Ban Mục Vụ Văn Hóa Giáo Phận Xin Thông Báo (26/06/2019)

Đôi nét sơ lược về Hành trình Cuộc Thi Văn Thơ Làng Hồ: HOA NÚI RỪNG

Kính thưa Đức Cha Aloisiô, Giám Mục Giáo phận Kontum,

Kính thưa Cha Phêrô, Tổng Đại Diện

Kính thưa Cha Phụ trách Ban Mục vụ Văn hóa,

Quý Cha,quý Nam nữ Tu sĩ, quý Khách mời

Cùng toàn thể các tác giả trẻ tuổi đạt giải Cuộc thi Văn Thơ Làng Hồ “HOA NÚI RỪNG LẦN IV 2018”.

Ban Mục vụ Văn hóa đã được Đức Cha Micae, nguyên Giám Mục Giáo phận Kontum thành lập, nhưng do điều kiện về nhân lực, tài lực hạn hẹp, nên đến đầu năm 2015 mới ra mắt Ban Mục vụ Văn hóa gồm các thành viên là một số linh mục và giáo dân. Ban Mục vụ Văn hóa mới thành lập mong muốn tạo một sân chơi lành mạnh cho các em học sinh, sinh viên, qua đó tìm kiếm các tài năng văn, thơ, nhạc Công giáo, đồng thời đào tạo bồi dưỡng những cây bút trẻ trong giáo phận.

Cuộc thi viết văn thơ “Hoa Núi Rừng lần I” ra đời, với chủ đề viết về “Xứ đạo quê tôi”, theo tinh thần Năm “Tân Phúc Âm hóa giáo xứ, buôn làng và cộng đoàn ” 2015. Cuộc thi chỉ dành riêng cho những thí sinh thuộc giáo phận Kontum, có độ tuổi dưới 35 nhằm khuyến khích các các bạn trẻ tăng trưởng đời sống đức tin, yêu mến xứ đạo và góp phần “tân Phúc Âm hóa” ngay chính nơi mình sống.

Thật bất ngờ! Các bạn bạn trẻ trong Giáo phận đã hưởng ứng tích cực, đặc biệt các em nhỏ cũng có những cảm nghiệm sâu lắng như trong bài tổng kết Cha trưởng Ban Phêrô Ngô Đức Trinh đã nhận định: “Mặc dù lần đầu tiên tổ chức còn có nhiều hạn chế, nhưng cũng gặt hái được những thành quả nhất định. Có em chỉ mới 11 tuổi thôi nhưng cũng đã cảm nghiệm được ‘Niềm Vui Xứ Đạo’ khi có Linh mục hiện diện, khi có Thánh Lễ hàng ngày, hàng tuần! Tuy bài dự thi chưa nhiều lắm nhưng Hoa Núi Rừng I đã có nhiều sắc màu khác nhau cùng tham dự: Kinh, Bahnar, Jrai…”.

Tiếp nối Hoa Núi Rừng I, sang năm 2016, cuộc thi Hoa Núi Rừng II xoay quanh chủ đề “Lòng Thương Xót Của Chúa”.  Nội dung các bài viết thể hiện sự yêu thương, tha thứ, lòng thương xót của Chúa qua chính cuộc đời của mỗi người hay những người chung quanh, trong môi trường gia đình, học đường, nhà thờ, nơi làm việc, và khả năng giới thiệu Chúa cho những người xung quanh bằng đời sống chứng nhân Tin Mừng.

Văn Thơ Làng Hồ năm 2016này thu hoạch được mùa với 117 tác phẩm của 66 thí sinh tỏa ngát hương sắc của 4 sắc tộc chính: Kinh, Ba Na, Gia Rai, Sê Đăng. Số lượng bài dự thi về văn và thơ đều nhiều hơn và chất lượng hơn năm trước. Giải HNR lần này ghi nhận và trao giải cho những nỗ lực đồng đội với các giáo xứ có đông thí sinh tham dự như: Gx Phú Túc, Gx Ia Dreng, Gx Kon H’ring và Gx Kon Rơbang. Thật cảm kích tự hào về sự nỗ lực của các tác giả mà đằng sau đó là cả một sự hậu thuẫn lớn lao đến từ các Cha xứ, quý Tu sĩ và anh chị GLV.

Trong lễ tổng kết trao giải ngày 17.8.2016 tại giáo xứ Tiên Sơn, Đức Cha Alôsiô đã xác định lại ý nghĩa chữ viết và chuẩn mực sáng tác văn thơ Công giáo. Đức Cha đã nói: “Các vị Thừa Sai đã có sáng kiến sáng lập chữ quốc ngữ để chuyển tải kiến thức giáo lý, truyền đạt Đạo Chúa cho những người bình dân. Một kết quả bất ngờ là chữ quốc ngữ dễ đọc, dễ hiểu, dễ học và với những mẫu tự La-tinh chúng ta dễ dàng tiếp cận với ngôn ngữ Tây phương.Là người Công giáo, chúng ta gìn giữ chữ quốc ngữ, cũng là biểu trưng của người Công giáo. Để phát triển chữ quốc ngữ, chúng ta có thể tham gia vào những dịp thi sáng tác như dịp thi Hoa Núi Rừng, cũng như cần phải được học hỏi, cần biết về văn phạm, như những tiêu chí trong thể lệ thi, từng dấu chấm dấu phẩy, từng câu đơn, câu kép, câu phức… đều góp phần làm cho tiếng Việt trong sáng.”

Lãnh hội và tiếp bước theo định hướng tinh thần đó, cuộc thi Hoa Núi Rừng lấn III năm 2017, trong bối cảnh năm mục vụ “Niềm vui-Tình yêu-Gia đình” , nội dung được xoáy quanh đề tài: “Ơn cha nghĩa mẹ trong tình Chúa”, nhằm mục đích cổ võ truyền thống đạo hiếu, khuyến khích người làm con bày tỏ lòng tri ân và đáp đền ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, trong môi trường sống đức tin tại các gia đình. Đồng thời phát huy lòng quý trọng và yêu mến tiếng Việt, góp phần làm trong sáng tiếng Việt, trong giai đoạn mà việc dạy, học và viết văn của nhiều bạn trẻ còn hạn chế.

Cuộc thi HNR III đã qui tụ được 132 tác giả tham dự, với 165 tác phẩm. Trong đó có 117 bài văn và 48 bài thơ. Tín hiệu đáng mừng là số lượng thí sinh dự thi và tác phẩm đều tăng so với lần thi HNR II. Tổng kết giải HNR III, Lm Tađêô Võ Xuân Sơn, đại diện Ban MVVH nhận định: Có thể nói rằng, mỗi con người được sinh ra và lớn lên trên những vùng miền khác nhau, và chịu sự ảnh hưởng của các nền văn hóa, giáo dục khác nhau. Giải Văn Thơ Làng Hồ : Hoa Núi Rừng III 2017 đựợc kết tinh từ những tâm tư hoài bão của các ngòi bút trẻ có lòng yêu mến văn thơ đạo… Tinh hoa của Hoa Núi Rừng không chỉ là một nền văn hóa riêng biệt nhưng là đa văn hóa.Chính điều này đã làm nên sự phong phú và đa dạng trong nền Văn Thơ Làng Hồ”.

Đến lần thứ IV năm 2018 này, Cha phụ trách Gioakim Lương Đông Vỹvà các thành viên Ban MVVH đã rút được nhiều kinh nghiệm của những năm trước. Ngoài việc tăng cường ban giám khảo gồm những giáo viên giàu kinh nghiệm, các Cha trong Ban MV cũng thay đổi phương pháp làm việc từ thể lệ thi, khâu chấm bài cho đến trao giải sao cho vừa khoa học, mà vẫn bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc. Tiếp tục với chủ đề: Gia đình trong tình Chúa, HNR IV “đặt trọng tâm việc đề cao phẩm giá của đời sống Gia Đình, với cảm nghiệm về sự can thiệp của ơn Chúa trong những biến cố đời thường, từ đó, mời gọi ý thức xây dựng gia đình trở nên chứng nhân cho Tình yêu Thiên Chúa” (x. Lời Tựa tập HNR IV).

HNR đã đi qua được bốn mùa sinh hoa kết trái.Tiếp nối và phát huy những giá trị cao quý ấy, Cha Trưởng Ban MVVH tiếp tục khẳng định, như đã ghi trong Lời Tựa HNR IV-2018: “…dòng văn thơ “Làng Hồ” hay văn thơ “Kon Tum” thực sự là một di sản văn vật vô cùng quý giá thể hiện những nét bản sắc độc đáo về văn hóa và tôn giáo của người dân Làng Hồ trên đại ngàn núi rừng Tây Nguyên. Uốn mình trong dòng chảy lịch sử của giáo phận Kon Tum, dòng văn thơ Làng Hồ đã đồng hành và trở nên phương tiện hỗ trợ rất hữu hiệu cho công cuộc loan báo Tin Mừng ngay từ những ngày đầu tiên hạt giống Lời Chúa được rao giảng cho các đồng bào sắc tộc trên miền đất Kon Tum”.

Ước mong hạt giống HNR đã gieo vãi qua bốn mùa sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái phong nhiêu, trở thành mộttruyền thống có sức lan tỏa rộng lớn trong tất cả các Giáo xứ của Giáo phận Kontum thân yêu.

Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha Aloisiô,Cha Tổng Đại Diện, quý Cha, quý tu sĩ, anh chị em trong Ban Giám Khảo – Ban Mục Vụ Văn Hóa vàtất cả mọi người đang hiện diện.

Phêrô Lê Minh Sơn

Ban MVVH Gp Kon Tum

9.8.2018


GPKONTUM(26/06/2019) KONTUM