DÂN LÀNG HỒ- Chương VI : Hành Trình Khảo Sát Tại Kon Kơxâm – Những Nỗ Lực Của Ma Quỷ Nhằm Làm Hại Các Nhà Thừa Sai

DÂN LÀNG HỒ – CHƯƠNG V

Những Ngày Ở Kơ Lang

Nguyên tác: “LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. P. DOURISBOURE (MEP)

Biên dịch: TGM Kontum

Giọng đọc: Lm Giuse Tiến Lộc (CSsR)

Youtube: Chủng Sinh TV

 

DÂN LÀNG HỒ

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO VÀ KHAI PHÁ

MIỀN TÂY NGUYÊN KONTUM

Nguyên tác

“LES SAUVAGES BAHNARS”

  1. DOURISBOURE

De la Société des Missions Étrangères

– PARIS 1929 –

Giáo Phận Kontum

Tái bản lần thứ hai

– 2008 –

 

CHƯƠNG VI

HÀNH TRÌNH KHẢO SÁT TẠI KON KƠ XÂM – NHỮNG NỖ LỰC CỦA MA QUỶ NHẰM LÀM HẠI CÁC NHÀ THỪA SAI

 

Thoạt khi chúng tôi gặp ông Hmur ở làng Kơ Lang và biết ông từ đâu đến, chúng tôi đã vội vã hỏi xem, trong trường hợp chúng tôi đến thăm nhà ông, ông có bằng lòng đón tiếp chúng tôi hay không. Ông trả lời rằng, nếu chúng tôi muốn lưu trú tại Kon Kơ Xâm thì ông không thể cho phép mà không hỏi ý kiến già làng và dân làng trước, nhưng nếu chỉ đi chơi và có ông Bliu tháp tùng thì ông ta sẵn sàng tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng của ông một hay hai đêm. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể ước ao trong lúc này; và chúng tôi đã ấn định ngày giờ cụ thể để ông khỏi vắng nhà.

Những người dân tộc ở nơi chúng tôi đến chưa bao giờ nhìn thấy những người ngoại quốc. Để tránh làm họ sợ một cách vô ích, chúng tôi quyết định đi thành nhóm, càng ít người càng tốt, và đi đường vòng. Hai Cha Fontaine và Desgouts ở nhà; Cha Combes, tôi, cùng với Thầy Sáu Do, hai thầy giảng người Kinh và ông Bliu tạo thành đoàn lữ hành 6 người.

Từ Kơ Lang đến Kon Kơ Xâm xa chừng một ngày đường, và trên tuyến đường này có đến bảy, tám làng dân tộc, nhưng chúng tôi không vào một làng nào. Vì không còn con đường nào khác ngoài con đường mòn nối liền các làng với nhau, vì thế, nếu người ta không muốn đi theo các con đường đó thì buộc lòng phải khai thông một lối đi khác xuyên qua cỏ cao bụi rậm trong rừng. Chúng tôi đã làm như thế, và điều đó khiến cuộc hành trình trở nên vô cùng vất vả. Chiều đến, trước khi mặt trời xế bóng, chúng tôi đến gần làng Pơ Năng, cách Kon Kơ Xâm khoảng nửa giờ  đồng hồ. Làng này đang tổ chức lễ hội, dân làng vui chơi nhảy múa, có cả lễ Đâm Trâu của người Ba Na nữa. Tất cả dân làng đã tụ tập trên một sân rộng, lúc chúng tôi đi ngang qua sườn đồi bên kia làng. Ý định của chúng tôi là đi vòng bên ngoài làng để tránh như đã tránh các làng khác. Nhưng chúng tôi đã bị phát hiện và những người dân tội nghiệp này tưởng chúng tôi là kẻ địch đến đánh lén. Ngay lập tức cả làng kinh hãi, hết mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con đều thi nhau la hét hay đúng hơn là rú lên, như họ thường làm khi gặp nguy biến. Nghe thật khủng khiếp. Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi đi qua luôn và không có gì đáng lo ngại thì sự yên tĩnh đã dần dần trở lại và niềm vui, trong chốc lát bị xáo trộn, lại tiếp trục trào dâng.

Khi chúng tôi đến hàng rào bao quanh Kon Kơ Xâm thì trời đã sập tối. Cổng làng đóng kín, ông Bliu bèn gọi ông Hmur; nhưng ông này nghĩ rằng, trước khi ra gặp chúng tôi nên báo cho dân làng biết trước về sự hiện diện của chúng tôi. Tất cả đàn ông nhóm họp tại nhà rông để bàn luận xem có nên cho chúng tôi vào làng hay không. Thời đó, ông Hmur là người có uy tín nhất trong làng, vì nổi tiếng chính trực, can đảm khi chiến đấu và tài khéo léo giải quyết những vụ việc khó khăn. Ông đã ủng hộ chúng tôi và ý kiến thuận của ông mang tính quyết định trên nhiều ý kiến của những kẻ khác. Tuy nhiên, cuộc bàn cãi kéo dài và tiếng ồn ào của cuộc thảo luận khá sôi nổi thấu đến tận tai chúng tôi. Phần chúng tôi, vẫn kiên nhẫn đứng trước cổng làng còn đóng kín, chờ đợi mà không biết sự việc sẽ kết thúc ra sao. Cuối cùng, ông Hmur đã giành phần thắng, ông liền ra mở cửa dẫn chúng tôi vào nhà ông và qua đêm ở đó.

Khi đi đến Kon Kơ Xâm, chúng tôi đã gặp một con sông mà chúng tôi đã từng nghe nói đến rất nhiều. Đó là sông Dak Bla, chảy từ Bắc xuống Nam và đến Kon Kơ Xâm thì dòng sông đột ngột đổi hướng rẽ về hướng Tây. Tôi xin nói ngay rằng, con sông khi chảy đến Kon Kơ Xâm thì đã trở nên khá rộng, nhưng vì bị kẹp giữa hai dãy núi làm cho dòng nước nơi đây chảy rất xiết. Ngoại trừ mùa mưa, nước sông dâng lên rất cao, còn bình thường thì không sâu lắm.

Đã từ lâu, Đức Cha Cuénot nghe nói về một con sông chảy qua vùng dân tộc Ba Na và đổ vào con sông lớn bên Lào. Dựa theo những chỉ dẫn đó, thì kế hoạch rao giảng Tin Mừng của Đức Cha lúc đầu bao gồm một miền rộng lớn, trong đó có cả xứ Lào. Như vậy, nhiệm vụ được phân chia như sau: Cha Combes đảm trách việc truyền giáo cho dân tộc Ba Na; Cha Desgouts thiết lập một Tiểu Chủng Viện cho người An Nam; Cha Fontaine và tôi có nhiệm vụ là khi gặp con sông Dak Bla này thì kiếm thuyền mà ngược dòng đến tận Lào. Với mục tiêu ấy, Đức Cha đã gửi cho chúng tôi vài cuốn sách in ở Thái Lan để giúp chúng tôi học tiếng Lào, là ngôn ngữ không khác biệt bao nhiêu so với tiếng người ta nói ở Băngkok; và trong thời gian ở Kơ Lang, giữa những cơn sốt rét, Cha Fontaine và tôi đã miệt mài học ngôn ngữ này. Nhưng kế hoạch lúc đầu đã sớm bị thay đổi. Những cơn bệnh gần như nối tiếp nhau của chúng tôi đã khiến Đức Cha hiểu rằng, chỉ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho người dân tộc thôi cũng đủ làm tiêu hao mau chóng sinh mạng của nhiều vị thừa sai rồi; và vì thiếu nhân sự, nên lúc này đây, một kế hoạch quá rộng lớn như thế trở nên bất khả thi. Bởi thế, trong những lá thư sau cùng mà chúng tôi nhận được, trước khi chúng tôi đến Kon Kơ Xâm, có viết như sau: “Khi các Cha đến chỗ cách Kơ Lang một vài ngày đường về hướng Tây, nếu các Cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các Cha sẽ tìm thấy được vùng đồng bằng nào đó ở hai bên bờ sông; các Cha hãy cắm lều ở đó và hãy biết rằng các Cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các Cha chăm sóc”.

Như vậy, theo chỉ thị của Đức Giám Mục, chuyến đi của chúng tôi nhằm mục đích tìm cho được vùng đồng bằng để thiết lập cơ sở đầu tiên. Bởi thế, lúc nhìn thấy dòng sông Dak Bla, chúng tôi tìm được niềm an ủi lớn lao mà quên đi bao vất vả, nhọc nhằn trên bước hành trình, nhưng quang cảnh địa hình thì còn lâu mới làm chúng tôi hài lòng. Chúng tôi chỉ thấy trước mắt toàn là núi non hiểm trở, khô cằn. Chúng tôi tự nhủ: “Không lý gì một con sông khá rộng như thế này mà suốt dòng sông lại bị ép giữa các đồi núi; thế nào cũng có vùng đồng bằng ở phía hạ lưu”. Niềm hy vọng này đã tăng cường nghị lực cho chúng tôi trong đêm chúng tôi nghỉ lại nhà ông Hmur, người đã đối xử rất mực chân tình với chúng tôi.

Sáng hôm sau, chúng tôi công khai trình diện với dân làng Kon Kơ Xâm. Những người dân đáng thương này chưa bao giờ trông thấy chuyện kỳ lạ như thế. Chúng tôi vui sướng vì đã có thể thoả mãn tính tò mò của họ và dù hết mọi người, kể cả những người mạnh dạn nhất đều giữ một khoảng cách chừng mực, họ có vẻ không sợ hãi lắm. Rất tiếc là chúng tôi không thể trò chuyện với họ, cũng như không thể hỏi họ những chỉ dẫn về các vùng phụ cận vì chúng tôi không biết tiếng Ba Na. Chỉ một mình Thầy Sáu biết được vài từ và vì ngôn ngữ bất đồng nên chính Thầy cũng khó khăn lắm mới làm cho họ hiểu được. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi đã luống công vô ích khi cố gắng xin họ một chiếc ghe để xuôi dòng Dak Bla và tìm cho một người hướng dẫn.

Làng Kon Kơ Xâm nằm về phía tả ngạn sông Dak Bla, có rào trấn thủ sát bờ nước. Phía bên kia bờ sông, tức phía Tây, trước mặt chúng tôi là một ngọn núi cao chắn ngang tầm mắt. Trong khi dân làng đang dõi mắt theo chúng tôi thì Cha Combes nói với tôi: “Nào, Cha còn khoẻ, hãy thử trèo lên ngọn núi kia và nhìn thử xem đàng xa có đồng bằng nào không?” Không đợi năn nỉ, tôi tiến về phía ngọn núi một thân một mình trong khi người bạn đồng nghiệp của tôi khiến dân làng tò mò thích thú bằng cách cho họ xem một vài sản phẩm Tây Phương mà họ không ngớt trầm trồ khen ngợi, ngắm nghía.

Cuộc leo núi thật vất vả, tất cả gai góc, dây leo, cỏ rậm sinh trưởng trên mặt đất dường như đã hò hẹn tụ tập nơi chốn này. Nơi đây chẳng có dấu vết đường mòn nào và sườn núi thì lại thẳng đứng như bức tường thành. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng, tôi đã lên đến đỉnh núi, hổn hển thở chẳng ra hơi. Chính giữa đỉnh núi có một cây rất cao. Để nhìn được xa tối đa, tôi bèn trèo lên cây này và đã gặp một tai nạn mà cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn còn cảm thấy “dựng tóc gáy”. Trước hết, vì đã cố gắng quá sức để trèo lên đỉnh núi, rồi leo lên cây, rồi gió lạnh đột ngột nhiễm vào người khi thân mình đang ướt đẫm mồ hôi, và có thể còn một lý do nào khác chưa biết nữa; tất cả những điều đó khiến tôi say sẫm mặt mày và bất tỉnh hoàn toàn khi vừa leo đến ngọn cây. Cơn bất tỉnh kéo dài bao lâu? Chỉ vài giây, vài phút hay lâu hơn? Tôi không biết chắc; điều tôi biết rõ ràng là khi tôi tỉnh lại tôi thấy hai tay mình đang ôm chặt thân cây và tôi chợt thất kinh hồn vía. Tôi thưa lớn tiếng: “Lạy Chúa, chỉ mình Chúa đã cứu con thoát chết. Chúc tụng Chúa đến muôn đời”. Cảm giác kinh hoàng mạnh đến nỗi, sau khi tuột xuống đến mặt đất rồi, toàn thân tôi vẫn còn run lẩy bẩy.

Hơn nữa, những vất vả, khó nhọc của tôi đã chẳng đem lại kết quả gì; vì những ngọn núi khác rất gần đó che kín chân trời hướng Tây khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Vì vậy, tôi trở về thuật cho Cha Combes nghe về những cố gắng vô ích của tôi và nhất là về lòng thương xót của Chúa Quan Phòng nhân hậu đã ban cho tôi. Tuy không hoàn toàn thành công như lòng mong ước, nhưng cuộc du hành của chúng tôi đến Kon Kơ Xâm đã có tầm quan trọng lớn lao bởi vì nhờ ảnh hưởng của ông Hmur đối với dân làng và mối thịnh tình của ông dành cho chúng tôi, cho nên lúc trở về, chúng tôi đã quyết định sẽ sớm trở lại Kon Kơ Xâm để cất một ngôi nhà định cư ở đó.

Khốn nỗi, trong những ngày chúng tôi lưu trú tại Kơ Lang, có một thanh niên dân tộc tên là Diong-Dia, thường hay đến nhà chúng tôi. Đây là một chàng trai lêu lổng, lười biếng, muốn ăn mà không muốn làm, và thường ngày đến lều chúng tôi chơi suốt buổi. Thỉnh thoảng, anh ta đi đó đây mua gạo giùm cho chúng tôi và hưởng được chút ít lợi lộc, tạm đủ cho anh sống theo sở thích, tức là không phải lao động gì. Khi chúng tôi từ Kon Kơ Xâm về và hắn biết chúng tôi muốn trở lại định cư luôn ở đó, thì hắn hiểu rằng khi chúng tôi đi, hắn sẽ mất chỗ kiếm ăn và nhất định cản trở bằng mọi giá. Để đạt được mục đích này, ma quỷ gợi ra cho nó một phương án đáng gọi là sản phẩm của hoả ngục! Một buổi sáng nọ, gã ta lên đường đi về hướng Kon Kơ Xâm, và, khi dừng lại ở mỗi làng, gã lặp đi lặp lại không biết chán với tất cả dân làng muốn nghe gã, những luận điệu sau đây: “Bà con hãy đề phòng những người ngoại quốc này! Đó là những kẻ sa đọa và đồi trụy phóng túng. Đến nơi đâu, họ đều bắt cóc phụ nữ, họ có một phép thuật phi thường để mê hoặc. Khốn cho ai dám chống lại họ! Bởi vì họ rành khoa bói toán và trù ếm, và những ai họ muốn cho chết là chết ngay”.

Có lẽ chỉ mình ông Hmur, bạn vàng của chúng tôi, là không tin những lời bịa đặt này mà thôi; hơn thế nữa, ông còn can đảm bênh vực chúng tôi. Ông nói với nhiều người khác: “Nếu mà có thật như vậy thì ông Bliu, người đáng tin cậy hơn tên du côn du thực Diong-Dia kia, hẳn đã cho chúng ta hay trước rồi”. Khốn thay, sự dối trá bao giờ cũng tìm được người cả tin hơn là sự thật. Trong xứ này cũng như mọi nơi khác, một chuyện vu khống càng vô lý thì càng có cơ may thành công, vì con người có chiều hướng ưa tin vào điếu xấu hơn là điều tốt. Mặc cho những phản đối và nỗ lực của ông Hmur, thanh danh của chúng tôi đã hoàn toàn bị bôi nhọ, và nhiều nơi chung quanh, mọi người đã bắt đầu thực tâm gớm ghét chúng tôi.

Chúng tôi chỉ biết được những chuyện bịa đặt ma quái này nhiều năm sau này mà thôi. Một khi người dân tộc đã biết rõ chúng tôi, chúng tôi không còn cần phải biện minh gì nữa. Nhưng dầu cho lúc đó, chúng tôi không biết nguyên nhân nào khiến người dân tộc trở mặt đối với chúng tôi, thì cũng không nhờ vậy mà giảm nhẹ những hậu quả tai hại chúng tôi phải gánh chịu. Người dân tộc tránh mặt chúng tôi còn hơn là người ta tránh gặp người mắc bệnh hủi. Nếu trên đường đi mà chúng tôi gặp một người nào, dù là đàn ông hay đàn bà, thoạt thấy chúng tôi từ xa, họ đã ba chân bốn cẳng chạy trốn, biến sâu vào rừng rậm! Nếu chúng tôi đến tận cổng làng nào, thì ngay tức khắc cổng đó được đóng sập lại. Và nếu chúng tôi có kêu dân làng từ bên ngoài, thì họ nói dối rằng họ đang “dieng” (ở cữ), cấm người lạ vào.

Ở đây, tôi thấy cần phải giải nghĩa từ “dieng”. Trong những ngày lễ lớn, khi người ta cúng tế công khai, hoặc để xuôi đuổi một bệnh truyền nhiễm, hoặc vì mục đích nào khác, thì lúc đó làng ở trong tình trạng “dieng”, có nghĩa là cấm người lạ vào làng. Sự ngăn cấm này có thể nhiều hay ít nghiêm nhặt, bao trùm tất cả mọi mối quan hệ thông thường của cuộc sống hay chỉ vài quan hệ nào thôi. Đôi khi nghiêm cấm khắt khe không được nói với người lạ mà người ta gặp trên đường đi, dù chỉ một lời. Trong những trường hợp như thế, người dân tộc nói họ “dieng” làm việc này hay việc kia. Đối với chúng tôi lúc đó, tất cả các làng dân tộc đều nói mình “dieng”, dù có “dieng” thật hay giả vờ. Tình trạng này kéo dài rất lâu tại nhiều nơi. Dần dần sau này, khi anh em dân tộc đã biết rõ chúng tôi, thì các luận điệu gian dối của tên Diong-Dia đã trở nên hiển nhiên đối với mọi người.

Tuy nhiên, vì hoàn toàn không hay biết chuyện người ta đàm tiếu về chúng tôi, nên chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình như đã dự định. Những ai trong số các thanh niên trong đoàn mà ít ốm đau được sai đến Kon Kơ Xâm cùng với Thầy Sáu Do để xây một căn nhà nhỏ. Ông Hmur hết lòng đón tiếp họ, nhưng họ đã sớm nhận thấy anh em dân tộc khác không còn sẵn lòng đối với chúng tôi nữa. Tại Kon Kơ Xâm cũng như các nơi khác, chỉ cần nhìn thấy ai vận y phục người Kinh thì tất cả các phụ nữ liền chạy trốn. Khi người của chúng tôi xin phép xây nhà ở trong làng thì mọi người đều từ chối, chỉ trừ ông Hmur. Ông này cho Thầy Sáu biết kết quả cuộc thảo luận như trên và dẫn Thầy đến một nơi xa làng chừng một phần tư dặm, nơi thấp hơn và cũng trên sông Dak Bla và nói: “Các ông hãy xây nhà ở đây. Đất này không thuộc về ai cả, tôi nhận trách nhiệm bảo vệ các ông”. Mặc dầu hết lòng với chúng tôi, người đàn ông can trường này cũng không hề cho chúng tôi biết về những lời bịa đặt mà tên Diong-Dia đã gieo rắc và cũng là nguyên nhân duy nhất làm chúng tôi mất uy tín.

Ngay khi xây nhà xong, Cha Combes và tôi rời Kơ Lang để đến ở Kon Kơ Xâm. Cha Fontaine tội nghiệp chân còn đau nặng nên không thể nghĩ đến chuyến đi, Cha Desgouts hiền hậu cũng phải trì hoãn chuyến đi vì sức khoẻ quá yếu. Nhưng khi ngài tưởng là mình có thể đi được rồi và nhất quyết lên đường đến với chúng tôi, nhưng “lực bất tòng tâm“, dọc đường suýt nữa ngài chấm dứt chút hơi tàn của mình. Số là sau khi đi hay đúng hơn là lê lết cho đến trưa, ngài đã quỵ ngã vì kiệt sức, và người ta phải khiêng ngài đến Kon Kơ Xâm, “dở sống dở chết“. Suốt cả ngày, mỗi lúc trôi đi, chúng tôi lại sợ thấy ngài qua đời! Cha Fontaine một mình ở lại với vài thanh niên đang bệnh và cũng đã bắt đầu thấy chán. Vì không còn chịu nổi, nên đến lượt mình ngài cũng lên đường. Và rồi một ngày đẹp trời, chúng tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên khi thấy ngài đến với chúng tôi, thở hổn hển chẳng ra hơi. Ngài đã đi bằng một chân, chân kia chống nạng, vượt qua đoạn đường thật khủng khiếp suốt một ngày đàng!

(Còn tiếp)

Đọc thêm: 

*DÂN LÀNG HỒ – Chương I: Những Dự Phóng Đầu Tiên Nhằm Thiết Lập Cơ Sở Truyền Giáo Nơi Các Dân Tộc Thiểu Số – Cuộc Hành Trình Khảo Sát Của Thầy Sáu Do

*DÂN LÀNG HỒ- Chương II : Cha Combes Và Cha Fontaine

*DÂN LÀNG HỒ- Chương III : Cuộc Gặp Gỡ Bok Kiêm – Thầy Sáu Do Và Bok Kiêm Kết Nghĩa Anh Em

*DÂN LÀNG HỒ- Chương IV : Cuộc Du Hành Của Các Cha Desgouts Và Dourisboure

*DÂN LÀNG HỒ- Chương V : Những Ngày Ở Kơ Lang

WGPKT(27/02/2023) KONTUM