Don Bosco Nói Chuyện Với Các Học Sinh Của Ngài Như Thế Nào?

Nhà giáo dục Công giáo vĩ đại, Thánh Gioan Bosco, được biết đến là người đã bao bọc các học sinh của mình bằng tình yêu thương. Điều này có nghĩa là ngài đã nhận ra và khẳng định các học sinh của mình là những đứa trẻ được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Một phần của cách tiếp cận độc đáo này là chuyển giao cho học sinh của ngài ý thức về kỷ luật đạo đức, sử dụng lý trí và quan tâm đến tôn giáo. Thánh Gioan Bosco không thụ động trong cách tiếp cận với “các cậu bé của mình” về nhiều mặt, ngài là một người kỷ luật nghiêm khắc, ít khoan nhượng cho việc không vâng lời, và ngài không ngại bày tỏ sự không hài lòng với hành vi của họ khi đã được chứng thực.

1- PHƯƠNG PHÁP CỦA THÁNH GIOAN BOSCO

Một trong những nguyên lý giáo dục của Thánh Gioan Bosco là nghệ thuật đối thoại. Ngài luôn thiết lập mối tương quan với học sinh của mình bằng cách đối thoại, chẳng hạn như tìm hiểu cách thức, thái độ và khuynh hướng của họ. Phương pháp / cách tiếp cận của ngài có thể được mô tả như một “việc mục vụ của sự hiện diện”, nơi đối thoại đóng vai trò như một phương tiện để thiết lập mối quan hệ tích cực với một người trẻ, nhằm thúc đẩy và giới thiệu sự đào luyện linh đạo và giáo lý hơn nữa.

Do đó, Thánh Gioan Bosco đã tìm cách tạo ra một bầu không khí gia đình, một bầu khí nơi học sinh sẽ biết và hiểu các nhân đức của kỷ luật, tình yêu thương, lòng nhân từ, lý trí và quan trọng nhất của tất cả các tôn giáo – đó là những giáo huấn của Chúa Kitô. Kết quả của cách tiếp cận này là “tinh thần gia đình” bao trùm nơi nguyện xá của ngài là một cộng đoàn đức tin vào Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Tiền đề chính trong cách tiếp cận của Don Bosco là thiết lập một gia đình đức tin thông qua cái mà ngài gọi là phương pháp dự phòng. Phương pháp giáo dục cụ thể này liên quan đến việc thừa nhận luân lý, thường xuyên xưng tội và rước lễ và thực hành nhân đức bác ái.

2- NGÔN NGỮ CỦA THÁNH GIOAN BOSCO

Cho dù bạn tự nhận mình là một nhà giáo dục tôn giáo, giáo lý viên, giáo sư, nhà thần học hay diễn giả, cách bạn truyền đạt và trình bày rõ ràng nội dung hướng dẫn của bạn sẽ quyết định liệu học sinh sẽ lắng nghe và chấp nhận hay bỏ qua và loại bỏ những gì bạn đề xuất. Điều làm nên Phương pháp giáo dục Salêdiêng của Thánh Gioan Bosco dựa trên đặc sủng giáo huấn của Thánh Phanxicô Salê là việc ngài thường xuyên kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô và các hành động cứu độ của Người được bao hàm trong Mầu nhiệm Vượt qua. Việc loan báo Tin Mừng là một phần giáo huấn thiết yếu mà Thánh Gioan Bosco sẽ thực hiện khi giảng dạy cho các cậu bé trong nguyện xá. Mục đích của cách tiếp cận này là sự cứu rỗi linh hồn của các cậu bé. Don Bosco sẽ không né tránh khi tiết lộ ý định của mình trước toàn thể nguyện xá của ngài.

Ngôn ngữ của Don Bosco nhằm thu hút tâm hồn những đứa trẻ bằng cách hiểu rõ hơn về trái tim của chúng. Chúng ta thấy điều này được khẳng định và được dạy qua lá thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô (13,14-17). Cách tiếp cận của Salêdiêng đối với giáo dục liên quan đến ý tưởng rằng một người có thể đạt được sự hoàn thiện của Kitô giáo ngang qua các công việc của lòng thương xót về tinh thần và thể xác. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (số 170) cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết về ngôn ngữ đức tin như sau:

Chúng ta không tin vào những công thức, nhưng tin vào những thực tại mà các công thức đó diễn đạt, và đức tin cho phép chúng ta “chạm tới được”. “Hành vi đức tin của người tín hữu không dừng lại ở lời phát biểu, mà ở thực tại được pháp biểu”.Tuy nhiên, chúng ta tiếp cận những thực tại đó nhờ những công thức diễn tả đức tin. Những công thức này cho phép diễn đạt và lưu truyền đức tin, bày tỏ đức tin trong các buổi cử hành cộng đoàn, hấp thụ và sống đức tin ngày một hơn.

Thánh Gioan Bosco rất rõ ràng trong ý định cứu rỗi linh hồn của mọi người trẻ mà ngài gặp gỡ. Việc giảng dạy thực tại của Chúa Giêsu và thể hiện tình yêu thương của Đức Kitô qua việc Ngài bị đóng đinh là rất quan trọng đối với Don Bosco vì nó tập trung vào cách tiếp cận của người Salêdiêng về lý trí, tôn giáo và lòng nhân ái. Việc thường xuyên lãnh nhận các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể là trụ cột cho phương pháp giáo dục và ngôn ngữ đức tin của ngài. Những bằng chứng bên ngoài này là những gì mà Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo (số 156) gọi là những ví dụ và mô hình đức tin “động cơ của sự đáng tin cậy” cung cấp bối cảnh rõ ràng về cách thể hiện sự đồng ý của chúng ta về đức tin đối với Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài.

Don Bosco đã truyền đạt một ngôn ngữ yêu thương đặc biệt dựa trên ước muốn cứu rỗi các linh hồn của bất kỳ đứa trẻ nào mà ngài gặp. Điều khiến cho cách tiếp cận của Don Bosco trở nên độc đáo là ngài sẽ thể hiện mong muốn này một cách công khai và yêu thương theo đúng nghĩa đen. Cuối cùng, ngôn ngữ của Don Bosco luôn xoay quanh khát vọng mọi đứa trẻ đều có cơ hội nhìn thấy Thiên Chúa.

Lạy Thánh Gioan Bosco, xin cầu cho chúng con!

Tiến sĩ Marlon De La Torre
Gia Thi, SDB
chuyển ngữ
Nguồn: thegioisaledieng.net
WGPKT(09/05/2022) KONTUM