Đã gần hết ngày, cơn mưa bão trên bản làng cũng đã gần tạnh và vẫn còn rơi vài hạt cuối cùng. Ngồi thu mình trong căn phòng tối, nó đã rất quen với cái thời tiết ở đây. Nên đối với nó mọi chuyện không có gì đặc biệt như lũ trẻ khi chiều đi tắm mưa và bị bố mẹ nhắc nhở. Và đúng hơn, nó đã trưởng thành.
Cơn bão vừa qua nhưng cơn bão trong lòng của một con người thì không thể nào qua nhanh như vậy được. Nó ngồi nghĩ về cuộc đời về những lỗi lầm mà nó đã mắc phải với bố mẹ- người nó thương yêu…
Chiều hôm ấy, trời nổi gió mạnh và kéo mây đen phủ khắp bầu trời. Nó không đi học nên ở nhà phụ bố mẹ làm những công việc: gom củi vào bếp, nhốt gà và nấu cơm… Là con trai nhưng nó cũng chịu khó lắm, vì nhìn trước nhìn sau trong nhà chỉ có mỗi hai anh em trai và gia đình thì nghèo, tài chính của gia đình phụ thuộc vào nương rẫy… Cuộc sống là vậy, nhưng nó cũng được bố mẹ yêu thương là lo cho đầy đủ. Nó nhận thấy gia đình hạnh phúc.
Tối, đã tối rồi… nhà nào cũng đóng kín cửa vì sợ gió giật mạnh. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Trong mâm cơm toàn là những món ăn “đặc sản” của người vùng cao: lá mì, cá khô nướng và canh rau ngót. Tất cả mọi thành viên trong gia đình ngồi lại và đọc kinh chung trước bữa ăn… Sau khi đọc kinh xong mọi người bắt đầu ăn cơm vui vẻ. Nó chợt thấy còn thiếu chén muối ớt. Vội chạy nhanh tới bếp, từ bếp tới chỗ ăn cơm cũng không xa là mấy, chỉ cách chừng bốn đến năm bước chân. Ngồi giã muối, nó nghe bố mẹ đang bàn nhau về việc chuẩn bị cho thằng út vào lớp một. Hai người đang tỏ vẻ lo lắng và nó nhận thấy điều gì đó…Mẹ nó ngậm cơm và nhai từ từ ở miệng vẻ buồn bã:
-Thằng Nít nó cũng sắp chuyển lên cấp ba!
-Nhà mình còn được bao nhiêu tiền?
Ba nó nừa nói vừa gắp miếng cá khô đưa vào miệng. Vừa lúc ấy, nó cầm chén muối chạy tới:
-Muối có rồi! Muối có rồi!
-Anh Hai mà giã muối thì ngon nhất rồi!- thằng út vừa nói vừa đập mạnh vào mông nó
-Mày khéo nịnh! Thôi, lo ăn cơm đi.
Cầm chén cơm lên nó nghĩ ngay đến chuyện buổi chiều mà nó suy nghĩ:
-À! Bố mẹ mua xe đạp cho con chưa? Lúc trước Bố Mẹ có hứa mua xe cho con khi lên lớp mười. Bạn bè con ai cũng mua rồi!
Câu nói của nó làm cho hai người lớn im lặng hẳn. Khoảng một chặp sau, ba nó cất giọng:
-Nít à!
-Dạ. Sao ba?
-Xe đạp cũ còn đi được không con?
-Dạ đi thì vẫn còn được, nhưng nó cũ lắm. Chắc con dùng để đi lại ở nhà thôi! Đi thì ngại với đám bạn.
-Lòng của nó vẫn đang nghĩ đến một chiếc xe đạp mới, chủ yếu là để không bị bạn bè trêu chọc trong năm học mới…
-Xe còn đi được, con lấy xe đó mà đi cũng được. Nếu cũ thì ba sẽ nhờ người sơn lại cho mới là được!
Ngồi bên cạnh, Mẹ nó giật mình. Bà lấy tay kéo nhẹ áo ba nó như muốn ông không nói chuyện này nữa. Vì bà hiểu rõ tính tình của con bà.
-Tại sao vậy ba?
-Năm nay nhà mình cũng có thu hoạch ít mì nhưng sau khi trả nợ và tiền phân, tiền thuốc thì chỉ còn dư một ít. Lẽ ra nếu em con không nhập học thì ba mẹ đã giành tiền mua xe cho con. Nhưng giờ thì…
Ông dừng lại lời nói của mình đột ngột như vậy, vì ông thấy nó đang gục mặt xuống. Nếu nói nữa chính ông sẽ làm cho nó buồn và ông không muốn điều đó xảy ra. Tất cả cũng chỉ vì hoàn cảnh mà phải thất hứa với con. Trong thâm tâm ông cảm thấy nghẹn lòng:
-Ba sẽ sơn sửa xe lại cho con. Tạm thời con cứ đi xe này, khi nào gia đình có tiền thì ba sẽ mua xe mới cho con.
-Lúc ấy thì mua làm gì nữa chứ! Năm sau… rồi lại hẹn năm sau… con không muốn- hàng nước mắt nó lăn dài.
Nó đặt chén cơm lên mâm và đi vào phòng. Căn phòng được che chắn bằng một tấm vải mỏng nhưng tận sâu trong tâm hồn nó thấy như là một khoảng cách xa và rộng. Có lẽ, khoảng cách xa rộng ấy được tạo ra chính là sự ích kỉ của nó. Nằm trên giường, nó mặc kệ cho những mệt nhọc và buồn bã của bố mẹ ở ngoài kia. Khoảng năm phút sau, nó nghe tiếng cả nhà dọn dẹp. Có lẽ bữa cơm hôm nay ai cũng thấy buồn… Nhưng nhất quyết không phải lỗi ở nó.
Bỗng cúp điện, thằng út chạy nhanh vào phòng và ôm lấy nó.
-Anh Hai ra chơi với em!
-Mày đi ra! -Nó quát mạnh.
Lời nói cộc cằn của nó khiến thằng út sợ hãi và không nói một lời nào. Thằng út vừa khóc vừa chạy ra khỏi phòng. Nhưng điều đó cũng chẳng làm nó bận tâm. Trong đầu nó lúc giờ chỉ là những câu hỏi: “Tại sao lại như vậy? Tại sao lại không mua xe?”… Càng đặt ra nhiều câu hỏi nó càng thêm uất ức trong lòng. Có lẽ, lỗi ích kỉ đã che kín tâm hồn nó và không làm cho nó nhận ra nỗi lòng của người khác và ý muốn của Thiên Chúa.
Đã qua ngày mới mà nó vẫn chưa ngủ. Tiếng chuông nhà thờ vang lên, tiếng gà gáy vang dội khắp bản làng, tất cả báo hiệu cho một ngày nữa lại đến. Nó ngồi dậy nhìn ra ngoài sân. Bố mẹ nó đang chuẩn bị để đi làm. Rấy cách nhà nó khá xa cho nên ngày nào ba mẹ nó cũng phải dậy sớm để đi làm cho kịp công việc và cũng để phần nào đỡ mệt vì trời nắng.
Nó cũng biết bố mẹ nó vất vả nhiều để lo cho gia đình… nó tặc lưỡi và mặc kệ. Vì nó không quên được chuyện hôm qua… Nó mang một tâm trạng nặng nề đến nhà thờ để dự lễ. Hôm nay, nó được Cha xứ dạy về lòng biết ơn, lòng hiếu thảo và tấm lòng biết quan tâm đến tất cả mọi người.
Ngồi trong nhà thờ, tâm hồn nó dần dần lắng đọng những câu Lời Chúa và lời giảng dạy của Cha. Chợt nó thấy bản thân quá ích kỉ chỉ biết nghĩ đến một mình nó mà chẳng nghĩ đến sự khó khăn, khổ sở của người khác. Cũng chỉ vì đua đòi theo bạn bè mà nó lại làm cho ba mẹ phải buồn và suy nghĩ nhiều vì nó. Nó đã quên đi tình cảm gia đình mà Thiên Chúa đã ban tặng. Nó đã không biết quí trọng món quà thiêng liêng ấy. Nó phải làm gì đây? Nó cảm thấy hối hận và có lỗi với Chúa và với gia đình…
Những lúc con người đi quá xa thì chính Lời Chúa sẽ là tiếng gọi được ẩn hiện trong mỗi con người, mỗi biến cố để giúp chúng ta nhận ra được “Tiếng gọi yêu thương của Ngài”. Phải chăng, nó đã đi quá xa vào tính ích kỉ và thói quen đua đòi mà quên đi xung quanh nó Chúa mời gọi hãy lắng nghe sự yêu thương xung quanh chúng ta. Tự trong lòng nó đặt ra câu hỏi “Mình đã làm gì, đã giúp ích gì được cho gia đình chưa? Hay nó chỉ là thêm gánh nặng trên vai bố, là giọt mồ hôi trên trán mẹ”. Nó đứng dậy cảm tạ Chúa đã thương giúp nó nghe được tiếng gọi yêu thương của Ngài và của mọi người xung quanh.
Chiều thứ bảy cuối tuần, cũng trong mâm cơm đạm bạc và mọi người quây quần với nhau. Nhưng không ai nói chuyện, vì có lẽ ai cũng cho rằng mình là người có lỗi. Là phận làm con, nó chẳng có chút nào gọi là ngại ngùng hay mặc cảm cả. Nó biết nó là ai? Và nó nên làm gì?
-Con xin lỗi bố mẹ vì hành động của con đêm qua? Con thật ích kỉ.
Có lẽ, đó là những câu chữ được thốt lên tận đáy lòng, nó không đủ can đảm để ngước lên nhìn bố mẹ. Vì nó biết nó là một đứa con hư, chẳng bao giờ lắng nghe và hiểu những lời yêu thương của bố mẹ. Hai ông bà nhìn nhau và bất ngờ nhưng chẳng nói lời nào. Phải chăng hai người đang nghẹn ngào trong lòng? Trên hai gò má của mẹ nó có nước gì đó từ mắt chảy ra- bà đang khóc? Bà lấy tay quẹt hàng nước mắt và cười :
-Cảm ơn con. Cảm ơn con đã hiểu cho bố mẹ. Nhất định bố mẹ sẽ cố gắng lo cho hai con thật tốt
Dạ! Con nhận ra một điều: có xe để đi học là được không cần mới hay cũ. Ngoài kia có nhiều bạn cũng không có xe để đi. Con thấy mình thật hạnh phúc và nên cảm ơn bố mẹ nhiều hơn.
Nụ cười được thắp lên và trao cho mỗi thành viên trong gia đình. Bữa cơm đạm bạc ấy cớ sao lại ngon đến lạ! Phải chăng vị yêu thương đã giúp cho mỗi người cảm thấy vui và hạnh phúc hơn. Mỗi gia đình nên cùng nhau làm rạng danh Chúa qua yêu thương: “Hỡi kẻ làm con hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hỡi kẻ làm Cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó”. (Ê-Phê-sô 6.1-4).
Sáng chủ nhật hôm ấy, ánh nắng ấm áp bao phủ cả xứ đạo, bao phủ cả tâm hồn mọi con người. Trước cổng nhà thờ có một gia đình hạnh phúc, vui vẻ ra về trong tình Chúa. Bước đi trong dòng người đông nghịt, nó thầm cảm tạ Chúa đã luôn gìn giữ gia đình và giúp gia đình vượt qua mọi biến cố. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy biết cùng nhau lắng nghe tiếng gọi yêu thương của Ngài để từ đó mỗi người chúng ta biết nói lên lời yêu thương cho nhau. Cùng thằng út đi trên chiếc xe đạp cũ kĩ, nó thấy bản thân đã trưởng thành hơn từng ngày. Sự trưởng thành thật sự chính là biết sửa đổi bản thân để hiểu được tiếng gọi của Chúa và tiếng lòng của mỗi người xung quanh. Nó đạp xe chậm rãi trong ánh nắng sớm và cơn gió mang sương mát rượi.
Đaminh Nguyễn Đình Văn
(Trích trong tập “HOA NÚI RỪNG IV” – Ban Mục vụ Văn hóa Gp. Kon Tum)
WGPKT(09/11/2023) KONTUM