Giáo Hội Và Nên Dân Chủ Hiện Đại

Bài thuyết trình của cha Frédéric LOUZEAU,

tiến sĩ triết học và thần học, chủ tịch Khoa Notre-Dame

Liên kết một tựa đề như thế « Giáo Hội và nền dân chủ » có lẽ đối với các thế hệ trẻ hơn hay đối với những ai không biết đến lịch sử của Giáo Hội, về mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước, có thể nghĩ rằng mối tương quan Giáo Hội và Nhà Nước có thể dường như là đương nhiên, hay cuối cùng các bạn có thể nói rằng Giáo Hội chẳng có gì lớn lao để nói về vấn đề này.

I. Vài nét lịch sử

Trên thực tế, kể từ cuộc Cách Mạng Pháp, cần phải biết rằng Giáo Hội Công Giáo và các chế độ dân chủ đã đối lập nhau rất mãnh liệt, suốt hàng thập niên dài dẳng. Trường hợp nước Pháp : các chế độ mới đã tự xây dựng không chỉ muốn giải phóng xã hội khỏi sự giám hộ của Giáo Hội nhưng còn tước đi khỏi Giáo Hội một số tài sản, quyền lợi, thậm chí là bách hại một số thành viên của Giáo Hội, và thỉnh thoảng tìm cách bài xuất khỏi không gian công cộng vấn nạn về Thiên Chúa, về siêu nhiên.

Và, đáp lại, theo một hướng khác, từ cuối thế kỷ 18 và suốt thế kỷ 19, Huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo, giáo huấn của Giáo Hội, xuyên qua tiếng nói của các Đức Giáo Hoàng, đã nhiều lần lặp đi lặp lại một sự lên án triệt để các nguyên tắc dân chủ. Nói chung, đến cuối thế kỷ 19, không thể có đối thoại được. Thậm chí những gì mà người ta gọi là sự gia nhập của người Công giáo Pháp vào nền Đệ Tam Cộng Hòa dưới triều đại của Đức Lêô XIII vào năm 1892, chỉ đánh dấu một bước tiến triển rất yếu ớt của Giáo Hội hướng đến nền dân chủ. Đức Lêô XIII đã không yêu cầu người Công giáo Pháp theo nền Đệ Tam Cộng Hòa hay nền dân chủ. Nhưng ngài đã yêu cầu người Công giáo Pháp ngưng đấu đá nhau, vì đã có một sự xung đột khá mạnh bạo giữa người Công giáo : những người Công giáo bảo hoàng muốn khôi phục nền quân chủ và những người Công giáo xã hội theo dân chủ. Họ phải ngừng đấu đá nhau và đồng thuận với nhau để nỗ lực đấu tranh chống lại mọi luật lệ bài giáo sĩ vốn đã bắt đầu xuất hiện vào năm 1880. Nhưng không có đánh giá thực sự tích cực đối với nền dân chủ nơi Đức Lêô XIII. Đúng hơn, có thể nói, có một thái độ dửng dưng thụt lùi.

Trên thực tế, phải chờ đến Đức Piô XII trong một diễn văn Giáng Sinh nổi tiếng vào năm 1944 để một vị Giáo Hoàng tuyên bố cách chính thức, và lần này với những lý do hoàn toàn tích cực, ủng hộ nền dân chủ. Chính trong diễn văn lớn này (cuối năm 1944 : kết thúc chiến tranh, khởi đầu tái thiết, những quốc gia Đông Âu bị Hồng quân xâm chiếm…) mà Đức Giáo Hoàng đã nói rằng chế độ dân chủ là hình thức tổ chức xã hội, hình thức phù hợp nhất đối với sự tự do và phẩm giá con người. Như thế, phải chờ đến năm 1944, tức hơn một trăm năm sau cuộc Cách Mạng Pháp, mà Giáo Hội mới nhìn nhận, « chúc lành » cho nền dân chủ.

Sau Chiến tranh Thế Giới thứ II, các Giáo Hoàng tiếp theo và Vatican II đã xác nhận sự phán đoán này của Đức Piô XII ; đồng thời, thêm vào sự chẩn đoán này một loạt những dè chừng, đề phóng đối với sự tiến bộ của nền dân chủ Tây phương. Bởi thế, đó vừa là một tiếng « vâng » tích cực, đích thực, tốt đẹp, nhưng đồng thời « hãy chú ý, với những điều kiện và phê bình ».

Như thế, Giáo Hội có một thái độ vừa quân bình vừa triệt để ; vừa đánh giá cao nền dân chủ nhưng đồng thời Giáo Hội cũng phê phán một số lệch hướng có thể của nó. Và tất cả điều đó là vì những lý do mà không ăn khớp với lý do hoặc là của các người cổ võ hoặc là của những địch thủ truyền thống của nền dân chủ.

II. Những đánh giá tích cực và phê phán đối với nền dân chủ

Phần này đưa ra vài đề nghị, trước mắt Giáo Hội, những gì làm nên giá trị sâu xa của nền dân chủ và cũng là nguy cơ, nguy hiểm đang đe dọa nó từ bên trong. (Phần này cũng cho thấy) một số lập trường của Đức Gioan-Phaolô II , biểu tượng rõ rệt nhất của thái độ quân bình nhất của Giáo Hội và của sự phân định của Giáo Hội về nền dân chủ.

Phần này chia làm hai mục: những đánh giá tích cực và những phê bình của Giáo Hội.

  1. Những đánh giá tích cực

Nơi Đức Gioan-Phaolô II, và giờ đây nằm trong Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, việc đánh giá tích cực nền dân chủ trên thực tế dựa vào phẩm giá và các quyền của con người. Những gì quan trọng trong nền dân chủ, đó là nhân quyền. Và quyền căn bản nhất của con người, đó là những gì Đức Gioan-Phaolô II gọi bằng một từ ngữ chuyên môn là « chủ thể tính » của con người, hay có thể gọi là « nhân cách » của con người.

« Chủ thể tính » muốn nói sự kiện có thể sống, hoạt động, được nhìn nhận như là một nhân vị, như một chủ thể, chứ không phải như một đồ vật, một hàng hóa hay bất cứ sự gì mà người ta muốn đối xử như tất cả đồ vật khác của thiên nhiên.

Đối với Đức Gioan-Phaolô II, « chủ thể tính » của con người này phải dần dần được thể hiện trong mọi phạm vi của cuộc sống nhân sinh : không chỉ trong gia đình, nhưng trong thế giới lao động, trong lãnh vực chính trị…, và đó là một công việc bao la, rất chậm, dần dần, đôi khi thụt lùi kinh khủng, việc ghi khắc trong mọi phạm vi của cuộc sống con người « chủ thể tính » này. Và sự lên ngôi của nền dân chủ chính trị, đó là một trong những thể hiện quan trọng của « chủ thể tính » của con người trong phạm vi các xã hội chính trị.

Trong trường hợp của một xã hội chính trị, của một quốc gia, đối với Đức Gioan-Phaolô II, là chủ thể, điều đó có nghĩa là « tham dự vào những quyết định và vào những thể chế của đời sống chung qua các cơ chế khác nhau » (ví dụ : các đại biểu ở nghị viện, các cuộc bầu cử đa dạng, các cuộc trưng cầu dân ý, sự tồn tại của các đảng phái có thể sống chung…và có lẽ các hình thức khác đang được phát minh).

Chúng ta nhận thấy, khi Giáo Hội nói đánh giá cao nền dân chủ, thì Giáo Hội làm điều đó nhân danh nhân quyền, nhân danh phẩm giá con người.

Vào năm 1996, Đức Gioan-Phaolô II đã đến Châu Mỹ Latinh (lúc đó chưa có nhiều nước theo chế độ dân chủ). Trên máy bay, một phóng viên đã hỏi ngài : « Thưa Đức Thánh Cha, phải chăng Đức Thánh Cha đi rao giảng nền dân chủ ? » Đức Thánh Cha trả lời : « Tôi không rao giảng nền dân chủ, nhưng tôi rao giảng Tin Mừng. Dĩ nhiên, tất cả các vấn đề gắn liền với nhân quyền đều thuộc về sứ điệp của Tin Mừng. Và nếu chúng ta thừa nhận rằng nền dân chủ là một hình thức khác để chỉ nhân quyền, thì như thế nền dân chủ cũng nằm trong sứ điệp của Giáo Hội ». Vả lại, không phải vì thế mà đối với Huấn quyền của Giáo Hội, chế độ dân chủ có thể được thiết lập như thế chỉ một lần hay thậm chí, đối với một số người, là ảo thuật trong một nơi nào đó của địa cầu.

Đức Gioan-Phaolô II hoàn toàn ý thức rằng sự chuyển tiếp dân chủ trên thực tế đòi hỏi một sự chiến đấu đích thực luân lý, nội tâm, tinh thần vừa của cá nhân vừa của quốc gia, nhất là sự nhận thức bởi xã hội dân sự về sự thống nhất của toàn thể và về một số phận lịch sử chung.

Nhưng khi các điều kiện xã hội học được thỏa mãn, Giáo Hội nhìn nhận trong cơ cấu dân chủ đó cách thức tốt nhất – trong phạm vi của việc tổ chức quyền lực – thể hiện chiều kích chủ thể hay nhân vị của mọi công dân. Tự sâu xa, việc Giáo Hội cổ võ dân chủ đòi hỏi tham dự vào một sự bảo vệ rộng lớn hơn nhiều về sự chín chắn bản thân của các cá nhân, của các đoàn thể trung gian và của toàn thể xã hội. Và việc « cổ võ » dân chủ này cũng đòi hỏi sự giáo dục, việc huấn luyện nhân bản, sự phát triển văn hóa, nhân bản hóa giới lao động, đối thoại xã hội.

  1. Những phê bình

Các Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Bênêđictô XVI cũng đưa ra những phê bình rất mạnh mẽ đối với những lệch hướng của nền dân chủ hiện đại.

Nếu nhìn kỹ những phê bình của Giáo Hội, thì trên thực tế chỉ cùng một vấn đề : nó chạm đến vấn đề nhân quyền, phẩm giá con người, hay chính xác hơn, nó chạm đến nền tảng của nhân quyền, đến những gì mà Huấn quyền gọi là nền tảng siêu việt của nhân quyền hay của « chủ thể tính » của con người. «Siêu việt » muốn nói rằng nó siêu việt các nền văn hóa, các ý muốn đặc thù, các thế giới quan khác nhau và các tôn giáo khác nhau.

Điều gì làm nên nền tảng mà tất cả nhân loại có thể chia sẻ nhân quyền ?

Sau sự sụp đổ của Sô-viết mà ngài đã đóng góp nhiều, Đức Gioan-Phaolô II đã nhiều lần đề phòng các nền dân chủ khải hoàn chống lại một nguy cơ rất lớn. Nguy cơ này là : khuynh hướng bề ngoài bất khả cưỡng lại hợp pháp hóa về mặt pháp lý một số điều gây tổn hại đến sự sống con người. Ngài nói đến phá thai, gây chết êm dịu, thao túng phôi thai, di truyền, hay hợp pháp hóa một số vấn đề cơ cấu nhân chủng học nền tảng của nhân loại. Các bạn nhớ lại cách đây vài năm những cuộc tranh luận xung quanh « PACS » (Pacte civil de solidarité). Nhưng còn cần phải thêm : việc nhìn nhận về mặt pháp lý các cuộc đồng tính luyến ái, ngay cả việc đồng hóa những cuộc đồng tính luyến ái này với hôn nhân.

Như thế, Giáo Hội đề phòng chống lại một khuynh hướng của các xã hội dân chủ hiện đại và các nghị viện của chúng, trong một số trường hợp, muốn sửa đổi các chuẩn mực luân lý nền tảng : nền tảng của luân lý là cơ sở của mọi đời sống xã hội, của mọi sự cùng chung sống, bất chấp những hình thức chế độ nào : dân chủ, quân chủ hay chính thể quý tộc. Nói cách khác, Đức Gioan-Phaolô II nhắc nhở cho các công dân của nền dân chủ một số thực tại, một số dữ kiện ở trung tâm của các quyền căn bản của con người mà con người không sở hữu tùy ý mình, do đó, những thực tại hoàn toàn không thuộc phạm vi của cuộc giải phóng chính trị. Tự sâu xa, những gì là con người, đó là phẩm giá của nó mà người ta không thể bỏ phiếu.

Sau cùng, đối diện với chủ nghĩa cộng sản, Đức Gioan-Phaolô II luôn dẫn đến nền tảng siêu việt và bất khả khoan nhượng của mọi nhân vị và của mọi xã hội, một nền tảng tiền chính trị mà không có bất kỳ đại đa số nghị viện nào, không có bất kỳ quyền bính chính trị hay tôn giáo nào có thể quyết định, nếu không sẽ vi phạm một lạm dụng quyền lực nghiêm trọng. Đức Gioan-Phaolô II đã nói trong thông điệp Centesimus annus (Bách chu niên), số 46 : « Nếu không tồn tại bất kỳ chân lý nào ở phía sau để hướng dẫn và định hướng hoạt động chính trị, thì những tư tưởng và những xác tín có thể bị khai thác dễ dàng nhằm phục vụ quyền lực. Một nền dân chủ không tôn trọng những giá trị sẽ dễ dàng biến thành một chủ nghĩa cực quyền công khai hoặc được ngụy trang kín đáo, như lịch sử từng chứng minh ».

Trên thực tế, đối với Đức Gioan-Phaolô II và ngài lặp đi lặp lại luôn, rốt cục, sự lên ngôi của các chế độ chuyên chế cực quyền và một số lệch hướng của các chế độ dân chủ có một điểm chung : đó là chúng cho thấy cùng một thách thức xuyên suốt nhân loại : đó là mối tương quan với Đấng Tạo Hóa, mối tương quan với nền tảng của bản tính con người. Nói cách khác, Giáo Hội khám phá ra trong nền dân chủ hiện đại nơi chốn của một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đấu thiêng liêng mà các phạm vi của nó chạm đến những thách đố còn sâu xa hơn vấn đề cổ điển này trong chính trị, những hình thức chính trị của nền quân chủ, của chính thể quý tộc hay của nền dân chủ.

Cuối cùng, khi rao giảng Tin Mừng, khi rao giảng sự giải thoát của Chúa Kitô, Giáo Hội đặt ra một câu hỏi cho tất cả tác nhân của đời sống chính trị và cho mọi công dân : Quý vị có thừa nhận một quyền tối cao siêu việt với quyền hạn của quý vị không ? Quý vị có thừa nhận một sự tự do siêu việt với sự tự do của quý vị, một sự tự do là nền tảng của sự tự do của quý vị và đồng thời hạn chế tự do của quý vị đến độ nó là bảo đảm tối hậu của phẩm giá con người, của tất cả mọi người và của toàn thể con người chống lại tất cả những gì đang đe dọa nó không?

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ video clip « L’Eglise et la démocratie contemporaine »
Nguồn: Xuanbichvietnam
WGPKT(07/05/2021) KONTUM