Ðằng Sau Thánh Lễ Trực Tuyến

Chưa bao giờ tín hữu Công giáo phải chịu cảnh không được đến nhà thờ tham dự thánh lễ lâu như hiện nay. Trận dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi chiều kích của xã hội. Trước tình hình này, Giáo hội đề ra biện pháp phát trực tiếp các thánh lễ để đáp ứng nhu cầu thờ phượng Thiên Chúa của đoàn chiên

     Ðó là giải pháp tạm thời cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi, các lễ có cộng đoàn tham dự được tổ chức trở lại. Lễ trực tuyến dù rằng không thể thỏa lòng nhưng phần nào cũng nguôi ngoai cơn khát Lời Chúa của cộng đoàn Dân Chúa, được như vậy là nhờ những hy sinh thầm lặng của đội ngũ chăm lo công tác truyền thông ở hậu trường.

Một buổi ghi hình trực tuyến Thánh lễ tại GP Xuân Lộc

NHỮNG CON THOI ÂM THẦM

     Ủy ban Phụng tự – Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra những lưu ý về việc trực tuyến thánh lễ, ở mọi nơi và trong mọi trường hợp, thánh lễ cần phải được chuẩn bị, cử hành và tham dự trong tâm thế và tư thế xứng hợp với giá trị linh thánh của hành vi phụng vụ cao cả này. Việc truyền thanh và truyền hình vì vậy phải được thực hiện cẩn trọng. Ðể đảm bảo cho thánh lễ được phát trực tiếp một cách sống động, không gặp sự cố, khâu hậu trường chuẩn bị, lắp đặt máy móc phải được trang bị thật kỹ càng trước khi thánh lễ diễn ra. Cha Vinhsơn Phạm Văn Thượng – Trưởng Ban Truyền thông GP Thái Bình cho biết: “Trước hai ngày có quyết định của Tòa Giám mục về trực tuyến thánh lễ, mọi phương án để thực hiện công việc đã được đề ra. Giáo phận ghi hình thánh lễ trực tuyến vào lúc 19g30 phút hằng ngày, còn Chúa nhật lúc 6g và 19g30 phút tại nguyện đường của Nhà Chung. Khó khăn lớn nhất đối với Ban Truyền thông là về thiết bị. Từ trước đến giờ vẫn nhờ đến anh em làm dịch vụ quay phim nơi các giáo hạt về hỗ trợ cho giáo phận. Dịp này thánh lễ cử hành trực tuyến kéo dài khá lâu, ngày nào cũng phải làm. Như vậy phải có sự ổn định về máy móc”. Trước thánh lễ khoảng 30 phút, anh em đặc trách công việc sẽ kiểm tra trang thiết bị thu hình, thu tiếng, đường truyền mạng… Nhân sự ít nhất phải có năm người. Một người trực âm thanh, hai người trực phần mềm máy tính, hai người trực máy quay. Xuyên suốt thời gian trước và trong khi ghi hình thánh lễ, cha đặc trách luôn phải giám sát, đảm bảo không để sự cố xảy ra. Mỗi thánh lễ trực tiếp phát trên kênh Youtube truyền thông giáo phận Thái Bình trung bình thu hút khoảng 5 – 8 ngàn lượt xem. Ðỉnh điểm vào buổi lễ Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh, lượt “dự lễ” lên đến gần 50.000 người. Sự quan tâm thánh lễ qua mạng của đông đảo tín hữu là động lực để ban truyền thông thực hiện tốt công việc của mình. Cha Thượng bày tỏ: “Dịch Covid-19 mang đến những thử thách mà không ai tránh khỏi. Chúng tôi cố gắng làm sao để giáo dân có cơ hội tham dự thánh lễ hằng ngày hoặc ít nhất là một thánh lễ vào Chúa nhật, để rồi họ hiệp thông với nhau cầu nguyện cho đại dịch sớm kết thúc”.

     Trong hoàn cảnh hiện nay, các tín hữu được khuyến cáo nên tham dự thánh lễ phát trực tiếp để được hiệp thông cách trọn vẹn và sống động, hơn là mở các thánh lễ được phát lại sau thời điểm đã cử hành. Xuân Lộc, một trong số giáo phận đông người Công giáo, để bổn đạo không bỏ lỡ lễ, hưởng được trọn vẹn ơn ích thiêng liêng, mỗi ngày Tòa Giám mục cho phát bốn thánh lễ trực tiếp, sớm nhất là 4g30 sáng và trễ nhất là 19g15. Cha JB Trần Ngọc Bảo – Phó Ban Truyền thông giáo phận Xuân Lộc chia sẻ: “Tòa Giám mục, nhà thờ Chánh tòa và đan viện Xitô Phước Lý là ba nơi được Ðức Giám mục giáo phận đề nghị ghi hình thánh lễ và phát trực tiếp trên kênh Youtube, trang Facebook truyền thông của giáo phận. Ngoài ra còn được chia sẻ tới các trang Facebook riêng của nhiều giáo xứ”. Mỗi cụm phát sóng sẽ có hai đến ba người phụ trách máy móc, dù lễ sớm hay trễ cũng đều trong tư thế chuẩn bị mọi thứ chỉn chu khi phát.

Giáo đường vắng bóng giáo dân

     25 trên tổng số 27 giáo phận của nước ta đều có lịch phát thánh lễ trực tuyến hằng ngày. Mặc dù thánh lễ phát trực tiếp trên mạng xã hội không phải bây giờ mới có, mà từ trước khi có chỉ thị tạm đóng cửa nhà thờ, trong những dịp lễ lớn có đông đảo giáo dân tham dự, ban truyền thông của các giáo phận vẫn thực hiện để những bổn đạo không thể đến nhà thờ tiện theo dõi. Ngày nay, trong bối cảnh SARS-CoV-2 lây lan nhanh, để bảo an toàn, lễ có cộng đoàn đông đảo tham dự tạm ngưng, thánh lễ trực tuyến là giải pháp thích hợp. Song những người làm công tác truyền thông không khỏi cảm thấy “thật lạ” khi nhà thờ vắng bóng giáo dân, nhất là vị linh mục chủ sự. Cha Tađêô Võ Xuân Sơn – Trưởng Ban Truyền thông giáo phận Kontum cảm nghiệm:“Giáo phận Kontum đặt máy ghi hình thánh lễ trực tuyến tại giáo xứ Võ Lâm sáng chiều mỗi ngày. Riêng Chúa nhật có bốn lễ, xen kẽ lễ bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số để đáp ứng mọi thành phần Dân Chúa. Lần đầu tiên dâng lễ mà chẳng có giáo dân tham dự, chỉ có mình với chiếc máy ghi hình nên không tránh khỏi hụt hẫng. Bình thường Lời Chúa nói ra phải có đối tượng nghe, tương tác ít là bằng mắt nay khi đứng trên tòa giảng nhìn xuống thì chỉ toàn những chiếc ghế trống, nên phải cố gắng bắt nhịp, lấy cảm hứng để chia sẻ Tin Mừng. Nhưng tôi ngẫm lại, Chúa đang có chương trình của Chúa, để cảnh tỉnh con người về lối sống và đức tin của mình. Trước đây, khi mình có tất cả mọi điều kiện thì lại vô tình quên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình thì sẽ không bao giờ có hạnh phúc thật sự. Chỉ khi ta nhìn lên và cần đến sự che chở của Ðấng Toàn Năng thì mọi sự mới được bình an”.

 

TÂM TÌNH TÍN HỮU

     Gia đình anh Nguyễn Bảo Nam (Gx Tân Hương, TGP TPHCM) cho biết, trước khi tới giờ phát thánh lễ trực tiếp, 3 thành viên trong nhà thay y phục chỉnh tề, vào phòng đóng cửa và mở truyền hình có kết nối mạng lên dự thánh lễ: “Dù chỉ được dự lễ qua màn hình, nhưng mình luôn giữ tâm tình hướng về Chúa, hiệp thông với cha chủ sự trong mọi nghi thức, không để mình bị chia trí, mất tập trung. Trong bối cảnh chưa có vắc xin điều trị bệnh do chủng mới của siêu vi Corona gây ra thì việc cầu nguyện xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót giúp đẩy lùi cơn đại dịch là điều không thể bỏ qua, nhất là với người có đức tin Kitô như mình”.

     Tính đến nay, đã hơn một tháng giáo dân không được đến nhà thờ dự lễ. Rất nhiều tín hữu thấy nhớ Nhà Chúa, các em thiếu nhi thì nhớ lớp học giáo lý, nhớ sân chơi nhà thờ… Mong ngóng mở lại các thánh lễ cộng đồng, chị Trần Thùy Linh (Gx Tân Châu, TGP TPHCM) cảm thấy rất nhớ Bí tích Thánh Thể và hy vọng dịch sớm bị đẩy lùi để có thể đến nhà thờ tham dự thánh lễ, và nhất là được thỏa niềm mong mỏi rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô thay vì chỉ rước Chúa thiêng liêng như những tuần qua.

     Ðể có những thước phim ghi hình thánh lễ trực tuyến một cách suôn sẻ và sống động là sự hy sinh của anh em trong đội ngũ mục vụ truyền thông các giáo xứ, giáo phận. Họ đã âm thầm thức khuya dậy sớm để phục vụ tín hữu khắp cả nước được hiệp thông thánh lễ trong một thời gian khá dài. Một tín hữu để lại lời tri ân trên tài khoản Facebook cá nhân:“Xin gởi lời cầu nguyện và cảm ơn đội ngũ truyền thông đã góp công truyền hình các thánh lễ, giờ chầu Thánh Thể trực tuyến, để các gia đình được hiệp thông trong những ngày không thể đến nhà thờ, nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh em luôn mạnh khỏe và bình an”.

NHÃ VĂN

Nguồn: công giáo và dân tộc

WGPKT(04/05/2020) KONTUM