được phái đi truyền giáo cho người dân tộc Ba Na. Cha Combes thuộc Giáo Phận Alby. Thụ phong linh mục khi còn rất trẻ tại Chủng Viện của Hội Thừa Sai Paris, Cha Combes được phái sang Địa phận Đông Đàng Trong vào năm 1849, với sứ mạng chuyên biệt là truyền giáo cho các dân tộc thiểu số. Tuy rất trẻ nhưng Cha Combes đã có dáng vẻ nghiêm nghị của tuổi chín chắn. Vững chắc hơn là xuất sắc, tài nhận xét nhiều hơn là trí tưởng tượng, trong mọi việc, ngài tỏ rất tinh ý khiến người ta dễ lầm tưởng rằng ngài đã được luyện tập xử lý công việc trong thời gian dài. Hơn nữa, vì ngài rất đạo đức, mà đạo đức thường là hiền hậu và dễ thương, cho nên sự vui vẻ, hồn nhiên của Cha làm vui thích tất cả những ai từng có diễm phúc sống chung với ngài. Trong những ngày ảm đạm nhất, trong những hoàn cảnh bi đát nhất, Cha không bao giờ sa sút tinh thần. Tôi còn nhớ có những lúc mà cơn phiền muộn, chán nản bắt đầu xâm nhập vào tâm hồn chúng tôi thì ngài thường mỉm cười và nói: “Dù sao vẫn cứ vui, hoan hô!” Những đề cao của tôi về người bạn đồng nghiệp yêu quý này xem ra dư thừa, bởi vì những hoạt động của Cha trong một ít năm, tuy thật vắn vỏi, nhưng có lẽ đó sẽ là những lời ca tụng ngài sống động hơn là những miêu tả dài dòng của tôi.
Cha Pierre Combes (Bê)
(1825-1857)
Quỷ dữ tiên đoán rằng một ngày kia Cha sẽ làm hại cho vương quốc của chúng nơi miền Thượng du vốn vẫn yên tĩnh cho đến lúc bấy giờ. Vì thế, chúng tìm cách trừ khử Cha ngay trước khi Cha đặt chân vào miền đất truyền giáo. Tại Singapore, đã xảy ra một cuộc gặp gỡ tiền định giữa Cha Combes và Cha Fontaine, người vừa dấn thân cho việc truyền giáo nơi các dân tộc thiểu số theo lời đề nghị của Đức Cha Cuénot sau một vài năm phục vụ tại Địa phận Tây Đàng Trong. Cả hai Cha đã cùng lên tàu sang An Nam. Nhưng đang lúc xuôi buồm thuận gió thì bất chợt chiếc thuyền bị lọt vào vòng vây của quân cướp biển Trung Hoa. Đầu tóc vàng hoe của Cha Combes khiến bọn cướp tưởng ngài là người Anh nên muốn giết ngay lập tức. Một tên trong bọn cầm gươm chém Cha một nhát trúng vào vai. Vết thương khá nặng đã để lại một vết sẹo lớn in dấu trên vai Cha cho đến cuối đời. Thế nhưng, cuối cùng, bọn cướp đã hiểu Cha là người Pháp nên tha chết cho ngài. Bọn chúng vét sạch sành sanh mọi thứ chúng tìm thấy trong thuyền. Bị trấn lột thê thảm đến nỗi vài ngày sau, khi đến trình diện với Đức Cha, hai vị thừa sai xuất hiện trong một bộ y phục gần như là người nguyên thuỷ. Thật đúng là sửa soạn dấn thân vào xứ người dân tộc!
Hai Cha Combes và Fontaine đến Tây Bắc Trung Châu (Bình Định) chưa được vài tháng thì Thầy Sáu Do từ miền dân tộc về trình báo cho Đức Cha kết quả công việc khảo sát của Thầy. Như đã đề cập ở trên, theo lời trình báo của Thầy Sáu Do, con đường phía Bắc xem ra được Đức Cha tán đồng, mặc dù lộ trình ấy băng qua nhiều núi cao, nhiều vực sâu hiểm trở và nhiều thú dữ. Với lòng tin đơn sơ của mình, Thầy Sáu của chúng ta thường nói: “Cọp và voi sẽ thương xót chúng ta hơn là anh em đồng loại chúng ta!” Thế nhưng, hướng đi này sẽ dẫn ta đến một ngôi làng mút cùng của người Kinh nằm sát biên giới gọi là Trạm Gò. Đức Cha Cuénot hiểu rõ sự cần thiết của việc thiết lập tại nơi đây một cơ sở nhỏ cho giáo dân cư trú, ít ra nó có thể được dùng làm trạm dừng chân cho các nhà truyền giáo khi đi từ các làng dân tộc trở về Trung Châu hoặc từ đó muốn lên xứ dân tộc. Vì thế, Đức Cha liền cho xây dựng một ngôi nhà và đưa lên đó một vài giáo dân đáng tin cậy. Trạm Gò là một làng hoàn toàn ngoại giáo nên không mong chờ sự trợ giúp của ai được, trái lại còn phải sợ bị phản bội nữa. Nhưng trong số giáo dân được đưa lên cư trú ở đây, có một thầy lang rất trí thức và giàu kinh nghiệm. Sự tận tâm, tận lực của ông trong việc chăm sóc những người đau yếu bênh tật trong làng, thêm vào đó, hạnh kiểm không ngừng chói sáng của tất cả anh chị em giáo dân bạn bè của ông đã dần dần gây được cảm tình nơi người địa phương. Và nếu sau này cuộc bắt Đạo khốc liệt của quan quân có lan tràn tới đây và cơ sở Công giáo này có bị triệt hạ đi nữa thì dân làng Trạm Gò cũng chẳng có lỗi gì!
Trong khi ngôi nhà ở Trạm Gò đang được xây cất thì Thầy Sáu Do, nghe theo lời Đức Cha Cuénot, cũng mua được một giấy phép buôn bán tại các làng dân tộc ở gần các làng của người An Nam, trên đường đi tới xứ Ba Na.
Cuộc chuẩn bị đã xong, lập tức Đức Cha chỉ thị cho Cha Combes và Thầy Sáu Do lên đường. Cha Fontaine cũng được đặt cử cho việc truyền giáo nơi người dân tộc nhưng vì đây mới chỉ là cuộc đi thử nghiệm, nên Đức Cha nghĩ không cần phải gửi cả hai vị đi và ngài tạm thời giữ Cha Fontaine ở lại với ngài.
Từ Gò Thị, nơi cư trú của Đức Giám Mục, đến Trạm Gò xa ba ngày đường: hai ngày chèo ngược dòng sông và một ngày đi bộ. Khi di chuyển trên đất liền, đoàn truyền giáo phải lặn lội trong đêm tối hết sức cẩn mật. Bởi vì thời đó, chỉ cần một người Tây Phương lộ diện cũng đủ làm náo động cả xứ và như thế là hỏng việc! Tôi không thể kể nhiều chi tiết về cuộc xuất hành đầu tiên lên miền dân tộc này, vì nó không đạt được kết quả đáng kể nào và người ta cũng thuật lại cho tôi nghe rất ít. Sau này, Cha Combes vui tính thường bảo: “Đó là cuộc viễn du của bọn thỏ đế!” Điều mà tôi có thể nói thêm, đó là vì phải di chuyển ban đêm nên đoàn người đã không kịp né tránh một đàn voi cản đường. Thế là một con trong đàn đã giậm gãy sườn một thanh niên trong đoàn. Riêng Cha Combes thì bình an vô sự. Một con voi khác rượt theo Cha. Vắt chân lên cổ, Cha Combes lao về phía trước và ném lại đằng sau chiếc nón đang đội. Đột nhiên, con voi ngừng đuổi, vồ lấy và đạp nát chiếc nón, nhờ vậy Cha mới có đủ thời gian cần thiết để tìm nơi ẩn nấp an toàn.
Cuộc chạm trán ngoài ý muốn này khiến mọi người đều thất kinh hồn vía, như chính Cha Combes về sau đã thú nhận. Hơn nữa, lúc khởi hành thời tiết rất tốt, bây giờ lại trở nên quá xấu: trời mưa như thác đổ cả ngày lẫn đêm. Lượng nước dâng cao, chảy xiết qua các suối, khe, cắt ngang lộ trình của đoàn truyền giáo, khiến họ nhiều lần phải dừng lại. Bởi vì bấy giờ ở xứ này, người ta chưa biết sử dụng hệ thống cầu cống. Thế là đành phải quyết định quay về, và các nhà thám hiểm của chúng ta cảm thấy xấu hổ, khiêm tốn kể lại cho Đức Cha Cuénot lý do tại sao và làm thế nào mà công việc thất bại, nói đúng hơn là bị đình trệ như thế. Ngài thường lặp lại câu này: “Trong tiếng Pháp không có từ ‘không thể được’”. Còn Đức Cha Cuénot thì cho rằng từ ấy lại càng không xứng hợp với người tông đồ. Ngài lạnh nhạt tiếp đón những “chú thỏ đế” và nói với họ: “Vì thời tiết xấu còn kéo dài, tôi cho các vị mười lăm ngày để nghỉ ngơi; sau thời gian này, các vị sẽ lại lên đường. Và lần này, đừng có vô phúc mà quay về như vậy nữa!” Đồng thời, để đảm bảo hơn cho thành quả của cuộc thám hiểm mới, Đức Cha ra lệnh cho Cha Fontaine sửa soạn tháp tùng Cha Combes.
Mãn hạn mười lăm ngày ấn định, hai vị thừa sai, Thầy Sáu Do và một số thanh niên trong cộng đoàn lên đường đến Trạm Gò. Thầy Sáu không tán thành việc di chuyển ban đêm nữa. Nhưng, để che giấu bớt làn da trắng có thể gây trở ngại, toàn thân hai vị thừa sai được bôi thoa một lớp màu sậm, đầu đội nón lá, mình vận quần áo túm rách như những kẻ ăn mày. Nhờ thận trọng như thế mà họ vượt qua được hết lãnh thổ Bình Định để đến xứ dân tộc mà không bị phát hiện. Đàn voi không xuất hiện nữa, nhờ vậy bước đầu của cuộc hành trình đã được hoàn thành. Đó là chưa kể đến những khó nhọc vất vả và hàng vạn phiền toái do phải băng rừng, lội suối, vượt núi vì không có sẵn đường sá. Nhưng nếu cần phải kể chi tiết thì tôi thiết tưởng phải tốn biết bao giấy mực mới diễn tả hết mọi nỗi gian truân ấy.
Nơi dừng chân đầu tiên của đoàn là làng của một tên cướp gọi là Ba Ham. Ba Ham có nghĩa là “Cha của Ham”.
Theo tục lệ của các vùng này, khi một người dân tộc có đứa con đầu lòng, anh ta bỏ tên cũ của mình mà lấy một tên mới gồm có từ “cha” đứng trước tên người con. Thời ấy, Ba Ham rất lợi hại: chẳng những ai nấy trong làng đều phải nể sợ mà ngay cả người Kinh cũng phải dè chừng. Các khái niệm về công bằng, sự hiểu biết về điều hay lẽ phải mà bàn tay Đấng Tạo Hóa đã khắc sâu vào tâm thức mỗi người dường như đã bị xóa sạch nơi hắn. Hắn tàn bạo, hung dữ và hám của đến độ không chừa thứ gì của người khác khi thấy vừa ý mình; phong hoá suy đồi, gã có một lúc đến hai ba mụ vợ. Các vị thừa sai không muốn đối mặt với những người như vậy, nhưng điều đó không thể được: làng của gã nằm đúng ngay trên con đường “hành quân” của đoàn! Tuy nhiên, “trong cái rủi lại có cái may”, vì tiếng đồn về Ba Ham lan tràn khắp một vùng rộng lớn chung quanh làm cho các lái buôn người Kinh ít dám lai vãng đến, do đó đoàn “thám hiểm” không còn sợ bị phát hiện thân phận.
Không thể tránh mặt tên cướp Ba Ham được, Cha Combes và Cha Fontaine cố gắng giao hảo với gã bằng mọi cách. Các ngài đành phải lưu lại trong nhà gã gần một tháng, gã mới chấp nhận cho hai Cha ra đi. Thời gian phải ép mình lưu lại không gây ảnh hưởng đến công việc của các ngài như lúc ban đầu người ta đã từng lo sợ, bởi lẽ tên Ba Ham khủng khiếp này, xưa nay chỉ tiếp xúc với người Kinh, giờ đây lại mất tự tin khi đứng trước mấy khuôn mặt rậm râu của người Âu. Trước mặt hai nhà truyền giáo, cái nhìn kiêu hãnh của gã đột nhiên biến mất. Trong những hoàn cảnh khác, nếu gã thích cái gì là gã chiếm lấy ngay, không cần nói lý do hay cám ơn gì cả; nhưng nay đối với hai Cha, gã nhún nhường đến độ lễ phép hỏi xin, và nếu bị từ chối thì gã cũng không dám kèo nài. Tóm lại, trong lần gặp gỡ đầu tiên này, người ta nhận thấy cách xử sự của gã không có gì đáng phàn nàn cho lắm.
Trong nhiều năm sau, thậm chí cho đến khi Chúa Quan Phòng mở cho chúng tôi một lối đi khác, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi ngang qua lãnh thổ của Ba Ham, nhưng không phải lúc nào cũng được may mắn như lần đầu này. Đôi khi người ta chỉ thỏa mãn gã mà không phải tốn kém bao nhiêu; nhưng có lúc muốn đi qua thì phải cống nộp hầu hết hành lý mang theo.
Dù trong trường hợp nào đi nữa, thì tất cả các gùi cũng đều bị khám xét đến tận đáy, các gói hành trang đều bị lục tung, không chừa ngóc ngách nào, và một khi Ba Ham bằng lòng cho qua thì người ta mới thở phào nhẹ nhõm tiếp tục hành trình với những gì còn lại mà gã đã “quảng đại” buông tha.
Đoàn thám hiểm phải mất trọn một ngày đường để đi từ làng Ba Ham đến làng Bơ Lu, nơi dừng chân thứ hai mà đoàn thừa sai đã lưu lại hơn một tháng. Nếu như dân làng Ba Ham, theo gương hắn, kiêu căng, hung bạo và trộm cắp bao nhiêu thì dân làng Bơ Lu lại hiền hậu, dễ mến và hiếu khách bấy nhiêu. Một thời gian lâu sau đó, chúng tôi không còn lui tới trên con đường ấy nữa, nhưng chúng tôi không thể quên được cách đối xử thật tử tế, niềm nở mà dân làng Bơ Lu đã dành cho chúng tôi. Tôi có thể đánh giá cách hành xử ấy bằng cụm từ “đượm tình bác ái”. Họ luôn gắn bó với chúng tôi ngay cả khi hết mọi làng trong vùng đều mưu toan loại trừ chúng tôi!
Không có điều gì bất trắc khác xảy ra trong những ngày lưu trú ở Bơ Lu. Vì chính tôi không có mặt trong đoàn nên tôi không biết những chi tiết đặc biệt diễn ra mỗi ngày mà nếu kể ra, có lẽ sẽ rất thú vị.
Trạm thứ nhất mà các nhà truyền giáo đặt chân đến là làng Kon Phar, cách Bơ Lu hai ngày đường. Từ Trạm Gò đến Kon Phar, đoàn đi theo hướng Bắc, hơi lệch về phía Tây. Để đến được Kon Phar, họ đã phải vượt qua ranh giới mà chưa hề có bóng dáng thương buôn người Kinh nào hoạt động. Như vậy, đoàn đã có thể an tâm đi về hướng Tây Nam. Đến đây, họ đã bắt đầu hít bầu khí tự do, thoải mái hơn: những khó nhọc gian lao ban đầu của cuộc hành trình chẳng mấy chốc đi vào lãng quên. Ý nghĩ sắp đến được những vùng họ có thể rao giảng Phúc Âm làm tâm hồn họ tràn đầy phấn khởi. Bỗng nhiên một biến cố xảy ra do ý Chúa Quan Phòng sắp đặt, mà họ lại tưởng là thảm hoạ, làm ai nấy đều bàng hoàng kinh hãi.
(Còn tiếp)
Đọc thêm:
*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em
*DÂN LÀNG HỒ – Chương IV: Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure
*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang
WGPKT(29/11/2021) KONTUM