Người Nghèo Của Chúa Đón Nhận Lòng Thương Xót

Đặt chân đến vùng Truyền giáo Tây Nguyên được gần một tháng, với bổn phận mục vụ và dạy kèm các em học sinh tại các bản làng, tôi thực sự có nhiều ưu tư và thao thức đối với việc giáo dục văn hóa và hun đúc về đời sống đức tin cho những anh chị em Jrai tại đây. Mỗi tuần một làng chỉ có 2 thánh lễ ngày thường và 1 thánh lễ vào ngày Chúa nhật. Chị em chúng tôi mục vụ với 5 làng như vậy, làng xa nhất cách cộng đoàn khoảng hơn 15km đi và về.

Đa số các làng mới được thành lập giáo điểm và có một số hạt nhân được Rửa tội đầu tiên, nhưng con số đó không nhiều. Chính vì thế, sự hiện diện của các Cha và các Sơ là nguồn trợ giúp cho họ về đức tin để họ ngày càng được củng cố và hun đúc thêm sự hiểu biết về Chúa, và văn hóa qua các giờ dạy thêm sáng chiều tại một số giáo điểm.

Nhìn những khuôn mặt háo hức, tò mò, bỏ cả công việc mưu sinh, nhiều người phải địu con sau lưng đi thật xa, để đến tham dự thánh lễ tại giáo điểm. Sau đó, cùng với cái bụng rỗng, đôi khi có được chút quà bánh sau giờ lễ cho đến gần trưa, họ cố nán lại để gặp gỡ, xin chút thuốc cảm sốt, đau đầu, đau bụng, xương khớp, dị ứng… chút bánh hay vài viên thuốc không bao nhiêu, nhưng tôi thấy lòng khao khát của họ thật “đầy”. Qua đó, tôi cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những con người đơn sơ, chất phác và mộc mạc này.

Từ cái biết đến cha và máy những bài giảng về Lòng Thương Xót Chúa khi tôi theo học tại Học viện Liên dòng nữ ở Trung Tâm Mục vụ. Những lần được gặp cha Giuse Trần Đình Long tại đây và những người đến tìm cha để xin cầu nguyện, tôi như cảm nghe được tình thương, lòng thương xót của Chúa đang hiện diện nơi cha; biểu hiện qua ánh mắt và nụ cười nhẹ che giấu đi những phiền muộn và bệnh tật thể xác cũng như tinh thần của họ đang chờ đợi hay sau khi đã được gặp cha. Cũng có những lần nghịch ngợm khi mời cha ăn bánh tráng trộn, hay uống ly nước chúng tôi vừa mới mua đem lên lớp… Nhìn cha giản dị trong cái áo thun xám màu, cùng đôi dép quai sau màu nâu đất, luôn mỉm cười và những lời nói vui đùa của cha cũng khiến chúng tôi cảm nhận sự gần gũi của vị mục tử này.

Từ cái biết đó, khi đến với các anh em đồng bào Jrai tại đây, tôi rất ao ước họ được nghe những bài giảng của cha để được hun đúc thêm đức tin khi không có sự hiện diện của người mục tử kề bên. Chữ viết thì không rành, tiếng Kinh nghe đủ hiểu chứ việc diễn tả lại vẫn còn khó khăn. Tiếng Jrai là tiếng mẹ đẻ nhưng chỉ biết nói chứ không biết đọc và viết được chúng. Cho nên việc mục vụ và truyền đạt cho anh chị em nơi đây quả là một thách đố cho người làm mục vụ.

Sau khi cầu nguyện, suy nghĩ và trình bày với chị Phụ trách cộng đoàn, được sự đồng ý của chị, tôi mạnh dạn nhờ người bạn đang còn theo học tại Trung Tâm đến gặp Cha để trình bày ao ước của mình. Tạ ơn Chúa, cha đã cho tôi phương cách liên lạc và nhờ đó, cho đến nay đã có 500 máy các bài giảng về Lòng Thương Xót Chúa đến tay anh chị em Jrai tại 5 làng chúng tôi phục vụ và những bệnh nhân tại Giáo xứ cộng đoàn tôi hiện diện.

Nhận chuyến hàng đầu tiên, tôi đã rất cảm động, và luôn thầm tạ ơn Chúa, vì tình thương và lòng thương xót của Chúa sẽ không hề bị ngăn chặn, nhưng luôn tìm đủ mọi cách để đến với những tấm lòng khao khát đức tin. Chị em trong cộng đoàn lên kế hoạch đi thăm viếng, chia sẻ và tặng máy LTX[1] đến với những bệnh nhân, người già và người mới theo đạo đầu tiên. Nhìn những đôi mắt mở tròn, chăm chú nhìn và nghe hướng dẫn cách sử dụng, tôi thì thầm trong lòng xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ, và cho họ thấu hiểu được những gì họ nghe từ cha.

Hôm nay là tròn 20 ngày những bài giảng LTX đến tay anh chị em Jrai, tạ ơn Chúa! Theo lời đề nghị của cha, tôi đi gặp gỡ một vài người và lắng nghe họ chia sẻ, và viết nên những dòng tâm sự chân thật mà xác tín này.

Thật bất ngờ, khi tôi vừa đặt câu hỏi: “Các mẹ, các cô, các chị cảm nhận như thế nào sau khi nghe bài giảng của cha Long?” mọi người đều mỉm cười và tranh nhau nói, tôi phải để từng người nói lên cảm nhận, cũng như chia sẻ những ơn mình nhận được. Chưa bao giờ tôi nghe được những tâm sự chân thật mà giản dị, xác tín như thế từ dân làng này.

Cô C, 52 tuổi, có chồng và 3 đứa con, cô chia sẻ trong nghẹn ngào: Chồng cô đam mê cờ bạc, dẫn đến nợ nần người ta nhiều. Ngoài ra, ông còn lăng nhăng bên ngoài, rượu chè, hay gây gỗ với hàng xóm. Trước đây, cô thường xuyên đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, và cũng cầu nguyện nhiều cho chồng. Nhưng chồng cô cũng không thay đổi. Thành ra cô bỏ đi lễ, không còn tin Chúa nữa, vì cô nghĩ rằng, cô xin nhưng Chúa không ban cho chồng mình thay đổi thì đi lễ đọc kinh làm gì!

Cách đây 2 tuần, nhóm Loan báo Tin Mừng đến tặng cho cô máy nghe LTX, cô cũng nhận cho qua. Mấy ngày đầu mở ra nghe thử, nghe đến câu “Lòng Thương Xót Chúa” cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cô chợt giật mình và cảm thấy ứ nghẹn trong tim. Nước mắt cô chảy dài, như thể mạch nước ngưng đọng thời gian qua nay được một bàn tay vô hình chạm vào và mở cửa ngăn. Cô cảm thấy lòng nhẹ nhàng và bình an hơn rất nhiều. Cô ngước mắt nhìn lên cây Thánh giá bụi bặm, màn nhện phủ giăng và thầm thĩ lời xin lỗi Chúa.

Cùng đêm đó, cô nằm mơ thấy một người nữ mặt áo xanh nói rằng: “Nếu con không giữ vững niềm tin vào Chúa, đời con sẽ ngã gục!”. Bây giờ cô vẫn nhớ rõ từng chữ như vậy. Tiếp theo đó, cô đến gặp và chia sẻ với cha xứ, cha cho cô lãnh Bí tích Hòa giải và khuyên nhủ cô hãy bám chặt vào Chúa.

Cô không chia sẻ với chồng những điều đó, nhưng cô gặp và nói chuyện với chồng. Cô không xin chồng cạo đầu, cắt máu thề hứa điều gì với cô cả, nhưng cô xin chồng hãy đứng trước bàn thờ Chúa đây, và hứa về sau bỏ bài bạc, rượu chè, cùng nhau nuôi dạy con cái. Lúc đầu chồng cô không đồng ý, nhưng 2 ngày sau, chồng cô đã đứng trước bàn thờ gia đình và hứa những điều cô xin bên trên. Tạ ơn Chúa.

Cô nói trong xác tín và nước mắt rằng chỉ có Chúa mới hoán cải chồng cô và đưa cô về gia đình Chúa thôi. Bây giờ chồng cô không còn đi đánh bạc nữa, cũng lo làm nương rẫy phụ với vợ và cai rượu luôn. Cho dù chỉ mới 2 tuần trôi qua, nhưng những gì cô thấy và cảm nghiệm bây giờ là tình thương của Chúa dành cho cô và gia đình. Cô thêm tin tưởng vào Chúa và bước đi trong an vui, bởi vì cô nghĩ rằng cho dù về sau này có gì gian khó xảy ra, thì Thiên Chúa vẫn luôn che chở và ban ơn cho gia đình và bản thân cô. Tạ ơn Chúa.

Chia sẻ thứ 2 của cô T, năm nay cô 65 tuổi. Sau khi tặng cho cô máy LTX, cô đã chia sẻ rằng, trước đây cô đã từng đến giáo điểm Lòng Thương Xót Chúa ở Sài Gòn, và đã nhận được ơn Chúa qua cha Long. Nay con xin chia sẻ lại đôi dòng tâm sự của cô.

Thời điểm cô tìm đến giáo điểm lần duy nhất đó là cô đang bị đau lưng, đau dạ dày thường xuyên và khiến cơ thể nhỏ bé của cô ngày càng gầy còm, suy nhược vì không thể vận động cũng như ăn uống bình thường. Qua người chị họ ở Bình Dương, cô cùng chồng dắt dìu nhau xuống Sài Gòn, tìm đến giáo điểm. Cô thiết nghĩ một lần đi là một lần khó, phương tiện, tiền đi đường, đau ốm… rồi không biết có còn điều kiện hay sức khỏe mà đi thêm lần nữa không. Vì thế, cô cố gắng hết sức để xếp hàng suốt mấy tiếng đồng hồ nhận sự chúc lành của Chúa qua cha. Cô xúc động, mắt rươm rướm kể rằng: Khi tới lượt được cha đặt tay, cô khom khom người, cha đặt tay lên đầu rồi cô khom khom bước qua, cha lại đưa tay nhẹ vỗ vào lưng cô một cái, cô cảm nhận rất rõ có một gì đó như một “luồng điện” chạy từ trên đỉnh đầu xuống tận gót chân. Cô nói rằng toàn thân mình như được tiếp thêm sức mạnh, và cơn đau dạ dày cũng như đau lưng của cô biến đâu mất. Cô kéo người chị họ đi trước mình hỏi, vậy chị có cảm nhận được gì không? Và kể lại cảm nhận của cô. Chị bảo cô được ơn rồi đó, mau tạ ơn Chúa đi. Từ đó về sau, bệnh của cô không còn tái phát nữa. Cô luôn duy trì đọc kinh Lòng Thương Xót lúc 3h chiều mỗi ngày, cho dù đang ở trên cái thang để hái tiêu, hay đang làm vườn.

Bây giờ, những công việc lúc trước cô không nghĩ mình có thể làm được nữa như: trèo cây, leo thang hái tiêu, đi rẫy làm cỏ cà phê… Nhưng nay cô có thể làm một cách bình thường. Cũng từ dạo ấy, cô và chồng càng xác tín hơn vào Thiên Chúa, hai người luôn có mặt trong các giờ kinh, thánh lễ của giáo điểm ở làng. Ngoài ra, khi có chút thời gian rảnh công việc vườn tược, cô đều đi thăm những người đau yếu trong làng và kể cho họ nghe về lòng thương xót Chúa.

Ngày hôm nay, được nhận máy LTX cô rất vui và thêm lòng xác tín, cùng với ước muốn được chia sẻ những bài giảng về LTX Chúa cho những người cô tiếp xúc để họ cũng nhận được những ơn ích như cô đã đón nhận từ LTX Chúa. Tạ ơn Chúa.

Chia sẻ của em L, năm nay 22 tuổi và đã có 3 con. Với vốn tiếng Kinh vừa đủ, em chia sẻ với tôi về niềm vui em nhận được khi nghe bài giảng ở máy LTX. Đây là lần đầu tiên em được nghe những điều này, vì em chỉ mới đi đến nhà thờ của giáo điểm được 3 tuần nay. Em chưa được rửa tội, nhưng rất đều đặn tham dự những thánh lễ được cử hành tại giáo điểm hằng tuần.

Em mồ côi cha mẹ từ khi em 13 tuổi. Theo phong tục của người Jrai, với chế độ mẫu hệ, khi con gái lấy chồng sẽ được gia đình chia gia tài (đất đai, vật dụng cần thiết…). Vì không còn cha mẹ, mảnh đất nhỏ bé của căn chòi xưa đã bị người ta chiếm mất. Gia đình chồng cũng nghèo khổ, đặc biệt là không có đất rẫy hay vườn tược, nên hai vợ chồng được cha mẹ bên chồng chia cho một mảnh đất đủ để dựng tạm căn chòi che mưa che nắng.

Những tưởng cuộc sống của gia đình nhỏ sẽ ấm êm trong sự đơn giản ấy, nhưng cũng vì cái nghèo, tuổi còn nhỏ khi lấy chồng (15 tuổi đã lập gia đình) chồng em lại theo bè bạn rượu chè suốt ngày. Ai gọi gì thì đi làm, không có việc lại theo bạn bè uống rượu. Bây giờ 22 tuổi mà em đã có 3 mặt con (1 cháu đã mất khi được 2 tuổi). Cháu út nay 6 tháng nhưng xanh xao, ốm yếu, vì mẹ không có sữa, nhà không có gì ăn, bà con dân làng ai thương tình cho chút gạo thì nấu cháo ăn qua ngày.

Tôi cũng mới đến vùng đất này thời gian ngắn, những hoàn cảnh của em tôi lưu tâm rất nhiều, dành dụm từng gói mì tôm, vài lốc sữa, ít viên kẹo, tôi gói ghém biếu em để em có thêm sức khỏe nuôi con.

Em nhớ lại hôm đó đang ngồi trông con, vừa nghe bài giảng của cha. Em không nhớ rõ từng câu, từng chữ, nhưng đại ý cha nói là chúng ta phải yêu thương nhau, đừng giận hờn, ghen ghét, và biết tha thứ cho nhau. Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, thì không lẽ gì chúng ta cứ mãi giận hờn và ghét ghen với người khác. Hôm đó, em cũng đang bực dọc vì thấy chồng suốt ngày cứ say khướt, nhà thì không còn gì cho con cái ăn. Con còn nhỏ, nhưng em cũng đành đoạn để thằng bé ở nhà với bé lớn 7 tuổi rồi một mình đi vào rừng từ 3h sáng cạo mủ cao su thuê cho người ta. Nhiều khi thấy chồng như vậy nhưng em không nói được, vì chỉ cần em lên tiếng than thở chồng thì lập tức những hành động thô bạo của người chồng sẽ hằn lên người em.

Em nghe lời cha giảng, nhìn hoàn cảnh của mình, rồi nhìn người chồng đang say mèm ở góc căn chòi, nước mắt em chảy dài. Em thầm thĩ với Chúa: Chúa ơi, xin tha tội cho con, con đã bực tức chồng con rất nhiều, và con cũng quá khổ rồi Chúa ơi!!! Kể đến đây em nghẹn ngào! Dừng lại một chút, em lau dòng lệ, nhìn tôi và nói: Con sẽ không giận chồng nữa Yă[2] ạ, con cũng nhiều tội lắm mà Chúa tha hết cho con, thì con không được phép giận chồng con. Con sẽ cầu nguyện với Chúa cho “nó”. Em kể tiếp, hôm sau em lại nghe máy, chồng em hỏi mày nghe gì đấy? em mới giải thích cho chồng. Chồng em bảo cho “tau” nghe với!

Đã mấy ngày nay đã có người đến gọi chồng em đi hái cà phê thuê cho người ta, rồi cuối ngày chồng em cũng đem chút tiền về bảo em mua gạo ăn! Tạ ơn Chúa. Em nói rằng, em không mong ước gì hơn, chỉ xin Chúa cho chồng em biết đi làm, bớt theo bạn uống rượu và lo cho gia đình, con cái được khỏe mạnh và biết cái chữ, sau này lớn lên không phải chịu cảnh khổ cực như em hiện tại. Em chịu khổ quen rồi, nên dù trong nghèo khó mà vợ chồng biết cùng nhau đi làm lo cho con cái thì em cũng hạnh phúc rồi. Tạ ơn Chúa.

Hạnh phúc trong cuộc sống đôi khi là sự đón nhận thực tại, và nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa vẫn luôn song hành với ta. Được lắng nghe, được nhìn thấy và được cảm thấu những tâm tư, chia sẻ của những con người đơn sơ, chân thành, nhưng họ đã ngụp lặn trong sự “nghèo khổ”, túng bấn, bệnh tật, tôi cảm thấy bản thân mình đã đón nhận quá nhiều ơn lành của Chúa. Với cơ hội được ra đi đến với những “người nghèo của Thiên Chúa”, tôi cảm nghe được sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi đây. Qua các trung gian, và nhiều cách thế khác nhau, lời Chúa và ân sủng của Người vẫn luôn tuôn đổ khắp mọi nơi, đặc biệt nơi những tấm lòng khao khát được đón nhận đức tin và sự chữa lành từ Chúa.

Mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp ngày Truyền giáo của năm 2022, để nói lên niềm xác tín của mình:

Không một Kitô hữu nào có thể làm chứng đầy đủ và đích thực cho Đức Kitô là Chúa nếu không được Thần Khí soi dẫn và trợ giúp. Tất cả các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô được kêu gọi để nhận ra tầm quan trọng thiết yếu trong công việc của Thánh Linh, trong sự hiện diện của Ngài hàng ngày và nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn không ngừng của Ngài. Thật vậy, chính khi cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối, chúng ta nên nhớ cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng lời cầu nguyện đóng một vai trò cơ bản trong đời sống truyền giáo, vì nó cho phép chúng ta được làm mới và củng cố bởi Thánh Linh, là nguồn thần linh vô tận của năng lượng tái tạo và niềm vui trong việc chia sẻ sự sống của Chúa Kitô với những người khác.[3]  “Nhận được niềm vui của Thánh Linh là một ân sủng. Hơn nữa, đó là sức mạnh duy nhất giúp chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng và tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa”[4].

Maria Như Ý (Khấn tạm), FMI
Nguồn:
WGPKT(17/10/2022) KONTUM

—————

[1] Lòng Thương Xót.

[2] Yă: tiếng Jrai có nghĩa là Bà, cách người dân ở đây gọi các sơ như vậy.

[3] PHANXICÔ, Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2022, truy cập ngày 07/10/2022, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-giao-2022-44725.

[4] PHANXICÔ, Thông điệp gởi các Hiệp Hội Truyền giáo Giáo Hoàng, truy cập ngày 07/10/2022, tại https://phatdiem.org/van-kien-giao-hoi/su-diep-gui-cac-hoi-giao-hoang-truyen-giao.html.