Linh Mục Thực Thi Quyền Bính Thế Nào Cho Phù Hợp?

Ảnh minh họa

Tôi đã định đặt tiêu đề “Làm sao để linh mục không bị mang tiếng ‘ông trời con’?” – nhưng sợ nói vậy nghe gay gắt quá… Thật ra, hình ảnh ‘ông trời con’ càng gây sốc bao nhiêu thì càng có sức cảnh giác bấy nhiêu cho các mục tử trong việc thực thi quyền bính của mình.

Những ngày vừa qua, người ta bức xúc nhiều về cái video ‘bánh mì không phải là thực phẩm’, trong đó ông phó chủ tịch phường nọ thể hiện thái độ, lời lẽ và hành động đầy hống hách, áp chế, sặc mùi cha chú kiểu ‘trời con’. Dư luận không phẫn nộ mới là lạ! Tôi tin rằng những biểu hiện cường quyền, độc đoán ấy không phải là cái gì cá biệt, mà vẫn xảy ra nhan nhãn khắp nơi đó thôi, đặc biệt trong cơn khủng hoảng đại dịch này…

Điều đáng phản tỉnh, đó là phải chăng trong Giáo hội chúng ta không có những biểu hiện cường quyền, hống hách nơi cách thực thi quyền bính của một số mục tử, dù có thể không đến mức thô lỗ như ông phó phường kia? Nếu có, thì đó có phải là đức ái mục tử ‘in persona Christi’ không? Và đâu là những thiệt hại mà dân Chúa phải chịu do sự lạm dụng quyền bính nơi mục tử của mình?

Quyền lực, nếu không được nhận thức thật đúng đắn, sẽ là cám dỗ và là cạm bẫy khủng khiếp. Người ta mê quyền lực, tìm cách đạt được nó, nghiện nó, cố bám lấy nó, bởi ý chí thống trị trên người khác nhằm phục vụ cho lợi ích cục bộ của cá nhân hay phe nhóm mình. Họ thấy mình là một thứ ‘chúa’! Những ví dụ về điều này được thấy tràn lan trong các xã hội đời, ở mọi cấp độ: địa phương, quốc gia và quốc tế. Chính vì ý thức cái cám dỗ ghê gớm của việc lạm dụng quyền lực mà các xã hội văn minh thiết lập các cơ chế, chẳng hạn tam quyền phân lập, để hạn chế ngần nào có thể sự lạm dụng này. Khỏi phải nói, các thể chế càng độc tài toàn trị thì quyền lực càng bị lạm dụng nhiều hơn. Người ta rất dễ lấy mục đích biện minh cho phương tiện, làm lấy được, bất chấp nhân phẩm, nhân quyền, công lý…

Không phải ngẫu nhiên mà trong trình thuật ban Mười Điều Răn của sách Xuất Hành, và bàng bạc trong Thánh Kinh, người ta thấy lặp đi lặp lại câu tuyên bố “Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi”. Thiên Chúa xác nhận Ngài nắm giữ quyền lực tối thượng! … Đức Giêsu khẳng định với Phi la tô rằng quyền lực của ông ấy, cả của sếp Xêda của ông ấy, là bởi Trời, bởi Thiên Chúa! Và nói với các môn đệ, Người căn dặn họ đừng lạm quyền kiểu những nhà cầm quyền thế gian, nhưng hãy nhớ rằng giữa họ thì quyền lực và vai trò lãnh đạo chỉ có ý nghĩa phục vụ mà thôi. Người lấy chính Người làm gương: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và trao hiến mạng sống…! Hình ảnh Chúa Ki tô Vua trong cách thể hiện của chúng ta thường gắn với cẩm bào, vương miện và côn trượng; nhưng thực ra hình ảnh Ki tô Vua đích thực là Giêsu chịu đóng đinh và chết trên Thập giá, với tấm bảng ‘INRI’ ở trên đầu!

Giáo hội là cơ chế có tính thuộc linh, thần quyền đúng hơn là dân chủ – vì thế, quyền bính của những người lãnh đạo trong Giáo hội thật sự rất lớn. Hãy nghĩ đến quyền của giám mục giáo phận! Và quyền của các cha sở ở các giáo xứ! Quyền càng lớn thì cái bẫy lạm quyền càng đáng phải cảnh giác biết bao! Để làm sáng tỏ điều này, tôi cho rằng tốt nhất là dẫn lời của Đức Phan xi cô ở số 104, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, trong văn mạch ngài đang nói về vị thế của… phụ nữ trong Giáo hội! Bản văn như sau:

[104]. Các đòi hỏi rằng các quyền hợp pháp của phụ nữ phải được tôn trọng, dựa trên xác tín vững vàng rằng người nam và người nữ bình đẳng với nhau về phẩm giá, đang đặt ra cho Hội Thánh những vấn đề sâu xa và thách thức mà chúng ta không thể coi nhẹ và lẩn tránh. Việc chức linh mục được dành riêng cho nam giới, như một dấu chỉ Đức Kitô là Phu Quân hiến mình trong bí tích Thánh Thể, là vấn đề không thể bàn cãi, nhưng nó có thể gây chia rẽ, đặc biệt nếu quyền năng của bí tích bị đồng hoá với quyền năng nói chung. Phải nhớ rằng khi nói về quyền năng bí tích “chúng ta đang ở trong lãnh vực chức năng hoạt động, chứ không phải lãnh vực phẩm giá hay sự thánh thiện”. Chức tư tế thừa tác là phương tiện Chúa Giêsu dùng để phục vụ dân Ngài, nhưng phẩm giá cao cả của chúng ta bắt nguồn từ phép rửa tội mà mọi người có thể lãnh nhận. Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu – nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng – không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác”. Thực tế, Đức Maria là một phụ nữ nhưng quan trọng hơn các giám mục. Thậm chí khi chức năng của chức linh mục thừa tác được coi là thuộc “phẩm trật”, ta vẫn phải nhớ rằng “nó hoàn toàn được qui hướng về sự thánh thiện của các chi thể của Đức Kitô”. Chìa khoá và trục của chức năng này không phải là quyền lực hiểu như là sự thống trị, nhưng là quyền lực để cử hành bí tích Thánh Thể; đây là nguồn gốc quyền bính của chức linh mục, luôn luôn là để phục vụ Dân Chúa… (hết trích).

Quyền bính của chức linh mục luôn luôn là để phục vụ dân Chúa! Mẫu thức của việc thực thi quyền bính linh mục, vì thế, là hình ảnh Đức Giêsu quì xuống rửa chân cho các môn đệ – cho tất cả, không loại trừ Giu đa Iscariot! “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa – đúng lắm … Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

Không phải ‘ông trời con’, mà là một tôi tớ!

……………………………..

P/S: Sài Gòn mưa, không gian xám xịt, bầu khí nặng như chì, nhất là khi bản tin cuối ngày cho biết hôm nay con số Positive của thành phố tăng lên với 4.218 ca. Thật là Negative! Tôi viết stt này nối tiếp loạt stt về linh mục mà cảm thấy hơi lạc điệu. Nhưng cũng chẳng biết làm gì khác hơn để … cứu Sài Gòn! Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!

Lm . Giuse Lê Công Đức
Giáo sư Đại Chủng Viện Huế
WGPKT(24/07/2021) KONTUM