Điều Gì Xảy Ra Với Việc Cầu Nguyện Của Bạn Khi Tuyệt Vọng?

Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại. 

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài,
Xin Ngài đừng ẩn mặt.

Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.

Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con. 

Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có Chúa đón nhận con. 

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập. 

Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí. 

Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. 

Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào Chúa” (Thánh vịnh  27: 7 – 14). 

Điều gì xảy ra với việc cầu nguyện của bạn khi tuyệt vọng? Khi bạn kiệt sức, mất ngủ, tàn tạ? Cách đây không lâu đã có một khoảng thời gian khi tôi không còn sức làm được gì hơn ngoài việc kêu lên: “Xin hãy giúp con, Chúa ơi”. Theo đúng nghĩa đen, không có gì khác hơn xuất hiện trong tâm trí tôi. Những năm trước, tôi đã có thể cất lên những lời nói hùng hồn, những tràng hoa ngát thơm dâng lên Thiên Chúa. Tôi hài lòng với nỗ lực của mình và tôi nghĩ Chúa cũng hài lòng như vậy.

Vào lúc đó, tôi chắc chắn là Ngài hài lòng với nỗ lực của tôi. Nhưng khi tôi bước vào tuổi trung niên, bấy giờ tôi thấy rằng lời cầu nguyện trong tuyệt vọng mới là cuộc trò chuyện thực sự, bởi vì hy vọng không phải là hy vọng nếu không có thất vọng. GK Chesterton đã viết, “Chừng nào các vấn đề còn thực sự có hy vọng, thì hy vọng chỉ là sự tâng bốc xu nịnh hoặc sự vô vị nhàm chán; Chỉ khi mọi thứ trở nên vô vọng thì niềm hy vọng mới bắt đầu trở thành sức mạnh. Giống như tất cả các nhân đức của Kitô giáo, đức cậy trông hy vọng càng phi lý bao nhiêu thì nó lại càng không thể thiếu được bấy nhiêu”.

Trong Thánh vịnh 27, chúng ta biết rằng cậy trông hy vọng và chờ đợi có thể thay thế cho nhau. Trên thực tế, một số bản dịch thay thế từ này bằng từ khác. Trong câu 14, chúng ta có thể đọc trong một phiên bản, “Hãy chờ đợi Chúa, hãy can đảm,”[1] hoặc trong một phiên bản khác, “Hãy cậy trông vào Chúa, hãy can đảm.”[2] Có vẻ như sự cậy trông không có thực khi mọi thứ đều ổn thỏa. Niềm cậy trông chỉ trở nên sâu sắc hơn qua các thử thách vốn dĩ kiểm tra xem chúng ta có còn mang theo ngọn đuốc – hay thậm chí chỉ là một cục than hồng – chiếu tỏa ánh sáng nội tâm để giúp chúng ta tiến về phía Đấng là Ánh sáng của Thế trần hay không.

Có lẽ đó là lý do tại sao cách nói ẩn dụ ví Chúa Giêsu như là ánh sáng có sức mạnh rất lớn đối với những người trong chúng ta đang nản lòng và hầu như tuyệt vọng. Có lẽ, đó là lý do tại sao Thánh vịnh 27 là một lời khích lệ như vậy. Trong vài năm qua có những thời điểm, khi tôi bị trầm cảm nặng sau sinh, thậm chí đọc những lời đầy hy vọng như thế này cũng không có một tác động gì đến suy nghĩ hay cảm xúc của tôi.

Khi đó, niềm cậy trông đang bộc lộ ra và khiến vòng tay của chúng ta dang rộng ra cho Thiên Chúa, đặc biệt là khi chúng ta không thể tìm ra được lý do gì để tin rằng cuộc sống sẽ được cải thiện. Chính đức trông cậy đã nâng đỡ chúng ta, duy trì niềm tin vững chắc của chúng ta rằng “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27: 13). Đây không phải là một tình cảm ngọt ngào hời hợt bên ngoài, mà là một sự hiểu biết chắc chắn vốn dĩ thay thế cho những gì có thể nhìn thấy bằng mắt hoặc nghe được bằng tai.

Gần đây, tôi đã đọc lại dòng này, bởi vì tôi thường xuyên xem lại Thánh vịnh 27 khi tôi cảm thấy bị nuốt chửng trong bóng tối chán nản. Đột nhiên, tôi nhận ra rằng sự tin tưởng của Tác giả thánh vịnh 27 là ông biết rằng Thiên Chúa sẽ bày tỏ lòng tốt và sự thương xót của Ngài cho dân Ngài khi họ còn ở trên trần thế, chứ không chỉ sau khi họ chết. Đó là một niềm tin lạ thường, thậm chí căn bản.

Một lần nữa, Chesterton đã viết về niềm cậy trông: “Đúng vào lúc niềm cậy trông không còn phù hợp với lý trí nữa thì nó bắt đầu hữu ích.” Niềm cậy trông không phải là tìm kiếm hoặc dựa vào các dấu hiệu và tín hiệu từ thiên đàng, như thể chúng ta mong đợi Chúa hoạt động trong cuộc sống của chúng ta thông qua các dấu hiệu và tín hiệu đó. Niềm cậy trông không phải là nói, “Thấy không? Tôi đã nhìn thấy một bông hồng, vì vậy tôi biết tôi sẽ đạt được những gì tôi đã cầu nguyện!” Niềm cậy trông cũng không phải là nói, “Chúa thật tốt lành, bởi vì tôi đã có được những gì tôi đã cầu nguyện!”

Thiên Chúa luôn luôn tốt lành, cho dù kết quả của những lời cầu nguyện của chúng ta có phải là điều chúng ta mong muốn hay mong đợi hay không. Trong những ngày đen tối nhất của chính mình, tôi không có gì để mong đợi. Không có gì có ý nghĩa. Mọi thứ thật ảm đạm, và tôi không thể nhìn thấy con đường nào khác bên ngoài sự ảm đạm đó.

Trong một nghịch lý kỳ lạ, chính trong giai đoạn này của cuộc đời thì tôi nhận ra rằng niềm niềm cậy trông là thứ đã đưa tôi vượt qua tất cả. Không phải sự sung sướng. Không phải những lời sáo rỗng. Không phải những dấu hiệu. Không phải những nụ cười hay sự an ủi. Chỉ là niềm cậy trông thuần túy – vào thiên đàng, phần lớn là như thế.

Niềm cậy trông của tôi đã trở nên hữu ích theo nghĩa là nó đã giữ cho tôi còn sống, khiến tôi luôn hướng tới “điều gì đó vĩ đại hơn” và “điều gì đó hơn thế nữa” mà tôi biết rằng Thiên Chúa dành sẵn cho tôi, cho tất cả chúng ta. Lẽ nào niềm cậy trông của tôi chỉ là niềm cậy trông vào thiên đàng? Đúng như vậy. Nhưng niềm cậy trông còn là việc tôi biết rằng tôi thấy được những điều tốt đẹp xảy ra suốt trong cuộc đời của mình. Tôi không cần phải biết những điều tốt đẹp ấy là gì để có thể nhận ra rằng, trong khi tôi chờ đợi Thiên Chúa, thì việc ấn định thời gian của Ngài (như thế nào là tùy ý Ngài) sẽ lôi kéo tôi vượt qua sự căng thẳng, nỗi sợ hãi, của khoảng thời gian tạm ngừng hoặc gián đoạn lâu dài đó.

Niềm cậy trông đẩy một tâm hồn đến giới hạn tột cùng của nó, đến bờ vực của sự tuyệt vọng. Là một trải nghiệm đáng sợ khi đối đầu với bóng tối khủng khiếp của một con người, nhưng lại là một trải nghiệm còn tuyệt vời hơn khi khám phá ra ân sủng vô hình đã bảo vệ tâm hồn đó từ đầu cho đến cuối.

Tác giả: Jeannie Ewing
Phêrô Phạm Văn Trung Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com
WHĐ (28.5.2022)
WGPKT(29/05/2022) KONTUM