Cuộn Phim Giấc Mơ

Tôi là một cô gái khá hiền lành, tốt bụng, lễ phép với mọi người xung quanh. Thế nhưng, tôi lại là đứa con ngỗ nghịch, xấc xược đối với ba mẹ. Sở dĩ như vậy, bởi vì trong tiềm thức của tôi, gia đình là một khái niệm trừu tượng, nó đã trở nên nhạt nhòa, vô vị bởi những câu la mắng và đòn roi của bố mẹ. Chắc có lẽ do sự thay đổi đột ngột của tôi khi bước vào tuổi vị thành niên đã khiến bố mẹ tôi phát hoảng và không chấp nhận được. Nên những đòn roi và sự la mắng ngày càng nhiều hơn. Điều đó khiến đứa trẻ mới lớn với tính tình ngang bướng lúc ấy trở nên bức xúc và càng ngày càng sa đọa.

Vào một đêm nọ, tiết trời dần se lạnh, tiếng xe cộ ngoài đường dần lắng lại, không gian trở nên vô cùng yên tĩnh. Sau những ngày mệt mỏi vì thi học kì, đêm đó tôi quyết ngủ sớm hơn mọi hôm. Vệ sinh cá nhân xong, tôi leo lên giường, chuẩn bị tắt facebook thì Long Trần – tên một người bạn trên facebook của tôi – đã gửi cho tôi bài giảng về lòng hiếu thảo của linh mục Nguyễn Hưng. Với tính khí lúc ấy, tôi nhếch mép và tắt nó đi không một giây suy nghĩ. Và chính đêm đó là đêm vô cùng đặc biệt với tôi.

Một đứa bé đỏ hỏn và những dòng nước mắt trong nụ cười hạnh phúc của một cặp vợ chồng trẻ là những điều tôi thấy đầu tiên trong cuộn phim “giấc mơ” của mình. Cuộn phim ấy diễn ra thật chậm và rõ nét, khiến trong mơ tôi cũng nhận ra đó chính là bố mẹ mình và đứa bé đỏ hỏn ấy chính là tôi. Họ đang vỡ òa trong sung sướng khi chào đón một thành viên mới trong gia đình của mình. Sau cảnh ấy, là hình ảnh cô bé độ khoảng 3 – 4 tuổi buộc tóc hai bím, đeo cặp mắt kính to gần nửa khuôn mặt, điệu đà nở nụ cười thật tươi đạp chiếc xe đạp mới toanh vòng vòng trong nhà. Cùng với đó là những tiếng cười giòn tan của bố mẹ khi thấy con mình với những cử chỉ vô cùng dễ thương. Nối tiếp đó là cảnh gia đình tôi cùng nhau đọc kinh mỗi tối, cùng nhau đọc kinh xóm và đôi lúc ở hang đá cùng nhau cầu nguyện. Một gia đình hạnh phúc hơn bao giờ hết, một gia đình sống đạo với vợ chồng yêu thương nhau, con cái ngoan hiền. Bức tranh gia đình hạnh phúc ấy bỗng chốc tan vỡ bởi cảnh tôi đứng cãi lại bố mẹ và bị mẹ đánh đòn. Cảnh quay thay đổi nhanh quá, đã khiến tôi dù chỉ là mơ nhưng vẫn không thể nào hiểu rõ và chấp nhận. Đang trong tâm thế bàng hoàng thì lại tiếp tục hiện ra cảnh mẹ tôi đợi chờ ở nhà với những cuộc gọi cho tôi khi tôi đang đi chơi, đàn đúm với bạn bè. Tôi thì nhởn nhơ nhìn những cuộc gọi đến không cảm xúc, vẫn tiếp tục vui vẻ với bạn bè dù đã hơi muộn. Khuôn mặt mẹ chứa đựng đầy nỗi lo lắng và đôi chút sợ hãi khi con mình đi chơi chưa về, liệu rằng con mình có xảy ra điều gì bất trắc hay không. Và sau đó, hàng loạt cảnh tôi sa đọa hiện lên trong giấc mơ của tôi ngày càng nhiều hơn. Nối tiếp đó là những câu la mắng và thậm chí cả những đòn roi của bố mẹ. Không biết là tình cờ hay đã được sắp đặt bởi bàn tay của một vị tiên hay của người nào đó nhưng ông bụt trong truyện cổ tích, tất cả những điều như trên chính là những gì tôi đã trải qua. Nhưng kì lạ thay, tôi đã được chứng kiến cảnh tượng chưa bao giờ thấy: mẹ tôi khóc nấc sau những lần la mắng, đánh đập tôi; bố mẹ đứng phía sau mỉm cười trong hạnh phúc khi thấy tôi rửa chén sau giờ cơm; và còn có cả những giọt nước mắt trong thánh lễ khi nghe những bài giảng của cha xứ. Không chỉ thế, cuộn phim giấc mơ còn cho tôi nghe được dòng suy nghĩ của mẹ trong những lần đọc kinh hang đá: “Xin cho con gái con quay lại lúc còn thơ”. Cuối cùng là cảnh đám tang mẹ tôi, nụ cười của mẹ trong di ảnh nhẹ nhàng nhưng đâu đó vẫn chứa đựng đầy nỗi âu lo.

Tôi giật mình tỉnh giấc, gối của tôi từ lúc nào đã ướt đẫm. Tôi đã khóc. Mẹ ơi con đã khóc. Đó là lần đầu tiên tôi khóc vì bố mẹ sau khoảng thời gian dài dằng dặc của tuổi trẻ. Vùng mình dậy, tôi lao đi kiếm mẹ. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ đẹp đến thế. Mẹ đeo chiếc tạp dề đen với làn da trắng, sống mũi cao, đôi mắt vừa phải với hàng long mi dài. Thế nhưng tôi lại nhận ra rằng, mẹ tôi nay đã lớn tuổi. Mắt mẹ đã có những nếp nhăn, tóc đã hai màu lấm tấm, bàn tay mẹ gầy gò đi rất nhiều. Mẹ không còn như xưa, cô thiếu nữ trẻ, đẹp với mái tóc đen dài biết bao người thầm thương mến. Mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân mình vì gia đình, vì tôi. Tôi lại khóc, nước mắt tôi giàn giụa. Không một phút suy nghĩ, tôi lao xuống ôm mẹ. Một cái ôm của người con bắt đầu trưởng thành, không còn ngỗ nghịch. Mẹ tôi giật mình nhưng rồi vẫn nụ cười nhẹ nhàng ấy mẹ ôm choàng lấy tôi. Giây phút ấy,tôi như trở lại đứa con thơ của mẹ khi xưa.

Đến giờ đây, khi vừa hoàn thành xong bài thi quan trọng nhất cuộc đời, chuẩn bị rời xa gia đình để bước vào xã hội đầy chông gai, cạm bẫy. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đã nhận ra rằng gia đình vô cùng quý giá với mình và tôi không muốn rời xa nó. Nơi đã gắn bó với tôi suốt 18 năm đầu đời, dù tôi ngoan ngoãn hay hư hỏng, thành công hay thất bại thì nó vẫn luôn mở rộng cánh cửa chào đón tôi quay trở về, che chở tôi lúc tôi gục ngã. Phải chăng, cuộn phim “giấc mơ” ngày hôm đó là do chính bàn tay quyền năng của Chúa sắp đặt. Ngài đã đáp lại tiếng kêu xin của bố mẹ và dạy tôi một bài học vô cùng quý giá. Trong Tân ước, đứa con hoang đàng mang hết tài sản phần mình và bỏ nhà đi biệt tích nhưng vẫn được người cha nhân hậu dang rộng cánh tay và chờ ngày quay trở về. Dường như, tôi chính là đứa con hoang đàng ấy đã được người cha nhân hậu là bố mẹ và cũng có thể là Thiên Chúa luôn đứng đợi tôi quay trở về đường ngay, nẻo thẳng. Mẹ tôi hằng kêu xin và Ngài đã nhận lời. Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng và giàu lòng thương, không có gì mà Ngài không thể làm được. Mỗi chúng ta, ai đang gặp khó khăn, trắc trở, xin hãy cứ cầu nguyện kêu xin Chúa vì ta sẽ được nhận lời. Gia đình là tổ ấm duy nhất và mãi mãi, trên thế gian không ai yêu thương ta như cha mẹ. Nguyện xin cho mỗi bạn trẻ biết nhận ra được những điều tuyệt vời ấy để biết trân trọng và yêu thương bố mẹ mình để mai này dù có gì xảy ra cũng không hối hận. Cảm tạ hồng ân bao la của Ngài đã gìn giữ gia đình con!

 

Anna Nguyễn Thị Lan Vy

(Trích trong tập“HOA NÚI RỪNG III” – Ban Mục vụ Văn hóa Gp. Kon Tum)

WGPKT(16/11/2023) KONTUM