HỌC HỎI SỨ ĐIỆP ƠN GỌI CỦA ĐTC PHANXICÔ
Nhân Ngày Ơn Gọi lần thứ 57. Chúa Nhật 4 PS, ngày 03-5-2020.
-
Sứ Điệp ngày Ơn Gọi năm nay, ĐTC đã lấy tựa đề là “Những Lời Của Ơn Gọi”. ĐTC muốn gửi tới các tín hữu những lời nào?
– Đó là những lời được tóm gọn trong bốn từ chính yếu: nỗi đau, lòng biết ơn, sự khích lệ và khen ngợi.
-
Những từ này ĐTC đã lấy lại từ đâu?
– ĐTC đã lấy lại từ bức thư ngài gửi các linh mục ngày 04 tháng 8 năm 2019, nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Gioan Vianney.
-
Trong bức thư đó và trong Sứ Điệp này, ĐTC mời gọi chúng ta đào sâu và suy nghĩ dựa trên đoạn Tin Mừng nào? Nội dung của đoạn Tin Mừng là gì?
– Đó là đoạn Tin Mừng: Mt 14, 22-33. Đoạn Tin Mừng kể cho chúng ta kinh nghiệm đáng chú ý về Chúa Giêsu và thánh Phêrô trong một đêm giông bão tại biển hồ Galilê.
-
Hình ảnh băng qua hồ gợi cho chúng ta hình ảnh gì của chính mình? ĐTC cảnh báo về điều gì trong hành trình của mỗi người?
– Hình ảnh các môn đệ băng qua hồ có thể gợi lên hành trình sống của chúng ta. Thật vậy, con thuyền cuộc đời chúng ta từ từ tiến lên, không ngừng tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn, và chuẩn bị đối mặt với những hiểm họa và hứa hẹn của biển cả. Đồng thời, chúng ta tin rằng Người lái con thuyền sẽ giữ cho chúng ta đi đúng hướng. Tuy vậy, đôi khi con thuyền có thể trôi dạt, lạc lối bởi mộng ảo (mirages). Ảo mộng đó không phải là ngọn hải đăng dẫn thuyền về đến bờ, và bị nhấn chìm trong bão tố của khó khăn, nghi ngờ và sợ hãi.
-
Ơn gọi đi theo Chúa Kitô của mỗi người là một cuộc vượt biển. ĐTC đã loan báo: đây là một hành trình như thế nào?
– Đây là một hành trình đầy khó khăn và những rủi ro là có thật: màn đêm buông xuống, những cơn gió lốc, con thuyền bị sóng đánh và nỗi sợ thất bại, không đáp lại đủ lời mời gọi. Những điều ấy có thể đe dọa đến áp đảo chúng ta.
-
Trong muôn vàn thử thách, điều gì giúp chúng ta có thể tiếp tục hoàn thành trọn vẹn cuộc hành trình?
– Đó là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là tia sáng giữa màn đêm, Ngài có mặt để cứu chúng ta như đã cứu Thánh Phêrô và có Ngài thì sóng gió qua đi.
-
Từ đầu tiên trong ơn gọi của mỗi người, ĐTC dạy là từ gì?
– Là “Lòng biết Ơn”.
-
Vì sao lại là lòng biết ơn, trong khi mỗi người đã tự nguyện quyết định chọn lựa con đường theo Chúa?
– Trên hết, ơn gọi, đó phải là phản ảnh từ một tiếng gọi trên cao. Chúa chỉ cho chúng ta điểm đến ở bên kia biển hồ. Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để lên thuyền. Khi gọi chúng ta, Chúa trở thành thuyền trưởng. Ngài đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Ngài giúp chúng ta tránh khỏi những bãi cát của do dự, và thậm chí cho phép chúng ta đi trên sóng nước. Mọi ơn gọi đều phát sinh từ ánh mắt yêu thương mà Chúa đến gặp gỡ chúng ta; có lẽ ngay cả khi thuyền của chúng ta đang gặp bão táp. “Ơn gọi, hơn những lựa chọn của chúng ta, là một lời đáp trả trước tiếng gọi cao vời của Chúa.” Vì thế, chúng ta phải biết ơn Chúa vì Chúa đã gọi, đã chỉ cho chúng ta điểm đến và nhất l Ngài luôn đồng hành và hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta.
-
Nếu quyết định chọn lựa con đường để đi của chúng ta với tư cách cá nhân, sự chọn lựa đó có tròn đầy, có đúng đắn không?
– Để đi vào con đường đúng đắn không phải là điều gì đó tự chúng ta có thể chọn được. Đó cũng không phải là con đường mà chúng ta chọn để bước đi. Chúng ta tìm thấy cuộc sống tròn đầy hơn không chỉ là một quyết định mà chúng ta lựa chọn với tư cách là những cá nhân; nhưng trên hết là lời mời gọi, là ơn Chúa ban cho chúng ta.
-
Những rủi ro, những thử thách, những cản trở… trong hành trình ơn gọi, mà ĐTC gọi là “những bóng ma”. Đó là gì?
– “Bóng ma của bất tín”. Chúng ta do dự vì không dám chắc con đường ơn gọi của mình. Chúng ta đưa ra những biện minh để thối lui vì nghĩ rằng mình có thể sai, đưa ra những toan tính trên con đường ơn gọi. Điều này dẫn đến sự bất lực: không thể vượt qua thử thách. Nhưng thường là chúng ta bị “bóng ma ấy” mê hoặc; có nghĩa là chúng ta nghi ngờ về ơn gọi, nghi ngờ về tiếng Chúa gọi… hoặc bị mê hoặc bởi chính những cản trở trên đường ơn gọi.
-
Các bạn trẻ có thể đưa ra những “bóng ma mê hoặc” mình ngay trong hiện tại này không? Xin đưa ra những ví dụ cụ thể.
– Chúng ta có thể tìm thấy những điều mà ĐTC đã đưa ra trong Tông Huấn “Christus vivit”. Thí dụ từ số 72-74; 76-80; 86-93; 263-265; 268…
-
Trong chọn lựa cuộc sống cơ bản luôn có những nghi ngại và khó khăn, điều gì giúp chúng ta có thể vượt qua được “những nỗi đau ngọt ngào” này?
– Đó chính là lòng can đảm mà Chúa Giêsu đã nói với mỗi người chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Khi nói với chúng ta điều này, Chúa Giêsu muốn nói rằng: “Can đảm lên! Đừng sợ!”.
-
Phần chúng ta, điều gì nơi tâm hồn khiến chúng ta không thể nhận ra vẻ đẹp của ơn gọi?
– Đó chính là sự phiền muộn trong tâm hồn. Thật vậy, trên con đường ơn gọi theo Chúa, nếu chúng ta không có niềm vui thì không thể phát huy ơn can đảm Chúa ban; nhờ niềm vui mà chúng ta mới nhận ra những vẻ đẹp trên đường ơn gọi, và chính điều đó sẽ khích lệ chúng ta bước tới.
-
Điều gì khiến chúng ta thấy mệt mỏi trên hành trình ơn gọi?
– Đó là quá lo lắng về trách nhiệm, về nhiệm vụ của mình. Dĩ nhiên, trong bất kỳ ơn gọi nào, đều có trách nhiệm và nhiệm vụ Chúa trao; và ai trong chúng ta cũng phải cố gắng hoàn thành. Nhưng nếu chúng ta để mình bị ám ảnh bởi những trách nhiệm, chúng ta sẽ không nhìn thấy ánh mắt của Chúa, không nhận ra sự hiện diện, đồng hành của Chúa.
-
Chúng ta được sự trợ giúp từ đâu để vượt qua những lúc mệt mỏi, những sợ hãi, những lối mòn, cảm giác cô đơn, sự bất an, nỗi lo lắng… ?
– Đó là để Chúa Giêsu là Chúa cuộc đời của ta. Tin tưởng rằng, Ngài sẽ đưa tay nắm lấy tay ta và cứu chúng ta. Có Chúa trong hành trình ơn gọi, chúng ta có bình an. Chúa luôn động viên ta: “Cứ yên tâm, đừng sợ!”. Ngài ban cho chúng ta sự nhiệt huyết với niềm vui và lòng hăng say để sống ơn gọi của mình.
-
Qua lời Ngợi Ca, lời cuối cùng trong ơn gọi của chúng ta, ĐTC mời gọi chúng ta noi gương Mẹ Maria. Lời ngợi ca giúp ích cho ơn gọi như thế nào?
– Ngay trong vùng tâm bão, hay trong những khi gió yên biển lặng, chúng ta phải mở lòng ra để ngợi ca Thiên Chúa. Lời ngợi ca giúp vun trồng đời sống nội tâm; vì chỉ có thể ngợi ca danh Chúa nếu chúng ta luôn kết hiệp với Ngài qua đời sống cầu nguyện. Lời ngợi ca cũng là lời biết ơn, vì Chúa nhìn đến ta, giúp ta trung thành với ơn gọi giữa nỗi sợ hãi và hỗn loạn, can đảm đón nhận ơn gọi và biến đời mình thành một bài ca tán dương Thiên Chúa muôn đời.
-
Mở đầu Sứ Điệp, ĐTC muốn chia sẻ 4 từ, nhưng chỉ thấy ĐTC nói tới 3 từ, còn từ “sự khích lệ” không thấy ĐTC nói tới. Vậy ĐTC nói tới sự khích lệ như thế nào?
– Tuy ĐTC không nói riêng về sự khích lệ, nhưng ngài nhắc đi nhắc lại câu nói của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng là: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Đó chính là sự khích lệ mà chúng ta nhận được từ nơi Chúa. Cạnh đó, hành động đưa tay đón lấy ta trong hành trình ơn gọi, cũng khích lệ chúng ta, nhất là những khi chúng ta “chìm xuống”. Sự khích lệ giúp chúng ta thêm nhiệt huyết, lòng hay say và niềm vui trong hành trình ơn gọi.
-
ĐTC đề nghị điều gì với Giáo Hội địa phương và các cộng đoàn?
– Cho dù với những hoạt động mục vụ bình thường, thì mọi người, các cộng đoàn, các Giáo Hội địa phương luôn chú ý tiếp tục cổ võ ơn gọi, nhất là tại các giáo xứ. Ngài xin Mẹ Maria chạm đến trái tim các bạn trẻ, giúp họ khám phá ra lời mời gọi của Chúa, can đảm nói tiếng “xin vâng”, nhờ tin vào Chúa Kitô, và làm cho cuộc đời họ thành khúc ca ngợi khen Thiên Chúa cho anh chị em và toàn thế giới.
-
Với những ai đã chọn cho mình con đường ơn gọi (giáo dân với đời sống hôn nhân, linh mục tư tế và sống phục vụ tận hiến), chúng ta nhận được những bài học gì qua Sứ Điệp Ơn gọi năm nay của ĐTC Phanxicô?
-
Với các bạn thanh thiếu niên, nhất là các bạn đang sinh hoạt trong gia đình ơn gọi, các bạn đón nhận được điều gì trong Sứ Điệp Ơn gọi lần thứ 57 của ĐTC Phanxicô?
Ban Ơn Gọi Miền Kon Tum
Toàn Văn Sứ Điệp ĐTC Phanxicô Nhân Ngày Quốc Tế Ơn Gọi Lần Thứ 57, Nhằm Ngày 03-05-2020.
Những lời của ơn gọi
Anh chị em thân mến,
Vào ngày 4 tháng 8 năm ngoái, nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của linh mục Gioan Vianney, cha đã viết một lá thư gửi tất cả những linh mục là những người hàng ngày cống hiến cuộc đời của họ, để phục vụ dân Chúa trong việc đáp lại lời gọi của Thiên Chúa.
Nhân dịp đó, cha đã chọn bốn từ chính yếu: nỗi đau, lòng biết ơn, sự khích lệ và khen ngợi, như là cách để cảm ơn các linh mục và hỗ trợ sứ vụ của họ. Tôi tin vào Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 57 này, những lời đó có thể được gửi đến toàn thể dân Chúa. Đó là những lời nhằm phản ánh lại bối cảnh đoạn Tin Mừng kể cho chúng ta kinh nghiệm đáng chú ý về Chúa Giêsu và thánh Phêrô trong một đêm giông bão tại biển hồ Galilê (Mt 14,22-33).
Sau khi hóa bánh ra nhiều khiến đám đông kinh ngạc, Chúa Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền để sang bờ bên kia, trong lúc đó, Chúa Giêsu rời khỏi đám đông. Hình ảnh các môn đệ băng qua hồ có thể gợi lên hành trình sống của chúng ta. Thật vậy, con thuyền cuộc đời chúng ta từ từ tiến lên, không ngừng tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn, và chuẩn bị đối mặt với những hiểm họa và hứa hẹn của biển cả. Đồng thời, chúng ta tin rằng người lái con thuyền cuối cùng sẽ giữ cho chúng ta đi đúng hướng. Tuy vậy, đôi khi con thuyền có thể trôi dạt, lạc lối bởi mộng ảo (mirages). Ảo mộng đó không phải là ngọn hải đăng dẫn thuyền về đến bờ, và bị nhấn chìm trong bão tố của khó khăn, nghi ngờ và sợ hãi.
Điều ấy cách nào đó cũng diễn ra tương tự trong trái tim mỗi người. Họ được kêu gọi đi theo Thầy Giêsu Nazareth. Họ phải thực hiện một chuyến vượt biển và rời bỏ nơi an toàn để trở thành môn đệ của Chúa. Theo đó, rủi ro là có thật: màn đêm buông xuống, những cơn gió lốc, con thuyền bị sóng đánh và nỗi sợ thất bại, không đáp lại đủ lời mời gọi. Những điều ấy có thể đe dọa đến áp đảo họ.
Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng giữa cuộc hành trình đầy thử thách này, chúng ta không cô đơn. Như tia sáng đầu tiên giữa màn đêm, Chúa đi trên mặt nước để đến chỗ giông bão cùng các môn đệ. Chúa mời Phêrô đi trên nước để đến với Ngài, để cứu thánh nhân khi Ngài thấy ông đang chìm. Khi lên thuyền, sóng gió cũng qua đi.
Từ đầu tiên của ơn gọi là lòng biết ơn. Để đi vào con đường đúng đắn không phải là điều gì đó tự chúng ta có thể chọn được. Đó cũng không phải là con đường mà chúng ta chọn để bước đi. Làm thế nào để chúng ta tìm thấy cuộc sống tròn đầy hơn là một quyết định mà chúng ta lựa chọn với tư cách là những cá nhân. Trên hết, đó phải là phản ảnh từ một tiếng gọi trên cao. Chúa chỉ cho chúng ta điểm đến ở bên kia biển hồ. Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để lên thuyền. Khi gọi chúng ta, Chúa trở thành thuyền trưởng. Ngài đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Ngài giúp chúng ta tránh khỏi những bãi cát của do dự, và thậm chí cho phép chúng ta đi trên sóng nước.
Mọi ơn gọi đều phát sinh từ ánh mắt yêu thương mà Chúa đến gặp gỡ chúng ta; có lẽ ngay cả khi thuyền của chúng ta đang gặp bão táp. “Ơn gọi, hơn những lựa chọn của chúng ta, là một lời đáp trả trước tiếng gọi cao vời của Chúa.” (Thư gửi các linh mục, ngày 4 tháng 8 năm 2019). Chúng ta sẽ thành công khi khám phá và ôm lấy ơn gọi của mình. Một lần nữa chúng ta mở lòng với tâm hồn biết ơn và nhận thức về những lần Chúa đi ngang qua đời ta.
Khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên biển tiến về phía họ, trước tiên các môn đệ nghĩ Ngài là ma và ngập tràn sợ hãi. Chúa Giêsu lập tức trấn an họ. Ngài luôn nói những lời nhịp theo cuộc sống và hành trình ơn gọi của chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). Sau đó là lời Chúa muốn trao cho bạn: can đảm lên.
Thường thì có những cản trở hành trình của ta, sự triển nở của ta, việc lựa chọn của ta trên con đường Thiên Chúa đang vạch ra cho chúng ta. Đó hẳn là những “bóng ma” phiền toái trong tâm hồn ta. Khi chúng ta được kêu gọi để rời khỏi bờ biển an toàn và đón lấy bậc sống, chẳng hạn: hôn nhân, chức linh mục tư tế, đời thánh hiến, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường đến từ “bóng ma của bất tín”. Chắc chắn, ơn gọi này không dành cho tôi! Điều này có thực sự là con đường đúng không? Chúa có thực sự yêu cầu tôi làm điều này không?
Những suy tính đó có thể tiếp tục lớn dần. Những biện minh và toan tính cho thấy nhiệt huyết của chúng ta, rồi khiến ta do dự và bất lực trên bờ biển nơi chúng ta bắt đầu. Chúng ta nghĩ mình có thể sai, chẳng thể vượt qua thách thức, hoặc chỉ đơn giản là để bóng ma ấy mê hoặc.
Chúa biết rằng một lựa chọn cuộc sống cơ bản luôn mời gọi lòng can đảm, chẳng hạn như đời sống hôn nhân, sống phục vụ tận hiến. Ngài biết những vấn đề, nghi ngại và khó khăn vốn nhấn chìm con thuyền lòng ta. Vì vậy, Ngài trấn an ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Trong đức tin, chúng ta biết Chúa luôn hiện diện và đến gặp gỡ ta. Do đó Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, ngay cả giữa những phong ba bão táp. Chính ý thức này giúp chúng ta thoát khỏi sự thờ ơ, mà tôi gọi là nỗi đau ngọt ngào (Thư gửi linh mục, ngày 4 tháng 8 năm 2019); một tâm hồn phiền muộn khiến chúng ta không thể nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi nơi mình.
Trong Thư gửi linh mục, tôi cũng đã nói về nỗi đau, nhưng ở đây tôi muốn dịch từ này một cách khác: sự mệt mỏi. Mỗi ơn gọi đều kéo theo trách nhiệm. Chúa kêu gọi chúng ta vì Ngài muốn cho phép chúng ta, như Phêrô, đi trên mặt nước. Nói cách khác, Chúa gọi để ta đón lấy nhiệm vụ trong cuộc sống của ta và dành đời ta để phục vụ Tin Mừng, theo những cách cụ thể hàng ngày mà Ngài chỉ cho chúng ta, đặc biệt trong những hình thức khác nhau của ơn gọi giáo dân, linh mục và thánh hiến. Tuy nhiên, giống Phêrô, khao khát và nhiệt huyết của chúng ta cùng tồn tại với những thất bại và nỗi sợ hãi của ta.
Nếu chúng ta để mình bị ám ảnh bởi những trách nhiệm đang chờ đợi ta, dù trong đời sống hôn nhân hay chức vụ linh mục, hay bởi lòng nhiều phiền muộn, thì chúng ta sẽ sớm khước từ ánh mắt của Chúa Giêsu. Và như Phêrô, chúng ta sẽ bắt đầu chìm. Dù yếu đuối và nghèo khó, đức tin cho phép chúng ta bước về phía Chúa Phục Sinh, và vượt qua mọi giông bão. Bất cứ khi nào mệt mỏi, hoặc sợ hãi làm cho chúng ta bắt đầu chìm xuống, Chúa Giêsu đều đưa tay đón lấy ta. Ngài ban cho chúng ta sự nhiệt huyết mà chúng ta cần, để sống ơn gọi của mình với niềm vui và lòng hăng say.
Khi Chúa Giêsu ở cuối con thuyền, mọi sóng gió im hơi lặng tiếng. Ở đây chúng ta có một hình ảnh đẹp về những gì Chúa có thể làm vào những lúc hỗn loạn và bão tố trong cuộc sống của chúng ta. Ngài dẹp tan sóng gió này, để những thế lực xấu xa, sợ hãi và buông xuôi không còn sức mạnh đương đầu với chúng ta nữa.
Khi chúng ta sống theo ơn gọi cụ thể của mình, những đầu sóng ngọn gió đó có thể làm chúng ta mất năng lượng. Ở đây cha nghĩ về tất cả những người có trách nhiệm quan trọng với xã hội dân sự, với đôi hôn phối mà cha muốn đề cập, xin không nêu lý do, như là “người can đảm”, và trong cách thế đặc biệt, họ là những người đã chấp nhận cuộc sống tận hiến hoặc chức tư tế. Cha ý thức được công việc khó khăn của bạn, cảm giác cô đơn đôi khi có thể đè nặng lên trái tim các bạn, nguy cơ rơi vào một lối mòn có thể dần khiến ngọn lửa hăng hái trong ơn gọi của chúng ta tắt ngấm, gánh nặng của điều không chắc chắn và bất an về thời đại, và lo lắng về tương lai. “Cứ yên tâm, đừng sợ!” Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta, và nếu chúng ta chân nhận Ngài là Chúa của đời ta, Ngài sẽ đưa tay nắm lấy và cứu chúng ta.
Ngay cả giữa vùng tâm bão, sau đó cuộc sống của chúng ta trở nên cởi mở để ngợi ca. Đây là lời cuối cùng trong ơn gọi của chúng ta. Và đó là một lời mời gọi để vun trồng đời sống nội tâm của Đức Trinh Nữ Maria. Biết ơn vì Chúa đã chăm chú đoái nhìn đến Mẹ, trung thành giữa nỗi sợ hãi và hỗn loạn, Mẹ can đảm đón nhận ơn gọi của mình, và biến đời mình thành một bài ca tán dương Thiên Chúa muôn đời.
Các bạn thân mến,
Vào ngày đặc biệt này, cũng là trong đời sống mục vụ bình thường nơi các cộng đoàn, cha đề nghị Giáo Hội tiếp tục cổ võ các ơn gọi. Xin Mẹ Maria chạm đến trái tim của các tín hữu, và giúp mỗi người trong số họ, để khám phá với lòng biết ơn lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống của họ, để tìm được sự can đảm nhằm nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa, để vượt qua mọi mệt nhọc, nhờ đức tin vào Chúa Kitô, và hãy làm cho cuộc sống của họ thành khúc ca ngợi khen Chúa, cho anh chị em của họ và cho cả thế giới. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Rôma, Đền Thánh Gioan Laterano, ngày 8 tháng 3 năm 2020, Chủ nhật thứ hai Mùa Chay
Phanxicô
Chuyển từ Anh ngữ : Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WGPKT(23/04/2020) KONTUM