Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô

     Đại lễ kính thánh Phêrô và Phaolô hôm nay nhắc chúng ta nhớ tới hai cột trụ của Giáo Hội Rôma, Giáo Hội đặc biệt tôn kính hai gương mặt nầy.  Giáo hội đã mở năm thánh Phaolô từ 28.6.2008 đến 29.6.2009,  kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật của thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngọai, một gương mặt vượt trội của Giáo Hội ban sơ.  Chúng ta suy niệm hai gương mặt sáng chói nầy.

     Thánh Phaolô thuộc gia đình Do thái, gia nhập phái Pharisêu, sinh trưởng tại Tạc-xô, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.  Ngài còn có tên là Saolô, tên gọi trước khi trở thành tông đồ của Đức Giêsu.  Chính xác thì không rõ ngài sinh năm nào, có lẽ ngài trẻ hơn Đức Giêsu mươi tuổi.  Ngài đã có mặt trong cuộc hành quyết phó tế Têphanô (Cv 7, 58), giữ áo choàng cho những người ném đá Têphanô. 

     Là người thông minh có văn hóa Hy-La, lớn lên tại Giêrusalem theo học với sư phụ Gamalien, rất nhiệt thành với Do thái giáo, giữ luật lệ nghiêm nhặt, nhiệt thành đến cuồng tín, cho nên khi nghe một tôn giáo mới ra đời, ngài là người hăng say đi bắt bớ các Kitô hữu, cho rằng Kitô giáo là một lạc giáo nguy hiểm cần tiêu diệt để bảo vệ tôn giáo độc thần của người Do thái. 

     Trên đường đi đến thành Đamát, thi hành lệnh bắt bớ các Kitô hữu, ngài đã bị quật ngã (Cv 9).  Cuộc gặp gỡ kỳ lạ nầy đã biến con sói hung dữ thành chiên con ngoan hiền, không những thế ngài đã trở nên vị Tông Đồ Dân Ngọai không ai sánh kịp.  Bốn cuộc hành trình truyền giáo của ngài, cũng như các Thư Mục Vụ của ngài minh chứng vị thế vô song trong truyền giáo thời Giáo Hội tiên khởi.

     Bốn sách Tin Mừng ghi lại các lời Đức Giêsu nói và các việc Đức Giêsu làm để mặc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn Sách Công Vụ Tông Đồ là lời các tông nói và việc các tông đồ làm để rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Thật vậy Sách Công Vụ được chia làm hai phần: phần đầu là Tin Mừng trong thế giới Do Thái, mà khuôn mặt chói sáng là Phêrô, thì phần thứ hai được gọi là Tin Mừng trong thế giới Dân Ngoại, khuôn mặt vượt trội là Phaolô. 

     Về Thánh Phaolô.  Sau buổi đầu bị các Kitô hữu nghi ngời về tư cách trung thực của Saolô, lý do là Saolô đột ngột tin theo Đức Giêsu, và tức thì ngay sau đó bắt đầu rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu, ngài làm việc gần như độc lập mà không được bản quyền tại Giêrusalem sai phái.  Nhờ sự giới thiệu rất uy tín của thánh Banaba, các tông đồ tại Giêrusalem chấp nhận và đón tiếp thánh Phaolô, từ đó ngài được Giáo Hội tin tưởng. 

     Ngài đã có uy tín và lập trường rõ rệt trong Công Đồng Giêrusalem họp vào năm 49-50 để giải quyết việc không cắt bì cho anh em lương dân trở lại đạo Kitô, việc nầy tách biệt Kitô giáo ra khỏi Do thái giáo.  Ngài đã được Đức Giêsu Kitô phục sinh kêu gọi và đặt làm Tông Đồ Dân Ngọai: “Hãy tách riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13, 2).  Từ đó công việc truyền giáo gần như độc lập của ngài quay sang dân ngọai.  Bốn hành trình truyền giáo của thánh Phaolô được ghi lại từ chương 13 sách Công Vụ Tông Đồ trở về sau.

     Về Thánh Phêrô. Trong Bài Tin Mừng (Mt 16,13-19) Đức Giêsu đã phỏng vấn các môn đệ để biết thiên hạ nghĩ gì về mình và môn đệ nghĩ gì về Thầy của họ.  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Thánh Phêrô đã phát biểu thay cho anh em : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (câu 16), trên niềm tin đó Đức Giêsu thiết lập Hội Thánh của Người.  Thánh Phêrô có gia đình, làm nghề thuyền chài, được gọi đầu tiên trong các tông đồ, được giao quyền chìa khóa tức là quyền cầm buộc, được diện kiến Đức Giêsu trong cuộc hiển dung, có mặt trong vườn Dầu, hăng hái và nhiệt thành, nhưng có lúc nông nỗi, đã chối Thầy 3 lần.   Sau khi sống lại Đức Giêsu đã ba lần hỏi Phêrô con có yêu mến Thầy không, như cho Phêrô cơ hội tuyên xưng và xác tín lòng yêu mến của mình. 

     Theo truyền thuyết trong cuộc bách hại đạo của vua Nêron vào đầu thế kỷ thứ nhất, ngài đã muốn bỏ trốn khỏi thành Rôma, nhưng vừa đi tới cổng thành, ngài gặp Đức Giêsu vác thập giá đi vào thành.  Ngài hỏi Chúa “Quo Va Dis?” , (Thầy đi đâu?), Đức Giêsu trả lời : Thầy vào thành để chết thay cho con một lần nữa. Tức thì Phêrô quay lại đi vào thành Rôma và chấp nhận chịu đóng đinh làm chứng cho Thầy. 

     Còn thánh Phaolô trả lời câu hỏi của Thầy bằng chính cuộc sống của mình: “Đối với tôi sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi.  Tôi không biết gì khác ngoài Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2).  Cả hai vị khác nhau trong hành trình ơn gọi, trong văn hóa, trong cách giảng dạy, trong chức vụ … Nhưng đã gặp nhau trong hết mình rao giảng Tin Mừng, trong chịu đựng gian khổ, lấy máu đào làm chứng đức tin.

     Thân lạy hai thánh Phêrô và Phaolô, xin cho con biết tuyên xưng bằng lời và bằng cuộc sống làm chứng cho Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc nhân lọai. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh

Lm Kontum giáo xứ Đức An

WGPKT(27/06/2020) KONTUM